Sử dụng đèn tiết kiệm điện trong trồng cây thanh long
08:14 | 01/07/2014
>> EVN SPC và kế hoạch tối ưu hóa chi phí sản xuất
Những hoạt động của Lễ phát động gồm: Mitting với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng cục Năng lượng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, lãnh đạo UBND và các sở, ban ngành, đoàn thể, và các tổ chức doanh nghiệp, hộ nông dân, đoàn viên thanh niên các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang và Tổng công ty Điện lực miền Nam; Ký kết phối hợp triển khai chương trình giữa các Công ty Điện lực Bình Thuận, Long An và Tiền Giang với Hội Nông dân, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ở các địa phương.
Đây là chuỗi hoạt động thuộc Đề án “Hỗ trợ nông dân trồng thanh long thay đèn tròn sợi đốt bằng đèn tiết kiệm điện giai đoạn 2014-2015”, nhằm thiết thực hưởng ứng Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Chính phủ giai đoạn 2012-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1427/QĐ-TTg ngày 02/10/2012.
Trong những năm gần đây, diện tích trồng cây thanh long đã phát triển rất nhanh vượt xa quy hoạch ở nhiều tỉnh, thành phía Nam, kéo theo nhu cầu điện năng phục vụ cho thắp sáng thanh long trái vụ tăng cao, tạo nên áp lực lớn về đầu tư đường dây, trạm biến áp ở cấp điện áp phân phối đến truyền tải. Từ hoạt động hỗ trợ thay thế 2 triệu bóng đèn sợi đốt bằng đèn tiết kiệm điện đối với các hộ nông dân trồng thanh long tại các địa phương trên, ngành Điện mong muốn nâng cao nhận thức trong cộng đồng về lợi tích tiết kiệm điện, thúc đẩy việc sử dụng đèn tiết kiệm điện, nhằm nâng cao hiệu quả cạnh tranh trong sản xuất nông nghiệp, tiến tới hạn chế và loại bỏ bóng đèn sợi đốt trên khu vực trồng cây thanh long nói riêng và phạm vi toàn quốc nói chung theo chủ trương của Chính phủ, cũng như đảm bảo ngày càng tốt hơn việc cung ứng điện cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.
Tổng số tiền tài trợ của chương trình là 20 tỷ đồng cho số lượng 2 triệu bóng đèn, bao gồm: Hỗ trợ cho nông dân trồng thanh long thu hồi bóng đèn sợi đốt là 4.000 đ/bóng, vật tư đấu nối an toàn là 3.000 đ/bóng; chi phí tuyên truyền, quảng bá, thu hồi, tiêu hủy và nhân công lắp đặt thay thế đèn là 3.000 đ/bóng. Ngoài ra, người nông dân tham gia chương trình này còn được các nhà cung cấp bóng đèn tiết kiệm điện giảm giá bán tối thiểu là 10% so với giá bán lẻ thực tế đối với trường hợp thanh toán chậm từ 3 đến 6 tháng, hoặc giảm 15% đối với trường hợp trả tiền ngay khi mua bóng đèn.
NangluongVietnam.vn