Điều tra, quản lý tài nguyên môi trường biển là cơ sở khẳng định chủ quyền Việt Nam trên biển
02:02 | 30/06/2012
Nhận thức được tầm quan trọng của biển, hải đảo đối với sự phát triển kinh tế và bảo vệ quốc phòng, an ninh, ngày 1/3/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020”.
Đề án là cơ sở để đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường biển, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế biển. Kết quả của công tác điều tra làm cơ sở xác lập luận cứ khoa học, tạo cơ sở vững chắc cho việc xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển bền vững kinh tế biển cũng như xây dựng thể chế chính sách, pháp luật quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường biển.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho rằng, kết quả của các dự án đã tạo lập được hệ thống cơ sở dữ liệu có độ tin cậy cao về điều kiện tự nhiên, tài nguyên môi trường vùng biển và ven biển Việt Nam, làm cơ sở cho việc khẳng định quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên biển, xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế biển, hoạch định các thể chế, chính sách quản lý tài nguyên - môi trường biển; hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu của công tác điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên - môi trường biển và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục, đưa ra định hướng triển khai giai đoạn 2012 - 2020 và các giải pháp thực hiện để nâng cao hiệu quả công tác điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên - môi trường biển trong giai đoạn tới, góp phần thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, nhằm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.
Sau 5 năm thực hiện Đề án, 18/20 nhiệm vụ của dự án đã được triển khai, về cơ bản đã hoàn thành khối lượng công việc theo như đề cương phê duyệt và đang tiến hành nghiệm thu tổng kết.
Trong đó, Dự án “Đánh giá tiềm năng dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam” do Viện Dầu khí Việt Nam chủ trì thực hiện được đánh giá là một trong những dự án triển khai đạt kết quả tốt, có những đóng góp mới với nhiều giá trị nổi bật. Dự án đóng góp vào sự hiểu biết tốt hơn địa chất dầu khí Việt Nam, về con số tiềm năng dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam.
Thông qua dự án này, lần đầu tiên đã xác định được ranh giới giữa các bể trầm tích Kainozoi trên cơ sở xử lý, minh giải một khối lượng lớn tài liệu, số liệu khảo sát địa chất - địa vật lý và số liệu từ các giếng khoan, đồng thời có đủ các luận cứ khoa học và độ tin cậy cần thiết nhằm định hướng cho hoạt động tìm kiếm thăm dò tài nguyên dầu khí nói riêng và khoáng sản nói chung, cũng như góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Trọng Tín - Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam thay mặt nhóm tác giả của Dự án đã báo cáo kết quả chính đã đạt được và những vấn đề cần được tiếp tục triển khai nghiên cứu.
Theo PGS.TS. Nguyễn Trọng Tín, Đề án cần được triển khai ở giai đoạn tiếp theo với tiêu đề “chính xác hóa tiềm năng và triển vọng dầu khí ở vùng nước sâu, xa bờ thềm lục địa Việt Nam”; nhanh chóng sử dụng và khai thác triệt để các tài liệu hiện có, đặc biệt của ngành Dầu khí để xây dựng kế hoạch và phương án điều tra, thăm dò, đánh giá tài nguyên khoáng sản ngoài dầu khí (gas hydrate, kim loại hiếm…) ở những vùng nước sâu, xa bờ…
Giai đoạn 2012 - 2020, Đề án tổng thể về điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên môi trường biển tập trung đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác điều tra cơ bản các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, môi trường vùng biển Việt Nam, chú trọng các vùng biển nước sâu xa bờ và các loại hình tài nguyên mới. Xác lập các luận cứ khoa học, cơ sở vật chất, cơ sở pháp lý để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước thống nhất về biển, hải đảo, phát huy tiềm năng, lợi thế của biển và vùng ven biển. Thực hiện nhiệm vụ phát triển bền vững các vùng biển, ven biển, hải đảo, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm chủ quyền quốc gia, đưa nước ta từng bước vững chắc trở thành quốc gia mạnh về biển.
Nâng cao hiệu quả, tăng cường hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển, gắn với xây dựng, hoàn thiện chính sách, cũng như hệ thống pháp luật, hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước thống nhất về biển và hải đảo. Chú trọng tăng cường năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển đến năm 2020 đạt trình độ trung bình - khá trong khu vực.
Một số hình ảnh tại Hội nghị tổng kết giai đoạn 2006 - 2011 và triển khai giai đoạn 2012 - 2020 của Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển:
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
TS. Nguyễn Quốc Thập - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt
PGS.TS. Nguyễn Trọng Tín - Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt
Khu vực trưng bày kết quả nghiên cứu của Viện Dầu khí Việt Nam
Việt Hà -TCDK (nguồn: VPI)