Tương lai dựa vào điện tái tạo, liệu có đủ an toàn cho Việt Nam?
06:24 | 23/12/2019
Thấy gì trong kịch bản EOR19 về nhiệt điện than Việt Nam?
Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam năm 2019 (EOR19) đã đưa ra một viễn cảnh về tương lai năng lượng Việt Nam, chủ yếu dựa vào các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh vốn đang ngày một thịnh hành và phổ biến trên thế giới như: điện gió, điện mặt trời, sinh khối - một trong những yếu tố quan trọng để các quốc gia có thể thực hiện cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
Những kịch bản năng lượng xanh hấp dẫn
Nhóm chuyên gia thực hiện EOR19 đã đề xuất năm kịch bản mà họ cho rằng, có thể “minh họa những lộ trình phát triển khác nhau cho hệ thống năng lượng của Việt Nam” vào năm 2030 và năm 2050. Đó là những kịch bản tập trung vào hai vấn đề chính là năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng:
1/ Không đạt được các mục tiêu về năng lượng tái tạo, không hạn chế nguồn nhiệt điện than và không áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng ở phía tiêu dùng.
2/ Có mục tiêu năng lượng tái tạo cho ngành điện và không áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng ở phía tiêu dùng.
3/ Không xây dựng nhà máy nhiệt điện than mới (thực chất là bổ sung cho kịch bản 2 về mục tiêu năng lượng tái tạo), hạn chế đầu tư các nhà máy điện than mới bắt đầu từ năm 2025, mặc dù công suất nhiệt điện than trong nước vẫn được giữ nguyên.
4/ Tiết kiệm năng lượng là sự bổ sung cho kịch bản 2 về mục tiêu năng lượng tái tạo, cho phép đầu tư vào các công nghệ tiết kiệm năng lượng với tỷ lệ áp dụng 50% ở phía tiêu dùng vào năm 2030 và 100% vào năm 2050.
5/ Kết hợp các kịch bản trên, trong đó có phát triển năng lượng tái tạo, hạn chế nhiệt điện than từ năm 2025 và áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng với tỷ lệ cao.
Sau khi tính toán các chi phí hệ thống năng lượng (bao gồm chi phí đầu tư tính theo năm, chi phí nhiên liệu, chi phí vận hành, bảo dưỡng), nhóm tác giả nhận thấy có một số hiệu quả hứa hẹn mà các kịch bản đem lại như “mặc dù chi phí hệ thống sẽ tăng lên khi hạn chế đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than mới, nhưng việc tập trung vào đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng sẽ làm giảm đáng kể chi phí tăng thêm” (Kịch bản 5); phát thải CO2 thấp nhất trong kịch bản 5; kịch bản 3 đến năm 2030 sẽ đạt tỷ trọng năng lượng tái tạo cao nhất, nhưng về dài hạn thì kịch bản 5 sẽ đạt tỷ trọng này cao nhất; nhập khẩu nhiên liệu thấp nhất với kịch bản 5.
Do vậy, EOR19 đã nhận xét, các kịch bản đều có thể đáp ứng mục tiêu năng lượng tái tạo (bao gồm cả thủy điện lớn và nhỏ) cho ngành điện trong Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (trừ kịch bản 1). Tuy nhiên, đối với mục tiêu tiết kiệm năng lượng thì kịch bản 4 không đáp ứng được mục tiêu đề ra vào năm 2050.
Kết hợp các chi phí hệ thống năng lượng với các tác động biến đổi khí hậu, nhập khẩu nhiên liệu, mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu… EOR19 đi đến kết luận: “Việc kết hợp các nỗ lực thúc đẩy năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, đồng thời hạn chế đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than mới sẽ giúp đạt được các kết quả tốt nhất”.
Họ đưa ra con số tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng có thể tăng lên trên 20% vào năm 2050 nếu Việt Nam thực hiện các giải pháp hạn chế nhà máy nhiệt điện than mới. Do nhìn nhận các công nghệ và các biện pháp tiết kiệm năng lượng chỉ đem lại một tác động hạn chế đối với tăng cường tỷ trọng năng lượng tái tạo, họ cho rằng việc hạn chế các nhà máy nhiệt điện than như thực hiện trong kịch bản 3 và 4 mới tạo ra cơ hội lớn cho phát triển năng lượng tái tạo.
Giải pháp nào khả thi?
Trên thế giới, đặc biệt ở châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, những nơi dành nhiều đầu tư cho R&D về năng lượng tái tạo, sở hữu nhiều công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng, cũng như có lượng phát thải khí thải nhà kính cao, việc xác định cơ cấu điện năng dài hạn luôn được các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia năng lượng quan tâm.
Dù ưu tiên vào phát triển năng lượng tái tạo, vấn đề phát triển năng lượng tái tạo và vai trò của nó trong cơ cấu điện năng của một quốc gia vẫn gây nhiều tranh cãi. Và trên thực tế, dù theo đuổi năng lượng tái tạo, thì những quốc gia này vẫn phụ thuộc vào năng lượng từ các nhà máy nhiệt điện than. Hay nói cách khác, nhiệt điện than là phần quan trọng trong nguồn phụ tải nền do hoạt động ổn định và chi phí thấp.
Do đó, trong các kế hoạch dài hạn của các quốc gia tiên tiến này, họ vẫn xác định một cơ cấu năng lượng hỗn hợp với đầy đủ các thành phần năng lượng, từ năng lượng truyền thống (điện than, thủy điện, khí hóa lỏng, điện hạt nhân, điện gió, điện mặt trời, sinh khối…). Trong đó, tùy theo đặc điểm của từng quốc gia mà xác định các nguồn phụ tải nền, phụ tải trung gian và phụ tải đỉnh.
Nhưng, tại sao năng lượng tái tạo vẫn chưa được xác định là nguồn cung năng lượng chính?
Theo nhận định của Burton Richter - nhà vật lý Mỹ từng đoạt giải Nobel về phát hiện ra hạt J/ψ meson: Vấn đề của năng lượng tái tạo không chỉ ở sự phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên như ai cũng biết (ví dụ gió thổi, mặt trời chiếu sáng) mà còn là “sự gia tăng về quy mô không đủ nhanh để đạt tới mức giá rẻ và thực tế trước những yêu cầu của nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng”. Ngay cả Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) cũng từng thừa nhận trong một báo cáo năm 2015 là “năng lượng tái tạo cần phải tăng quy mô ít nhất gấp sáu lần hiện nay để thế giới bắt đầu đáp ứng được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đề ra”.
Trong xu thế chung ấy, một kịch bản phụ thuộc vào năng lượng tái tạo và “đoạn tuyệt” với nhiệt điện than chưa thật sự phù hợp với Việt Nam, dù cho các kịch bản của EOR19 cũng đưa ra triển vọng đầy hứa hẹn. Cho rằng: “Nếu không xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2025, tỷ trọng của điện mặt trời, điện gió sẽ cao hơn trong cơ cấu nguồn điện (tương ứng là 22%, 40% vào năm 2030, 2050) và tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện sẽ đạt 50% vào năm 2050”.
Tuy nhiên, dù lạc quan mấy thì các chuyên gia EOR19 cũng phải thừa nhận trong báo cáo của mình: “Mặc dù các kịch bản trên cơ sở mô hình hóa cho thấy những lợi ích trong đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam vẫn cần có thêm các phân tích, sự cân nhắc kỹ, cũng như xác định ưu tiên của các nhà hoạch chính sách để có thể xác định được một lộ trình phát triển năng lượng khuyến nghị cho Việt Nam”.
Vậy, giải pháp khả thi cho bài toán năng lượng Việt Nam là gì?
Khi chưa tìm được một nguồn cung năng lượng xanh và bền vững như mong muốn thì có thể thấy một phần giải pháp đó ở ngay trong các kịch bản mà EOR19 đưa ra, đó là tiết kiệm năng lượng ở phía người tiêu dùng.
Theo tính toán của ROR19, việc tiết kiệm năng lượng sẽ làm giảm tổng chi phí hệ thống năng lượng ngay từ năm 2030, trong đó mức giảm về chi phí nhiên liệu và nhu cầu điện năng thậm chí có thể cao hơn so với mức tăng chi phí đầu tư trong các lĩnh vực sử dụng năng lượng. Hiệu quả của các biện pháp tiết kiệm năng lượng được định lượng một cách rõ ràng: “Ngay cả trong trường hợp áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng như thay thế các công nghệ cũ, tiêu tốn nhiều năng lượng, nhiên liệu, hay phát thải lớn đòi hỏi những suất đầu tư “lên đến 7 tỷ USD vào năm 2030 và 16 tỷ USD vào năm 2050 thì Việt Nam vẫn có thể tiết kiệm được một lượng lớn chi phí nhiên liệu và đầu tư trong ngành điện, qua đó dẫn tới tổng chi phí hệ thống hằng năm giảm 8,9% năm 2030 và 10,6% năm 2050”.
Điều này hoàn toàn trùng khớp với nhận định của các chuyên gia Việt Nam.
Theo ông Chu Bá Thi - chuyên gia năng lượng của Ngân hàng Thế giới tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam: Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững vào tháng 8/2019, “chi phí xã hội bỏ ra để tiết kiệm một đơn vị điện năng chỉ bằng 1/3, 1/4 so với chi phí sản xuất ra một đơn vị điện năng mới”.
Còn ở góc độ của một nhà quản lý và tư vấn chính sách, ông Đỗ Hữu Hào - Chủ tịch Hội KH&CN Sử dụng Năng lượng điện tiết kiệm - hiệu quả đưa ra một con số ấn tượng: Nếu nâng tỷ lệ tiết kiệm năng lượng lên đến mức 10%, thay vì khoảng 6% như hiện nay thì mỗi năm, mức năng lượng Việt Nam tiết kiệm được sẽ tương đương công suất của một nhà máy điện tầm trung.
Với nhận thức này, mà tiết kiệm năng lượng là vấn đề mà Việt Nam theo đuổi nhiều năm qua với một loạt chính sách, chương trình quốc gia, tuy nhiên khâu thực thi chưa thật sự hiệu quả ở các lĩnh vực được nhìn nhận là tiêu thụ nhiều điện năng nhất như công nghiệp (chiếm 55%), chiếu sáng, sinh hoạt (32%) - số liệu báo cáo năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Dù nhận thức được hiệu quả của tiết kiệm năng lượng, nhưng theo chia sẻ của ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) thì “các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm về lợi ích công nghệ mang lại, đặc biệt với những lĩnh vực ngành nghề mà chi phí năng lượng trên giá thành sản phẩm thấp”.
Đối với những doanh nghiệp mong muốn đổi mới công nghệ bằng giải pháp vay vốn ngân hàng thì “gặp phải nhiều bất cập và rào cản trong cơ chế tài chính. Chi phí đầu tư ban đầu cho các dự án đều ở mức cao nên nhiều ngân hàng coi rủi ro trong lĩnh vực này lớn, hầu hết các đề xuất vay đều dựa vào tài sản đảm bảo nhưng xếp hạng tài sản của nhiều doanh nghiệp ngành thép tương đối thấp trong khi năng lực đánh giá, thẩm định công nghệ trong các dự án cho vay của các ngân hàng rất yếu” - ông Chu Bá Thi nêu thực trạng mà ông thấy trong quá trình khảo sát đánh giá thực trạng và đề ra giải pháp về chính sách tiết kiệm năng lượng giữa WB và Bộ Công Thương.
EOR19 cũng nhận ra vấn đề này và đề xuất: “Các giải pháp tiết kiệm năng lượng tham vọng cần được ưu tiên hàng đầu trong Quy hoạch phát triển điện 8”. Do chỉ khoanh vùng ở phạm vi công nghệ nên EOR19 không đề xuất những giải pháp chính sách về tài chính mà tập trung vào những vấn đề như các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu (các thiết bị trong tòa nhà, điều hòa không khí), dán nhãn năng lượng bắt buộc cho các thiết bị sử dụng năng lượng; đầu tư mới vào các nhà máy nhiệt điện đồng phát trong công nghiệp./.
TÔ VÂN - TẠP CHÍ TIA SÁNG
Tham khảo:
1/ Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam năm 2019 (EOR19)
2/ https://vietnam.um.dk/en/green-growth/vietnam-energy-outlook-report/
https://www.worldenergy.org/assets/images/imported/2016/10/World-Energy-Resources-Full-report-2016.10.03.pdf