RSS Feed for Tiết kiệm năng lượng: Doanh nghiệp Nhà nước cần tiên phong | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 31/12/2024 00:30
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tiết kiệm năng lượng: Doanh nghiệp Nhà nước cần tiên phong

 - Các đơn vị Nhà nước phải tiên phong, gương mẫu trong việc tiết kiệm năng lượng, chuẩn bị cho tổng thể giải quyết mục tiêu tăng trưởng xanh của Thành phố Hồ Chí Minh.

"Hành trình năng lượng xanh"

Đổi mới công nghệ góp phần tiết kiệm năng lượng

Nhận thức được tác động của tiết kiệm năng lượng (TKNL) rất rõ ràng không chỉ với doanh nghiệp - đối tượng chịu ảnh hưởng lớn từ chi phí năng lượng mà còn với nhiều đối tượng khác từ hộ gia đình, trường học, bệnh viện… và với toàn xã hội, Chính quyền TP. HCM đã đề ra chiến lược phát triển thành phố theo hướng xanh, bền vững và từng bước thực hiện với tần suất ngày càng quyết liệt hơn.

Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó giám đốc thường trực Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM cho biết: “Liên quan đến hoạt động tái cấu trúc, Sở đã xây dựng khung chương trình cho các doanh nghiệp  Nhà nước, trong đó có nội dung xác định mức tiêu hao năng lượng của các DNNN, xây dựng kế hoạch đổi mới công nghệ nhằm cắt giảm tiêu hao năng lượng cho doanh nghiệp”.

Từ năm 2012, UBND TP. HCM đã giao cho Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) làm đầu mối triển khai thực hiện chương trình ứng dụng KH&CN phục vụ tái cấu trúc DN. Sở đã xây dựng khung chương trình cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong đó năm 2014 tập trung ba lĩnh vực chính là rà soát, thống kê toàn bộ tài sản trí tuệ hiện có tại các DNNN, đề xuất giải pháp quản lý và bảo vệ đối với tài sản trí tuệ; xác định mức tiêu hao năng lượng của các DNNN, xây dựng kế hoạch đổi mới công nghệ nhằm cắt giảm tiêu hao năng lượng; khảo sát thu thập dữ liệu về năng suất lao động, đề xuất mức tăng năng suất lao động cụ thể. Ba lĩnh vực này nằm trong 13 chương trình hỗ trợ ứng dụng KH&CN trong doanh nghiệp được Sở KH&CN TP. HCM thực hiện hàng năm. Với chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và có hiệu quả, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tư vấn thực hiện kiểm toán năng lượng; xác định suất tiêu hao năng lượng, xác định mục tiêu đổi mới công nghệ; các giải pháp TKNL, giải pháp quản trị năng lượng ISO 50001, xác định các giải pháp đầu tư công nghệ TKNL, cắt giảm chi phí năng lượng, tăng năng suất.

Tái cấu trúc là quá trình nâng cao thể trạng của doanh nghiệp trên nền tảng hiện có, là quá trình thực hiện những thay đổi căn bản trong doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Một chương trình tái cấu trúc toàn diện sẽ bao trùm hầu hết các lĩnh vực như cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực, cơ chế quản lý, điều hành; các hoạt động và quá trình sử dụng năng lượng.

Theo ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm TKNL TP. HCM, hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001 có thể giúp DN quản trị tốt việc sử dụng và tiêu thụ năng lượng, có khả năng giúp tiết kiệm đến 30% năng lượng tiêu thụ. Mặt khác, một số giải pháp đổi mới công nghệ sẽ mang lại hiệu quả TKNL rõ rệt.

Ví dụ ngành đông lạnh thủy hải sản nếu sử dụng cụm máy lạnh dùng máy nén trục vít hiệu suất cao kết hợp biến tần và thay tủ đông tiếp xúc bằng dàn cấp đông IQF có khả năng tiết kiệm 15-20% năng lượng tiêu thụ; ngành giấy sử dụng máy nghiền thủy lực thay cho máy nghiền côn, sẽ cho năng suất cao hơn 15-20%; ngành vải sợi, sử dụng máy dệt khí thay cho máy dệt thoi sẽ nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm, đồng thời có khả năng tiết kiệm 15-20% năng lượng tiêu thụ…

Giao chỉ tiêu TKNL cho các đơn vị Nhà nước

Sau 1 thời gian triển khai nhiều chương trình, TP. HCM bước qua giai đoạn triển khai giải pháp. Về mặt pháp lý, những doanh nghiệp trọng điểm trên địa bàn bắt buộc phải thực hiện TKNL, trong đó doanh nghiệp Nhà nước phải gánh trách nhiệm tiên phong. Trong năm 2014, TP. HCM giao chỉ tiêu TKNL cho 3 sở ngành gồm GTVT (lĩnh vực chiếu sáng công cộng), Y tế và giáo dục cùng với 11 tổng công ty. Giai đoạn tiếp theo sẽ là tòa nhà, phương tiện vận chuyển hành khách công cộng thuộc 250 doanh nghiệp trọng điểm trên địa bàn thành phố.

Tại buổi lễ ký cam kết TKNL của các đơn vị Nhà nước, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM nhấn mạnh các đơn vị Nhà nước phải tiên phong, gương mẫu chuẩn bị cho tổng thể giải quyết mục tiêu tăng trưởng xanh của thành phố. Đây là những đối tượng nằm trong khuôn khổ chương trình tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Ông Lê Mạnh Hà cũng cho biết, TP. HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện giao chỉ tiêu TKNL cho các đơn vị bởi đây là việc phải làm vì yêu cầu bức thiết của Thành phố. Muốn phát triển thành một thành phố xanh thì từng thành phần, từng ngành phải phát triển theo hướng xanh và bền vững. Vì vậy, việc giao chỉ tiêu TKNL rõ ràng sẽ tránh được việc đưa các khẩu hiệu chung chung mà đánh vào những con số cụ thể.

Theo ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó giám đốc thường trực Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM, giai đoạn 2015-2017, những doanh nghiệp đã được tư vấn kiểm toán năng lượng thì thực hiện mục tiêu cắt giảm năng lượng tiêu thụ thông qua lựa chọn giải pháp đầu tư khả thi và xây dựng định mức và chỉ tiêu để duy trì cho những năm tiếp theo, các đơn vị còn lại phải thực hiện KTNL trong năm nay và triển khai trong năm sau.

Đại diện cho đơn vị chuyên môn triển khai trực tiếp việc tính toán chỉ tiêu TKNL cho các doanh nghiệp, ông Huỳnh Kim Tước cho biết thêm “việc tập trung vào 3 sở ngành và 11 tổng công ty trong 3 năm sẽ không giải quyết triệt để tiềm năng TKNL. Dù vậy, trong 3 năm này, Thành phố kỳ vọng sẽ giảm 3% năng lượng tiêu thụ. Điều đáng chú ý là các đối tượng này không phải là đối tượng sử dụng nhiều năng lượng của thành phố.  Do vậy, trong giai đoạn 2, với 250 doanh nghiệp trọng điểm thực hiện cắt gỉam theo chỉ tiêu trong vòng 5 năm sẽ giúp TP cắt giảm đến 5-7% năng lượng tiêu thụ. Đây là con số thực sự quan trọng bởi nó cao hơn cả định mức của chương trình tăng trưởng xanh và chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Tuy nhiên, tài chính để đầu tư TKNL vẫn là vấn đề chưa bao giờ cũ. Trong quyết định của UBND Thành phố vừa ban hành, các doanh nghiệp phải sử dụng nguồn vốn của đơn vị để thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ TKNL. Đây là vấn đề khó cho hầu hết các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Với trách nhiệm của 1 đơn vị tư vấn, Trung tâm TKNL TP. HCM cho biết sẽ giới thiệu nhiều nguồn tài chính để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên theo ông Huỳnh Kim Tước, vấn đề vốn đầu tư là một câu chuyện dài và sẽ còn nhiều khó khăn phía trước.

“Về phía doanh nghiệp, bản chất cốt lõi của vấn đề là các chủ doanh nghiệp chưa dành đủ sự quan tâm cho TKNL. Do vậy, những chỉ tiêu này chỉ mới giải quyết một phần vấn đề về đầu tư, bên cạnh đó còn có vấn đề quản trị và giải pháp con người… để giải quyết triệt để tiềm năng TKNL. Vì vậy, chủ trương của Thành phố chỉ mang tính thúc đẩy hơn là chế tài các doanh nghiệp bởi những chỉ tiêu này rất dễ đạt được dựa vào số liệu mà sở KH&CN TP. HCM đã kiểm toán. Về lâu dài, lãnh đạo thành phố mong muốn suất tiêu hao năng lượng sẽ là chỉ tiêu đánh giá mức độ sản xuất của các doanh nghiệp, biến TKNL trở thành tiêu chí đánh giá doanh nghiệp có hoạt động hiệu quả hay không” - ông Huỳnh Kim Tước chia sẻ.

TRẦN QUỐC ĐĂNG KHOA, ECC-MN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động