Nhân viên Điện lực Cầu Kè trao đổi với ông Khuê về sử dụng điện tiết kiệm. (Ảnh chụp tháng 4/2021).
Là một trong những lò ấp trứng lớn của huyện Cầu Kè và có thâm niên trên 50 năm trong nghề ấp trứng. Ông Trịnh Bình Khuê - Chủ cơ sở Lò ấp trứng Khánh Thái, ấp 2 xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh chia sẻ: Tôi làm trong lò ấp trứng này từ năm 16 tuổi, hiện có 10 máy ấp trứng (mỗi máy sử dụng khoảng 7 bóng đèn 60 W), số lượng trứng ấp khoảng 8.000 trứng/máy, với chu kỳ ấp trứng khoảng 28 ngày, trong đó ủ trong máy ấp điện khoảng 16 ngày, 12 ngày còn lại chuyển ra ngoài, không sử dụng điện và nhiệt độ trong máy khi ấp luôn đảm bảo ít nhất từ 36 độ C trở lên; Sản phẩm sản xuất khoảng từ 30 - 40 ngàn con/vụ, phục vụ bà con, người dân trên địa bàn huyện và khu vực lân cận.
Về điện năng, trước đây sử dụng khoảng 7 triệu đồng/tháng và hiện nay giảm xuống còn khoảng 3 đến 4 triệu đồng/ tháng.
Theo ông Khuê, qua quá trình sử dụng và được tư vấn của ngành điện, cơ sở có những giải pháp như sau: Thay bóng đèn tiết kiệm điện, thay dây dẫn điện đạt chuẩn, các thiết bị điện và đèn khi không sử dụng thì tắt và luôn duy trì nhiệt độ máy ấp trứng phù hợp, đảm bảo đúng thời gian xuất lò. Máy ấp trứng luôn duy trì vận hành ở chế độ ổn định nhiệt năng trong máy, đảm bảo không bị phân tán nhiệt ra ngoài môi trường.
Đồng thời máy luôn được vệ sinh sạch sẽ, dùng thuốc khử trùng bên trong máy để bảo vệ môi trường xung quanh được diệt khuẩn và quá trình ấp trứng không bị chết phôi. Đặc biệt, là phải bật máy trước từ 2 đến 4 giờ để duy trì nhiệt độ ổn định cho môi trường mới đưa trứng vào theo dõi.
Ngoài ra theo ông Khuê, khi ấp trứng nên chọn những quả trứng đạt tiêu chuẩn, cho vào khay ấp, theo dõi nhiệt độ, độ ẩm và thời gian đảo trứng phù hợp, thì những mẻ trứng sẽ nở với tỉ lệ gần như 100%, gia cầm nở ra rất khỏe mạnh./.