RSS Feed for Thủ tục hành chính vẫn gây khó dán nhãn năng lượng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 17:20
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thủ tục hành chính vẫn gây khó dán nhãn năng lượng

 - Mặc dù Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiên quyết tháo gỡ, song thủ tục hành chính vẫn là nguyên nhân chính gây ra những vướng mắc cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu và dán nhãn năng lượng.

Amcham khuyến nghị về quy định dán nhãn năng lượng

Một doanh nghiệp nhập khẩu một máy động cơ điện để thay thế cho động cơ cũ đã hỏng, trị giá khoảng 2 triệu đồng nhưng chi phí thử nghiệm hiệu suất có thể lên tới 5-6 triệu đồng,  thời gian thực hiện thử nghiệm có thể mất tới một tuần.

Doanh nghiệp chưa được thông tin cụ thể về các cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành liên quan đến dán nhãn năng lượng. Ảnh: ndh

Theo khảo sát của Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng Toàn diện của USAID (dự án GIG) thực hiện ở nhiều địa phương trên cả nước, thời gian thử nghiệm đối với máy giặt trung bình 7 ngày/mẫu; hoặc 2 tuần/mẫu, nếu thử chỉ tiêu tuổi thọ thì 1 tháng/mẫu, chỉ tiêu hệ số duy trì quang thông là 3 tháng/mẫu.

Thời gian thử nghiệm đối với bóng đèn huỳnh quang dạng ống và bóng đèn huỳnh quang compact thì thời gian thử nghiệm trung bình (chưa tính chỉ tiêu tuổi thọ và hệ số duy trì quang thông) là 2 tuần/mẫu.

Thời gian thực hiện thử nghiệm được quy định tại tài liệu hướng dẫn của Tổng cục Năng lượng, trong đó xác định thời gian thử nghiệm mẫu điển hình thực tế nhanh hay chậm phụ thuộc vào công việc của đơn vị thử nghiệm hoặc vào việc thỏa thuận giữa đơn vị thử nghiệm và khách hàng.

Nguyên nhân chậm thực hiện các thủ tục dán nhãn năng lượng được xác định là do số lượng đơn vị thử nghiệm không nhiều và phân bổ không đều giữa các miền.

Hiện cả nước có 8 đơn vị thử nghiệm được chỉ định. Trông đó, có 6 đơn vị trong nước và 2 đơn vị nước ngoài nhưng đã hết hạn. Chưa hết, mỗi đơn vị thử nghiệm chỉ có chức năng thử nghiệm một số mặt hàng nhất định.

Số lượng các đơn vị thử nghiệm do Tổng cục Năng lượng- Bộ Công Thương chỉ định còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu của DN dẫn đến kéo dài thời gian và tăng chi phí thực hiện.

Một điểm nữa, việc dán nhãn năng lượng tại khâu trước thông quan hay trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường cũng còn cách hiểu khác nhau.

Quy định tại Điều 39 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã nêu rõ “phương tiện, thiết bị thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng phải được dán nhãn trước khi đưa ra thị trường”.

Thực tế, văn bản Luật không quy định cụ thể về việc phải dán nhãn trước thời điểm thông quan hàng hóa.

Tuy nhiên, tại các văn bản của Tổng cục Năng lượng khẳng định việc dán nhãn năng lượng được thực hiện trước khi thông quan dẫn đến kéo dài thời gian thông quan hàng hóa gây khó khăn trong quá trình thực hiện, chưa phù hợp với Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời chưa đúng với chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết 19/2016/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP.

Theo Tổng cục Hải quan, việc chuyển kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu, việc dán nhãn năng lượng thực hiện sau thông quan và các cơ quan quản lý trong nội địa có trách nhiệm kiểm tra để đảm bảo DN NK thực hiện đúng công tác dãn nhãn năng lượng trước khi đưa hàng hóa ra lưu thông trên thị trường.

Bên cạnh đó, những định hướng mới về cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành, giảm thời gian thông quan hàng hóa như: Tăng cường thừa nhận, công nhận lẫn nhau, cũng chưa được Bộ Công Thương thông tin cụ thể.

Theo Tổng cục Hải quan, việc đánh giá, chứng nhận tại cơ sở sản xuất (tại nguồn nước XK), các Quyết định chứng nhận dán nhãn năng lượng tại nơi sản xuất cần được Tổng cục Năng lượng công bố trên các trang thông tin điện tử và gửi cho Tổng cục Hải quan để cơ quan Hải quan có căn cứ kiểm tra tại thời điểm làm thủ tục hải quan cho DN.

Trong Nghị quyết 19/2016/NQ-CP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.

Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công Thương thay đổi căn bản cách thức quản lý, kiểm tra, dán nhãn hiệu suất năng lượng, bãi bỏ các quy định không có hiệu quả thực tế, kéo dài thời gian thông quan, gây khó khăn, tăng chi phí cho doanh nghiệp; rà soát, đôn đốc các Bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 187/2013/NĐ-CP đối với hàng hóa thuộc Danh mục quản lý chuyên ngành.

Tuy nhiên, sau 5 tháng Nghị quyết 19/2016/NQ-CP được ban hành, doanh nghiệp vẫn chờ tháo gỡ vướng mắc trong khi Bộ Công Thương vẫn chưa có bất cứ động thái nào nhằm thay đổi tình hình.

SONG ANH

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động