Tiềm năng điện tái tạo Bình Thuận và dự án điện gió trên biển Kê Gà
08:02 | 19/12/2019
Bình luận về dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới ở Việt Nam
Tiềm năng và định hướng phát triển năng lượng tái tạo của Bình Thuận
Nhận thức và xác định tầm quan trọng của nguồn năng lượng tái tạo, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận lập Quy hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời tỉnh (giai đoạn đến năm 2020, tần nhìn đến năm 2030) nhằm xác định các khu vực tiềm năng phát triển điện gió, điện mặt trời, tạo cở sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khai thác hiệu quả lợi thế về tài nguyên, góp phần cùng cả nước trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Để phát triển tiềm năng điện gió, từ năm 2010, tỉnh Bình Thuận đã xây dựng Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh (giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030) và đã được Bộ Công Thương phê duyệt vào năm 2012. Theo đó, định hướng đến năm 2030, dự kiến công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 2.500 MW với sản lượng điện gió tương ứng và 5.475 MW. Đến nay, có 3 dự án đã đi vào hoạt động với tổng công suất 60 MW. Sản lượng điện của 3 nhà máy này khoảng 140 triệu kWh/năm. Như vậy, so với tiềm năng quy hoạch là còn rất thấp.
Trong thời gian gần đây xu hướng phát triển năng lượng điện gió ngoài khơi rất được quan tâm, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã đồng ý chủ trương cho Công ty Enterprize Energy nghiên cứu khảo sát dự án điện gió trên biển Kê Gà (Hàm Thuận Nam) với công suất đề xuất 3.400 MW; tổng vốn đầu tư dự kiến 11,9 tỷ USD. Hiện nay nhà đầu tư đã hoàn thành lập Quy hoạch điện lực bổ sung, trình Bộ Công Thương thẩm định. Một số nhà đầu tư khác cũng đăng ký đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và tỉnh cho khảo sát các dự án điện gió trên biển với tổng công suất đề xuất khoảng 15.400 MW.
Dự án điện gió ThangLong Wind
Dự án Điện gió ThangLong Wind (ngoài khơi Mũi Kê Gà), tỉnh Bình Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép nhà đầu tư Enterprize Energy triển khai thực hiện khảo sát, đo đạc thu thập số liệu gió ngoài khơi Mũi Kê Gà và giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành tổ chức hướng dẫn chủ đầu tư lập hồ sơ bổ sung dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tại công văn số 621/VPCP-QHQT ngày 22/1/2019 của Văn phòng Chính phủ.
Cuối tháng 6/2019, Công ty Enterprize Energt đã khảo sát lấy ý kiến gần 400 hộ gia đình tại ven biển khu vực TP. Phan Thiết, huyện Hàm Thuận Nam và thị xã La Gi về hoạt động đi biển có liên quan đến dự án điện gió ngoài khơi ThangLong Wind. Đầu tháng 9/2019, Công ty Enterprize Energy đã tiến hành lắp đặt thành công hệ thống Lidar đo gió tại giàn khoan Diamond để thu thập dữ liệu gió và truyền về trung tâm lưu trữ số liệu đặt tại Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 3 xử lý, phân tích. Ngoài ra, trong tháng 10-11/2019, Công ty Enterprize Energy cũng đã thực hiện 2 chuyến bay chụp không ảnh tại vùng triển khai dự án.
Cuối tháng 8/2019, Sở Công Thương Bình Thuận đã chủ trì tổ chức họp nghe Công ty Enterprize Energy và Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 3 (đơn vị tư vấn) báo cáo các nội dung có liên quan về hồ sơ bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia - Dự án điện gió ThangLong Wind. Trong đó, dự án bao gồm phần diện tích trên biển và diện tích trên đất liền (trạm biến áp 220/500 kV, cáp ngầm 220 kV và đường dây 500 kV đấu nối dự án vào lưới điện quốc gia).
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ủng hộ và thống nhất về chủ trương bổ sung dự án điện gió ThangLong Wind, tỉnh Bình Thuận vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Việc đầu tư dự án điện gió là phù hợp với định hướng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sạch theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quyết định số 1061/QĐ-UBND ngày 15/4/2016 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc phê duyệt đề án “Trung tâm năng lượng tỉnh Bình Thuận”, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Đặc biệt, theo kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XII ngày 28/11/2013, trong đó xác định Bình Thuận sẽ là Trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia. Do vậy, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Công Thương thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án điện gió ThangLong Wind vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Sau khi dự án điện gió ThangLong Wind được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, được cơ quan có thẩm quyền cấp Quyết định chủ trương đầu tư và nhà đầu tư thực hiện thảo sát thực tế, lập cũng như trình hồ sơ thỏa thuận vị trí trạm biến áp, hướng tuyến đường dây 220 kV, 500 kV trên đất liền, UBND Tỉnh Bình Thuận sẽ thực hiện thủ tục cập nhật điều chỉnh, bổ sung dự án vào Quy hoạch sử dụng đất, Kế hoạch sử dụng đất, xem xét, thỏa thuận vị trí, hướng tuyến công trình phù hợp theo quy định, tránh chồng lần các dự án, quy hoạch khác và các quy định hiện hành.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện đến nay cũng có một số khó khăn, vướng mắc như: Quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được phê duyệt, ban hành theo quy định nên UBND tỉnh Bình Thuận cũng không thể hướng dẫn và đánh giá sự ảnh hưởng của dự án đối với quy hoạch sử dụng không gian biển. Mặt khác, do chưa có các quy định cụ thể đối với công trình điện gió ngoài khơi, vì vậy, đề nghị Bộ Công Thương ban hành, hướng dẫn các quy định có liên quan đến công trình điện gió ngoài khơi để địa phương và nhà đầu tư có cơ sở theo dõi, thực hiện.
ĐỖ MINH KÍNH - GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG BÌNH THUẬN