RSS Feed for Truyền tải điện Tây Bắc: Vượt thách thức, giữ trọn niềm tin [Kỳ 2] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 28/03/2024 20:19
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Truyền tải điện Tây Bắc: Vượt thách thức, giữ trọn niềm tin [Kỳ 2]

 - Có lẽ trong hệ thống của truyền tải điện quốc gia, thì Truyền tải điện Tây Bắc 2 là một trong những đơn vị phải chịu nhiều áp lực nhất về khí hậu, thời tiết và địa hình hoạt động. Với 2 trạm biến áp 500kV, 2 trạm biến áp 220kV và gần 811 km đường dây 500kV, hơn 350 km đường dây 220kV, trải rộng trên địa bàn các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và huyện Tân Sơn - Phú Thọ là những thách thức không nhỏ đối với 178 cán bộ, công nhân viên Truyền tải điện Tây Bắc 2 - nơi vùng cao "đèo heo hút gió" này.

Truyền tải điện Tây Bắc: Vượt thách thức, giữ trọn niềm tin [Kỳ 1]


KỲ 2: NHỮNG NGƯỜI THỢ TRUYỀN TẢI NƠI "ĐÈO HEO HÚT GIÓ"


Trăn trở Lai Châu

Để đẩy mạnh thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngoài nhiều ứng dụng khoa học, công nghệ khác, cuối năm 2018, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã triển khai thực hiện trạm vận hành không người trực đối với hầu hết tất cả các trạm biến áp 220kV trong cả nước theo từng lộ trình. Đây là một tiến bộ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang được EVNNPT thực hiện có hiệu quả.

Than Uyên là một trong 3 huyện của tỉnh Lai Châu được EVN thực hiện theo Nghị quyết 30a của Chính phủ trong Chương trình hỗ trợ hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo.

Kiểm tra định kỳ Trạm biến áp 220kV Than Uyên.

Làm việc với cán bộ, công nhân viên Trạm biến áp 220kV Than Uyên, ông Trần Khánh Nam - Phó phụ trách trạm cho biết: Từ ngày chuyển sang mô hình trạm không người trực, lực lượng lao động ở đây giảm hơn một nửa. Hiện tại chỉ có 5 người, kể cả trạm trưởng. Lực lượng đã ít, trong khi đó người bản địa không có mà chủ yếu tăng cường từ dưới xuôi lên nên ngôn ngữ bất đồng, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc cũng chưa hiểu hết nên rất khó khăn trong giao tiếp, cũng như trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ an ninh, an toàn hệ thống lưới truyền tải. Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, dân vận chúng tôi đã tranh thủ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và những người dân là người dân tộc Kinh sinh sống lâu năm tại khu vực quanh trạm.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, huyện Than Uyên là địa hình có mật độ giông sét cao, tiềm ẩn những nguy cơ đến sự an toàn của trạm biến áp, cũng như hệ thống lưới điện cao thế. Để phòng ngừa, đơn vị đã tăng cường hệ thống thu sét và tiếp địa.

Ông Nam tâm sự: Đổi mới khoa học công nghệ để phát triển, hội nhập là hết sức đúng đắn, được toàn thể cán bộ, công nhân viên toàn ngành hưởng ứng, song đối với một trạm vùng sâu, vùng xa mà bố trí 5 người là hơi mỏng. Cấp trên cần tăng cường thêm cho đơn vị 1 đến 2 công nhân vận hành nữa để trạm có thể phân bố hài hòa công việc cho hợp lý. Hiện tại cái khó của đơn vị là lực lượng mỏng nên bố trí nghỉ phép, thăm nhà đơn vị phải cân nhắc, sắp xếp cho hợp lý.

Trong giờ trực tại Trạm biến áp 500kV Lai Châu.

Không chỉ ở Trạm 220kV Than Uyên, mà ngay cả ở Trạm 500kV Lai Châu, những khó khăn, thách thức mà cán bộ, nhân viên nếm trải cũng không kém. Chỉ có một điều số lượng cán bộ, công nhân viên ở Trạm 500kV Lai Châu nhiều hơn vì trạm lớn hơn, âu cũng là điều dễ hiểu.

Vững vàng trong gian khó

Trạm biến áp 220kV Than Uyên được giao nhiệm vụ tiếp nhận công suất các thủy điện nhỏ, trong khu vực Hoàng Liên Sơn. Sau khi tiếp nhận trạm sẽ đưa lên thanh cái của Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát và hòa vào lưới truyền tải điện quốc gia.

Sau 1 năm đi vào hoạt động, Trạm biến áp 220kV Than Uyên đã tiếp nhận trên 1 tỷ kWh. Hơn một năm bám trạm, bám máy, bám đường dây, 5 cán bộ nhân viên trạm biến áp 220kV Than Uyên đã làm việc không biết mệt mỏi đáp ứng thỏa mãn điều kiện giải phóng công suất của các nhà máy thủy điện nhỏ trong khu vực, vượt mức 800 ngày công theo quy định của Tổng công ty.

Trạm biến áp 500kV Lai Châu, đưa vào vận hành từ tháng 4/2018, với nhiệm vụ trọng tâm là giải phóng công suất cho Nhà máy Thủy điện Lai Châu và các nhà máy khác thuộc địa phận tỉnh Lai Châu. Sau 1 năm đi vào hoạt động, Trạm biến áp 500kV Lai Châu đã tiếp nhận trên 2,4 tỷ kWh truyền tải qua đường dây 500kV Lai Châu - Sơn La.

Truyền tải điện Tây Bắc 2 phối hợp với lực lượng an ninh tuần tra đảm bảo an toàn lưới điện.

Cùng với việc thường xuyên phối kết hợp với chính quyền, các đoàn thể và người dân địa phương truyên tuyền để mọi người hiểu rõ tầm quan trọng của các trạm biến áp 220 - 500kV, từ đó vận động nhân dân chung tay bảo vệ an toàn trạm biến áp, cũng như an toàn hành lang lưới điện.

Mặt khác, Truyền tải điện Tây Bắc 2 đã tổ chức các hội nghị, tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, công nhân viên trong việc chấp hành nghiêm kỷ luật lao động và các quy định khi vận hành, bảo dưỡng, khắc phục sự cố, coi an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ là nhiệm vụ sống còn của trạm.

Bởi vậy, sau hơn một năm từ khi đi vào vận hành trạm tự động không người trực, đến nay Trạm 220kV Than Uyên, cũng như Trạm 500kV Lai Châu chưa để xảy ra sự cố đáng tiếc nào gây thiệt hại cho người và tài sản.

Trước khi chia tay cán bộ, công nhân viên Trạm 220kV Than Uyên, 500kV Lai Châu, để tiếp tục đến với những người thợ truyền tải trên vùng "đèo heo hút gió" của núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, Trạm trưởng Trần Khánh Nam và ông Ngô Tuấn Anh nói: Dù khó khăn gian khổ đến mấy, chúng tôi vẫn vững vàng vượt qua, quyết tâm hoàn thành trọng trách được cấp trên giao phó./.

Kỳ tới: Ghi nhận ở đội Truyền tải điện Mường Lay - Tuần Giáo

BÀI VÀ ẢNH: TRẦN VŨ THÌN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động