RSS Feed for Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 1) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 24/12/2024 03:20
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 1)

 - Không biết từ bao giờ và với lý do gì mà người Pháp gọi sông Đà là sông Đen (Fleuve Noire)? Có thể người Pháp nhận ra rằng, sông Đà là con sông hung dữ, độ dốc lớn, lắm thác, nhiều ghềnh, lưu lượng lớn, gây ra nhiều thảm họa về lũ lụt chăng...?

Vai trò và tầm quan trọng các dự án thủy điện của EVN
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Tạm kết)

KỲ 1: NGUỒN NĂNG LƯỢNG SÔNG ĐÀ

KS. NGUYỄN ĐỨC ĐẠT - HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Sông Đà là phụ lưu lớn nhất của hệ thống sông Hồng, bắt nguồn từ vùng núi Ngụy Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, đổ vào sông Hồng tại ngã ba Việt Trì. Tổng chiều dài sông Đà là 980 km, trong đó phần trên lãnh thổ Việt Nam là 540 km. Toàn bộ lưu vực sông Đà rộng 52.600 km2, bằng 31% toàn bộ lưu vực sông Hồng, trong đó phần trong lãnh thổ Việt Nam là 26.800 km2. Tổng lượng dòng chảy năm của sông Đà tại nơi đổ vào sông Hồng là 55,83 tỷ m3, lượng nước mùa lũ chiếm đến 80% dòng chảy hàng năm. Trữ năng lý thuyết lưu vực sông Đà là 70,982 tỷ kWh, chiếm gần 24% trữ năng thủy điện cả nước. Mật độ năng lượng của lưu vực sông Đà cao nhất nước, với 2.842 nghìn kWh/ km2 lãnh thổ.

Theo Quy hoạch bậc thang thủy điện sông Đà được phê duyệt cùng với Luận chứng kinh tế kỹ thuật công trình Thủy điện Hòa Bình (năm 1972), thì sông Đà chia làm 2 bậc, là Hòa Bình và Tạ Bú. Trong đó, Hòa Bình là công trình được xây dựng đợt đầu và Tạ Bú là công trình xây dựng tiếp theo với phương án cao có mức nước dâng bình thường (MNDBT) bằng 265 mét.

Để lập Luận chứng kinh tế kỹ thuật công trình Thủy điện Hòa Bình, đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, Bộ Thủy lợi (trước đây) đã thành lập Phòng Thủy công 2 (thuộc Viện Quy hoạch Thủy lợi) đặc trách về công trình Thủy điện Hòa Bình. Phòng Thủy công 2 (năm 1972) gồm 24 kỹ sư, phó tiến sỹ (nay là tiến sỹ) do Phó tiến sỹ Nguyễn Đình Tranh làm trưởng phòng (sau này là Thứ trưởng Bộ Điện và Than - Bộ Điện lực) và Phó tiến sỹ Thái Phụng Nê làm phó trưởng phòng (sau này là Bộ trưởng Bộ Năng lượng).

Dưới sự lãnh đạo của Viện Quy hoạch Thủy lợi (Bộ Thủy lợi) và chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo phòng, cùng với sự phối hợp chặt chẽ với các phòng chuyên môn khác, bản Luận chứng kinh tế kỹ thuật công trình Thủy điện Hòa Bình đã được hoàn thành và được phê duyệt làm cơ sở để Nhà nước ký kết Hiệp định với Liên Xô giúp Việt Nam xây dựng hoàn thành công trình Thủy điện Hòa Bình.

Các thông số chính của công trình như sau: mức nước dâng bình thường 115 mét; mức nước chết 85 mét; mức nước trước lũ 88 mét; dung tích toàn bộ 9,45 tỷ m3; dung tích hữu ích 5,6 tỷ m3; dung tích chống lũ 5,0  tỷ m3; công suất 1.920 MW; điện lượng điện trung bình năm: 8,16 tỷ kWh; số tổ máy 8.

Quyết định phê duyệt Luận chứng kinh tế kỹ thuật ghi rõ 4 nhiệm vụ của công trình Thủy điện Hòa Bình là:

1/ Điều tiết chống lũ đảm bảo an toàn cho Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng khi xuất hiện lũ lớn với lưu lượng 37.800 m3/giây.

2/ Sản xuất điện năng với sản lượng bình quân hàng năm là 8,16 tỷ kWh.

3/ Đảm bảo cung cấp nước vào mùa kiệt cho Đồng bằng sông Hồng, phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, giao thông thủy và dân sinh.

4/ Đảm bảo tốt hơn nhu cầu giao thông đường thủy để tàu 1000 T có thể đi lại bình thường trong năm. (Công trình sẽ do Liên Xô thiết kế và cung cấp thiết bị đồng bộ).

Trong quá trình thiết kế kỹ thuật, vấn đề lớn nhất và hệ trọng nhất được hai bên thảo luận trong một thời gian dài là làm nhà máy thủy điện ngầm hay hở. Nhà nước thành lập Hội đồng xét duyệt thiết kế kỹ thuật cấp Nhà nước do Phó thủ tướng Huỳnh Tấn Phát làm chủ tịch.

Xét về mặt kinh tế - kỹ thuật thì các phương án nhà máy hở đều rẻ hơn 15-30% so với phương án nhà máy ngầm. Công tác vận hành nhà máy hở sau này thuận lợi hơn. Tuy nhiên, trước bối cảnh đất nước vừa thoát ra khỏi chiến tranh chống Mỹ, tình hình chiến tranh ở biên giới phía Nam, phía Bắc đang bị đe dọa, Bộ Chính trị quyết định chọn nhà máy thủy điện ngầm làm phương án thiết kế kỹ thuật.

Công trình Thủy điện Hòa Bình được khởi công xây dựng tháng 11/1979. Tổng công ty sông Đà được giao nhiệm vụ thi công chính phần xây dựng, Công ty lắp máy 10 (Tổng công ty Lắp máy Việt Nam) thi công phần lắp đặt thiết bị, Ban kiến thiết Thủy điện Hòa Bình (thuộc Ban sông Đà) là đại điện chủ đầu tư tại công trường.

Công tác chuẩn bị đã được bắt đầu trước đó 4 năm. Vào cuối tháng 8/1975, chúng tôi - những nhân vật đầu tiên của Ban Kiến thiết Thủy điện Hòa Bình, gồm 9 người do Phó tiến sỹ Thái Phụng Nê làm Trưởng ban đã đến thị xã Hòa Bình, đóng đô ở bờ trái sông Đà, lấy Trường Sư phạm 10+3 (tỉnh Hòa Bình) tạm thời làm chỗ làm việc và chỗ ăn ở. Lực lượng thi công của Tổng công ty sông Đà cũng đã tập kết mở đường, xây dựng lán trại, kho bãi, nhà xưởng, cầu phao, lắp điện nước phục vụ thi công và sinh hoạt…

Không khí những ngày đầu trên công trường thật náo nhiệt. Nhận thức được tầm quan trọng của công trình trọng điểm, Chính phủ cử Phó thủ tướng Đỗ Mười lúc đó làm Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước, Bộ Xây dựng cử Thứ trưởng Chu Đỗ về sau là Thứ trưởng Phan Ngọc Tường làm Tổng giám đốc, chỉ huy trưởng công trường. Tỉnh Hòa bình có Chủ tịch tỉnh tham gia Ban chỉ đạo và thành lập Ban công tác sông Đà về giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư. Bộ Điện và Than cử Thứ trưởng Phạm Khai về sau là Thứ trưởng Nguyễn Đình Tranh làm Trưởng ban kiến thiết.

Công trình có một số điều kiện kỹ thuật phức tạp như: đập cao trên 120 mét, đáy đập nằm trên vùng lòng sông địa chất cát cuội sỏi có hẽm sâu trên 50 mét, có vùng đá vôi caster Trại nhãn có khả năng làm mất nước, có đập tràn 2 tầng xả - xả mặt và xả sâu, với lưu lượng xả tối đa 37.800m3/giây.

Tại thời điểm đó, công trình Thủy điện Hòa Bình là công trình vĩ đại nhất đất nước, được gọi là "công trình thế kỷ", quy mô công trình lớn nhất Đông Nam Á, với khối lượng đào đất đá gần 29 triệu m3, đắp đất đá gần 22 triệu m3, đổ bê tông 2,36 triệu m3, trong đó lần đầu tiên chúng ta thực hiện công tác đào ngầm và đổ bê tông ngầm…

Những năm tháng làm việc trên công trường, chúng tôi chứng kiến bao nhiêu mốc tiến độ được cán đích. Từ công tác đào đường hầm dẫn dòng bờ trái, đào kênh dẫn dòng bờ phải, đắp đê quai thượng lưu - hạ lưu, đào hố móng đập đất đá, đập tràn, nhà máy, đắp đập, khoan phun màng chống thấm, đến công tác lấp sông đợt 1, đợt 2, đắp đập vượt lũ trong quá trình thi công… Công tác nào, công việc nào cũng hết sức khó khăn, tiến độ căng thẳng. Hàng trăm công nhân, kỹ sư và chuyên gia Liên Xô sát cánh cùng 3 vạn công nhân và kỹ sư Việt Nam vượt qua bao thách thức, ngày đêm lao động trên công trường đưa tiến độ thi công các hạng mục đạt mục tiêu từng quý, từng năm là minh chứng cho tình hữu nghị cao đẹp Việt Nam - Liên Xô trên công trường thanh niên cộng sản.

Bức thư tuyệt mật của các nhà lãnh đạo công trường trong đó có chữ ký của Tổng Chuyên viên Liên Xô gửi thế hệ Việt Nam 100 năm sau, được chôn kín trong khối bê tông đặt ở nhà quan sát bờ trái, chắc cũng nhắn gửi điều đó.

Trên một mặt trận khác, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư đầy cam go thử thách cũng được địa phương tỉnh Hòa Bình tiến hành khẩn trương. Đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức thực hiện công tác này với quy mô lớn. Mặt bằng công trình và đặc biệt là hồ chứa chiếm diện tích hàng chục nghìn ha đất thổ cư, đất nông nghiệp, đất rừng của 2 tỉnh Hòa Bình và Sơn La. Hàng nghìn hộ dân phải di dời đến nơi ở mới. Huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) hầu như phải di dời toàn bộ. Thị trấn Đà Bắc bị ngập sâu dưới lòng hồ hàng chục mét nước. Công tác di dời dân ra khỏi vùng lòng hồ lúc đó thiếu kinh nghiệm và quá đơn sơ. Những hộ ngập sâu trong lòng hồ thì tổ chức đền bù và chuyển nhà cũ của họ đến vùng đất mới chỉ được san gạt mặt bằng, không có điện, không có nước, thậm chí đất sản xuất cũng chưa có. Những hộ ở ven hồ, mấp mé mực nước hồ thì được hỗ trợ chút ít để di vén tại chỗ...

Phải nói rằng bà con chịu nhiều sự hy sinh, thiệt thòi nhưng đều cam chịu ra đi để xây dựng công trình. Sau này, nhận thức được điều đó, Chính phủ chỉ đạo ngành điện hỗ trợ bà con, kéo điện về cho bà con, nơi nào chưa có điện lưới thì xây dựng cho bà con các trạm thủy điện nhỏ. Những năm 1989 - 1990, ngành Điện đã đi làm cho bà con những trạm như thế.  

Qua 9 năm thi công, 14 giờ 10 phút ngày 24/12/1988, tổ máy đầu tiên của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình phát điện lên hệ thống, báo hiệu một thời khắc lịch sử của đất nước, của ngành Điện lực Việt Nam. Đến ngày 4/4/1994, tổ máy cuối cùng - tổ máy thứ 8 phát điện lên lưới, kết thúc 15 năm thi công xây dựng công trình.

Đón đọc kỳ tới: Sau Hòa Bình, hẹn đến công trình Thủy điện Sơn La

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động