Thuế tài nguyên và những hệ lụy không chỉ với ngành than
07:14 | 04/07/2017
TKV trước nguy cơ phải đóng cửa một số mỏ than
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, dù đã nâng cao năng lực quản trị, nhưng cả Công ty TNHH MTV 397 - Tổng công ty Đông Bắc và Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vẫn tồn dư 10,2 triệu tấn than. Điều này không những gây ảnh hưởng tới tình hình tài chính doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới đời sống của khoảng 10 vạn công nhân mỏ.
Cũng tại phiên họp này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, thời gian qua, Bộ đã có nhiều báo cáo gửi tới Chính phủ xem xét tháo gỡ khó khăn cho ngành than, đặc biệt là vấn đề liên quan đến chi phí giá thành của than khai thác trong nước, thuế suất thuế tài nguyên môi trường, giúp than trong nước bình đẳng hơn trong cạnh tranh.
Về xuất khẩu than, Bộ Công Thương đã tạo thuận lợi tối đa, nhưng bên cạnh khó khăn do giá thành, thì xuất khẩu than gặp khó do vướng phải hàng rào kỹ thuật của Trung Quốc về lượng phốt pho tồn dư trong than, nên hiện tại ngành than chỉ trông đợi thị trường trong nước.
Nhưng nếu cứ để giá than như hiện nay, theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thì ngành than vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Bởi hiện giá than trong nước đang ở mức cao do chi phí đầu vào trong sản xuất, khai thác than cao. Bên cạnh đó, sản lượng than nhập khẩu đang tăng nhanh gây sức ép lên ngành than nội địa.
Trước đó, cử tri Quảng Ninh cũng đã kiến nghị Bộ Tài chính về việc xem xét điều chỉnh thuế tài nguyên (chủ yếu là tài nguyên than) về mức thấp nhất trong khung thuế suất tài nguyên hiện nay, tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết: Mức thuế tài nguyên quy định tại Nghị quyết 1084/2015/UBTVQH13 mới được ban hành nên cần có thời gian để tổng kết, đánh giá.
Mặt khác, Bộ Tài chính đã dẫn chứng một số chính sách thuế ở một số quốc gia để lập luận cho quyết định của mình.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Cảnh Nam (Hội đồng Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam), Bộ Tài chính trả lời như vậy là không thuyết phục, ngụy biện, với lập luận mập mờ, khó hiểu.
Thứ nhất: Mỗi quốc gia có quan điểm khác nhau về chính sách thuế đối với tài nguyên tùy thuộc vào điều kiện của từng nước. Qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia có thể thấy rằng, chính sách thuế đối với tài nguyên của các nước trên thế giới rất đa dạng và thường không theo một khuôn mẫu chung (Thuế suất thuế tài nguyên đối với than của Ca-na-đa quy định mức cao nhất là 16%, Ác-hen-ti-na là 3%, Chi-lê quy định mức cao nhất là 14%, Myanmar quy định mức cao nhất là 7,5%). Mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên phụ thuộc vào tầm quan trọng của từng loại tài nguyên cũng như chính sách của quốc gia đó đối với việc bảo vệ môi trường và đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước.
Thứ hai: Tài nguyên (trong đó có than) là một trong những nguồn lực có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Chính sách thu hiện hành đối với tài nguyên (thuế, phí) đều được gắn với mục tiêu điều chỉnh riêng, là công cụ tài chính thể hiện vai trò sở hữu nhà nước đối với tài nguyên quốc gia, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên của tổ chức, cá nhân. Việc sửa đổi, bổ sung các chính sách thu đối với tài nguyên thời gian qua nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong mỗi thời kỳ, giai đoạn về bảo vệ, sử dụng tài nguyên hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.
TS. Nguyễn Cảnh Nam phân tích như sau:
Ác-hen-ti-na
Thuế tài nguyên hay tô mỏ (Mining Royalties) đánh ở cấp tỉnh, căn cứ tính thuế là giá trị tại cửa mỏ (mine head value - hay còn gọi là lãi gộp) và thuế suất đối với than là 3%. Giá trị tại cửa mỏ bằng giá bán đầu nguồn trừ đi chi phí khai thác trực tiếp (không bao gồm khấu hao tài sản cố định).
Như vậy, mức thuế suất 3% là tính theo giá trị tại cửa mỏ (hay có thể gọi là lãi gộp), thấp hơn nhiều so với 3% doanh thu.
Ca-na-đa
Thuế tài nguyên đối với khoáng sản được gọi là thuế khai thác mỏ (Mining Tax) đánh ở cấp tỉnh theo 3 khu vực: vùng Quê-bếch, vùng Cô-lôm-bia thuộc Anh (BC) và vùng Ôn-ta-ri-ô. Thuế suất đối với than tương ứng với 3 vùng là 16,0%; 2%÷13% và 5%÷10%. Căn cứ tính thuế ở vùng Quê-bếch là lợi nhuận hàng năm. Tại vùng BC gồm 2 giai đoạn: 2% thu nhập ròng hiện hành (bằng doanh thu trừ chi phí vận hành) và 13% thu nhập ròng (bằng thu nhập ròng hiện hành trừ chi phí vốn điều chỉnh, chi phí thăm dò, chi phí tiền sản xuất và trợ cấp đầu tư). Thuế suất ban đầu 2% là mức thuế tối thiểu được khấu trừ toàn bộ cùng với lãi vay so với mức thuế suất 13%. Tại vùng Ôn-ta-ri-ô là 10% phần lợi nhuận đạt trên mức 500.000$. Trong thời hạn 3 năm, phần lợi nhuận 10 triệu $ đầu tiên thu được từ mỏ mới hay do cải tạo mỏ hiện có được miễn thuế. Thời hạn này là 10 năm đối với các mỏ mới ở vùng sâu, vùng xa của Ôn-ta-ri-ô. Sau thời hạn đó sẽ áp dụng mức thuế 5% đối với các mỏ này.
Như vậy, mức thuế suất thuế tài nguyên tính theo % lợi nhuận, thấp hơn nhiều so với % theo doanh thu.
Chi-lê
Thuế tài nguyên đối với khoáng sản được gọi là thuế khai thác mỏ cụ thể (Specific Mining Tax) đánh ở cấp liên bang/trung ương. Căn cứ tính thuế là thu nhập ròng chịu thuế có cộng và trừ một số khoản doanh thu phi kinh doanh. Thuế suất đối với than là từ 0% đến 14%.
Như vậy, mức thuế suất thuế tài nguyên tính theo % thu nhập ròng chịu thế, có thể hiểu là lợi nhuận, thấp hơn nhiều so với doanh thu.
Qua các trường hợp cho thấy trả lời của Bộ Tài chính mập mờ ở chỗ chỉ nêu mức thuế theo % mà không nêu cụ thể % trên cái gì (căn cứ tính thuế) để đảm bảo sự so sánh được. Nếu chỉ nghe con số % thì tưởng là cao, nhưng thực chất cả 3 trường hợp trên đây mức thuế tài nguyên đối với than đều rất thấp nếu so với % trên doanh thu như ở Việt Nam nêu dưới đây. Với mức thuế suất thuế tài nguyên đối với than như đã nêu rõ ràng đúng là các nước thực sự coi tài nguyên khoáng sản là nguồn lực quan trọng "đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước".
Việt Nam
Các khoản thuế, phí đặc thù đối với khoáng sản gồm có thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác, phí bảo vệ môi trường. Ngoài ra, đối với một số khoáng sản nhiên liệu như than còn chịu thuế bảo vệ môi trường. Căn cứ tính thuế tài nguyên và tiền cấp quyền khai thác là doanh thu. Thuế suất thuế tài nguyên đối với than hiện nay là 12% đối với than khai thác lộ thiên và 10% đối với than khai thác hầm lò; tiền cấp quyền khai thác khoảng 2%. Như vậy, tổng cộng là 12% đối với khai thác hầm lò và 14% đối với khai thác lộ thiên.
Nói chung, mức thuế tài nguyên đối với than của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước và rất cao trong bối cảnh giá thành than ngày càng tăng cao do điều kiện khai thác khó khăn và thuế phí tăng cao, trong khi giá bán than giảm so với trước. Đó là một trong những nguyên nhân chính làm cho giá thành than trong nước cao hơn giá thành than nhập khẩu, dẫn đến làm giảm khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện cho than nhập khẩu "tràn" vào Việt Nam, gây nhiều hệ lụy xấu đối với các doanh nghiệp khai thác than trong nước và kinh tế - xã hội đối với vùng than, nhất là tại Quảng Ninh.
Do đó, việc cử tri Quảng Ninh kiến nghị giảm thuế tài nguyên đối với than là cấp thiết, kịp thời. Tiếc rằng trả lời của Bộ Tài chính "cần có thời gian để tổng kết, đánh giá" là không có tính thuyết phục với lập luận mập mờ như đã nêu trên.
Về lập luận của Bộ Tài chính rằng "Việc sửa đổi, bổ sung các chính sách thu đối với tài nguyên thời gian qua nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong mỗi thời kỳ, giai đoạn về bảo vệ, sử dụng tài nguyên hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả", TS. Nguyễn Cảnh Nam cho rằng, đó chỉ là ngụy biện và thực tế không đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Với chính sách thuế, phí tăng cao hiện hành không những gây tổn thất lớn về khoáng sản trong khai thác mà còn làm giảm thu ngân sách nhà nước xét trên tổng thể, vì khoáng sản bị bỏ lại thì lấy đâu ra mà thu.
Theo TS. Nam, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đã khẳng định tài nguyên khoáng sản có vai trò quan trọng hàng đầu là nguồn lực để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, do đó phải khai thác tận thu tối đa và sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản sẵn có.
Cụ thể là: Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 25/4/2011 về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Trong đó đã nêu một trong những quan điểm chủ đạo là "khoáng sản là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước, phải được điều tra, thăm dò, đánh giá đúng trữ lượng và có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch sử dụng hiệu quả, góp phần vào tăng trưởng chung và bền vững của nền kinh tế".
Luật Khoáng sản (2010) đã quy định: Khai thác khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư; áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản (Điều 4). Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có các nghĩa vụ khai thác tối đa khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm (Điều 55).
"Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22/12/2011 đã nêu quan điểm chỉ đạo "Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, thuộc tài sản quan trọng của quốc gia phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững kinh tế - xã hội trước mắt, lâu dài và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường".
Qua những quy định nêu trên cho thấy: Nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước xác định tài nguyên khoáng sản là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội với vai trò chính là nguyên, nhiên liệu cho các ngành sản xuất và đời sống. Việc khai thác khoáng sản phải đảm bảo thu hồi tối đa khoáng sản, bao gồm khoáng sản chính và khoáng sản đi kèm. Không coi tài nguyên khoáng sản có vai trò chính là nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Việc thuế, phí tăng cao hiện nay làm cho giá thành khoáng sản tăng cao, sẽ gây tổn thất khoáng sản lớn trong quá trình khai thác. Vì với mục tiêu đảm bảo có lợi nhuận chấp nhận được, doanh nghiệp sẽ chỉ khai thác phần trữ lượng dễ khai thác và chất lượng tốt (để có giá thành thấp và giá bán cao), bỏ lại phần trữ lượng khó khai thác và chất lượng thấp (có giá thành cao và giá bán thấp). Điều đó hoàn toàn đi ngược lại với chủ trương, chính sách "khai thác khoáng sản phải đảm bảo thu hồi tối đa khoáng sản" của Đảng và Nhà nước.
NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM