RSS Feed for Dịch Covid-19 tác động thế nào đến tiến độ các dự án điện gió của Super Energy? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 20/11/2024 08:11
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Dịch Covid-19 tác động thế nào đến tiến độ các dự án điện gió của Super Energy?

 - Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế, xã hội và ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án của các nhà đầu tư năng lượng tái tạo ở Việt Nam, trong đó có Super Energy. Vì vậy, việc gia hạn thời gian áp dụng giá FIT cho các dự án điện gió (đến hết tháng 6 năm 2022) chính là tăng sức “đề kháng” để doanh nghiệp vững vàng vượt qua dịch bệnh, hoàn thành các dự án trong thời gian sớm nhất.


Đánh giá tình hình phát triển điện gió ở Việt Nam

Quy định, trình tự phát triển điện gió Việt Nam: Những vấn đề cần lưu ý


Tập đoàn Super Energy (Super Energy Corporation Public Company Limited) tiền thân là Công ty TNHH Super Block Public (Super Block Public Company Limited) được thành lập vào năm 1994, tại Thái Lan, với vốn đăng ký 150 triệu Bath. Ngành nghề của Super Energy là sản xuất và phân phối bê tông khí. Vào năm 2005, Tập đoàn Super Energy niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET).

Năm 2017, Super Energy mở rộng đầu tư vào ngành năng lượng xanh Việt Nam (điện gió và điện mặt trời). Với mục tiêu chinh phục lĩnh vực năng lượng tái tạo trong nước và trở thành nhà sản xuất hàng đầu ASEAN, đồng thời hướng đến sự phát triển bền vững và môi trường xanh.

Tính đến thời điểm này, Tập đoàn Super Enery đã đầu tư vào 148 dự án năng lượng tái tạo tại Thái Lan và Việt Nam, bao gồm: Điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối (năng lượng tái tạo từ rác), với tổng công suất cung ứng là 1.709,32 MW.

Riêng tại Việt Nam, Super Energy đã đưa vào vận hành thương mại (COD) 9 dự án điện năng lượng mặt trời tại các tỉnh: Bình Phước, Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang, Phú Yên.

Cụ thể là các nhà máy điện mặt trời: Bình An (50 MW); Phan Lâm (36,72 MW); Sinenergy Ninh Thuận 1 (50 MW); Thịnh Long AAA Phú Yên (50 MW); Văn Giáo 1 (50 MW); Văn Giáo 2 (50 MW); Lộc Ninh 1 (200 MW); Lộc Ninh 2 (200 MW); Lộc Ninh 3 (150 MW). Chín nhà máy năng lượng điện mặt trời này mỗi năm cung cấp lượng điện năng 836,72 MW vào hệ thống điện quốc gia.


Lắp đặt thiết bị dự án điện gió của Super Energy.
 


Về dự án điện gió, Tập đoàn Super Energy đang xây dựng 4 nhà máy, với tổng công suất 421 MW, gồm: Điện gió ngoài khơi Công Lý Sóc Trăng (30 MW), điện gió Công Lý Bạc Liêu (141 MW); điện gió trên bờ: Điện gió HBRE Phú Yên (200 MW), điện gió HBRE Gia Lai (50 MW).

Super Energy dự kiến đưa vào vận hành thương mại 3 dự án điện gió ở Gia Lai, Bạc Liêu, Sóc Trăng trong năm 2021 để được hưởng chính sách phát triển điện gió theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam và Thông tư 02/2019/TT-BCT ngày 15/1/2019 của Bộ Công Thương, quy định về thực hiện phát triển dự án điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho dự án điện gió.

Các dự án về điện năng lượng mặt trời và điện gió sau khi hoàn thành lắp đặt, đưa vào vận hành khai thác đã góp phần bổ sung điện năng do nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao trong cả sản xuất và tiêu dùng.

Tuy nhiên, trên thực tế thì không chỉ có Tập đoàn Super Energy mà các doanh nghiệp đầu tư dự án điện gió ở Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc hoàn thành đấu nối và vận hành thương mại kịp tiến độ, trước ngày 1/11/2021 (như Quyết định 39/2018/QĐ-TTg) do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài và bùng phát dữ dội năm 2021 trên toàn cầu. Cụ thể, đại dịch đã và đang ảnh hưởng đến không chỉ các hoạt động xây dựng, mà còn ảnh hưởng tới các kế hoạch thu mua, đặc biệt là việc sản xuất máy phát điện tua bin gió. Ngoài ra, việc sản xuất, cung cấp các thiết bị, cũng như phụ kiện chính bị thiếu hụt và đình trệ trong việc giao hàng.

Diễn biến dịch ngày càng phức tạp từ tháng 4/2021 đến nay, Chính phủ Việt Nam đã triển khai các cách thức phòng, chống và khoanh vùng dịch bệnh Covid-19 làm cho việc vận chuyển vật tư và di chuyển của người dân bị hạn chế, đặc biệt là việc phân bổ người nước ngoài, cũng như công nhân kỹ thuật bị gián đoạn, dẫn đến việc chậm trễ trong cung cấp tài chính cho dự án và xây dựng, nhằm đưa vào vận hành thương mại.

Ngoài ra, trở ngại về giao thông đường bộ cũng ảnh hưởng đến tiến độ vận chuyển thiết bị từ cảng biển đến điểm thi công. Các tua bin và cánh quạt của trụ điện gió có trọng lượng và kích thước rất lớn, để vận chuyển cần thiết bị vận chuyển chuyên dụng, tuy nhiên hệ thống đường bộ hiện tại có mức chịu tải trọng nhất định. Trước khi vận chuyển, chủ đầu tư phải thực hiện khảo sát, đánh giá tính khả thi của các cung đường rồi mới được cấp phép vận chuyển, làm cho thời gian kéo dài thêm đã làm cho tiến độ hoàn thành cũng bị chậm theo.

Tập đoàn Super Energy đang nỗ lực đẩy nhanh thi công để kịp tiến độ đề ra, với kỳ vọng sẽ hoàn thành dự án đúng thời hạn.
 


Ông Supa Waisayarat - Giám đốc Khu vực của Tập đoàn Super Energy cho biết: Để đảm bảo về công suất điện của các nhà máy, cũng như góp phần giữ vững an ninh năng lượng, chúng tôi đã bố trí nhân sự thực hiện theo “3 tại chỗ” tại các nhà máy (từ đầu tháng 6/2021) để vận hành xuyên suốt 24/24h. Đối với các dự án đang thực hiện, bộ phận tổ chức thi công cũng bố trí cho công nhân, kỹ sư và nhân sự quản lý dựng lán trại ở tại điểm thi công, hạn chế tối đa đi lại, nhằm tránh lây nhiễm Covid-19.

“Tập đoàn Super Energy luôn tuân thủ tất cả quy định của Nhà nước Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19 và quy chế thực hiện dự án, tuy nhiên vẫn còn những trở ngại khách quan ảnh hưởng đến tiến độ các dự án, vì vậy, chúng tôi mong nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp năng lượng điện gió nói chung và Super Energy nói riêng” - Ông Supa Waisayarat khẳng định.

Tuy đang trong thời điểm khó khăn, nhưng Super Energy vẫn không quên trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ chống dịch Covid-19. Trong thời gian qua, Super Energy đã vật tư y tế đến cho Bệnh viện Nhi đồng 2 TP. HCM, máy trợ thở chuyên sâu cho Bệnh viện 175 TP. HCM, đóng góp vào Quỹ Vacxin Việt Nam, hỗ trợ vật phẩm và thực phẩm cho người dân, cũng như những người ở tuyến đầu chống dịch tại các tỉnh: Bình Phước, An Giang, Phú Yên.

Đứng trước những thách thức hiện tại, Super Energy vẫn đang nỗ lực đẩy nhanh thi công để kịp tiến độ đề ra, với kỳ vọng sẽ hoàn thành dự án đúng thời hạn. Bên cạnh đó, luôn tin tưởng vào sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, mong muốn Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách gia hạn thời gian hưởng mức giá ưu đãi đối với các dự án điện gió (theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Tập đoàn Super Energy luôn hướng đến chủ trương trở thành một nhân tố tất yếu góp phần tăng cường nguồn cung cấp điện cho hệ thống, bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế của Việt Nam và góp phần bảo vệ môi trường./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động