RSS Feed for Luật năng lượng tái tạo: Tại sao không? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 28/03/2024 15:33
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Luật năng lượng tái tạo: Tại sao không?

 - Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo lên khoảng 5% tổng năng lượng thương mại sơ cấp vào năm 2020 và khoảng 11% nào năm 2050. Song việc đề ra mục tiêu là cần, nước ta phải có luật năng lượng tái tạo mới là điều kiện đủ thúc đẩy ngành năng lượng này phát triển.

Cần thay đổi tư duy lỗi thời về năng lượng tái tạo

Kinh nghiệm từ các nước dẫn đầu

Thế giới đang có những bước chuyển biến mạnh mẽ trong ngành năng lượng. Xu thế mới mà các quốc gia đang theo đuổi là hạn chế phát triển mới các công trình năng lượng hóa thạch, thay vào đó đẩy mạnh chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhằm giảm nhu cầu điện và khuyến khích sử dụng nhiều năng lượng tái tạo (NLTT) hơn trong cán cân năng lượng.

Bằng tầm nhìn chiến lược và những bước đi dài hơi, CHLB Đức đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng chiến lược nền kinh tế “năng lượng xanh”. Luật Năng lượng tái tạo của Đức (EEG) được xây dựng và có hiệu lực năm 2000, trong đó quy định cụ thể mức giá ưu đãi đối với mỗi kWh điện gió. Chính sách này, cùng với mức giá ưu đãi về giá điện gió Chính phủ Đức thực hiện từ năm 1991, đã tác động tích cực tới sự phát triển năng lượng gió của nước này. Trong quá trình thực hiện, EEG thường xuyên được điều chỉnh, sửa đổi để phù hợp với thị trường và thực tế phát triển công nghệ mới. Cạnh đó, Luật Xây dựng của Đức cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển nguồn năng lượng này, thậm chí, các nhà máy năng lượng gió được xếp vào danh mục “các dự án đặc quyền” với cơ chế ưu tiên cụ thể.

Những chính sách linh hoạt và mềm dẻo đó đã giúp nước Đức phát triển thành công thị trường điện gió, chỉ trong 10 năm (2001 - 2010) tổng công suất lắp đặt tăng từ 8.754 MW (năm 2001) lên 27.214 MW (năm 2010), chiếm 25% công suất điện gió thế giới. Năng lực sản xuất điện gió, theo Hiệp hội Năng lượng gió Đức (BWE), cung cấp khoảng 25% sản lượng điện tiêu thụ của cả nước. Nước này có thể lưu trữ 45.000 MW trên bờ và 10.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2020, tạo ra khoảng 150 TWh/năm. Đặc biệt, trong chiến lược phát triển kinh tế, công nghiệp điện gió được xem là một trong những trụ cột của nước này, với khả năng công nghệ thuộc loại hàng đầu thế giới, có thể cung cấp thiết bị cho nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Chỉ tính riêng năm 2008, doanh thu từ xuất khẩu thiết bị điện gió của Đức đã đạt 12 tỷ Euro.

Hiện nước Đức đang có nhiều nỗ lực để trở thành cường quốc công nghiệp đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% “năng lượng xanh” tái tạo và hướng tới “mục tiêu xanh” vào năm 2050. Bộ Môi trường Đức mới đây đã công bố Bản lộ trình mới phác thảo tiến trình thực hiện các kế hoạch hướng tới một nền kinh tế sử dụng hoàn toàn NLTT. Năm 2008, NLTT chiếm 7% tổng lượng tiêu thụ năng lượng gốc của Đức, nhưng con số dự đoán sẽ tăng lên 33% vào năm 2020 khi nước này nhanh chóng vượt lên các quốc gia châu Âu khác trong phát triển nguồn năng lượng này.

Việc có nhiều tài nguyên NLTT là nền tảng để nước Đức đưa ra nhiều biện pháp, kế hoạch nâng cao hiệu suất năng lượng. Theo Bản lộ trình, việc xây dựng mạng lưới “điện thông minh”, giảm tiêu thụ điện năng khoảng 28% trong vòng 20 năm tới, từ 384,5 tỉ kWh năm 2007 xuống 333,3 tỉ kWh vào năm 2020 và 277,7 tỉ kWh vào năm 2030. Thực hiện kế hoạch giảm tiêu thụ năng lượng, nước Đức sẽ tiết kiệm được hàng tỉ USD chi trả cho nhập khẩu năng lượng. Ước tính đến năm 2030, nước Đức sẽ có tới 50% năng lượng điện tiêu thụ lấy từ nguồn NLTT.

Chiến lược năng lượng mới nhằm tạo lập một nền “kinh tế xanh” không chỉ là giải pháp phát triển bền vững, mà còn là một trong những cứu cánh để tránh thảm họa khôn lường do biến đổi khí hậu gây ra. Cùng với Đức, Ấn Độ cũng là một trong những nước dẫn đầu thế giới về công suất điện gió, với chính sách đa dạng hóa nguồn năng lượng vào năm 1980. Cơ quan Nguồn năng lượng được chuyển thành Bộ Năng lượng, đã tiến hành nghiên cứu, xác định, triển khai các dự án điện gió và đưa vào khai thác.

Những chính sách khuyến khích phù hợp, những kết quả nghiên cứu kỹ thuật chi tiết và định hướng phát triển rõ ràng của Chính phủ Ấn Độ đã thu hút các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân đầu tư và phát triển thị trường điện gió hiệu quả mà không cần sự đầu tư lớn của Nhà nước. Một loạt các doanh nghiệp, trong đó 97% là doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư vào sản xuất các thiết bị phát điện và phục vụ xuất khẩu. Năm 2000, Ấn Độ mới có 1.220 MW điện gió, nhưng sau 5 năm, công suất điện gió của nước này đã tăng lên 3 lần, đạt mức 3.595 MW. Riêng năm 2004, đã lắp đặt được tuabin điện gió mới với tổng công suất 1.112 MW, đưa Ấn Độ vươn lên hàng thứ năm trên thế giới về công suất, sau CHLB Đức, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ. Trong quá trình thực hiện, Chính phủ Ấn Độ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp cũng như có biện pháp kiểm tra, giám sát đảm bảo đầu tư của khu vực tư nhân không đi ngược lại lợi ích của xã hội.

Thành công của Đức hay Ấn Độ về NLTT là do chính sách vĩ mô, sự đầu tư đúng đắn về chiến lược nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ và sản xuất để có được giá thành thấp hơn nhiều so với nhập khẩu và nội địa hóa sản phẩm giá thành rẻ và tạo rất nhiều công việc cho tăng trưởng xanh từ ngành này.

Cần có luật năng lượng tái tạo

Việt Nam là một trong những nước được đánh giá có nhiều tiềm năng về năng lượng gió. Theo như tính toán của Ngân hàng thế giới (WB), tiềm năng điện gió của Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á, với tổng công suất ước tính khoảng 513.360MW gấp 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện về nhu cầu điện của đất nước ta vào năm 2020. Đây là mức tính cho tốc độ gió khá từ 6m/s trở lên (Tiềm năng do WB đưa ra là tổng tiềm năng NL gió chứ không phải chỉ NL gió, cho gió có vận tốc từ 6m/s. Ngoài ra, cách đánh giá NL gió của WB dựa trên các phân tích số liệu từ vệ tinh nên độ chính xác không cao. Tiềm năng 513.360MW là quá lạc quan), chỉ riêng tỉnh Ninh Thuận, trung tâm NLTT của cả nước, tiềm năng gió đã hơn cả một số nước khác.

Tuy nhiên, trên thực tế, nước ta đang bỏ qua những lợi thế của đất nước như NLTT, nhiên liệu sinh học, nông nghiệp... đặc biệt, với định hướng về tầm nhìn và chiến lược, đầu tư cho phát triển NLTT, xây dựng ngành công nghiệp điện gió còn xa rời thực tế của nước ta thì việc phát triển nguồn năng lượng sạch này vẫn chỉ là tiềm năng. Ông Đặng Quốc Toản Giám đốc Công ty Cổ phần năng lượng dầu khí châu Á tại “Hội thảo Năng lượng gió Việt - Đức” cuối năm 2015, đã thẳng thắn chỉ rõ việc thiếu luật về NLTT đã dẫn đến những hạn chế phát triển nguồn năng lượng này.

Theo Viện Năng lượng, các dự án sản xuất điện từ NLTT ở Việt Nam đã tăng gấp đôi từ năm 2000 đến 2010, dù giá mua điện hiện nay từ các dự án NLTT chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Tính đến hết 2010, NLTT chiếm khoảng 3,5% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện. Tuy nhiên, theo đánh của các chuyên gia thì rất nhiều các nhà máy thuỷ điện nhỏ và cực nhỏ là không hoạt động, còn các nhà máy điện sinh khối hoạt động cầm chừng hoặc theo thời vụ. Không kể thủy điện nhỏ thì năm 2010 công suất lắp đặt của điện NLTT là khoảng 790MW, chủ yếu là từ sinh khối, gió và mặt trời. Tốc độ tăng trưởng trong ngành điện sinh khối làm chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu nguồn.

Rào cản chính cho phát triển NLTT là chi phí sản xuất. Nhiều công nghệ mới của NLTT gồm gió, mặt trời và nhiên liệu sinh học đã và sẽ sớm có tính cạnh tranh kinh tế với các nhiên liệu hóa thạch và có thể đáp ứng một phần nhu cầu năng lượng của Việt Nam. Các công nghệ có chi phí tương đối cạnh tranh là thủy điện, gió, sinh khối và địa nhiệt. Mặc dù pin mặt trời có chi phí cao nhưng chi phí này giảm đều đặn do tiến bộ trong công nghệ. Ngoài yếu tố giá thành sản xuất cao, một số rào cản khác đối với sự phát triển NLTT được kể đến như: thiếu các chính sách và tổ chức hỗ trợ cho phát triển NLTT; thiếu thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quy hoạch và hoạch định chính sách; công nghệ và dịch vụ phụ trợ cho NLTT chưa phát triển; khó tiếp cận nguồn vốn để phát triển các dự án NLTT. 

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030, với mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm trong giai đoạn 2016 - 2030, phần NLTT không còn có tỷ lệ thấp như Quy hoạch điện VII cũ mà đã tăng rất đáng kể. Theo đó, đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ NLTT, từng bước gia tăng tỷ trọng của điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện. Cụ thể, ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, nhất là các dự án lợi ích tổng hợp (chống lũ, cấp nước, sản xuất điện); nghiên cứu đưa nhà máy thuỷ điện tích năng vào vận hành phù hợp với phát triển của hệ thống điện quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả vận hành của hệ thống điện. Tổng công suất các nguồn thủy điện (bao gồm cả thủy điện vừa và nhỏ, thủy điện tích năng) từ gần 17.000 MW hiện nay lên khoảng 21.600 MW vào năm 2020, khoảng 24.600 MW vào năm 2025 (thủy điện tích năng 1.200MW) và khoảng 27.800 MW vào năm 2030 (thủy điện tích năng 2.400MW). Điện năng sản xuất từ nguồn thủy điện chiếm tỷ trọng khoảng 29,5% vào năm 2020, khoảng 20,5% vào năm 2025 và khoảng 15,5% vào năm 2030.

Quy hoạch điện hiệu chỉnh cũng đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức 140 MW hiện nay lên khoảng 800 MW vào năm 2020, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030. Cạnh đó, đẩy nhanh phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng mặt trời, bao gồm cả nguồn tập trung lắp đặt trên mặt đất và nguồn phân tán lắp đặt trên mái nhà: Đưa tổng công suất nguồn điện mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 850 MW vào năm 2020, khoảng 4.000 MW vào năm 2025 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện mặt trời chiếm tỷ trọng khoảng 0,5% năm 2020, khoảng 1,6% vào năm 2025 và khoảng 3,3% vào năm 2030.

Kinh tế thế giới đang biến động với diễn biến khó lường tác động đến thị trường, nguồn cung nguyên, nhiên liệu, công nghệ, tài chính, vốn… của các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là Việt Nam. Phát triển điện từ NLTT, giảm nhiệt điện đốt than cũng là giảm phát thải nhà kính và tăng an ninh năng lượng, biện pháp tốt nhất đối với hệ thống điện Việt Nam. Việc Nhà nước sớm xây dựng và ban hành luật NLTT là hết sức cần thiết, để từ đó đưa ra những chính sách cụ thể, xóa bỏ các rào cản cho NLTT phát triển.

HẢI VÂN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động