Khai mạc Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2019
11:09 | 17/09/2019
Việt Nam nên định hướng phát triển điện gió, mặt trời thế nào?
Ông Phạm Ngọc Linh - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương).
Phát biểu tại Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2019, ông Phạm Ngọc Linh - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho biết: Việt Nam đang phải đối diện bài toán tìm nguồn năng lượng mới. Với quy mô kinh tế hiện nay và tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm (khoảng trên dưới 7%/năm), nhu cầu năng lượng nói chung và điện nói riêng của Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn.
Để đáp ứng nhu cầu năng lượng, Việt Nam hiện đang ngày càng phụ thuộc vào việc nhập khẩu các nguồn than và khí hóa lỏng từ nước ngoài để phát triển nhiệt điện. Phát triển nhiệt điện đã và đang bộc lộ những hạn chế trong việc gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Khi hạn chế sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất của nhiệt điện than, là nguồn chiếm khoảng 48% sản lượng điện trên cả nước. Xu hướng nhiệt độ tăng, mưa giảm trong những năm qua khiến nhiều hồ thủy điện tại miền Trung - Tây Nguyên đang gần mức nước chết, gây áp lực lớn cho việc đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Để đối mặt với tình trạng này, việc phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam là xu thế tất yếu nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào than nhập khẩu, các nguồn năng lượng sơ cấp và góp phần bảo vệ môi trường.
Đảng cộng sản Việt Nam, trong lãnh đạo đất nước, đã ban hành nhiều chủ trương nhằm bảo đảm tăng trưởng xanh và phát triển bền vững như: Nghị quyết số 20 về ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ; Nghị quyết số 24 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường… trong đó đều nêu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và sử dụng năng lượng tái tạo là giải pháp quan trọng cho phát triển bền vững đất nước.
Từ năm 2017 đến nay, Chính phủ cũng đã ban hành hàng loạt chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo để thúc đẩy sản xuất và thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Chỉ trong thời gian 2 năm, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện quốc gia tăng nhanh từ không đáng kể lên hơn 9%, với 2 nguồn chủ yếu là điện gió và điện mặt trời. “Đó là những thay đổi tích cực thể hiện sự nỗ lực cần được ghi nhận của người dân và Chính phủ để giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng truyền thống, nhằm bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững của Việt Nam” - Ông Linh nhấn mạnh.
Ông Antoine Vander Elts - Bộ phận Hợp tác và Phát triển Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam.
Ông Antoine Vander Elts - Bộ phận Hợp tác và Phát triển Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết: Trong suốt 4 năm qua, Liên minh châu Âu đã hỗ trợ và làm việc với Chính phủ Việt Nam để tăng cường cải thiện những vấn đề liên quan đến chuyển đổi năng lượng. Theo đó, chúng tôi đã thấy được rất nhiều những tiến bộ trong vấn đề về đấu nối vào lưới điện.
Liên minh châu Âu cũng tập trung vào vấn đề sử dụng chiến lược về năng lượng tái tạo, cũng như sử dụng năng lượng hiệu quả. “Chúng tôi luôn có sự hỗ trợ và đây cũng là đường hướng chung của các quốc gia thành viên thông qua nhiều hình thức, kể cả vấn đề về ngân sách và sẽ còn tiếp tục triển khai trong vòng 5 năm tới với các đơn vị như Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan để nâng cao nhận thức của công chúng về lợi ích của năng lượng tái tạo, cũng như hiệu quả sử dụng năng lượng” - Ông Antoine Vander Elts cho biết.
Toàn cảnh Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2019.
Sự kiện Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2019 sẽ diễn ra trong ba ngày (từ 17 - 20/9), tại Hà Nội và An Giang.
Chương trình năm nay hướng tới mục tiêu tạo diễn đàn trao đổi thông tin, đối thoại đa bên để đưa ra các đề xuất giải pháp, đóng góp vào quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng và mang lại lợi ích lớn nhất cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Tuần lễ năng lượng tái tạo 2019 tập trung vào chủ đề Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam: Cơ hội, thách thức và bài học kinh nghiệm từ quốc tế. Đây là cơ hội để mang tiếng nói của các bên liên quan đóng góp vào quá trình thúc đẩy chuyển dịch năng lượng hiệu quả và bền vững tại Việt Nam. Cụ thể là đóng góp ý tưởng, giải pháp cho những định hướng phát triển năng lượng sắp tới đây như Quy hoạch điện VIII hay các chính sách phát triển năng lượng tái tạo và khí hậu, bảo vệ môi trường.
Chuỗi các sự kiện tại Hà Nội mở đầu với tọa đàm:
Thứ nhất: Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam sẽ cập nhật hiện trạng phát triển hệ thống điện Việt Nam, liệu Việt Nam có thể làm gì để đáp ứng được xu thế chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ như hiện nay? Việt Nam có thể học hỏi được gì từ các bài học kinh nghiệm chuyển dịch thành công của bạn bè quốc tế?
Thứ hai: Hội thảo chuyên đề Huy động đồng lợi ích của các giải pháp giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu từ năng lượng tái tạo; Quá trình chuyển dịch năng lượng sẽ là cơ hội vàng để thu hút đầu tư; Tài chính Xanh cho năng lượng tái tạo trong ngành công nghiệp tại Việt Nam.
Tiếp đó, để cập nhật tình hình phát triển NLTT ở ĐBSCL; chia sẻ các giải pháp tại địa phương, hội thảo: Chuyển dịch năng lượng bền vững: Cơ hội và thách thức cho đồng bằng sông Cửu Long, được tổ chức vào ngày 20/9 tại TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang./.
MAI THẮNG