Tình hình cung ứng điện 6 tháng đầu năm và giải pháp cấp điện 6 tháng cuối năm
07:53 | 01/07/2022
Cập nhật tiến độ các dự án nguồn, lưới điện trọng điểm của EVN
Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 và tình hình thực hiện các dự án trọng điểm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Dưới đây là cập nhật tiến độ các dự án nguồn, lưới điện do EVN làm chủ đầu tư. |
Cụ thể: Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện ước đạt 133,039 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hon 587 triệu kWh so với Quyết định số 3063/QĐ-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2021 về kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2022 (Quyết định số 3063/QĐ-BCT).
Theo tính toán cập nhật, lũy kế cả năm 2022, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện ước đạt 274,235 tỷ kWh, tăng 7,6% so với năm 2021, bằng 99,6% so với mức dự báo (tại Quyết định số 3063/QĐ-BCT).
Đánh giá tổng thể, Bộ Công Thương nhận định việc cung cấp điện năm 2022 đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Liên quan đến giá bán lẻ điện bình quân năm 2022, ngày 23/6/2022, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 3539/BCT-ĐTĐL thống nhất với kiến nghị của EVN (tại Văn bản số 19/EVN-TCKT ngày 24 tháng 3 năm 2022) tiếp tục thực hiện không điều chỉnh giá bán lẻ điện trong năm 2022. Trong điều kiện giá nhiên liệu trên thế giới có xu hướng tăng cao, để thực hiện mục tiêu không điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương yêu cầu EVN thực hành tiết kiệm các khoản chi, chi phí thường xuyên để tiếp tục giữ ổn định giá điện, đảm bảo công tác kiểm soát lạm phát chung cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.
Để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trong các tháng còn lại của năm 2022, cũng như đảm bảo cung ứng điện cho năm 2023, Bộ Công Thương đã và đang đôn đốc, chỉ đạo EVN thực hiện các giải pháp cụ thể như:
Thứ nhất: Chỉ đạo các đơn vị về vận hành đáp ứng nhu cầu nước hạ du của các địa phương, chuẩn bị các phương án vận hành các nhà máy thủy điện trong mùa lũ, xây dựng các kịch bản để chủ động ứng phó trong nhiều tình huống khác nhau, không để bị động, bất ngờ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Đồng thời, yêu cầu các nhà máy thủy điện tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống lụt bão, quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ, đảm bảo vận hành tuyệt đối an toàn các hồ, đập thủy điện trong mùa lũ.
Thứ hai: Trong quý 2/2022, đặc biệt là trong cuối tháng 5 và đầu tháng 6, tình hình thủy văn các hồ chứa thuận lợi hơn so với dự báo đầu năm. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công Thương, ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và việc phối hợp chặt chẽ của EVN, TKV, Tổng công ty Đông Bắc và các đơn vị có liên quan, việc cung ứng than và trữ lượng dự trữ than trong kho của các nhà máy nhiệt điện trong quý 2 đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh giá nhiên liệu tăng cao do ảnh hưởng từ xung đột địa chính trị trên thế giới, Bộ Công Thương yêu cầu EVN tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ và chỉ đạo các Tổng công ty Phát điện phối hợp chặt chẽ với TKV, Tổng công ty Đông Bắc và các đơn vị có liên quan để xây dựng kế hoạch đảm bảo cung ứng than cho sản xuất điện các tháng còn lại của năm 2022, cũng như cho cả năm 2023.
Thứ ba: Chỉ đạo các đơn vị điện lực sắp xếp kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa hợp lý, rút ngắn thời gian bảo dưỡng, tránh sửa chữa các nguồn điện trong thời gian cao điểm nắng nóng.
Thứ tư: Chỉ đạo việc đẩy nhanh tiến độ các công trình đường dây truyền tải, đặc biệt là các đường dây 500 kV, 220 kV truyền tải bổ sung công suất cho khu vực miền Bắc. Trong tháng 4, 5 năm 2022, EVN đã đóng điện đường dây 500 kV Quảng Trạch - Dốc sỏi, đường dây 220 kV mạch 2 Thanh Hóa - Nghi Sơn - Quỳnh Lưu.
Thứ năm: Chỉ đạo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, các Tổng công ty Điện lực bám sát tình hình phụ tải thực tế, cập nhật dự báo phụ tải năm 2022. Trên cơ sở đó, chủ động lập kế hoạch, làm việc trực tiếp với từng đối tượng khách hàng đế xây dựng các giải pháp về chuyển đổi mô hình, thời gian sản xuất nhằm đảm bảo cung cấp điện, tập trung vào các giải pháp khả thi, ngắn hạn có thể thực hiện được ngay.
Thứ sáu: Đẩy mạnh việc tuyên truyền, thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, sử dụng điện hợp lý và hiệu quả, đồng thời tích cực triển khai các giải pháp tiết kiệm nước cho sản xuất, sinh hoạt trên phạm vi cả nước.
Thứ bảy: Chủ động xây dựng Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2023, trong đó, nghiên cứu, đánh giá sơ bộ tình hình cung ứng điện năm 2023, chủ động đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện cho nhu cầu sản xuất - kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM