RSS Feed for Thứ năm 28/03/2024 19:30
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

"Vật liệu nhận chìm ở Vĩnh Tân không phải là xỉ than"

 - Liên quan đến việc Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã cấp Giấy phép số cho phép Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm vật liệu nạo vét từ vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, tại buổi giao ban báo chí sáng 4/7, Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Linh Ngọc khẳng định: "Vật liệu mà Bộ TNMT cho phép nhận chìm không phải là xỉ than, chất thải của quá trình chạy nhiệt điện mà là vật liệu nạo vét tại khu vực cảng, gồm cát, bùn của ô quay tàu trước cảng".

Đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn để nhận chìm chất nạo vét ở Vĩnh Tân

Lý giải về cơ sở pháp lý của việc nhận chìm chất thải, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cho rằng, trên thế giới việc này đã được quy định trong Luật Biển (năm 1982). Vật liệu nhận chìm cũng nằm trong Nghị định thư Luân Đôn (năm 1996), bao gồm các loại: vật liệu nạo vét, bùn cát nạo vét, chất thải của cơ sở chế biến thủy hải sản, hệ thống tàu bè, công trình dân sự hỏng nhấn chìm xuống biển…Còn ở Việt Nam, công việc nhận chìm thể hiện ở Luật Bảo vệ Tài nguyên môi trường biển (từ Điều 53 đến Điều 62). Trong Điều 60 của Nghị định 40/2016, các vật liệu được nhận chìm thể hiện là cát, sỏi nạo vét… tương đương với Nghị định thư Luân Đôn (năm 1996) về các vật liệu được nhận chìm.

Theo ông Ngọc, vật liệu mà cơ quan này cho nhận chìm là gần 928.000 m3 tại khu vực xã Vĩnh Tân, đó là vật liệu nạo vét của khu vực cảng vũng quay đầu của cảng than Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Vật liệu mà Bộ TNMT cho phép xả thải không phải là xỉ than, chất thải của quá trình chạy nhiệt điện. Vật liệu nạo vét ở đây là vật liệu nạo vét tại khu vực cảng, gồm cát, bùn của ô quay tàu trước cảng. Vật liệu này của biển đã được chuyển địa điểm.

Lý giải việc tại sao không đưa vật liệu nạo vét lên bờ? Ông Ngọc cho rằng không đưa lên bờ vì cát này nhiễm mặn! Vật liệu này hiện đang được dùng để san lấp lấn bờ, lấn biển. Trong quá trình xem xét, kiểm tra khu vực Vĩnh Tân thì có thể di chuyển vật liệu này đến một số vị trí khác để san lấp lại, cải tạo lại đến nay là không có. Cát nạo vét này từ trước đến nay đã được xuất khẩu sang một số nước, nhưng đến thời điểm này Chính phủ không cho phép xuất khẩu nữa nên chúng tôi không có đề xuất với cát nhiễm mặn.

Về vị trí nhận chìm, ông Ngọc cho biết: Vị trí nhận chìm đã được tỉnh Bình Thuận chỉ định là 300ha, sau đó Bộ TNMT đã thẩm định, kiểm tra và thấy đủ cơ sở để có thể nhận chìm được. Tuy nhiên, chỉ có đổ trong diện tích 300ha, vị trí đổ cách đảo Hòn Cau 8km, cách biên bảo vệ xa nhất của Hòn Cau là 2km. Địa hình chúng tôi khảo sát đổ thì ở dưới đáy chỉ là cát bùn. Chênh lệch độ cao ở vị trí đổ là âm 36,1m, vị trí độ cao của Hòn Cau là khoảng 5-10m.

Trong quá trình thẩm định hồ sơ từ tháng 11/2016 đến nay, Bộ TNMT đã mời tất cả các nhà khoa học về hải dương học cũng như nghề biển để tham gia, xem xét. Sau khi xem xét các yếu tố của vị trí đổ thải, Bộ TNMT đã đặt vấn đề cần tiếp tục quan trắc, giám sát quá trình đổ thải. 

Theo Thứ trưởng Bộ TNMT, trong thời gian đổ thải thì 13 trạm quan trắc sẽ quan trắc 3 lần/ngày và quan trắc ở 3 tầng: tầng mặt, tầng trung và tầng đáy. Các chỉ số quan trắc về độ PH, độ ô xi hòa tan trong khu vực đó. Nếu trong quá trình đổ thải mà các chỉ số của 13 trạm quan trắc vượt ngưỡng cho phép thì sẽ cho dừng đổ thải ngay.

Phía Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 cũng đã cam kết thực hiện đúng các quy định trong Giấy phép và nếu có làm gì ảnh hưởng đến môi trường thì sẽ dừng lại ngay và chấp nhận việc đền bù nếu có gây thiệt hại.

PHAN THANH DŨNG

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động