RSS Feed for Nơi hội tụ trí tuệ, chất xám khoa học - công nghệ dầu khí hiện đại | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 19:38
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nơi hội tụ trí tuệ, chất xám khoa học - công nghệ dầu khí hiện đại

 - Qua một phần ba thế kỷ xây dựng và phát triển, Viện Dầu khí Việt Nam đã thật sự trở thành tổ chức khoa học và công nghệ (KHCN) hàng đầu của ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam.

TS PHAN NGỌC TRUNG, Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam

>> Hoàn thành bản đồ tiềm năng dầu khí vùng biển Việt Nam
>> Điều tra, quản lý tài nguyên môi trường biển là cơ sở khẳng định chủ quyền Việt Nam trên biển

Với việc chủ trì và tham gia thực hiện hơn 1.300 đề tài/nhiệm vụ nghiên cứu KHCN cấp Nhà nước, Bộ, ngành và hàng nghìn hợp đồng dịch vụ NCKH có thể khẳng định Viện Dầu khí Việt Nam là đơn vị dẫn đầu trong cả nước về nghiên cứu làm sáng tỏ các cấu trúc địa chất, đánh giá tiềm năng và trữ lượng dầu khí các bể trầm tích trên đất liền và thềm lục địa Việt Nam cũng như ở nước ngoài.

Các kết quả nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản của Viện Dầu khí Việt Nam phục vụ rất hiệu quả cho công tác tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí và lọc hóa dầu, đã được các cơ quan quản lý Nhà nước sử dụng làm luận cứ khoa học, định hướng phát triển, hoạch định chính sách, chiến lược phát triển ngành công nghiệp dầu khí mạnh. Với đóng góp này, Viện Dầu khí Việt Nam đã được Ðảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động do "đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo từ năm 2001 đến năm 2011, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc".

Cung cấp cơ sở khoa học để ngành dầu khí phát triển bền vững

Với nhận thức công tác nghiên cứu khoa học luôn đi trước một bước và phải áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất, Viện Dầu khí Việt Nam là một trong những đơn vị được thành lập sớm của ngành dầu khí Việt Nam (ngày 22-5-1978 từ Ðoàn nghiên cứu chuyên đề địa chất dầu khí 36B thuộc Liên đoàn Ðịa chất 36) để giải quyết các vấn đề nghiên cứu khoa học (NCKH) trong khâu tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.

Sau gần 35 năm xây dựng và phát triển, các công trình và kết quả nghiên cứu của Viện Dầu khí Việt Nam đã được Nhà nước, Bộ, ngành và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (trước đây là Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt) sử dụng làm luận cứ khoa học định hướng công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí, trong đất liền cũng như ngoài biển, hoạch định chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch khai thác, chế biến, phát triển công nghiệp dầu, công nghiệp khí và các ngành công nghiệp liên quan.

Cụ thể, Viện Dầu khí Việt Nam được giao thực hiện nhiều chương trình trọng điểm cấp Nhà nước 22.01 (1981 - 1985) "Ðặt cơ sở khoa học cho phương hướng công tác tìm kiếm và đánh giá tài nguyên dầu khí trên lãnh thổ Việt Nam", 22A (1986 - 1990) "Nghiên cứu đánh giá và phân vùng tiềm năng dầu khí, lựa chọn và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển và chế biến dầu khí ở Việt Nam", KT 01 (1991 - 1995) "Dầu khí và tài nguyên khoáng sản", KT 03 (1996 - 2000) "Ðịa chất, địa động lực và tiềm năng khoáng sản vùng biển Việt Nam", KC.09 (2001 - 2005) "Ðiều tra cơ bản và nghiên cứu ứng dụng công nghệ biển"...

Kết quả thu được đóng vai trò quan trọng trong việc xác định, đánh giá các đối tượng tìm kiếm thăm dò, xác định trữ lượng dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam; ứng dụng các công nghệ tiên tiến, nâng cao hiệu quả của công tác tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí trên biển, góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; phân tích, đánh giá chất lượng dầu thô và khí thiên nhiên, đề xuất hướng chế biến và sử dụng hiệu quả.    

Ðặc biệt, Dự án "Ðánh giá tiềm năng dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam" (thuộc Ðề án tổng thể "Ðiều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020") đã làm rõ việc hình thành, tích tụ và phân bố dầu khí, xây dựng được một cơ sở dữ liệu khoa học, đầy đủ, tin cậy về tiềm năng và trữ lượng dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, phục vụ việc hoạch định chính sách và xây dựng chiến lược tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, cũng như các giải pháp quản lý và khai thác hợp lý tài nguyên môi trường biển của Nhà nước một cách khoa học, hiệu quả...

Trong lĩnh vực hóa chế biến dầu khí, Viện Dầu khí Việt Nam đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về tính chất của tất cả các loại dầu thô, condensate và khí thiên nhiên/khí đồng hành khai thác tại Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực hóa - chế biến dầu khí đã phục vụ có hiệu quả công tác lập chiến lược, quy hoạch lĩnh vực chế biến dầu khí và nhiên liệu sinh học, lập dự án đầu tư, lựa chọn nhà bản quyền công nghệ, lựa chọn các nguồn nguyên liệu thích hợp, xác định thị trường sản phẩm đầu ra, xác định các giải pháp giảm giá thành, nâng cao hiệu quả hoạt động cho: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Ðạm Phú Mỹ, Ðạm Cà Mau, Nhà máy Chế biến khí Dinh Cố... góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực cho đất nước. Viện Dầu khí Việt Nam cũng bước đầu triển khai nghiên cứu các nguồn năng lượng mới, sạch và tái tạo nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.

Các nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh lực kinh tế và quản lý như quy hoạch phát triển từng lĩnh vực của công nghiệp dầu khí. Ðiển hình là các dự án "Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa dầu Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025", "Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến 2015 và định hướng đến 2025" "Quy hoạch tổng thể phát triển lĩnh vực dịch vụ dầu khí đến năm 2015, định hướng đến năm 2025..."

Gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn

Với việc chủ trì và tham gia thực hiện hơn 1.300 đề tài/nhiệm vụ nghiên cứu KHCN cấp Nhà nước, Bộ, ngành và hàng nghìn hợp đồng dịch vụ NCKH có thể khẳng định Viện Dầu khí Việt Nam là đơn vị dẫn đầu trong cả nước về nghiên cứu làm sáng tỏ các cấu trúc địa chất, đánh giá tiềm năng và trữ lượng dầu khí các bể trầm tích trên đất liền và thềm lục địa Việt Nam cũng như ở nước ngoài.

Tất cả các mỏ được phát hiện và đưa vào khai thác đều có dấu ấn kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng các công nghệ tiên tiến của Viện Dầu khí Việt Nam; nghiên cứu xây dựng các mô hình địa chất, mô phỏng mỏ làm cơ sở để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí của đất nước. Thông qua các hội thảo do Viện Dầu khí Việt Nam chủ trì, tham khảo tài liệu hoặc trao đổi tư vấn trực tiếp, các công ty/nhà thầu dầu khí trong và ngoài nước đã nhận được sự tư vấn kịp thời và có hiệu quả về cấu trúc địa chất và tiềm năng dầu khí.

Bằng kết quả nghiên cứu của các đề tài NCKH, Viện Dầu khí Việt Nam đã sản xuất và kinh doanh các sản phẩm hóa chất từ dịch vụ công nghệ trong các lĩnh vực khai thác, chế biến, phân phối và kinh doanh dầu khí như: Phức hợp hóa - vi sinh làm tăng hệ số thu hồi dầu, tổ hợp enzyme sinh hóa chống sa lắng parafin, chất tẩy rửa sàn các công trình công nghiệp dầu khí...

Mới đây, Viện Dầu khí Việt Nam chủ trì cùng với sự tham gia của Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế Dầu khí biển vừa được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho sáng chế chế phẩm dùng để tăng cường thu hồi dầu từ các mỏ dầu do đã có hiệu quả khi thử nghiệm thực tế.

Kết quả nghiên cứu, đánh giá, đề xuất giải pháp "Sử dụng hiệu quả condensate Rồng Ðôi làm nguyên liệu cho Nhà máy chế biến condensate (CPP)" đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, ổn định nguồn nhiên liệu, mang lại lợi nhuận đáng kể cho Nhà máy so với khi sử dụng nhiên liệu cũ.

Các nghiên cứu trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học đã giúp đưa xăng sinh học (E5) sớm tiêu thụ trên quy mô toàn quốc và có bước chuẩn bị tích cực cho việc sản xuất và tiêu thụ diesel sinh học, hiện thực hóa Ðề án phát triển Nhiên liệu sinh học của Chính phủ.

Hội tụ tri thức khoa học công nghệ dầu khí hiện đại

Viện Dầu khí Việt Nam đã trở thành điểm hội tụ tri thức, trí tuệ, chất xám KHCN dầu khí hiện đại trong toàn ngành, trong nước và quốc tế, nhận chuyển giao công nghệ, sau đó phổ biến, ứng dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành dầu khí Việt Nam.

Với vai trò là cơ quan nghiên cứu ứng dụng, Viện Dầu khí Việt Nam đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức KHCN, các công ty, nhà thầu dầu khí trong và ngoài nước, cộng tác với các chuyên gia đầu ngành tại các đơn vị để triển khai các hoạt động NCKH, đồng thời là cầu nối giữa các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước nhằm huy động nguồn tri thức, chất xám phục vụ cho sự phát triển của KHCN Dầu khí Việt Nam...

Các thành tựu KHCN của Viện Dầu khí Việt Nam còn do sự chủ động tăng cường hợp tác quốc tế, góp phần xây dựng mạng lưới quan hệ quốc tế về khoa học dầu khí. Trong đó, phải kể đến sự hợp tác có hiệu quả với các tổ chức KHCN của Liên Xô (cũ) trong thời gian đầu và LB Nga, U-crai-na, A-déc-bai-dan, U-dơ-bê-ki-xtan hiện nay trong hầu hết các lĩnh vực của ngành công nghiệp dầu khí. Hợp tác với các nước có nền công nghiệp dầu khí tiên tiến, sở hữu nhiều công nghệ hàng đầu (như LB Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Ðức, Nhật Bản, Ðan Mạch, Na Uy...), các tổ chức quốc tế (ASCOPE, ACE, CCOP) và các nước trong khu vực đã góp phần nâng cao trình độ công nghệ của Viện Dầu khí Việt Nam.

Hợp tác ban đầu với IFP (Pháp) và sau này với Corelab (Mỹ) đã giúp viện phát triển năng lực phân tích, trở thành trung tâm phân tích - thí nghiệm hàng đầu trong khu vực. Trung bình hằng năm, Viện Dầu khí Việt Nam phân tích hàng chục nghìn mẫu (đá, dầu, khí, nước, mẫu ô nhiễm, mẫu ăn mòn, mẫu sinh học...) phục vụ yêu cầu sản xuất và nghiên cứu, tiết kiệm cho Tập đoàn, Nhà nước hàng triệu USD chi phí gửi và phân tích mẫu ở nước ngoài.

Qua dự án hợp tác với GEUS (Ðan Mạch), Viện Dầu khí Việt Nam lần đầu tiên tiếp nhận công nghệ minh giải tài liệu địa chấn bằng phần mềm tiên tiến trên trạm workstation và chuỗi dự án tiếp theo đã góp phần nâng cao năng lực của các cán bộ nghiên cứu và cán bộ giảng dạy ở Việt Nam trong lĩnh vực phân tích và mô hình hóa các bể trầm tích. Các dự án hợp tác với Na Uy đã giúp ngành dầu khí Việt Nam quản lý có hiệu quả tài nguyên dầu khí và phát triển một cách bền vững, trong đó có xây dựng bản đồ nhạy cảm môi trường, lập kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu; xây dựng các biện pháp bảo đảm và kiểm toán hệ thống quản lý an toàn sức khỏe môi trường...

Với sự hợp tác của JOGMEC, Idemitsu (Nhật Bản), Viện Dầu khí Việt Nam trở thành đơn vị tiên phong trong nghiên cứu, tư vấn áp dụng các giải pháp công nghệ nâng cao thu hồi dầu bằng bơm ép CO2, từng bước tiếp cận công nghệ GTL Nhật Bản cho nguồn khí thiên nhiên của Việt Nam, các kỹ thuật địa hóa tiên tiến nghiên cứu hệ thống dầu khí các bể trầm tích Việt Nam.

 Mạnh dạn chuyển đổi mô hình hoạt động

Viện Dầu khí Việt Nam là một trong số ít đơn vị việc chuyển đổi thành công mô hình hoạt động theo Nghị định 115/2005/NÐ-CP từ ngày 1-7-2008 với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Sau khi hoạt động theo mô hình mới, số đề tài nghiên cứu và dịch vụ KHCN đã tăng cả về số lượng và chất lượng, gắn chặt với thực tiễn sản xuất kinh doanh của ngành, nhiều đề tài được đối tác trong và ngoài nước đánh giá cao.

Viện Dầu khí Việt Nam đã từng bước sắp xếp lại lao động, tạo sự chuyển biến về chất trong cơ cấu lực lượng lao động; người lao động được trả lương phù hợp với mức độ đóng góp; cơ chế lương mới tạo điều kiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; có điều kiện đầu tư tốt hơn cho con người và trang thiết bị...

Mô hình tổ chức NCKH theo Nghị định 115 là rất mới chưa có tiền lệ ở Việt Nam, đã tạo ra áp lực nhất định về doanh thu, việc làm, ảnh hưởng đến việc triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu có tính chiến lược lâu dài... Tuy nhiên, Viện Dầu khí Việt Nam đã mạnh dạn thay đổi tư duy, để xây dựng và triển khai hàng loạt các giải pháp quyết liệt, với phương châm vừa làm vừa tiến hành sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm, vừa tích cực thực hiện sự chuyển đổi, vừa điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn nhằm giải phóng và phát huy nguồn lực sáng tạo đưa KHCN Dầu khí Việt Nam tiếp tục phát triển.

Danh hiệu Anh hùng Lao động là kết quả của quá trình bền bỉ phấn đấu, nỗ lực vượt khó, cống hiến tâm sức và trí tuệ cho công tác nghiên cứu khoa học của nhiều thế hệ các nhà khoa học và quản lý Viện Dầu khí Việt Nam. Trong giai đoạn phát triển mới, Viện Dầu khí Việt Nam tập trung tối ưu hóa các nguồn lực để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng thành Học viện Dầu khí chuyên sâu, hoàn chỉnh, đồng bộ, kết hợp nghiên cứu - ứng dụng - đào tạo và thực sự là bộ não tham mưu cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của Ngành Dầu khí Việt Nam; đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Trên cơ sở đó, Viện Dầu khí Việt Nam đã và đang phấn đấu là nơi hội tụ và phát triển trí tuệ, chất xám khoa học công nghệ dầu khí hiện đại, xứng đáng là Trí tuệ Dầu khí Việt Nam Anh hùng.

Theo TSKH Phùng Ðình Thực, Chủ tịch HÐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: "Ðối với Ngành Dầu khí Việt Nam, Cụm công trình "Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng (granitoit) trước Ðệ Tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam" là công trình nghiên cứu đồ sộ, ứng dụng đổi mới, sáng tạo KHCN với nhiều bằng phát minh, sáng chế của đội ngũ cán bộ khoa học Ngành Dầu khí Việt Nam sáng tạo ra trong hơn 24 năm.

Việc phát hiện và đưa vào khai thác thành công thân dầu trong đá móng granitoit mỏ Bạch Hổ, bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam và tiếp theo sau là hàng chục các mỏ khác đã làm thay đổi quan điểm tìm kiếm, thăm dò dầu khí truyền thống, hình thành quan điểm tìm kiếm, thăm dò dầu khí mới.

Kết quả là đã đóng góp rất lớn cho kinh tế đất nước với hơn 80% dầu khai thác Việt Nam từ tầng đá móng, đóng góp quan trọng cả về lý thuyết và thực tiễn cho KHCN dầu khí của Việt Nam và khoa học dầu khí thế giới". Cụm công trình đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN ngày 18-2-2012 và trong 49 nhà khoa học Việt Nam và Liên Xô (trước đây) là đồng tác giả của cụm công trình nghiên cứu đồ sộ này, có 10 tác giả là cán bộ và nguyên cán bộ trưởng thành từ Viện Dầu khí Việt Nam.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động