RSS Feed for Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả của Việt Nam: Thực trạng và vấn đề đặt ra | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 24/12/2024 19:47
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả của Việt Nam: Thực trạng và vấn đề đặt ra

 - Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, nhu cầu năng lượng của nước ta ngày càng tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu đó, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu mang tính chiến lược đảm bảo sự phát triển bền vững là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Việt Nam đã ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào năm 2010, có hiệu lực thực hiện từ năm 2011. Theo đó Chính phủ đã đề ra các Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, xét trên phạm vi nền kinh tế quốc dân, kết quả thực hiện trong thời gian qua chưa đạt được như mong muốn. Bài báo này sẽ phân tích tình hình cụ thể và nguyên nhân gốc rễ cùng giải pháp căn cơ để khắc phục trong thời gian tới.


Một biện pháp căn cơ góp phần khắc phục thiếu điện ở Việt Nam


PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM [*]

Việt Nam đã ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào năm 2010, có hiệu lực thực hiện từ năm 2011.

Tại Khoản 5, Điều 3 của Luật quy định: “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là việc áp dụng các biện pháp quản lý và kỹ thuật nhằm giảm tổn thất, giảm mức tiêu thụ năng lượng của phương tiện, thiết bị mà vẫn bảo đảm nhu cầu, mục tiêu đặt ra đối với quá trình sản xuất và đời sống”.

Để thực hiện Luật, Chính phủ đã đề ra Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012 - 2015 (Quyết định số 1427/2012/QĐ-TTg) và Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (Quyết định số 280/2019/QĐ-TTg).

Quyết định số 1427/2012/QĐ-TTg đề ra cho giai đoạn 2012-2015 là:

Đạt mức tiết kiệm từ 5 - 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả nước trong giai đoạn 2012 - 2015 so với dự báo nhu cầu năng lượng theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tương đương từ 11 triệu TOE (tấn dầu tương đương) đến 17 triệu TOE trong giai đoạn 2012 - 2015.

Quyết định số 1427/2012/QĐ-TTg đề ra mục tiêu:

- Giai đoạn đến năm 2025: Đạt mức tiết kiệm năng lượng 5,0 đến 7,0% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019 đến 2025.

- Giai đoạn đến năm 2030: Đạt mức tiết kiệm từ 8,0 đến 10,0% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019 đến 2030.

Trên cơ sở mục tiêu chung, Chương trình đề ra mục tiêu cụ thể về tiết kiệm năng lượng cho từng ngành, lĩnh vực.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, Chương trình đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cho nền kinh tế nói chung và các ngành, lĩnh vực.

Tình hình thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế giai đoạn từ năm 2010 - 2019 được trình bày trong bảng 1. 

Bảng 1:

Chỉ tiêu

Đơn vị

2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

Dân số

106ng.

87,07

88,15

89,20

90,19

91,20

92,23

93,25

94,29

95,39

96,48

GDP (giá hiện hành)

103tỷ đ

2158

2780

3245

3584

3938

4193

4503

5006

5542

6037

 

Tỷ USD

110,7

133,3

155,2

171,2

186,2

193,4

205,3

223,7

245,1

262,0

GDP b/q đầu người

USD

1273

1517

1748

1907

2052

2097

2202

2373

2570

2715

Cơ cấu

%

100

100

100

100

100

100

100

100

100

100

- Nông nghiệp

%

18,38

19,57

19,22

17,96

17,70

17,00

16,32

25,34

14,68

13,96

- Công nghiệp

%

32,13

32,24

33,56

33,19

33,21

33,25

32,72

33,40

34,23

34,49

- Dịch vụ

%

36,94

36,73

37,27

38,74

39,04

39,73

40,92

41,26

41,12

41,64

- Thuế SP trừ trợ cấp SP

%

12,55

11,46

9,95

10,11

10,05

10,02

10,04

10,00

9,97

9,91

GDP (giá 2010)

103tỷ đ

2158

2292

2413

2544

2696

2876

3054

3263

3493

3739

 

Tỷ USD

110,7

117,6

123,8

130,5

138,3

147,5

156,7

167,3

179,2

191,8

Tốc độ tăng

%

 

6,24

5,25

5,42

5,98

6,68

6,21

6,81

7,08

7,02

Năng lượng sơ cấp (theo BP)

EJ

1,87

2,13

2,24

2,39

2,61

2,90

3,11

3,32

3,72

4,12

Tốc độ tăng

%

 

13,91

5,17

6,70

9,21

11,12

7,25

6,76

12,05

10,76

Sản lượng điện

109kWh

91,7

101,5

115,1

124,5

141,2

157,9

175,7

191,6

209,2

227,5

Tốc độ tăng

%

 

10,66

13,45

8,09

13,50

11,83

11,27

9,02

9,18

8,74

Hệ số ĐHNL

   

2,23

0,98

1,24

1,54

1,66

1,17

0,99

1,70

1,53

Hệ số ĐHĐN

   

1,71

2,56

1,49

2,26

1,77

1,81

1,32

1,30

1,25

Cường độ NL

GJ/103$

16,90

18,11

18,10

18,32

18,88

19,66

19,85

19,84

20,76

21,49

 

kgOE/

103$

405,6

434,6

434,4

439,7

453,1

471,8

476,4

476,2

498,2

515,8

Cường độ ĐN

kWh/

103$

828,7

863,2

930,4

953,9

1021,5

1070,8

1121,7

1144,9

1167,4

1186,2

Nguồn: [1], [2]. Tác giả tính toán các chỉ tiêu: GDP theo USD giá cố định năm 2010, Tốc độ tăng cung NLSC (%), Tốc độ tăng sản lượng điện (%), Hệ số đàn hồi năng lượng (HSĐHNL), Hệ số đàn hồi điện năng (HSĐHĐN), Cường độ năng lượng (CĐNL) và Cường độ điện năng (CĐĐN).

Ghi chú: HSĐHNL = Tốc độ tăng NLSC (%)/Tốc độ tăng GDP (%); HSĐHĐN = Tốc độ tăng sản lượng điện/Tốc độ tăng GDP; CĐNL = Tổng NLSC cung cấp/GDP; CĐĐN = Tổng sản lượng điện sản xuất/GDP, trong đó GDP theo giá cố định năm 2010 và tỷ giá VND/USD năm 2010 = 19.496. Đơn vị GJ = 24 kgOE.

Theo Niên giám Thống kê Việt Nam (NGTK VN) 2019: Chỉ tiêu CĐNL (kgOE/103USD) năm 2015: 498,6; 2016: 512,8; 2017: 492,3; 2018: 542,2; Chỉ tiêu CĐĐN (kWh/103USD) năm 2015: 1061,2; 2016: 1130,1; 2017: 1184,9; 2018: 1223,1. GDP tính toán từ Tổng cung NLSC/CĐNL là (tỉ USD): năm 2015: 132,7; 2016: 139,3; 2017: 145,8; 2018: 154,5. GDP tính toán từ Tổng điện thương phẩm/CĐĐN là (tỉ USD): Năm 2015: 133,4; 2016: 140,1; 2017: 146,8; 2018: 154,5. Sự chênh lệch GDP từ 2 cách tính chỉ là do sai số khi tính. Vấn đề là không rõ GDP để tính chỉ tiêu CĐNL và CĐĐN trong NGTK 2019 được tính theo thời giá nào, vì không khớp với GDP theo giá hiện hành và GDP theo giá cố định năm 2010 nêu trong NGTK 2019.

Bảng 1 trên đây cho thấy:

Từ năm 2010 đến 2019 sau 10 năm kinh tế - xã hội của nước ta đa có sự phát triển mạnh, dân số tăng từ 87,07 lên 96,48 triệu người (tăng 1,11 lần), GDP (theo giá hiện hành) đã tăng từ 110,7 lên 262,0 tỷ USD (tăng gần 2,4 lần), GDP bình quân đầu người tăng từ 1.273 lên 2.715 USD/người (tăng hơn 2,13 lần). GDP (theo giá cố định 2010) tăng từ 110,7 lên 191,8 tỷ USD, tăng hơn 1,73 lần.

Theo đó, tiêu dùng năng lượng và điện năng ngày càng tăng cao: Tổng cung năng lượng sơ cấp tăng từ 1,87 lên 4,12 EJ (tương đương từ 44,69 lên 98,47 triệu TOE) [2], tăng 2,2 lần, sản lượng điện sản xuất tăng từ 91,7 lên 227,5 tỷ kWh, tăng 2,48 lần.

Xét trên phương diện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua các chỉ tiêu: Hệ số đàn hồi năng lượng (HSĐHNL), Hệ số đàn hồi điện năng (HSĐHĐN), Cường độ năng lượng (CĐNL) và Cường độ điện năng (CĐĐN) cho thấy như sau:

HSĐHNL có sự biến động lên xuống thất thường song về cơ bản theo xu thế giảm dần, từ 2,23 năm 2011 xuống còn 1,53 năm 2019.

HSĐHĐN cũng có sự biến động tăng giảm bất thường song về cơ bản theo xu thế giảm, từ 1,71 năm 2011 xuống còn 1,25 năm 2019.

Nguyên nhân chủ yếu là do tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu thế tăng, trong khi tốc độ tăng trưởng cung ứng NLSC và sản lượng điện năng có xu thế giảm. 

CĐNL có sự gia tăng dần từ năm 2010 đến 2019, tương ứng tăng từ 16,9 lên 21,9 GJ/103USD, tăng 1,27 lần. So với Niên giám Thống kê Việt Nam (NGTK VN) 2019 có sự chênh lệch là do số liệu về cung NLSC và GDP có sự khác nhau.

CĐĐN có sự gia tăng tương đối cao từ năm 2010 đến 2019, tương ứng tăng từ 828,7 lên  1186,2 kWh/103 USD, tăng 1,43 lần. So với NGTK VN 2019 có sự chênh lệch là do sản lượng điện tính khác nhau (NGTK tính theo điện thương phẩm) và GDP khác nhau.

Thiết nghĩ, việc tính chỉ tiêu CĐĐN theo sản lượng điện sản xuất thì hợp lý hơn vì suy cho cùng lượng điện năng bị tổn thất trong quá trình truyền tải và phân phối cũng là tiêu dùng cho nền kinh tế. Theo đó, để giảm CĐĐN và nâng cao hiệu quả sử dụng điện cũng cần phải giảm tổn thất điện năng.  

Vấn đề rút ra ở đây là dù có sự chênh lệch, các chỉ tiêu CĐNL và CĐĐN theo tính toán trên đây cũng như theo NGTK VN 2019 đều cho thấy có xu hướng gia tăng. Đó chính là điều cần quan tâm.

Qua sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và sự biến động của các chỉ tiêu CĐNL, CĐĐN nêu trên cho thấy rằng: Nền kinh tế nước ta thời gian qua tuy có sự tái cơ cấu nhất định nhưng xét trên tổng thể chưa theo hướng sử dụng hiệu quả năng lượng và điện năng.

Trong bài viết này chưa có điều kiện đi sâu phân tích chi tiết nguyên nhân cụ thể của tình trạng sử dụng năng lượng và điện năng chưa hiệu quả. Song qua đánh giá kết quả thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả giai đoạn năm 2012 - 2015 và phân tích tốc độ tăng dân số, GDP bình quân đầu người, cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho thấy các nguyên nhân chính bao gồm:

(i) Trình độ công nghệ kỹ thuật, thiết bị và việc quản lý sử dụng trong các ngành, lĩnh vực sản xuất còn bất cập, hạn chế, dẫn đến có mức tiêu hao nhiên liệu, năng lượng, điện năng cao.

(ii) Dân số tăng cùng với thu nhập ngày càng tăng nên mức tiêu dùng năng lượng và điện năng trong sinh hoạt tăng cao (tăng từ khoảng 25 tỷ kWh năm 2010 lên 59,3 tỷ kWh năm 2019).

(iii) Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm và chưa thực sự theo hướng sử dụng năng lượng có hiệu quả.

Cụ thể là khu vực tiêu hao ít năng lượng hơn như dịch vụ tuy có tỷ trọng tăng nhưng còn chậm: Từ năm 2010 đến năm 2019 chỉ tăng thêm 4,6% (từ 36,94% lên 41,64%).

Ngược lại, khu vực tiêu hao nhiều năng lượng, điện năng như công nghiệp, xây dựng cũng có tỷ trọng tăng tuy thấp hơn là 2,36% (từ 32,13% lên 34,49%). Tỷ trọng tiêu dùng điện năng của lĩnh vực công nghiệp - xây dựng năm 2018 chiếm tới 55%, trong khi tỷ trọng của lĩnh vực này trong GDP chỉ là 34,49%; của nông, lâm và ngư nghiệp là 3%, trong khi tỷ trọng trong GDP chiếm tới 13,96%, giảm 4,42% so với năm 2010 (18,38%); của lĩnh vực dịch vụ và các lĩnh khác là 42% (trong đó thương mại - dịch vụ: 6,0%; quản lý - tiêu dùng: 32,0%; khác: 4,0%), trong khi tỷ trọng của lĩnh vực dịch vụ trong GDP chiếm tới 41,64%.

Trong các nguyên nhân nêu trên thì nguyên nhân quan trọng mang tính chiến lược là tái cơ cấu nền kinh tế mới chỉ định hướng chung là chuyển dịch theo hướng công nghiệp và dịch vụ mà chưa gắn với mục tiêu cụ thể về sử dụng năng lượng hiệu quả.

Để biết mức độ sử dụng năng lượng và điện năng của nước ta cao thấp ra sao, trong bảng 2 trình bày các chỉ tiêu cường độ năng lượng và cường độ điện năng năm 2018 (GDP theo giá hiện hành bằng USD năm 2018) của một số nước trong khu vực và trên thế giới.

Bảng 2:

Chỉ tiêu

Đơn vị

Thái Lan

Malaysia

Hàn Quốc

Nhật Bản

Trung Quốc

Úc

Đức

Nga

Việt Nam

GDP (giá hiện hành)

109$

505,0

358,6

1619,4

4971,3

13608,2

1433,9

3947,6

1657,6

245,2

Cơ cấu GDP

%

                 

- Nông nghiệp

 

8,1

7,5

2,0

1,2*

7,2

2,5

0,8

3,1

14,7

- Công nghiệp

 

35,0

38,3

35,1

29,1*

40,7

24,1

27,5

32,1

34,2

- Dịch vụ

 

56,9

53,0

53,6

69,1*

52,2

66,6

61,8

54,1

41,1

GDP (theo PPP)

109$

1261,2

1032,9

2077,8

5413,8

25418,7

1245,1

4394,6

3998,8

706,5

Tiêu dùng NLSC

109GJ

5,60

4,21

12,55

18,84

135,77

6,00

13,44

30,04

3,72

Sản lượng điện

109kWh

177,6

167,3

593,4

1056,2

7166,1

263,1

643,5

1109,2

209,2

CĐNL và CĐ ĐN tính theo GDP giá hiện hành 

           

CĐNL

GJ/103$

11,10

11,74

7,75

3,79

9,98

4,18

3,40

18,12

15,17

CĐĐN

kWh/103$

351,7

466,6

366,4

212,5

526,6

183,5

163,0

669,2

853,3

VN so với:

Lần

                 

- CĐNL

 

1,37

1,29

1,96

4,00

1,52

3,63

4,46

0,84

 

- CĐĐN

 

2,43

1,83

2,33

4,02

1,62

4,65

5,23

1,28

 

CĐNL và CĐ ĐN tính theo GDP sức mua tương đương (PPP)

       

CĐNL

GJ/103$

4,44

4,08

6,04

3,48

5,34

4,82

3,06

7,51

5,26

CĐĐN

kWh/103$

140,8

162,0

285,6

195,1

281,9

211,3

146,4

277,4

296,1

VN so với:

Lần

                 

- CĐNL

 

1,18

1,29

1,04

1,51

0,99

1,09

1,72

0,70

 

- CĐĐN

 

2,10

1,83

1,04

1,52

1,05

1,40

2,02

1,08

 

Nguồn: GDP theo [1], Tiêu dùng NLSC và sản lượng điện năng theo [2]. Tác giả tính toán chỉ tiêu CĐNL và CĐĐN. Ghi chú: GDP (giá hiện hành) là của năm 2018; GDP (theo PPP) là theo sức mua tương đương của năm 2018 lấy theo NGTK VN năm 2019. (*) cơ cấu của năm 2017.

Qua bảng 2 cho thấy:

Thứ nhất: CĐNL của Việt Nam chỉ thấp hơn của Nga (bằng 0,84 lần), nhưng rất cao so với các nước. Cụ thể là cao hơn Thái Lan 1,37 lần; Malaysia 1,29 lần; Hàn Quốc 1,96 lần; Nhật Bản 4,0 lần; Trung Quốc 1,52 lần; Úc 3,63 lần và Đức 4,46 lần.

Thứ hai: CĐĐN của Việt Nam cao hơn tất cả các nước. Cụ thể là cao hơn Thái Lan 2,43 lần; Malaysia 1,83 lần; Hàn Quốc 1,33 lần; Nhật Bản 4,02 lần; Trung Quốc 1,62 lần; Úc 4,62 lần; Đức 5,23 lần và Nga 1,28 lần. Như vậy, rất cao so với Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, Úc và Đức.

Vì rằng, mặt bằng giá của các nước cao thấp khác nhau do sức mua khác nhau làm cho GDP theo giá hiện hành của các nước không có giá trị ngang nhau - tức không đảm bảo tính so sánh được với nhau. Theo đó, các chỉ tiêu CĐNL và CĐĐN tính trên GDP theo giá hiện hành của các nước chưa hoàn toàn phản ánh chính xác hiệu quả sử dụng năng lượng và điện năng để đảm bảo tính so sánh được.

Vì vậy, để khắc phục khiếm khuyết này, GDP được tính theo sức mua tương đương (Purchasing Power Parity - PPP) [1] và các chỉ tiêu CĐNL và CĐĐN tính trên GDP theo PPP, viết tắt là GDP (PPP).

Trong trường hợp này ta thấy, CĐNL và CĐĐN của Việt Nam so với các nước có sự thu hẹp khoảng cách. Cụ thể là, chỉ tiêu CĐNL của Việt Nam thấp hơn của Nga và Trung Quốc, cao hơn chút ít so với Úc và Hàn Quốc, chỉ cao hơn đáng kể so với Thái Lan và rất cao so với Malaysia, Nhật Bản và Đức. Còn chỉ tiêu CĐĐN của Việt Nam cao hơn tất cả các nước. Qua đó, chứng tỏ hiệu quả sử dụng năng lượng và điện năng của Việt Nam vẫn còn thấp và rất thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. 

Nhìn chung, cho thấy nước nào có lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao và cao hơn nhiều so với tỷ trọng của lĩnh vực công nghiệp trong GDP thì có CĐNL và CĐĐN thấp - tức sử dụng năng lượng và điện năng hiệu quả hơn. Còn nước nào có lĩnh vực công nghiệp cao và cao gần với tỷ trọng của lĩnh vực dịch vụ trong GDP thì có CĐNL và CĐĐN cao - tức sử dụng năng lượng và điện năng kém hiệu quả hơn.

Vấn đề rút ra cho Việt Nam trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng:

1/ Cần nhận thức đúng đắn và phân biệt rõ nội hàm hai khái niệm: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả để có cơ chế, chính sách và giải pháp thực hiện phù hợp.

Hiện nay, nội hàm của hai khái niệm này còn hiểu và quy định chung chung, chưa tách biệt rõ ràng.

Chẳng hạn, như quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010 nêu: “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là việc áp dụng các biện pháp quản lý và kỹ thuật nhằm giảm tổn thất, giảm mức tiêu thụ năng lượng của phương tiện, thiết bị mà vẫn bảo đảm nhu cầu, mục tiêu đặt ra đối với quá trình sản xuất và đời sống”.

Như vậy, thực chất quy định này chỉ mới đề cập đến khía cạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm với nghĩa vẫn đảm bảo nhu cầu, mục tiêu đặt ra, nhưng với mức tiêu hao năng lượng thấp hơn. Theo đó, các Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng chỉ đề ra mục tiêu giảm tiêu hao và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện giảm tiêu hao năng lượng.

Ví dụ, như Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (Quyết định số 280/2019/QĐ-TTg) đã đề ra mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2019-2025 là: Giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân cho các ngành/phân ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015 - 2018. Cụ thể:

(i) Đối với công nghiệp thép: Từ 3,00 đến 10,00% tùy loại sản phẩm và công nghệ sản xuất.

(ii) Đối với công nghiệp hóa chất: Tối thiểu 7,00%.

(iii) Đối với công nghiệp sản xuất nhựa: Từ 18,00 đến 22,46%.

(iv) Đối với công nghiệp xi măng: Tối thiểu 7,50%.

(vi) Đối với công nghiệp dệt may: Tối thiểu 5,00%.

(vii) Đối với công nghiệp rượu, bia và nước giải khát: Từ 3,00 đến 6,88% (tùy vào loại sản phẩm, quy mô sản xuất).

(viii) Đối với công nghiệp giấy: Từ 8,00 đến 15,80% tùy từng loại sản phẩm và quy mô sản xuất. 

Theo đó, đề ra các nhiệm vụ thực hiện mục tiêu giảm mức tiêu hao năng lượng nêu trên.

Đề nghị quy định lại rõ ràng hai khái niệm sử dụng năng lượng tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả như sau: 

Thứ nhất: Sử dụng năng lượng tiết kiệm là cùng một kết quả đầu ra nhưng với mức tiêu hao năng lượng đầu vào ít hơn. 

Thứ hai: Sử dụng năng lượng hiệu quả là cùng một mức tiêu hao năng lượng đầu vào nhưng đạt được kết quả đầu ra nhiều hơn. 

Tuy kết quả cuối cùng của cả hai trường hợp đều là giảm mức tiêu hao năng lượng trên một đơn vị đầu ra, nhưng bản chất và việc áp dụng trong thực tiễn lại có sự khác nhau.       

Sử dụng năng lượng tiết kiệm thường được áp dụng đối với việc sản xuất, hoặc sử dụng những loại sản phẩm, vật tư, thiết bị, máy móc, phương tiện hiện có với mục tiêu giảm mức tiêu hao năng lượng đầu vào bằng các giải pháp thích hợp.

Ví dụ, việc thay thế các bóng đèn sợi đốt hiện đang sử dụng tiêu hao nhiều điện năng bằng các bóng đèn LED có cùng độ sáng như nhau nhưng mức tiêu hao điện năng thấp hơn nhiều.

Tương tự, việc thay thế thế hệ cũ các điều hòa, quạt gió, nồi cơm điện, xe máy, ô tô, thiết bị, phương tiện, v.v... bằng thế hệ mới có mức tiêu hao nhiên liệu, điện năng, nhiệt lượng thấp hơn. Hoặc việc cải tạo hiện đại hóa, đổi mới  thiết bị, máy móc, phương tiện, tòa nhà, dây chuyền sản xuất hiện có để giảm tiêu hao năng lượng hoặc điện năng, v.v... Như vậy, trong trường hợp này việc giảm tiêu hao năng lượng là do sử dụng tiết kiệm. Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chủ yếu đang theo hướng này.  

Còn sử dụng năng lượng hiệu quả thường được áp dụng đối với đầu tư để phát triển, hoặc mở rộng các ngành, lĩnh vực, loại sản phẩm, dịch vụ tiêu hao ít năng lượng nhưng có giá trị kinh tế cao với mục đích nâng cao giá trị đầu ra trên một đơn vị năng lượng tiêu hao.

Ví dụ, các ngành luyện kim, vật liệu xây dựng, chế tạo máy, giấy, hóa chất, giao thông vận tải, v.v... là những ngành tiêu thụ nhiều năng lượng nhất. Các ngành nông lâm thủy hải sản và các lĩnh vực dịch vụ du lịch, thương mại, tài chính, ngân hàng, giải trí, v.v... là các ngành, lĩnh vực tiêu thụ ít năng lượng. Cho nên, để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thay vì đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực tiêu hao nhiều năng lượng (cho dù đã áp dụng giải pháp sử dụng tiết kiệm) chuyển sang đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực tiêu hao ít năng lượng. Theo đó cơ cấu kinh tế sẽ chuyển dịch từ các ngành, lĩnh vực tiêu hao nhiều năng lượng sang các ngành, lĩnh vực tiêu hao ít năng lượng - tức là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sử dụng năng lượng hiệu quả.

Như vậy, trong trường hợp này, việc giảm tiêu hao năng lượng là do chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển các ngành, lĩnh vực tiêu hao ít năng lượng. Chính vì vậy, như đã nêu trên các nền kinh tế có lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao thường có chỉ tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả cao hơn nhiều so với các nền kinh tế có lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng cao. 

2/ Với nhận thức nêu trên, đi đôi với sử dụng năng lượng tiết kiệm cần tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả.

Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045” đề ra một trong các mục tiêu là Cường độ năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt từ 420-460 kgOE/1.000 USD GDP, năm 2045 từ 375-410 kgOE/1.000 USD GDP.

Để thực hiện được mục tiêu đó, đi đôi với việc sử dụng năng lượng tiết kiệm trên cơ sở áp dụng các giải pháp thay thế, đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị, sản phẩm và quản lý nhằm giảm tiêu hao năng lượng, Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả trên cơ sở hạn chế phát triển các ngành, lĩnh vực tiêu hao nhiều năng lượng. Đặc biệt là những ngành, lĩnh vực sản xuất sản phẩm xuất khẩu tiêu hao năng lượng nhiều, chỉ hạn chế ở mức quy mô vừa đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước, đẩy mạnh phát triển các ngành, lĩnh vực tiêu hao ít năng lượng nhưng đem lại giá trị kinh tế gia tăng cao. Đây là nhiệm vụ của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cụ thể hóa mục tiêu và đề ra nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để thực hiện./. 

[*] HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM; KHOA QUẢN LÝ CÔNG NGHIỆP VÀ NĂNG LƯỢNG - EPU


Tài liệu tham khảo:

[1] Niên giám Thống kê Việt Nam (NGTK VN) 2019, 2016, 2014.

[2] BP Statistical Review of World Energy 2020, 2019.   

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động