RSS Feed for Phát triển điện gió Việt Nam: Cơ hội và thách thức | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 26/01/2025 13:13
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phát triển điện gió Việt Nam: Cơ hội và thách thức

 - "Việc phát triển các nguồn điện gió ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất chậm. Trên thực tế, mới có 7 dự án điện gió với tổng công suất 190 MW được đưa vào vận hành. Những khó khăn, rảo cản về việc sử dụng đất, vốn, đấu nối và giải tỏa công suất, về hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ mới và hiệu quả, về nguồn dự phòng hay về cơ chế chính sách… luôn đặt ra cho những nhà quản lý trong quá trình định hướng, xây dựng chính sách phát triển” - Ông Nguyễn Văn Thành, Phó tổng cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội nghị “Điện gió Việt Nam: Cơ hội và thách thức” do Hiệp hội điện gió toàn cầu (GWEC) phối hợp với Bộ Công Thương, Đại sứ quán Đan Mạch, Đại sứ quán Đức và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức ngày 7/6/2018, tại Hà Nội.

Một góc nhìn khác về năng lượng tái tạo
Phát triển năng lượng tái tạo: Việt Nam cần giải pháp đột phá
Tổng quan năng lượng tái tạo toàn cầu và vấn đề đặt ra

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó tổng cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương).

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thành cho biết: Việt Nam là một nước đông dân và đang trong thời kỳ phát triển. Với quy mô kinh tế hiện nay và tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm khoảng trên dưới 7%năm, nhu cầu năng lượng nói chung và điện nói riêng của Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn. Theo đánh giá của các tổ chức kinh tế thế giới, giai đoạn 2020-2030, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển về điện cao nhất thế giới.

Để đảm bảo cho cấp điện cho nhu cầu phát triển kinh tế đất nước, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số: 428/2016-TTg, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện Quốc gia (QHĐ VII) giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, nguồn năng lượng sơ cấp để phát điện vẫn chủ yếu dựa vào nguồn năng lượng hóa thạch như than, dầu khí, khí gas; nguồn điện năng lượng tái tạo vẫn ở mức khiêm tốn.

Với nhu cầu năng lượng phục vụ phát triển kinh tế, Việt Nam từ một nước xuất khẩu tịnh năng lượng đã trở thành một nước nhập khẩu tịnh về năng lượng và ngày càng phụ thuộc vào việc nhập khẩu các nguồn than và khí hóa lỏng từ nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Việt Nam là nước có tiềm năng năng lượng tái tạo khá lớn như: thủy điện nhỏ có tiềm năng khai thác 7.000 MW, điện gió tiềm năng tới 27.000 MW, sinh khối tiềm năng tới 2.000 MW, mặt trời tiềm năng 4-5kWh/m2.năm…

Trước những biến đổi về khí hậu toàn cầu, nhu cầu bảo vệ môi trường cho con người và giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu các nguồn năng lượng hóa thạch từ nước ngoài, để đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Với mục tiêu “Ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo đạt trên 10% vào năm 2030, Chính phủ đã ban hành các cơ chế chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt sử dụng các nguồn năng lượng gió, mặt trời, sinh khối để phát điện, thay thế dần việc sử dụng các nguồn hóa thạch trọng tương lai. Với các cơ chế ban hành, việc phát triển điện mặt trời đã có những khởi sắc đáng khích lệ.

Tuy nhiên, việc phát triển các nguồn điện gió ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất chậm. Hiện nay mới có 7 dự án điện gió với tổng công suất 190 MW được đưa vào vận hành. “Những khó khăn, rào cản nào khiến cho điện gió phát triển chậm: khó khăn về việc sử dụng đất, về vốn, về đấu nối và giải tỏa công suất, về hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ mới và hiệu quả, về nguồn dự phòng hay về cơ chế chính sách… những câu hỏi đó luôn đặt ra cho những nhà quản lý trong quá trình định hướng, xây dựng chính sách phát triển” - Ông Nguyễn Văn Thành phát biểu.

Trước khi bước vào xây dựng Quy hoạch phát triển điện Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 (QHĐ VIII), Bộ Công Thương mong muốn lắng nghe từ phía các tập đoàn, tổng công ty, các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo về kinh nghiệm trong phát triển công nghệ mới và hiệu quả, kinh nghiệm trong khai thác các tiềm năng năng lượng gió và mặt trời trên các vùng địa lý, khí hậu khác nhau, kinh nghiệm trong việc tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện để tham mưu cho Chính phủ trong việc quyết định kế hoạch chiến lược phát triển điện Việt Nam đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng, giảm phát thải, giảm các tác động đến môi trường cũng như xây dựng các chính sách nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo đầy tiềm năng của đất nước.

Ông Steve Sawyer, Tổng thư ký GWEC.

Ông Steve Sawyer, Tổng thư ký GWEC cho biết: Điện gió là một trong những ngành phát triển nhanh nhất thế giới. Chỉ tính riêng năm 2017, tổng vốn đầu tư toàn cầu cho điện gió đạt mức 107 tỉ USD với hơn 1,15 triệu lao động trên toàn thế giới. Ngày càng nhiều thị trường lựa chọn điện gió làm nguồn cung năng lượng, vì đây thường là lựa chọn sản xuất điện chi phí thấp nhất.

Năm 2017, tại hơn 30 quốc gia, điện từ nguồn năng lượng tái tạo mới, khi chưa được trợ giá, có giá thấp hơn điện từ nguồn nhiên liệu hóa thạch. Tới năm 2025, đây sẽ là tình hình chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Điện gió đã trở thành động lực phát triển chính hướng tới tương lai năng lượng bền vững.

Theo ông Steve Sawyer, mặc dù Việt Nam đã có khung chính sách năng lượng quốc gia vững chắc và các mục tiêu hết sức thực tế, song cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện tính hiệu quả và minh bạch trong các quy định của thị trường cũng như quy trình đấu thầu mua sắm.

GWEC tin rằng, một khi có thể hợp tác với Chính phủ để giải quyết một số vấn đề về quy định pháp lý, ngành điện gió ở Việt Nam sẽ có thể phát triển mạnh mẽ, mang lại những lợi ích to lớn về mặt kinh tế và môi trường cũng như giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn với các tổ chức và nhà đầu tư quốc tế.

“Chúng tôi mong muốn giúp Việt Nam đạt được những lợi ích mà ngành điện gió mang lại: một nguồn năng lượng sạch có giá phải chăng để phục vụ phát triển kinh tế; tăng cường an ninh năng lượng; đồng thời phát triển công nghệ tiên tiến nhất và tạo việc làm” - Ông Steve Sawyer nhấn mạnh.

Hội nghị “Điện gió Việt Nam: Cơ hội và thách thức”.

Để ngành điện gió Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ, GWEC đưa ra 4 khuyến nghị:

1/ Hợp đồng mua bán điện (PPA) được chuẩn hóa.

Đặc điểm của điện gió là chi phí dự án phần lớn đều là chi đầu tư trả trước, không phát sinh chi phí nhiên liệu và chi phí vận hành và bảo trì trong suốt vòng đời của dự án tương đối nhỏ. Do đó, vốn và chi phí vốn là yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn đầu tư của điện gió.

Hợp đồng mua bán điện (PPA) là yếu tố quan trọng nhất quyết định chi phí vốn. PPA được chuẩn hóa, minh bạch và được các tổ chức tài chính chấp nhận là cần thiết để giảm rủi ro và chi phí vốn. Chúng tôi rất vui khi thấy rằng gần đây nhiều PPA cho các dự án điện gió đã được kí kết, song PPA vẫn cần được tinh chỉnh hơn nữa để được các tổ chức tài chính quốc tế chấp thuận và để công suất phát điện sử dụng năng lượng gió ở Việt Nam đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện tăng cao.

2/ Quy trình phê duyệt dự án đơn giản hóa và rõ ràng.

Quy trình phê duyệt dự án rõ ràng, minh bạch và có thời hạn cụ thể là rất quan trọng để giảm tính bất trắc, tăng niềm tin của thị trường và nhà đầu tư cũng như tối đa hóa tăng trưởng ngành.

3/ Quy hoạch trước hạ tầng lưới điện.

Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với nguồn thủy điện dồi dào. Đây là lợi thế quan trọng giúp thiết lập hệ thống lưới điện hiện đại và linh hoạt. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng vượt trội được dự báo của ngành điện, cần có quy hoạch và đầu tư để đảm bảo bổ sung thành công nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời vào hệ thống.

4/ Thành lập Hiệp hội điện gió Quốc gia.

Ngành điện gió Việt Nam đã sẵn sàng để tăng trưởng mạnh mẽ. Một ngành công nghiệp mạnh tầm quốc gia cần có một hiệp hội ngành đủ mạnh để hỗ trợ ngành phát triển. Hiệp hội ngành đóng vai trò không thể thiếu trong việc hỗ trợ để ngành điện gió phát triển lành mạnh. Thực tiễn này đã được áp dụng trên nhiều quốc gia đứng đầu về điện gió như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đức, Đan Mạch, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Brazil, Vương quốc Anh, Pháp và Mexico.

Hiệp hội điện gió quốc gia có thể giữ vai trò lèo lái chính trong các sáng kiến lập pháp và góp phần giúp chính phủ hỗ trợ ngành, đồng thời thúc đẩy đối thoại trực tiếp trong mô hình Hợp tác công - tư, tạo cơ sở hợp tác phù hợp với năng lực của các bên. Hiệp hội có thể giúp chính phủ trao đổi một cách hiệu quả với ngành, đồng thời là đầu mối để ngành tương tác với chính phủ. Hiệp hội cũng có thể góp phần phát triển ngành thông qua các hội nghị, hội thảo và các chương trình giáo dục đào tạo trong ngành.

Hiệp hội điện gió toàn cầu sẵn sàng tạo điều kiện và trợ giúp để ngành điện gió Việt Nam phát triển hơn nữa. Để làm được điều này, cần một hiệp hội điện gió quốc gia có năng lực và ngành điện gió trong nước đủ mạnh để đảm bảo Việt Nam có thể thu được lợi ích tối đa từ nguồn tài nguyên gió dồi dào. Chúng tôi tin rằng tương lai ngành điện gió của Việt Nam sẽ hết sức tươi sáng và rất sẵn lòng hỗ trợ nếu cần.

MAI THẮNG

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động