Thủy điện Hố Hô trong phòng chống thiên tai vùng hạ du
13:29 | 18/07/2017
Thủy điện Hố Hô có phải là tác nhân gây ra lũ?
Thủy điện Hố Hô vượt thách thức, ổn định sản xuất
Đập 72 - Thủy điện Hố Hô.
Ngày 17/7/2017 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt Phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du Nhà máy Thủy điện Hố Hô năm 2017. Theo đó, chủ đập phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tuân thủ Phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du Nhà máy Thủy điện Hố Hô được duyệt tại quyết định này.
Từ những bài học kinh nghiệm từ các năm trước
Tuy không phải là tác nhân chính gây ra trận lũ lịch sử trong năm 2016 tại vùng hạ du thuộc huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, nhưng với trách nhiệm và tinh thần cầu thị tãnh đạo Nhà máy Thủy điện Hố Hô (thuộc Công ty Thủy điện Hố Bốn) đã nghiêm túc kiểm điểm và rút ra được những bài học kinh nghiệm hết sức bổ ích.
Bài học đầu tiên là trước khi bước vào mùa mưa lũ, nhất thiết phải kiểm tra kỹ hiện trạng các hạng mục công trình, xử lý ngay các khiếm khuyết nếu có, tránh xảy ra sự cố sạt lở vấp phải như trong trận lũ tháng 10 năm 2016.
Mặt khác phải chuẩn bị tốt Phương án “4 tại chỗ”, gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, tập thể, nhằm nâng cao năng lực chỉ huy tại chỗ, khắc phục kịp thời các sự cố xảy ra.
Đối với vai trò của Trưởng ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT TKCN) cần phải quyết đoán và chỉ đạo kịp thời, quyết liệt trong việc phòng ngừa và khắc phục hậu quả.
Kinh nghiệm cũng cho thấy, muốn thực hiện hiệu quả công tác xã lũ thì việc xây dựng hệ thống quan trắc đo mưa và lưu lượng ở thượng lưu phải được tiến hành đồng bộ, kịp thời để tính toán số liệu nước về hồ chính xác hơn từ đó đưa ra phương án và thời gian xả lũ hợp lý giảm thiểu thiệt hại cho vùng hạ du. Nhà máy phải hoàn toàn chủ động phối hợp với các cơ quan ban, ngành các địa phương, đặc biệt là các xã vùng hạ du để nhắn tin cảnh báo lưu lượng xả, lượng mưa ở khu vực thượng nguồn để sơ tán nhân dân khi cần thiết.
Cùng với đó, là sự phối kết hợp nhịp nhàng với Ban chỉ huy PCTT TKCN các cấp tại địa phương hai tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh để xây dựng quy chế phối hợp trong công tác vận hành hồ chứa; triển khai tới các xã thuộc hạ lưu công trình phương án phòng chống lụt bão được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đến giải pháp chủ động đối phó với mùa mưa lũ năm nay
Ứng trực 24/24h.
Trên cơ sở các thông số kỹ thuật và tần suất xả lũ, Ban chỉ huy PCTT, TKCN Nhà máy Thủy điện Hố Hô đã đưa ra thông số ngập lụt cụ thể đối với từng thôn, xóm vùng hạ du thuộc các xã: Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Hương Giang, Lộc Yên, Gia Phố, Hương Trà, Hương Thủy... Từ đó, đưa ra các giải pháp phối hợp ứng phó nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản.
Cùng với việc củng cố kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN; Lập phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn đập, hạ du trình các cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt, ngay từ đầu năm Nhà máy đã tiến hành kiểm tra, đánh giá thực trạng, chất lượng các thiết bị phục vụ việc điều tiết nước, tổ chức thường xuyên việc bảo dưỡng các thiết bị như vận hành không tải cửa van cung, cửa nhận nước, cửa phai hạ lưu, máy phát điện dự phòng 250KVA. Phối hợp với địa phương tiến hành kiểm tra, gia cố kè hạ lưu và nạo vét lòng sông, đắp đê chắn sóng chống sạt lở hoa màu của nhân dân. Đồng thời tổ chức tập huấn cho CBCNV các nội dung về công tác PCTT TKCN, học tập quy trình vận hành, diễn tập phòng chống lụt bão, vận hành thử cửa van cung xả lũ với các điều kiện: vận hành bằng điện lưới, vận hành bằng điện máy phát dự phòng và vận hành bằng tay, gắn với việc kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện phục vụ công tác PCTT TKCN.
Để công tác PCTT TKCN vùng hạ du thực sự có hiệu quả, Nhà máy đã thực hiện ký hợp đồng nguyên tắc với các đơn vị cung ứng vật tư, máy móc đảm bảo cung ứng vật tư, máy móc kịp thời ứng phó các tình huống xẩy ra. Nhà máy cũng đã lắp đặt 3 trạm đo mưa tự động, một trạm đặt tại đập 72, và 2 trạm đặt tại khu vực thượng nguồn lòng hồ để nắm bắt chính xác lưu lượng mưa từ đó đề ra phương án điều tiết lũ hợp lý. Khi có lụt bão thường xuyên báo cáo các thông số về quan trắc lượng mưa ở thượng nguồn, lưu lượng đến hồ, lưu lượng qua tràn, tình hình thời tiết cho Ban chỉ huy PCTT TKCN hai tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, và hai huyện Hương Khê, Tuyên Hóa, cùng các xã vùng hạ du, và các cơ quan ban, ngành của hai tỉnh như sở sông thương, sở nông nghiêp và phát triển nông thôn để phối hợp xử lý. Nhà máy đã ký hợp đồng với Đài khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh cung cấp số liệu về thời tiết, từ đó tính toán lưu lượng nước và điều tiết xả lũ hợp lý, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho vùng hạ du.
Cùng với việc lắp đặt hệ thống báo mực nước tự động ở thượng lưu và hạ lưu, Nhà máy Thủy điện Hố Hô đã thực hiện lắp đặt thước đo ở thượng lưu, hạ lưu và xây dựng xong phần mềm tính toán vận hành hồ chứa tự động, đảm bảo chính xác lưu lượng đến hồ và lưu lượng xã tràn.
Đối với công tác thông tin liên lạc - một trong những giải pháp hết sức quan trọng trong việc chỉ đạo điều hành, Nhà máy đã lắp đặt thêm các thiết bị viễn thông như máy fax, điện thoại di động, điện thoại cố định, máy bộ đàm nhằm đảm bảo liên lạc thông suốt trong mọi tình huống. Theo đó thực hiện kịp thời, đảm bảo chế độ thông tin báo cáo theo quy định như thông tin cho xã, báo cáo Ban chỉ huy PCTT TKCN huyện, tỉnh và các cơ quan liên quan.
Nhà máy đã kiểm tra vận hành hệ thống còi hú tại 3 xã: Gia Phố, Hương Trạch, Hương Đô và 6 cụm loa phóng thanh công suất lớn tại 5 xã: Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Lộc Yên và Gia Phố. Việc thông báo hiệu lệnh xả lũ được thực hiện theo đúng quy trình vận hành hồ chứa do Bộ Công Thương ban hành. Đồng thời Nhà máy phối hợp với các xã để thông báo đến tận từng người dân qua hệ thống loa phóng thanh, hệ thống tin nhắn tới tận xóm trưởng các xã vùng hạ du.
Để phát huy hiệu quả hệ thống thông tin liên lạc, Nhà máy đã phối hợp với Ban chỉ huy PCTT TKCN vùng hạ du và các xã nằm trong ảnh hưởng của Thủy điện Hố Hô triển khai tập huấn, hướng dẫn cho nhân dân biết về quy trình báo động theo từng cấp xả lũ khi có tình huống xả lũ theo phương án phòng chống lũ, lụt vùng hạ du đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt. Hỗ trợ đầy đủ kinh phí vận hành hệ thống loa phóng thanh, hệ thống còi hú tại các địa điểm lắp đặt như đã thống nhất.
Để đảm bảo ánh sáng phục vụ công tác PCTT TKCN vào ban đêm, ngoài việc chuẩn bị các thiết bị ánh sáng di động Nhà náy đã xây dựng phương án vận hành cấp điện tối ưu. Máy phát điện Diezen dự phòng đã được lắp đặt trên mặt đập 72 đảm bảo Nhà máy luôn luôn có điện 24/24h.
Khác với những năm trước, bước vào mùa mưa lũ năm nay Nhà máy Thủy điện Hố Hô đã sớm có quy chế phối hợp với UBND huyện Hương Khê và các xã vùng hạ du trong vận hành hồ chứa và triển khai công tác tuyên truyền, tập huấn, thông tin nội dung phương án đến tận nhân dân các xã trong vùng. Phối hợp với các cơ quan ban ngành địa phương thông tin, cảnh báo xả lũ công trình khi có lũ lụt xảy ra. Thu thập, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến khí tượng thủy văn, cập nhật số liệu mưa, lũ trên lưu vực để chủ động điều tiết xả lũ qua tràn và thông tin kịp thời đến tận nhân dân. Việc vận hành xả lũ Nhà máy cam kết xả lũ đúng quy trình như Bộ Công Thương cho phép.
Cùng với các giải pháp trên, phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du của Nhà máy Thủy điện Hố Hô cũng đã đưa ra 4 tình huống giả định và phương án xử lý các tình huống đối với Nhà máy và các địa phương, ban ngành liên quan. Trong trường hợp xẩy ra những tình huống bất thường, hoặc sự cố, Nhà máy Thủy điện Hố Hô phải triển khai ngay các biện pháp ứng phó cấp bách, phù hợp, kịp thời. Đồng thời báo cáo với UBND và Ban PCTT TKCN 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, UBND 2 huyện Hương Khê, Tuyên Hóa và các địa phương vùng thượng, hạ lưu để kịp thời phối hợp ứng phó.
Phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du Nhà máy Thủy điện Hố Hô đã được phê duyệt và đưa vào thực hiện. Cơn bão số 2 vừa trực tiếp đổ bộ vào 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đêm 16 rạng ngày 17/7/2017 là thử thách đầu tiên để kiểm tra hiệu quả ban đầu tính khả thi của phương án. Hy vọng rằng, với sự chủ động vào cuộc, với những giải pháp và thiết thực đồng bộ nêu lên trong phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du của Nhà máy Thủy điện Hố Hô sẽ đem lại hiệu thiết thực nhằm góp phần đảm bảo sản xuất và đời sống cho người dân vùng rốn lũ.
BÀI VÀ ẢNH: TRẦN VŨ THÌN