Tiết kiệm điện: Bài học từ mẹ của tôi
10:00 | 15/09/2020
Để tiết kiệm tiền điện, cần thay đổi thói quen
Lớn lên trong một gia đình không mấy khá giả thuộc huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình), từ nhỏ tôi đã được mẹ rèn cho nếp sống tiết kiệm nhưng vẫn thấy dễ chịu và thoải mái. Giờ đây, ở cái tuổi ngoài 30, khi mà cuộc sống không còn phải chắt chiu đến từng miếng cơm, manh áo thì tôi vẫn học được từ mẹ rất nhiều điều. Trong đó, có bài học về sử dụng điện tiết kiệm.
Dịp đó là cuối tuần, tôi đưa cả gia đình về quê thăm mẹ. Cảnh vật yên bình khiến tôi cảm thấy thoải mái hơn nhiều so với nhịp sống hối hả chốn thành thị. Vừa về đến nhà và cất tiếng gọi mẹ, tôi liền bật chiếc máy lạnh trong phòng khách để xua đi cái nóng của mùa hè. Từ phía sau của ngôi nhà, mẹ vọng tiếng gọi: "Con tắt điều hòa và đưa các cháu ra đây thưởng thức gió trời với mẹ". Quả thật, những làn gió mát cùng với hương lúa chín từ cánh đồng thổi vào đã khiến các thành viên trong gia đình sảng khoái thật sự. Và đây cũng là cách mà bấy lâu nay mẹ tôi đã tiết kiệm điện trong những ngày hè. Mẹ bảo, nhà có máy lạnh nhưng chỉ khi nào thật cần thiết mẹ mới dùng. Còn lại, mẹ luôn tận dụng "quạt trời" cho tiết kiệm.
Đêm xuống, tôi bật tất cả các đèn cho sáng, thế rồi mẹ lại lần lượt đi tắt và chỉ để lại duy nhất một bóng ở giữa nhà. Mẹ khẽ nhắc: "Phải tiết kiệm điện con à, chỗ nào cần thiết thì mình bật, còn không thì thôi". Tôi nhanh nhảu nói: "Mẹ ơi, cuộc sống giờ đây đã phát triển, mẹ đừng tiết kiệm quá mà hãy tận hưởng để bù lại cho những khoảng thời gian cơ cực trước đây chứ ạ". Rồi mẹ lại khuyên: "Tiết kiệm được gì cho tương lai thì hãy tiếp tục tiết kiệm con à. Mình xài lãng phí thì người khác lấy đâu ra điện mà sử dụng". Tôi đành chịu thua và nghĩ rằng mẹ đã sống với những hoài niệm nhiều quá nên vẫn giữ trong mình các thói quen của ngày xưa.
Nằm một mình, tôi bỗng nhớ. Hồi bé, quê mình làm gì có điện. Người dân phải sống trong cảnh leo lắt dưới ánh đèn dầu. Khổ nhất là cánh học sinh phải tranh thủ học từ sớm vì bố mẹ cũng đâu có dư tiền để mua dầu về thắp sáng. Giờ đây, nhà nào cũng có điện. Vậy mà mình lại không nhận ra những giá trị của nguồn điện và sử dụng sao cho hợp lý hơn. Ngẫm lại những lời mẹ dạy mới thấy, bấy lâu nay, nhà mình sử dụng điện lãng phí quá. Mỗi khi vui đùa, hai đứa con tôi thường chơi trò đóng mở tủ lạnh vậy mà mình cũng không kịp thời khuyên bảo. Nồi cơm điện thì hai vợ chồng cắm cả ngày không tắt. Bóng đèn được thắp sáng ở tất cả các phòng, tivi không xem nhưng nhiều lúc vẫn cứ bật. Thậm chí, nhiều khi vội đi làm mà tôi còn quên tắt cả điều hòa… Một thời, tôi còn có suy nghĩ tắt đi một bóng đèn hay một chiếc quạt thì cũng chẳng tiết kiệm được bao nhiêu. Cứ thế, hết tháng nộp tiền điện, nhà tôi đều đặn phải trả trên dưới 1,5 triệu đồng. Cộng lại cả năm, kể ra cũng thấy xót thật.
Rời quê trở lại thành phố, tôi bàn với vợ và đi đến quyết định thay thế toàn bộ hệ thống bóng đèn huỳnh quang trong nhà bằng đèn Led. Đồng thời, giáo dục cho các con biết lợi ích của điện, cũng như sự cần thiết phải sử dụng điện tiết kiệm. Đối với tủ lạnh, tôi điều chỉnh nhiệt độ ở mức hợp lý và dặn tụi trẻ hạn chế việc đóng mở tủ lạnh thường xuyên để hơi lạnh không bị thoát ra ngoài quá nhiều. Khi xem tivi thì nên tắt bớt đèn điện không cần thiết trong phòng; Chỉ nấu cơm trước khi ăn khoảng 30 đến 45 phút để hạn chế thời gian hâm nóng; Giặt quần áo bằng tay nhiều hơn và hạn chế cài đặt chế độ giặt bằng nước nóng khi không thực sự cần thiết; Sử dụng điều hòa nhiệt độ từ 25 - 270 C và chỉ khi thật cần thiết thì mới sử dụng…
Kết quả thật bất ngờ. Chỉ bằng việc thay đổi thói quen sử dụng các thiết bị điện sao cho hợp lý mà hết tháng đầu tiên, gia đình tôi chỉ phải thanh toán hơn 500 nghìn đồng cho hóa đơn tiền điện và đã giảm một nửa so với trước đây. Số tiền này tuy không quá nhiều nhưng lại có ý nghĩa rất lớn đối với cả nhà. Tôi rất vui vì gia đình mình đã thành công trong việc thực hành tiết kiệm điện thông qua những bài học bình dị của mẹ./.
TUẤN ANH - PC HÒA BÌNH