RSS Feed for Khởi đầu mới của nền công nghiệp điện hạt nhân | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 17:35
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Khởi đầu mới của nền công nghiệp điện hạt nhân

 - Vào đầu tháng 8/2016, tổ máy số 6 Nhà máy Điện hạt nhân (ĐHN) Novovoronezh của Nga đã đấu nối thành công với hệ thống điện quốc gia Liên bang Nga. Đây là một mốc sự kiện quan trọng cho ngành công nghiệp này, bởi vì nó khởi đầu một thời kỳ mới của điện hạt nhân công nghệ thế hệ 3+ - công nghệ hiện đại và an toàn nhất hiện nay của ngành, cân nhắc và rút kinh nghiệm từ sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Tại sao Việt Nam cần điện hạt nhân?

Nhà máy Điện hạt nhân Novovoronezh đã đấu nối thành công với hệ thống điện quốc gia Liên bang Nga.

TS. VÕ VĂN THUẬN

Tổ máy số 6 của Nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh sử dụng lò phản ứng VVER-1200. Nền tảng thiết kế tổ máy dựa trên 50 năm kinh nghiệm vận hành an toàn không sự cố của hơn 60 lò phản ứng VVER trên toàn thế giới.

Lò phản ứng VVER-1200 tuân thủ các yêu cầu về khoa học và kỹ thuật của Nga, cũng như khuyến nghị của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế  (IAEA).

Lợi thế ưu việt của lò phản ứng VVER-1200 là sự kết hợp giữa hệ thống an toàn thụ động và chủ động. Hệ thống an toàn thụ động hướng đến việc đảm bảo an toàn trong trường hợp tai nạn xảy ra mà hoàn toàn không cần đến sự can thiệp của con người.

Khi có sự cố, các chất phóng xạ sẽ được cô lập ngay trong nhà lò phản ứng, kể cả tình huống giả định khi tâm lò bị nóng chảy. Bụi khí phóng xạ đảm bảo được lọc và hấp thụ không thể phát tán ra ngoài môi trường xung quanh.

Ví dụ, bẫy vùng hoạt (core catcher) là một thiết bị thuộc hệ thống an toàn thụ động, có nhiệm vụ giữ lại corium - chất nóng chảy từ vùng hoạt, trong trường hợp lò phản ứng không may gặp vấn đề. Nói một cách đơn giản hơn, bẫy vùng hoạt giống như một “chiếc xô” đặt dưới vỏ lò phản ứng, dùng để hứng giữ các chất phóng xạ nguy hiểm ngăn không cho chúng rò rỉ ra ngoài môi trường.

Với tất cả các thiết bị an toàn được thiết lập, bao gồm cả tường lò phản ứng hai lớp, tổ máy được bảo vệ khỏi các tác động bên ngoài như: động đất, sóng thần, và thậm chí là tai nạn máy bay đâm.

VVER-1200 là công nghệ đầu tiên cho thế hệ lò phản ứng 3+ do Liên bang Nga thiết kế, chế tạo và được IAEA cũng như rất nhiều các chuyên gia ĐHN quốc tế đánh giá cao. Các quốc gia có nền năng lượng hạt nhân phát triển như Phần Lan và Hungary cũng đều lựa chọn VVER-1200 cho những dự án xây dựng hạt nhân mới.

Trước khi xảy ra sự cố hạt nhân Fukushima vào tháng 3/2011 chỉ có lò EPR do châu Âu chế tạo được coi như lò thế hệ 3+. Hiện nay, một số công nghệ 3+ khác như lò AP-1000 của hãng Westinghouse đang được xây ở Trung Quốc và Mỹ, nhưng chưa có tổ máy nào khởi động.

Như vậy tổ máy số 6, Nhà máy ĐHN Novovoronezh trở thành lò thế hệ 3+ đầu tiên trên thế giới sau sự cố Fukushima được chính thức vận hành và hòa lưới điện thương mại.

Công nghệ  VVER-1200 cho ĐHN Ninh Thuận 1

Sự kiện này cũng có ý nghĩa trực tiếp đối với Việt Nam, khi nước ta lựa chọn công nghệ VVER-1200 cho dự án ĐHN Ninh Thuận 1.

Với bước này, dự án ĐHN Ninh Thuận 1 đã đáp ứng rất tích cực và nghiêm túc các yêu cầu của Quốc hội Việt Nam về tính hiện đại, an toàn và hiệu quả khi Quốc hội cho phép khởi động Dự án cuối năm 2009, cũng như các yêu cầu nâng cao an toàn sau khi xảy ra vụ Fukushima đầu năm 2011. 

Cần phải nói thêm rằng, ở một nước đang phát triển như Việt Nam, việc đưa ra quyết định lựa chọn xây dựng nhà máy ĐHN luôn là một thách thức, gây nhiều tranh luận. Tuy nhiên, quyết định xây dựng nhà máy ĐHN phù hợp với quá trình cụ thể hóa khái niệm “Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa”. Bởi lẽ, một công nghệ mới hiện đại trong lĩnh vực ĐHN như VVER-1200 chính là nơi hội tụ hàm lượng chất xám cao của những bộ môn khoa học - công nghệ tiên tiến nhất.

Hiện nay, Việt Nam được coi là nước đi đầu trong khu vực Đông Nam Á về phát triển ĐHN. Để chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu trong một lĩnh vực kinh tế tri thức như vậy không phải là việc nhỏ, đó là ước mơ lớn. Không có ĐHN thì nhiệt điện than sẽ phát triển ồ ạt đưa đến hậu quả môi trường không thể khống chế nổi. Nhưng nếu có một ngành năng lượng quốc gia với phần đóng góp đáng kể của ĐHN thì đó sẽ là một nền kinh tế tri thức cụ thể mà nhiều nhà hoạch định chính sách từng nói đến như một mong ước chung.

Nếu được như vậy, trong vài chục năm sau chúng ta sẽ có cơ may dần thu hẹp tỉ lệ nhiệt điện than, vốn là nguy cơ ô nhiễm bụi khí và tạo ra hiệu ứng nhà kính, gây biến đổi khí hậu toàn cầu. Chiến lược ĐHN sẽ là bàn đạp cho phát triển bền vững, ổn định lâu dài. Chỉ như vậy nền kinh tế công nghiệp hóa mới có thể phát triển mạnh mà môi trường vẫn giữ được thanh sạch để cho Việt Nam luôn có thiên nhiên tươi đẹp đón chào khách quốc tế đến thăm và mến mộ.

Tôi mong là sự kiện nước Nga hòa lưới điện thành công tổ máy VVER-1200 đầu tiên sẽ giúp cho nhận thức ở Việt Nam về vai trò của ĐHN đúng đắn và kiên định hơn.

NangluongVietnam Online

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động