Ký biên bản ghi nhớ ‘đồng phát triển’ dự án điện gió lớn nhất ĐBSCL
06:31 | 02/10/2020
Tổng quan thống nhất về giá trị tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam
Dự án điện gió này sẽ được phát triển theo hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có quy mô công suất 60 MW, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2021.
Quỹ đầu tư Queen Capital Finance cùng với Lee&Lee và Thiên Phú đã ký kết biên bản ghi nhớ đồng phát triển 560 MW điện gió tại Bến Tre.
Khi đi vào triển khai xây dựng, đây sẽ là dự án điện gió lớn nhất tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, với tổng mức đầu tư lên tới 1,05 tỷ USD, bao gồm trang trại điện gió gần bờ với quy mô công suất 430 MW và trang trại điện gió trên bờ với quy mô công suất 130 MW.
Quỹ đầu tư Queen Capital Finance cam kết sẽ đảm bảo nguồn vốn cho dự án với quy mô 120 - 150 triệu USD để phát triển 60 MW (giai đoạn 1) và tiếp tục cung cấp vốn để phát triển 500 MW (giai đoạn 2), dự kiến bắt đầu triển khai vào đầu năm 2022.
Sau khi đi vào hoạt động, hàng năm hai trang trại điện gió này ước tính sẽ sản xuất hơn 1.700 GWh điện thương phẩm, tạo hơn 200 việc làm cho người dân địa phương, và đóng góp hơn 400 tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách Nhà nước, nhờ vậy đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh Bến Tre.
Quỹ đầu tư Queen Capital Finance
Là quỹ đầu tư tiên phong trong các hoạt động đầu tư tư nhân vào lĩnh vực công nghệ và dịch vụ tài chính ở các nước châu Á, cung cấp nguồn vốn cho mở rộng quy mô, mua bán sáp nhập.
Quỹ Queen Capital Finance quản lý danh mục đầu tư đa ngành, trong đó có quản lý chuỗi cung ứng, dịch vụ tài chính, sản xuất, truyền thông, năng lượng, nông nghiệp và vận tải.
Tính đến 2020, tổng danh mục đầu tư của Quỹ Queen Capital Finance đã đạt hơn 5 tỷ USD. Quỹ Queen Capital Finance quan tâm các dự án bất động sản, dịch vụ tài chính, các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng có tiềm năng, mang lại tăng trưởng giá trị đầu tư trong dài hạn và cổ tức ổn định hàng năm.
Lee&Lee và Thiên Phú
Đặt mục tiêu phát triển một trung tâm năng lượng tái tạo với tổng quy mô công suất hơn 1.000 MW tại tỉnh Bến Tre, với đặc trưng là một hệ thống tích hợp đồng bộ cơ sở hạ tầng truyền tải điện 220 kV, giải pháp lưu trữ năng lượng và các công nghệ lưới điện thông minh; dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.
Mô hình trung tâm năng lượng tái tạo này lần đầu tiên được triển khai thí điểm tại Việt Nam hứa hẹn sẽ mang lại giải pháp tháo gỡ vấn đề thiếu điện của Việt Nam hiện nay, đồng thời giúp ngành năng lượng Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiệt điện than, nhờ đó đảm bảo sự tuân thủ các cam kết của Việt Nam theo Công ước khung của Liên Hợp Quốc về ứng phó biến đổi khí hậu (COP25).
Sự mạnh dạn trong chiến lược đầu tư của Lee&Lee và Thiên Phú xuất phát từ định hướng đẩy mạnh năng lượng tái tạo của Chính phủ Việt Nam với mục tiêu nâng tổng công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo tăng thêm hơn 6.000 MW trong giai đoạn 2020-2025 và tăng thêm hơn 18.000 MW trong giai đoạn 2025-2030./.
PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM