Truyền tải điện Tây Bắc: Vượt thách thức, giữ trọn niềm tin [Kỳ cuối]
10:00 | 14/10/2019
Truyền tải điện Tây Bắc: Vượt thách thức, giữ trọn niềm tin [Kỳ 2]
Truyền tải điện Tây Bắc: Vượt thách thức, giữ trọn niềm tin [Kỳ 1]
KỲ CUỐI: GHI NHẬN Ở ĐỘI TRUYỀN TẢI ĐIỆN MƯỜNG LAY, TUẦN GIÁO
Từ Đội Truyền tải điện Mường Lay…
Mường Lay trước đây là một huyện vùng cao thuộc tỉnh Điện Biên tiếp giáp với tỉnh Lai Châu, giao thông cách trở, cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở đây hết sức khó khăn.
Từ khi Nhà máy Thủy điện Lai Châu hoạt động, huyện Mường Lay được nâng cấp thành Thị xã Mường Lay. Truyền tải điện Tây Bắc 2 được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành, và truyền tải nguồn điện năng từ Nhà máy Thủy điện Lai Châu và các nhà máy thủy điện nhỏ khác từ Lai Châu hòa lưới điện quốc gia.
Đứng chân trên vùng đất sơn cùng, thủy tận, ở thượng nguồn sông Đà - nơi mà hầu hết đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Dao… đều giao tiếp hàng ngày bằng tiếng dân tộc. Để biết được tiếng và hiểu được phong tục tập quán của dân bản, các cán bộ, nhân viên Truyền tải điện Mường Lay vừa tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa tranh thủ thời gian tìm hiểu phong tục của người dân địa phương, tạo thuận lợi trong công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định, chung tay bảo vệ an toàn đường dây, lưới điện.
Các cán bộ, nhân viên ở Đội Truyền điện Mường Lay cho biết: Từ khi đi vào hoạt động, được sự chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát của lãnh đạo Công ty, Đội Truyền tải điện Mường Lay đã phối hợp nhịp nhàng với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, tranh thủ sự ủng hộ của già làng, trưởng bản nên đã nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân địa phương trong công tác bảo vệ an ninh, an toàn hành lang lưới điện.
Chị Lò Thị Huyền Giang - Chi hội trưởng phụ nữ bản Chi Liêng 1, phường Na Lay, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên tâm sự: Trong thời gian qua, Đội Truyền tải điện thị xã Mường Lay đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động bà con dân bản nêu cao ý thức chung tay bảo vệ lưới điện trên địa bàn.
"Chi hội phụ nữ chúng em là người thường xuyên gần gũi với bà con dân bản, khi có yêu cầu, chúng em phối hợp với cán bộ truyền tải đến tận từng gia đình phát tờ rơi, giải thích cho bà con hiểu về tầm quan trọng của lưới điện quốc gia, vận động bà con không đốt rẫy, làm nương, trồng cây cao, chăn thả gia súc trong khu vực cấm của hành lang lưới điện. Khi bà con thấy hiện tượng bất thường về điện trong gia đình, cũng như trên hệ thống đường dây, cột điện thì nhanh chóng báo cho cán bộ để kịp thời sửa chữa" - Chị Giang cho biết.
Đội Truyền tải điện Mường Lay cùng chị em phụ nữ phát tờ rơi tuyên truyền bảo vệ an toàn hành lang lưới điện.
Không chỉ làm tốt công tác phối hợp với chính quyền đoàn thể và bà con dân bản trong công tác bảo vệ an ninh, an toàn lưới điện, Đội Truyền tải điện Mường Lay còn phối hợp rất có hiệu quả với Đội bảo vệ an ninh Công an thị xã Mường Lay trong công tác này. Ngoài các cuộc hội ý giải quyết công việc hàng tuần, hàng tháng, Đội Truyền tải điện Mường Lay còn định kỳ phối hợp cùng với Đội bảo vệ an ninh Công an thị xã Mường Lay kiểm tra hiện trường, phát hiện kịp thời sự cố hoặc những sai phạm của người dân như đốt rừng, làm nương trong khu vực mất an toàn của hành lang lưới điện để khuyên răn, nhắc nhở.
Anh Lò Văn Thiệm - Đội bảo vệ an ninh Công an thị xã Mường Lay cho biết thêm: Chúng tôi xác định, bảo vệ an toàn tuyến đường dây không riêng gì của ngành điện mà là của cả toàn dân, nên từ trước đến nay chúng tôi thường xuyên cùng với anh em trong đội truyền tải tổ chức nhiều đợt tuyên truyền đến tận dân bản về pháp luật bảo vệ đường dây, lưới điện.
Bên cạnh đó, vận động nhân dân không làm nương, đốt rừng gần khu vực có đường dây cao thế đi qua. Không xâm phạm hành lang lưới điện. Tổ chức các đợt tuyên truyền trực quan bằng loa máy, pano, áp phích, tờ rơi để người dân hiểu được tầm quan trọng của tuyến đường dây cao thế, từ đó, kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ an toàn lưới điện quốc gia đi qua trên địa bàn.
Truyền tải điện Mường Lay cùng Đội an ninh công an thị xã Mường Lay kiểm tra hiện trường sự cố.
Làm tốt công tác phối hợp bảo vệ hệ thống đường dây là một thành công, nhưng việc trèo đèo, lội suối, xuyên rừng để kiểm tra phát hiện khắc phục sự cố cũng là một thử thách lớn đối với người thợ đường dây Truyền tải điện Tây Bắc.
Anh Đậu Đình Đức - Cán bộ Đội Truyền tải điện Mường Lay bộc bạch: Hệ thống đường dây 500kV do Đội quản lý từ Mường Lay đến Tuần Giáo, nằm trên địa hình phức tạp, đường xá quanh co, suối sâu, đèo cao nên về mùa mưa lũ hay bị chia cắt cục bộ. Để khắc phục trình trạng này, đơn vị đã chủ động cắt cử các tổ công tác túc trực ngay tại địa bàn để xử lý và nếu vượt khả năng thì báo về để huy động thêm lực lượng, phương tiện.
Bằng sự nhiệt tình, năng động và trách nhiệm của cán bộ, CNV, cùng với những giải pháp cụ thể, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, Đội Truyền tải điện Mường Lay chưa hề để sự cố nào gây thiệt hại về người và tài sản.
... Đến Đội Truyền tải điện Tuần Giáo
Người chúng tôi gặp đầu tiên ở Đội Truyền tải điện Tuần Giáo là anh Hồ Viết Hòa, quê ở Thành phố Vinh, Nghệ An. Anh Hòa công tác trong ngành truyền tải điện đã 17 năm, từng làm việc ở nhiều nơi, năm 2018, anh được điều động lên công tác tại Đội Truyền tải điện Tuần Giáo.
Kỷ niệm đầu tiên khi đặt chân lên địa bàn Tuần Giáo có “Dốc Phan Đin chị gánh anh thồ” đã đi vào lịch sử đối với anh Hòa là lần đầu tiên đi kiểm tra định kỳ ở xã Toản Tình, một xã vùng cao, vùng sâu thuộc địa bàn huyện Tân Châu.
Khi thấy xe ô tô của đội đến bản, anh thấy trẻ con hò reo và ùa ra vây kín lấy xe, nhìn ngắm, sờ mó một cách hết sức lạ lẫm. Anh Hòa hết sức ngạc nhiên và hỏi lại dân bản vì sao đến bây giờ mà trẻ em vẫn lạ lẫm với chiếc ô tô như vậy, thì mới biết, đồng bào dân tộc ở đây thường có phong tục khi con được khoảng 1 năm tuổi, bố mẹ đi làm nương thường mang theo và đào một cái hố cho con xuống đó chơi, khi nào làm xong lại địu con về, cứ như thế cho đến khi con lớn được đến trường học. Đó là một trong rất nhiều câu chuyện mà các cán bộ, nhân viên Đội Truyền tải điện Tuần Giáo kể cho chúng tôi nghe khi lên đây công tác.
Còn nói về những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên vùng đất lịch sử này cũng không kém gì ở vùng cao, vùng sâu Thị xã Mường Lay.
Kiểm tra an toàn hệ thống cột điện 500kV Tuần Giáo.
Ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết biến đổi phức tạp, lũ ống, lũ quét, gây ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn trên toàn tuyến đường dây, gây sạt lở móng cột, làm gián đoạn và chia cắt gây khó khăn cho lực lượng vận hành tiếp cận với tuyến, với điểm sự cố là mối lo thường nhật.
Anh Trương Quốc Thắng - nhân viên Đội Truyền tải Tuần Giáo, quê ở Hà Tĩnh, người đã chọn vùng đất này làm quê hương thứ hai cho hay: Đặc điểm của đỉnh Phu Pha Đin này mùa mưa rất trơn trượt. Ngay tại đỉnh đèo, mùa đông thường có băng tuyết. Vào những thời điểm như thế, anh em trong đội phải gia công thêm xà trên các cột để phòng băng tuyết bám nặng vào dây kéo gục xà gây sự cố.
Đội Truyền tải điện Tuần Giáo có 13 cán bộ, nhân viên, quản lý 150 cột, với 87 km đường dây 500kV từ Tuần Giáo đến huyện Yên Châu. Tất cả các điểm cột đều được xây dựng trên đồi núi cao. Có những cột phải đi xuyên rừng trên 6 km mới tiếp cận được. Vào mùa mưa rét, khi di chuyển thường bị trơn trượt nên anh em nếu đi làm bằng xe máy phải thay toàn bộ lốp mới để bám đường, đề phòng tai nạn, khi đi bộ phải dùng dày mới để tránh bị trượt ngã.
Cùng với quyết tâm vượt khó, lại được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Đảng uỷ, Ban Giám đốc, các phòng ban Công ty, các đơn vị bạn phối hợp giúp đỡ nhiệt tình, nên các tổ đội càng yên tâm, phấn khởi, phát huy tinh thần lao động sáng tạo, lao động có kỷ luật, năng suất cao nhằm đáp ứng tốt nhất các nhiệm vụ và mục tiêu của Công ty giao.
Đặc biệt phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật luôn được các tổ, đội quan tâm. Hiện nay, cả hai Đội Truyền tải điện Mường Lay và Tuần Giáo đều áp dụng công nghệ định vị sự cố, nhằm nhanh chóng phát hiện sự cố. Khi phát hiện sự cố, các cán bộ kỹ thuật sẽ sử dụng flycam xác định nguyên nhân xẩy ra sự cố để có giải pháp khắc phục kịp thời.
Cùng với các thiết bị trên, các đội truyền tải điện của Truyền tải điện Tây Bắc 2 cũng đã sử dụng thành thạo máy COROCAM để soi kiểm tra ánh sáng bất thường trên đường dây. Trước đây khi chưa có máy COROCAM, việc phát hiện ánh sáng bất thường trên dây phải đi ban đêm, từ khi sử dụng COROCAM chỉ kiểm tra bằng ban ngày, giảm thiểu vất vả, khó khăn rất nhiều cho cán bộ, nhân viên.
Sử dụng flycam xác định sự cố.
Đến với cán bộ, CNV Đội Truyền tải điện Mường Lay, Tuần Giáo trong những tháng cuối năm, được chứng kiến không khí lao động thi đua sôi nổi cả trong từng suy nghĩ và việc làm, chúng tôi yên tâm, tin tưởng hơn về những người được giao nhiệm vụ quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng, khắc phục xử lý sự cố hệ thống truyền tải điện quốc gia - nơi vùng biên của Tổ quốc./.
BÀI VÀ ẢNH: TRẦN VŨ THÌN