Thăm Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt
15:00 | 07/11/2015
Tầm chiến lược quốc gia của điện hạt nhân Việt Nam
Toàn cảnh Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân (Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam), TS. Nguyễn Trọng Ngọ cho biết, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt có hình vòng tròn khép kín, được khởi công xây dựng lò phản ứng TRIGA Mark II đầu năm 1960; ngày 26/2/1963, lò phản ứng TRIGA Mark II đạt trạng thái tới hạn lần đầu và đến ngày 4/3/1963, lò phản ứng đạt công suất danh định 250 kWt.
Trong thời gian từ năm 1963-1968, lò phản ứng được vận hành với 3 mục đích chính là huấn luyện, nghiên cứu và sản xuất đồng vị. Đến giai đoạn 1968-1975, lò phản ứng tạm dừng hoạt động và tất cả các thanh nhiên liệu được tháo dỡ và chuyển trả về Hoa Kỳ.
Theo TS. Nguyễn Trọng Ngọ, để khôi phục và nâng cấp lò phản ứng TRIGA Mark II, ngày 9/10/1979, Việt Nam và Liên Xô đã chính thức ký hợp đồng khôi phục lại Lò phản ứng.
Theo đó, ngày 15/3/1982, khởi công công trình khôi phục và mở rộng Lò phản ứng. Lò được đổi tên mới là IVV-9, còn gọi là Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.
Ngày 1/11/1983, lò phản ứng IVV-9 đạt trạng thái tới hạn lần đầu, sử dụng các bó nhiên liệu độ giàu cao (HEU) 36% U-235; ngày 20/3/1984, lò phản ứng được vận hành với các mục tiêu chính là sản xuất đồng vị phóng xạ; phân tích mẫu bằng kỹ thuật kích hoạt nowtron; nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng để đưa các tiến bộ của khoa học và công nghệ hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; huấn luyện và đào tạo cán bộ.
Trong những năm từ 2007-2011, lò vận hành với vùng hoạt hỗn hợp gồm các bó nhiên liệu độ giàu cao (36% U-235) và độ giàu thấp (19,75 U-235); Ngày 30/11/2011, lò phản ứng đạt trạng thái tới hạn lần đầu với vùng hoạt sử dụng toàn bộ nhiên liệu độ giàu thấp (LEU). Ngày 3/7/2013, tất cả các bó nhiên liệu độ giàu cao đã được chuyển trả về Liên Bang Nga.
Hiện nay, lò phản ứng có công suất danh định 500 kWt; nhiên liệu loại VVR-M2 độ giàu thấp; Chất làm chậm và chất tải nhiệt bằng nước thường với cơ chế làm nguội vùng hoạt bằng đối lưu tự nhiên. Số thanh điều khiển lò phản ứng bao gồm 2 thanh an toàn, 4 thanh bù trừ và thanh điều khiển tự động.
Lò vận hành theo chế độ 1 tuần vận hành liên tục (130 giờ) ở công suất 500 kW; 2-3 tuần dừng để bảo dưỡng hoặc vận hành ngắn ngày phục vụ công tác nghiên cứu và đào tạo. Thời gian lò hoạt động ở công suất khoảng 1.500 giờ/năm, TS. Nguyễn Trọng Ngọ cho biết.
Một số hình ảnh:
Giời thiệu cho các học sinh thăm quan Lò phản ứng
Trạm quan trắc môi trường tại khu vực Lò phản ứng.
NangluongVietnam.vn