RSS Feed for Vì sao dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2 bị từ chối cấp phép đầu tư? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 24/11/2024 13:11
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Vì sao dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2 bị từ chối cấp phép đầu tư?

 - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản từ chối không xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 sau khi nhận được đề nghị của Công ty One Energy Asia Limited (100% vốn từ Hong Kong - Trung Quốc), chủ đầu tư dự án trên. Lý do không cấp phép vì Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng Nghị định số 63/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư có hiệu lực từ ngày 19/6/2018 - không quy định cấp/điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức BOT.

Nhiệt điện than ven biển: Cái khó ló cái khôn
Vì sao năng lượng tái tạo chưa thể thay thế nhiệt điện than?
Quảng Bình và Nhiệt điện Quảng Trạch [Tạm kết]

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 (công suất 1.320 MW), gồm 2 tổ máy được xây dựng trên diện tích hơn 42 ha, tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Công trình được xây dựng theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT).

Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2 được Chính phủ đồng ý triển khai theo hình thức BOT từ tháng 3/2009, với 3 cổ đông: Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) 25%, Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) 23%, Công ty One Energy (Hong Kong) 30%. Số cổ phần còn lại (22%) do các cổ đông khác nắm giữ.

Các cổ đông đã thành lập Công ty CP Nhiệt điện Vũng Áng 2 (VAPCO) để làm pháp nhân quản lý, phát triển dự án này. Tháng 9/2011, Lilama chuyển nhượng toàn bộ cổ phần nêu trên cho REE.

Một năm sau đó, REE mua lại cổ phần của các cổ đông khác, nâng tỷ lệ sở hữu tại VAPCO lên 51,55%; 48,45% cổ phần còn lại thuộc về One Energy. Tháng 4/2018, REE tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại công ty này cho One Energy và hiện One Energy nắm 100% vốn tại VAPCO.

Theo văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: sau khi nghiên cứu hồ sơ của dự án, Bộ đã nhận thấy nhiều điểm khác biệt giữa hồ sơ và các quyết định đưa ra trước đây của Bộ Công Thương.

Cụ thể, Quyết định số: 0538, ngày 28/1/2011 của Bộ trưởng Công Thương chưa xác định tổng mức đầu tư dự án và thời gian thực hiện.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nghi ngờ về năng lực vốn của chủ đầu tư thực hiện dự án này. Cụ thể, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và vốn các ngân hàng cam kết cho Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng 2 chưa đủ để thực hiện dự án.

Theo đó, vốn chủ sở hữu cần có thực hiện dự án là hơn 12.668 tỷ đồng (555,5 triệu USD), chiếm 25,4% tổng vốn đầu tư. Tuy nhiên, báo cáo tài chính năm 2017 công ty xác định vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư mới có 26,37 triệu USD, bằng 1/21 lần nhu cầu vốn chủ sở hữu của dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2.

Ngoài ra, vốn nhà đầu tư cần huy động để thực hiện dự án gần 37.207 tỷ đồng (trên 1,63 tỷ USD), bằng 74,6% tổng vốn đầu tư. Nhưng theo hồ sơ dự án cung cấp cho cơ quan quản lý, hiện các nhà băng mới cam kết cho vay khoảng 900 triệu USD.

Mặt khác, diện tích đất sử dụng của dự án theo đề nghị của nhà đầu tư cũng nhiều hơn 8,6 ha so với con số nêu trong quyết định năm 2015 của Bộ Công Thương.

Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo tác động môi trường (tháng 2/2015), đến nay đã quá 24 tháng, chủ đầu tư chưa thực hiện. Do đó, theo quyết định tại Luật Bảo vệ môi trường 2014, báo cáo tác động môi trường trên đã hết hiệu lực, nhà đầu tư phải lập lại từ đầu.

Trước những lý do trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Công Thương và nhà đầu tư nghiên cứu ý kiến góp ý của các bộ, ngành liên quan, thực hiện dự án theo đúng quy định tại Nghị định 63/2018, quy định pháp luật khác liên quan.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động