Hạ đặt thành công rotor tổ máy 6 thủy điện Sơn La
00:01 | 25/07/2012
Đây là rotor tổ máy cuối cùng trong 6 tổ máy của Nhà máy thủy điện Sơn La, chuẩn bị cho giai đoạn phát điện vào trung tuần tháng 9 năm nay.
Sau hơn 4 tháng miệt mài của gần 700 kỹ sư, công nhân Lilama, rotor tổ máy số 6 đã hoàn thành đúng kế hoạch được giao. Rotor tổ máy số 6 có đường kính 15,589m, chiều cao 2,816m, trọng lượng 1.000 tấn được cẩu nâng lên lúc 11 giờ ngày 24/7.
Sau khi nâng chỉnh, vệ sinh mặt gương đáy của rotor, di chuyển trên không từ vị trí lắp ráp đến vị trí lắp đặt với stato của tổ máy có khoảng cách gần 200m đi qua 5 tổ máy (tổ máy 1, 2, 3, 4 và 5) đang hoạt động phát điện và hạ xuống vị trí của tổ hợp, lắp đặt thành công rotor tổ máy số 6 với stato vào lúc 14 giờ 15 phút cùng ngày.
Ông Nguyễn Thế Trinh, Phó tổng giám đốc Lilama cho biết, đây là sự thành công về mặt kỹ thuật và kinh nghiệm từ việc lắp đặt thành công 5 tổ máy trước đó. Sau khi căn chỉnh tổ máy, kiểm tra các thông số kỹ thuật đảm bảo chính xác, an toàn, góp phần đẩy nhanh tiến độ phục vụ cho khởi động chạy thử tải và phát điện tổ máy số 6 Nhà máy thủy điện Sơn La.
Đến thời điểm này, mực nước hồ thủy điện Sơn La đang ở cao trình 194m, đảm bảo đủ nước cho nhà máy phát điện, đồng thời cung cấp bổ sung nguồn nước cho Nhà máy thủy điện Hoà Bình phát điện.
Nhà máy thủy điện Sơn La với 5 tổ máy đang hoạt động (tổ máy 1, 2, 3, 4 và 5) đã cung cấp sản lượng điện cho quốc gia trên 7 tỷ kWh, bình quân mỗi tổ máy phát điện mang lại hiệu quả kinh tế trên 10 tỷ đồng/ngày.
Dự án Thủy điện Sơn La là công trình trọng điểm quốc gia, thuộc bậc thang thứ 2 trên sông Đà (trên là thủy điện Lai Châu đang thi công, dưới là thủy điện Hòa Bình), với công suất lắp đặt 2400 MW, gồm 6 tổ máy, mỗi tổ máy 400MW, có công trình chính đặt tại tuyến Pa Vinh thuộc địa phận thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.
Hồ chứa nước khoảng 240 km2, thuộc địa phận của 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu. Nhiệm vụ chính của Dự án là cung cấp điện lên hệ thống điện Quốc gia với sản lượng điện trung bình hàng năm là 10,246 tỷ kWh; chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.
Dự án chính thức khởi công tháng 12/ 2005, với sự nỗ lực cao độ của chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu, tổ máy số 1 đã được hòa lưới thành công vào ngày 17/12/2010, tiếp đó lần lượt các tổ máy số 2, 3, 4 và 5 đã được đưa vào vận hành an toàn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
(Nguồn: TTXVN)