Tổng công ty Phát điện 1: Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả
09:34 | 20/01/2022
Vượt khó, EVNGENCO 1 đạt được nhiều thành tựu trong năm 2021 Ngày 6/1/2022, Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO 1) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm 2022. |
Xây dựng EVNGENCO 1 trở thành ‘Doanh nghiệp số sáng tạo có văn hoá mạnh’ Sáng ngày 16/11/2021, Hội thảo “Chuyển đổi số, con đường dẫn đến thành công” của Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO 1) đã diễn ra và góp phần tạo cú hích đối với CBCNV về vai trò, trách nhiệm của mình trong hành trình chuyển đổi số của Tổng công ty. |
Ông Nguyễn Hữu Thịnh - Tổng Giám đốc EVNGENCO 1. |
Đầu tiên, xin ông cho biết một vài nét chính trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư xây dựng của EVNGENCO 1 trong năm 2021?
Ông Nguyễn Hữu Thịnh: Năm 2021 là một năm mà EVNGENCO 1 nói riêng, các đơn vị phát điện nói chung phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và sự phát triển nóng của nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, được sự chỉ đạo sát sao của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tập thể lãnh đạo, CBCNV EVNGENCO 1 đã đoàn kết, sáng tạo hoàn thành tốt “nhiệm vụ kép” và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Mặc dù có một số nhà máy điện nằm trong tâm dịch COVID-19 nhưng các đơn vị thuộc EVNGENCO 1 đã tuân thủ nghiêm túc các giải pháp ứng phó dịch bệnh; hàng trăm cán bộ, kỹ sư vận hành các nhà máy điện đã thực hiện cách ly tập trung tại nơi làm việc để thực hiện nhiệm vụ.
Với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hoạt động SXKD điện của EVNGENCO 1 trong năm 2021 đạt kết quả tốt.
Cụ thể, tổng lượng điện sản xuất năm 2021 của toàn EVNGENCO 1 đạt 34,23tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 27,7% sản lượng điện sản xuất của Tập đoàn và các tổng công ty phát điện và chiếm 13,9% sản lượng điện sản xuất và mua của toàn hệ thống. Đặc biệt, EVNGENCO 1 tiếp tục là đơn vị duy nhất trong toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoàn thành vượt kế hoạch sản lượng 6 tháng mùa khô với 19,03 tỷ kWh, đạt 101,24% kế hoạch được giao.
Bên cạnh đó, EVNGENCO 1 cũng hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật Tập đoàn giao; riêng chỉ tiêu suất hao nhiệt tuy chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng đã được cải thiện đáng kể so với năm 2020; hoàn thành công tác sửa chữa, bảo dưỡng các tổ máy theo kế hoạch trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, đặc biệt là công tác đại tu tổ máy S1- Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1.
Năm 2021, công tác cung ứng nhiên liệu than của EVNGENCO 1 dù gặp một số khó khăn do diễn biến giá nhiên liệu và vận tải tăng cao, nhưng đã cơ bản đáp ứng nhu cầu cho sản xuất điện do Tổng công ty đã chủ động triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp điều phối than.
Trong công tác Đầu tư xây dựng, Tổng công ty đang nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ, song song với việc tìm kiếm đầu tư các dự án nguồn điện mới. Ngày 4/8/2021, tổ máy H5 thuộc dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim đã chính thức hòa lưới điện quốc gia thành công với công suất thiết kế 80 MW.
Đối với công tác cổ phần hóa, UBQLV đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện và kiến nghị chuyển cổ phần hóa Công ty mẹ - EVNGENCO 1 sang giai đoạn 2021 - 2025.
Thưa ông, năm 2021 là năm người dân phải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, vậy EVNGENCO 1 đã có những hoạt động gì, chung tay hỗ trợ người dân vượt qua đại dịch?
Ông Nguyễn Hữu Thịnh: Ngoài nhiệm vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, EVNGENCO 1 luôn tích cực trong các hoạt động an sinh xã hội. Bên cạnh các hoạt động thường niên, trong năm 2021, Tổng công ty đã tập trung triển khai các hoạt động hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Đặc biệt, để triển khai Tháng tri ân khách hàng EVN 2021, Tổng công ty cũng tích cực tổ chức đồng bộ các hoạt động an sinh xã hội tại các địa phương. Năm 2021, EVNGENCO 1 đã chi tổng số tiền cho hoạt động này là hơn 34 tỷ đồng.
Thực hiện chủ đề năm của EVN là “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, vậy EVNGENCO 1 đã triển khai nội dung này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Thịnh: Trong công cuộc chuyển đổi số, những năm qua, EVNGENCO 1 đã đi được một chặng khá dài và đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Không dừng lại ở đó, EVNGENCO 1 tiếp tục đặt ra những mục tiêu cao hơn, nâng vị thế, tầm vóc với những bước phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo đó, Tổng công ty đã vạch rõ lộ trình phát triển trong tương lai với mục tiêu trọng tâm là trở thành Tổng công ty phát điện hàng đầu khu vực, và chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất - kinh doanh là giải pháp trọng yếu để đạt được mục tiêu đó.
EVNGENCO 1 xác định tất cả CBCNV chính là trung tâm, là nhân tố quan trọng nhất quyết định thành công của quá trình chuyển đổi số và văn hóa doanh nghiệp sẽ là chìa khóa nền tảng của chuyển đổi số tại EVNGENCO 1.
Năm 2021, thực hiện chủ đề năm của EVN là “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, EVNGENCO 1 đã hoàn thành 14 nhiệm vụ được giao như xây dựng và phát triển “Ứng dụng quản lý, giám sát hoạt động SXKD của TCT trên thiết bị di động (App EVNGENCO 1)”, vận hành thử nghiệm “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong công tác dự báo giá thị trường điện, áp dụng cho Tổng công ty”...
Đặc biệt, EVNGENCO 1 đã chủ động thực hiện 18 nhiệm vụ chuyển đổi số khác để phục vụ công tác quản trị điều hành, sản xuất - kinh doanh như:
(i) Xây dựng một số ứng dụng: lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh và quản lý cung ứng than, quản lý đấu thầu & hợp đồng.
(ii) Đẩy mạnh nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho CBCNV với việc tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số, con đường dẫn đến thành công” và Cuộc thi viết “Chuyển đổi số trong Tổng công ty Phát điện 1”…
Tổng công ty cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty Cổ phần FPT triển khai chuyển đổi số.
Vậy, lợi ích mang lại từ chuyển đổi số là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Thịnh: Năm 2021 là năm khởi đầu cho quá trình chuyển đổi số, tuy không phải là khoảng thời gian dài nhưng cũng đã mang lại những lợi ích nhất định cho EVNGENCO 1.
Thứ nhất: Trong lĩnh vực thu thập, lưu trữ và quản lý dữ liệu: Các nhiệm vụ Hoàn thiện Cơ sở dữ liệu của hệ thống phần mềm Quản lý kỹ thuật nguồn và lưới điện (PMIS) xây dựng cơ sở dữ liệu nhà thầu, dữ liệu thiết bị, số hoá các quy trình vận hành thiết bị,… đã tạo ra cơ sở dữ liệu đồng nhất, được lưu trữ, quản lý khoa học và được khai thác cho nhiều nhu cầu khác nhau như sửa chữa - giải pháp bảo dưỡng sửa chữa theo độ tin cậy tổ máy (RCM), cung cấp thông tin vận hành cho quản lý/quản trị trên ứng dụng App EVNGENCO 1, quản lý vật tư thiết bị xuất/nhập kho bằng QR code... Mặt khác, cơ sở dữ liệu này tạo nền tảng cho việc áp dụng các giải pháp bảo dưỡng - sửa chữa thiết bị, điều tra sự cố thiết bị, quản lý/vận hành tiên tiến trong tương lai gần.
Thứ hai: Tăng hiệu quả quản trị, quản lý và SXKD: Đối với công tác quản trị/quản lý, nâng cao chất lượng giám sát qua các ứng dụng số (cung cấp thông tin chính xác cho người quản trị trực quan mọi lúc, mọi nơi), tăng tính minh bạch trong SXKD; hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được nguồn nhân lực. Đối với công tác sản xuất, ĐTXD, đáp ứng nhu cầu thực tế của Tổng công ty, nâng cao hiệu quả trong vận hành (như không cần nhập liệu thủ công và công tác báo cáo giấy hằng ngày), tăng năng suất lao động nói chung, tăng hiệu quả công tác lập kế hoạch sửa chữa lớn; các quy trình vận hành được chuẩn hoá; tăng tính chính xác và hạn chế rủi ro trong công việc.
Thứ ba: Mang đến trải nghiệm tốt hơn cho CBCNV, cải thiện văn hoá số trong Tổng công ty: Việc áp dụng bước đầu các ứng dụng như App EVNGENCO 1, ứng dụng Quản lý điều độ tàu và tự động lập kế hoạch điều độ tàu (tại TTĐL Duyên Hải), quản lý kho bằng QR code… đã mang đến trải nghiệm tích cực đối với CBCNV nói chung và những người làm việc trực tiếp, tương tác với ứng dụng hằng ngày nói riêng; góp phần tăng hiệu quả thay đổi nhận thức đối với CBCNV, thích ứng nhanh với sự thay đổi từ quy trình làm việc cũ sang quy trình số; từng bước cải thiện văn hoá số của Tổng công ty.
Thứ tư: Thích ứng với sự thay đổi: Đại dịch COVID-19 là một cuộc khủng hoảng lớn với nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các phương tiện CNTT hỗ trợ làm việc, hội họp từ xa (máy tính, chữ ký số, ứng dụng CNTT,...), Tổng công ty luôn sẵn sàng với các phương án tổ chức làm việc và điều hành sản xuất từ xa, mọi nơi mọi lúc, giảm thiểu tác động tiêu cực tới hoạt động của Tổng công ty.
Chủ đề năm 2022 của EVN là “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Vậy mục tiêu, kế hoạch chủ yếu trong năm 2022 của đơn vị là gì, giải pháp để thực hiện thành công mục tiêu, kế hoạch này?
Ông Nguyễn Hữu Thịnh: Năm 2022, EVN chọn Chủ đề năm “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”, với mục tiêu tiếp tục hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư phát triển, thực hiện lộ trình chuyển đổi số trong điều kiện bình thường mới. Đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt với các diễn biến của dịch bệnh COVID-19, các điều kiện khí tượng thủy văn, nhu cầu phụ tải, các diễn biến kinh tế, chính trị, xã hội trong và ngoài nước để đảm bảo an toàn cho người lao động và an toàn trong vận hành hệ thống điện, nâng cao tính hiệu quả trong mọi hoạt động của Tập đoàn.
Trong bối cảnh đó, EVNGENCO 1 đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch chủ yếu năm 2022 như sau: Sản lượng điện sản xuất là 30.083 triệu kWh; Kế hoạch vốn ĐTXD là 10.064 tỷ đồng, bên cạnh đó, thực hiện bảo toàn và phát triển vốn; phấn đấu đạt kế hoạch lợi nhuận Tập đoàn giao.
Để đạt được mục tiêu trên, EVNGENCO 1 tập trung vào các giải pháp:
Một là: Đảm bảo thích ứng an toàn trong mọi hoạt động của Tổng công ty và các đơn vị: Nâng cao hiệu quả của tổ tư vấn COVID-19, thực hiện tốt các văn bản hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 của TTCP, Bộ Y tế, EVN và các địa phương; Triển khai tiêm phòng nhắc lại đối với CBCNV đã tiêm đủ 2 mũi từ đầu năm 2022, ưu tiên cho lực lượng sản xuất tại các nhà máy; Tăng cường truyền thông về công tác phòng chống dịch COVID-19 và các hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch tại các địa phương của Tổng công ty và các đơn vị; Xây dựng phương thức hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư xây dựng và các hoạt động khác của Tổng công ty tương ứng với các cấp độ dịch theo nguyên tắc chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và các địa phương để tiếp tục đảm bảo “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa tận dụng các cơ hội để đạt hiệu quả cao trong SXKD.
Hai là: Đảm bảo linh hoạt, chủ động: Theo dõi, đánh giá diễn biến phụ tải, thủy văn, dịch bệnh, giá nhiên liệu… kịp thời, chính xác để có các giải pháp điều hành phù hợp, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022; Xây dựng các kịch bản vận hành linh hoạt các nhà máy điện, chủ động các tình huống khi có tình hình lây lan dịch bệnh ở các đơn vị, địa phương hay khi có sự cố, diễn biến bất thường khí hậu thủy văn nhằm đảm bảo hiệu quả SXKD; Theo dõi, đôn đốc các đơn vị triển khai 4 đề án lớn của là: “Đề án Chuyển đổi số; Đề án sản xuất - kinh doanh, đầu tư xây dựng giai đoạn 2021 - 2025; Đề án về quản trị chi phí; Đề án xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ chủ chốt giai đoạn 2021 - 2030, đảm bảo linh hoạt, hiệu quả”; Nghiên cứu và xây dựng các chỉ tiêu thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ (thông tin, hạ tầng, dữ liệu…) theo định hướng của Chính phủ, EVN; Nghiên cứu, đề xuất mô hình kinh doanh của Tổng công ty cũng như cơ chế tài chính trong thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sau khi Thông tư quy định về hoạt động của VREM (Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh) được ban hành.
Ba là: Đảm bảo hiệu quả: Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao độ khả dụng của các nhà máy nhiệt điện; giảm suất tiêu hao nhiên liệu, đảm bảo tiệm cận phương án giá điện; Hoàn thành ký kết phụ lục hợp đồng giá điện theo giá trị Quyết toán vốn đầu tư của các nhà máy đã hoàn thành quyết toán; Tăng cường thực hiện các giải pháp quản trị chi phí trong SXKD; Tiếp tục rà soát, hiệu chỉnh kế hoạch SCL, kế hoạch nạo vét và các chi phí khác cho phù hợp kế hoạch vận hành, đảm bảo hiệu quả; Tăng cường công tác quản trị hàng tồn kho, tiếp tục rà soát công tác sắp xếp, phân loại, bảo quản hàng tồn kho để đảm bảo cho nhu cầu của hoạt động SXKD.
Vâng, xin cảm ơn ông!
PHAN THANH DŨNG (THỰC HIỆN)