RSS Feed for Thợ mỏ Nam Mẫu - ngọn cờ tiên phong ngành Than Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 03/01/2025 08:30
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thợ mỏ Nam Mẫu - ngọn cờ tiên phong ngành Than Việt Nam

 - Công ty Than Nam Mẫu đầu tư đổi mới từ tháng 11/2000 đến nay đã có thời gian gần 12 năm, đây là mỏ trẻ đầu tư theo hướng đồng bộ hiện đại hóa, tự động hóa.

 


Thợ mỏ Nam Mẫu là người khởi sự thành công sự nghiệp đổi mới công nghiệp của Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Những kết quả trong thời gian qua (giai đoạntừ 2008 đến nay) được đánh giá là một hiện tượng trong nghề khai thác than hầm lò vốn khó khăn nhất trong ngành khoáng sản và nó càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh tài chính hiện nay. Họ đã làm được khá nhiều điều ở giác độ kinh tế và xã hội…

Đầu tư và đổi mới đó là một cặp phạm trù mà nhiều người đã quá quen thuộc về nhận thức. Đầu tư có hiệu quả thì sẽ đổi mới tăng trưởng và phát triển, ngược lại thì rước nguy cơ xấu đến với DN.

Cánh cửa CNH, HĐH là một chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước đã mở toang. Nhưng đầu tư trong cơ chế thị trường khác hẳn cơ chế bao cấp, hầu bao là của DN, của các cổ đông. Các chủ sở hữu buộc phải tính ngược, tính xuôi mới đi đến quyết định. Các DN của Vinacomin buộc phải đầu tư mới có môi trường cho sản xuất, nên chuyện đầu tư không lạ gì. Thực tế cái đầu của các nhà đầu tư lúc nào cũng quay cuồng bởi trước hàng loạt các yếu tố, các điều kiện liên quan đến hai từ lợi và hại.

Vinacomin, xét cả quá trình không phải lúc nào cũng khỏe và mạnh. Giai đoạn cuối 1998 đầu năm 1999 ngành than giãn thợ, thiếu việc, khó tiêu thụ, giá rẻ bằng hơn nửa giá thành… Câu chuyện ấy cũng “vá trời dư luận”.

Nhưng ngành than vốn là ngành quan trọng, then chốt của nền kinh tế và có số lao động cao trên 14 vạn người và hàng vạn người ăn theo. Do vậy, sẽ ảnh hưởng rất lớn với giác độ cả về kinh tế và xã hội đất nước. Con người tài ba Đoàn Văn Kiển - Tổng giám đốc Tập đoàn và các cộng sự cũng tài ba không kém mấy đã đưa con thuyền Than Việt Nam qua nhiều bão tố, thác ghềnh một cách ngoạn mục.

Bão tố là thế, những người lãnh đạo Vinacomin vẫn đau đáu bài toán đầu tư. Những thử nghiệm đầu tiên, Tập đoàn lựa chọn một nơi mà ở đó hàm chứa các yếu tố môi trường cần và đủ cho các dự án đầu tư công nghệ, ứng dụng khoa học và phát triển sản xuất theo mô hình công nghiệp hóa, tự động hóa. Con đường đổi mới CNH, HĐH ngành Than khởi sự từ tháng 11/2000 bắt đầu từ than Nam Mẫu.


Nếu tính toán tỷ mỷ đầu tư công nghệ mới vào khu vực Nam Mẫu thì rất có tính khả thi. Các vỉa than ở đây dày đại trà trên dưới chục mét, nằm ở mức dương (trước đây đã khai thác nhưng trữ lượng không đáng kể, xem như là một mỏ mới). Các chỉ tiêu lý hóa than Nam Mẫu giống như than Vàng Danh có giá trị kinh tế cao. Nhìn về địa chất thì cùng loạt vỉa, Nam Mẫu khai thác phần giữa bụng vỉa, phần đầu Vàng Danh, phần đuôi thuộc một số đơn vị sản xuất than khác. Yêu cầu của các công nghệ khai thác than lò chợ tiên tiến, ví dụ như dàn khấu than Vinalta chẳng hạn vỉa càng dày, càng dễ thực hiện và càng đạt năng suất cao.

Ở góc nhìn khác, những người thợ mỏ than Nam Mẫu dự thi các cuộc thợ giỏi toàn ngành luôn chiếm nhiều giải cao nhất. Trong phòng truyền thống của Công ty Than Nam Mẫu, màu cờ, màu huy chương do các thợ giỏi đóng góp nhiều nhất.

Hiện tại Công ty có gần 5 ngàn người lao động, tuổi đời bình quân thợ lò ngoài 30, đều qua đào tạo chính quy. Có thể nói thợ lò Uông Bí và thợ lò Hòn Gai là hai vùng luôn là đối thủ trong các cuộc thi. Theo thống kê thì giải về Uông Bí nhiều hơn một chút và thợ lò Nam Mẫu là tâm điểm của vùng than Uông Bí - Mạo Khê.

Có lẽ phần nhiều vì các lý do này mà Vinacomin luôn lấy Nam Mẫu là nơi thử nghiệm các ứng dụng khoa học trước khi áp dụng đại trà toàn ngành.

Nói vậy, nghề khai thác than hầm lò cũng khó khăn lắm, người quản lý buộc phải tinh tường địa chất mới tiên lượng được các vấn đề cần giải quyết. Mặc dù hàng mấy chục dự án lớn nhỏ gần như tổ chức thi công đồng thời, toàn mặt bằng dương 125 như một đại công trường ngổn ngang mấy năm vừa qua. Tất cả đều đảm bảo tiến độ và hoạt động tốt sau khi nghiệm thu, không một công trình nào mắc lỗi dù về kỹ thuật thiết bị máy móc hay tổ chức thi công.

Hiểu và mến phục tài năng quản lý của kỹ sư Bùi Quốc Tuấn - Giám đốc Cty than Nam Mẫu, một số nghiên cứu sinh đã chọn đề tài này làm đồ án tiến sĩ. Tất nhiên, tài năng quản lý vẫn chỉ là một góc độ, mọi sự thành công còn do nhiều yếu tố khác hỗ trợ nữa, nói như vậy mới công tâm.

Ở một góc nhìn khác, cán bộ trong ngành Than thường nói đùa: “Các vị giám đốc vùng Uông Bí - Mạo Khê thì điều chuyển đi làm giám đốc vùng Hòn Gai, vùng Cẩm Phả đơn giản chắc thắng, nhưng điều chuyển ngược lại thì phải tính toán kỹ không hỏng việc”. Nônna, cũng chỉ do từ địa chất vùng Uông Bí - Mạo Khê phức tạp, ai đã trải nghiệm cái khó thì đến cái dễ nhẹ nhàng hơn. Nhưng cũng chính từ cái khó ấy, các giám đốc vùng Uông Bí - Mạo Khê “keo”, không “thoáng” bằng vùng Cẩm Phả, Hòn Gai. Môi trường tạo nên tính cách cũng là quy luật nhân tạo thường thấy! Công ty có tiền là tìm cách trả nợ gốc vay ngân hàng, giảm lãi ngay. Tính cách “thắt lưng, buộc bụng” đôi khi cũng có giá trị trong hoàn cảnh tài chính khó khăn.

Với các ngân hàng tham gia đầu tư với Công ty Than Nam Mẫu. Câu hỏi đầu tiên và cuối cùng là đều của các cán bộ ngân hàng thương mại. Chục năm nay hơn ai hết họ cho rằng, chủ trương đầu tư vào Than Nam Mẫu là đúng hướng, đem lại lợi nhuận rất lớn cho ngân hàng. Còn về phía khách hàng, ví dụ báo cáo tài chính năm 2011 lợi nhuận sau thuế còn hơn 60,5 tỷ đồng, lao động bình quân 8,6 triệu đồng, thợ lò luôn gấp 1,5 - 2,5 lần lao động ngoài trời, an toàn lao động tốt, không có vụ nào nghiêm trọng.

Những con số trên với công nghệ khai thác than hầm lò cũng không mấy đơn vị có được, đã nói lên phần nào thực lực tài chính mỏ than Nam Mẫu hiện nay.

Xin nói đây mới là giai đoạn đầu khi các dự án hoạt động, các khoản vay đến giai đoạn trả nợ, năng suất lao động chưa thể cao. Một bài toán khi tất cả các phân xưởng có đủ điều kiện cơ giới hóa gần như 100%, năng suất lao động tăng gấp 20 lần tối thiểu, lao động làm việc trong môi trường công nghiệp sẽ an toàn tuyệt đối, Nam Mẫu sẽ là một nơi lý tưởng của ngành khai thác than hầm lò Việt Nam.

Công ty Than Nam Mẫu khởi sự nghiệp đổi mới công nghệ tiên phong của Vinacomin đã thành công. Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Công ty Than Nam Mẫu đến năm 2018 đạt 4 triệu tấn/năm. Nhưng do đẩy nhanh tiến độ cơ giới hóa, tự động hóa đưa dàn khấu than Vinalta (hiện đại nhất) vào lò chợ năm 2011 và dự kiến 2013 đưa dàn khấu than Vinalta 2 sẽ tạo ra nhiều cơ hội tiến gần mục tiêu 5 triệu tấn/năm.


Trần Phương
(Nguồn: Xaydung)
 

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động