Quy hoạch điện lực phải trên cơ sở quy hoạch năng lượng tổng thể
08:28 | 19/08/2014
Lệ thuộc nước ngoài, nguy cơ mất an ninh năng lượng quốc gia
Vai trò tư nhân trong phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam
Quy hoạch năng lượng tổng thể - Cơ sở khoa học, pháp lý cho quy hoạch các phân ngành năng lượng
PGS, TS. BÙI HUY PHÙNG, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng - VEA
Mở đầu
Trong cả quá trình phát triển cho tới nay, chúng ta đã xây dựng các quy hoạch phân ngành năng lượng sau: 7 Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (QHĐ); 5 Quy hoạch phát triển ngành than (QHT); 3 Quy hoạch phát triển dầu-khí (QHDK); Dự thảo Quy hoạch năng luợng tái tạo (NLTT).
Các quy hoạch trên đã góp phần định hướng quan trọng cho sự phát triển các phân ngành năng lượng; Lập kế hoạch phát triển các công trình năng lượng, tạo nên những cơ sở vật chất phục vụ phát triển KTQD; Xây dựng và hoàn thiện dần các bộ tư liệu, số liệu phục vụ tính toán quy hoạch và quản lý nhà nước về năng lượng.
Tuy nhiên cũng thể hiện nhiều bất cập, ngành năng lượng có tính hệ thống cao, nhưng các quy hoạch phân ngành: điện, than, dầu-khí, NLTT được xây dựng riêng, khá biệt lập, vì vậy thể hiện thiếu đồng bộ: Thời gian quy hoạch chưa thống nhất, chưa bao giờ các quy hoạch phân ngành được lập đồng thời; Tư liệu, số liêu phục vụ quy hoạch thiếu thống nhất, thiếu tin cậy, thiếu thẩm định; Các nội dung quy hoạch chưa được xem xét, tính toán một cách đồng bộ, dẫn tới khập khiễng, thiếu thống nhất; Cơ cấu, tỷ lệ đầu tư chưa hợp lý giữa các phân ngành, giữa các giai đoạn quy hoạch; Giá cả của các loại nhiên liệu-năng lượng là đầu vào - đầu ra của nhau nhưng thiếu sự cân đối và tương quan hợp lý; Phương pháp tính toán xây dựng quy hoạch chưa hợp lý, thể hiện ở hai khía cạnh chính: i) xây dựng riêng lẽ thiếu tính hệ thống; ii) trong từng phân ngành năng lượng, tuy có sử dụng một số phương pháp và công cụ hiện đại, nhưng chưa đồng bộ, chưa thật hợp lý (như QH ĐL), một số phân ngành khác chủ yếu sử dụng phương pháp thủ công, đơn giản.
Quy định của Luật Điện lực sửa đổi 2013
Chính vì những tồn tại bất cập nói trên, nhiều quy hoạch phân ngành chỉ thực hiện được vài ba năm đã phải sửa đổi, hiệu chỉnh. Để khắc phục tình trạng này, Luật Điện lực sửa đổi 2013 đã quy định Quy hoạch Điện lực Quốc gia tại Khoản 1 và khoản 3 Điều 8 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Quy hoạch phát triển điện lực là quy hoạch chuyên ngành, bao gồm Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia và quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quy hoạch phát triển điện lực được lập, phê duyệt để làm cơ sở cho các hoạt động đầu tư phát triển điện lực và được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Quy hoạch phát triển điện lực phải hợp với quy hoạch các nguồn năng lượng sơ cấp cho phát điện, gồm cả nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo và có tính đến quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật.”
Với quy định này, các quy hoạch phân ngành năng lượng nói chung và quy hoạch điện lực quốc gia nói riêng phải tuân thủ quy hoạch năng lượng tổng thể quốc gia, nghĩa là phải hợp với quy hoạch các nguồn năng lượng sơ cấp.
Quy hoạch điện VII và những thách thức
Sau đây xin phân tích đôi nét thể hiện tính thiếu thống nhất, bất cập khi xây dựng quy hoạch riêng lẽ, cụ thể hơn có thể xem[9].
1. Nhu cầu điện theo QHĐ VII [1,2]
Năm |
2015 |
2020 |
2030
|
Nhu cầu điện SX&NK, tỷ kWh |
194-210 |
330-362 |
695-834 |
Với nhu cầu này cho thấy:
- Cường độ điện đối với GDP (kWh/USD) hiện nay ở nhiều nước đều bé hơn 1, Việt Nam nhiều năm qua xấp xỉ 1 đã là cao, nay dự báo ngày càng lớn, 1,5-2, thụt lùi so với cả chính mình!
- Về hệ số đàn hồi điện, hiện nay, Việt Nam khoảng 1,6-1,7, theo yêu cầu đến năm 2020 giảm xuống 1, với kết quả dự báo trên là không thể giảm được.
2. Nguồn, lưới điện phải xây dựng dồn dập
Kết quả tính toán nguồn với phương án cơ sở, có thể tóm tắt mấy con số chính sau đây:
+ Giai đoạn 2011-2015, tổng công suất nguồn 43.150MW (tăng so với 2010 là 22.890MW, mỗi năm tăng gần 5000MW).
+ Giai đoạn đến 2020, tổng công suất nguồn 75.000MW trong đó nhiệt điện than 32.500MW (46%).
+ Năng lượng tái tạo trong tổng sản xuất điện đạt 4,5% vào 2020, 6% vào 2030.
+ Điện hạt nhân dự kiến sẽ vào làm việc năm 2021, khoảng 2000MW và đến 2030 sẽ có tổng công suất khoảng 10.000MW, 2025 tổng công suất nguồn 97.000MW, trong đó nhiệt điện than 45.200MW (46%).
+ Giai đoạn đến 2030, tổng công suất nguồn 146.000MW, trong đó, nhiệt điện than 77.300MW (52%), điện sản xuất 695 tỷ kWh, với phương án cao là 834 tỷ kWh.
+ Năng lượng tái tạo sản xuất điện đạt 4,5% vào 2020, 6% vào 2030.
3. Yêu cầu than cho sản xuất điện lớn và chưa rõ nguồn cung cấp [1,2]
Năm |
2015 |
2020 |
2025 |
2030
|
SL than thương phẩm, tr. tấn |
52 |
71 |
101 |
110
|
Nhu cầu than cho điện, tr.tấn |
32 |
78 |
118 |
190 |
Thiếu hụt |
4 |
42 |
57 |
127 |
Đối với Việt Nam, tới đây than được sử dụng nhiều để sản xuất điện là hợp lý, nhưng ở mức độ nào là phù hợp cần được tính toán kỹ.
4. Yêu cầu nhập LNG để phát điện, trong khi chưa có luận chứng cụ thể, hiện nay giá LNG khoảng 750USD/tấn, tức khoảng 18USD/1tr.BTU, với giá này, chỉ tiền nhiên liệu đã là khoảng 11-12cents/kWh.
5. Yêu cầu đầu tư lớn và thiếu cân đối
Để đảm bảo thực hiện khối lượng đã đề ra, QH ĐVII, yêu cầu vốn đầu tư khổng lồ.
Giai đoạn 2011-2020: tổng đầu tư 48,8 tỷ USD, trong đó lưới 33%, 5 tỷ$/n.
Giai đoạn 2021-2030: tổng đầu tư 75 tỷ USD, trong đó lưới 34%: 7.5 tỷ$/n.
Trong khi đó, trước đây ngành than chỉ đầu tư mỗi năm 400-500 triệu USD, với QH-2012, bình quân mỗi năm khoảng 1 tỷ USD, như vậy có hợp lý?
6. Với những lý do trên, QHĐVII đang được tổ chức hiệu chỉnh
Quy hoạch năng lượng tổng thể quốc gia là cơ sở khoa học, pháp lý cho quy hoạch điện lực quốc gia [7,8,9].
Quy hoạch năng lượng tổng thể quốc gia (QHNLTT)
Theo quan điểm lý thuyết hệ thống, ngành năng lượng là một hệ thống lớn, trong đó bao gồm các đối tượng năng lượng (hầm mỏ, cơ sở sản xuất chế biến, vận tải, xuất-nhập, tiêu thụ năng lượng...), hoạt động và phát triển không ngừng trên cơ sở các mối quan hệ vật lý-kỹ thuật, biến đổi và thay thế lẫn nhau (được gọi là các mối quan hệ trong) và các mối quan hệ với các ngành kinh tế quốc dân khác và môi trường (được gọi là các mối quan hệ ngoài), nhằm cung cấp năng lượng hiệu quả và bền vững.
Về phân cấp, hệ thống năng lượng (HTNL), được phân cấp theo chuyên ngành gồm: phân ngành điện, than, dầu-khí, năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân (cũng có thể ghép vào phân ngành điện) và phân cấp theo quy mô lãnh thổ: quốc gia, vùng, các trung tâm.
QHNLTT là bước đầu tiên, là cơ sở để xây dựng quy hoạch các phân ngành năng lượng, là tiền đề cho kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng. Bởi vậy nó là cơ sở khoa học và theo pháp quy xây dựng quy hoạch nó còn là cơ sở pháp lý cho các quy hoạch phân ngành.
Nội dung cơ bản của QHLNTT: Xuất phát từ tình hình phát triển kinh tế - năng lượng quốc tế, chiến lược phát triển KT-XH của đất nước, điều kiện các nguồn năng lượng trong và ngoài nước (than, dầu, khí, thuỷ năng, năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân..), tính thay thế lẫn nhau giữa chúng, tiến bộ khoa học - công nghệ và yêu cầu bảo vệ môi trường, tính toán và xây dựng phương án hơp lý phát triển hệ thống năng lượng hiệu quả, bền vững trong suốt thời gian quy hoạch.
Bằng phương pháp khoa học và công cụ tính toán hiện đại, mà hiện nay ở Việt Nam đã được chuyển giao và nghiên cứu, có thể giải quyết được bài toán lớn này, một số phương pháp và công cụ có thể kể tới sau đây.
Về dự báo, nhu cầu năng lượng nói chung và điện nói riêng, có thể sử dụng phương pháp và phần mềm phân tích đánh giá nhu cầu năng lượng - MEDEE (Model d’evalution de la demande d’energie), hoặc phương pháp rút gọn -MAED (The Model of Analysis of the Energy Demand) [4] và phối hợp với vài phương pháp khác như kinh tế lượng, hệ số đàn hồi...
Về tính toán cân đối, phát triển nguồn năng lượng có thể sử dụng phương pháp tối ưu dòng năng lượng-EFOM-ENV [5], phương pháp chiến lược cung cấp năng lượng-MESSAGE[6], MAKAL, PDPAT...
Một số phương pháp hỗ trợ quyết định phối hợp với phương pháp chuyên gia phân tích và đề nghị phưng án khả thi [7,8].
Những kết quả chính có thể nhận được
+ Nhu cầu nhiên liệu - năng lượng cho các lĩnh vực tiêu thụ cho các giai đoạn quy hoạch.
+ Xác định cơ cấu các nguồn nhiên liệu - năng lượng cần sử dụng cho từng giai đoạn.
+ Định hướng cơ cấu vốn đầu tư giữa các phân ngành năng lượng theo các giai đoạn.
+ Xác định được các công nghệ năng lượng chủ yếu.
+ Xác định chi phí biên của các loại nhiên liệu - năng lượng.
+ Xác định lượng phát thải khí nhà kính, định hướng biện pháp bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng.
+ Là tư liệu - số liệu đầu vào để xây dựng các quy hoạch phân ngành.
Với những kết quả đạt được nói trên sẽ là tư liệu đầu vào để đồng thời/ tiếp theo tổ chức tính toán quy hoạch điện lực quốc gia (phân ngành điện), nội dung theo luật điện lực đã quy định chi tiết, phương pháp tính toán đã được ngành điện sử dụng lâu nay. Quá trình tính toán này có thể được lặp lại cho tới khi quy hoạch tổng thể và phân ngành được đánh giá là hài hòa, hợp lý.
Kinh nghiện của Hàn Quốc, vừa qua, trong khuôn khổ Dự án Chính sách công, hợp tác giữa Bộ kế hoạch và Đầu tư Hàn Quốc [10], Hàn Quốc cho biết, họ có quan điểm nhất quán từ năm 1960 đến nay về sự kết nối giữa chính sách năng lượng và chiến lược phát triển KT-XH, theo từng giai đoạn đảm bảo cung cấp ổn định năng lượng, an ninh, bảo vệ môi trường. Cụ thể họ xây dựng QHTTNL quốc gia 20 năm, xây dựng các nguyên tắc cơ bản, chiến lược trung và dài hạn, 5 năm rà soát một lần, gần đây là 2008 và 2013.
Kiến nghị
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế để phát triển bền vững nói chung và đang tổ chức hiệu chỉnh QHĐVII nói riêng; việc xây dựng Quy hoạch điện lực quốc gia, cũng như các phân ngành năng lượng khác, không thể theo kiểu truyền thống riêng lẻ, mà cần thực hiện QHNLTTQG để làm cơ sở khoa học và pháp lý cho các quy hoạch phân ngành, đảm bảo tính đồng bộ, hài hòa; như vậy mới thể hiện tinh thần đổi mới, tính đột phá, tuân thủ Luật Điện lực sửa đổi 2013.
Hiện nay, Việt Nam có điều kiện cả về tổ chức, nhân lực, cơ sở vật chất để thực hiện công tác này, đề nghị Bộ Công Thương tổ chức tập hợp các đơn vị liên quan tham gia như: Viện chiến lược - Bộ KH&ĐT; Viện Chiến lược Công nghiệp - BCT; Viện Khoa học Năng lượng - Viện HLKH&CNVN; Viện Năng lượng - BCT và các đơn vị liên quan khác, cùng nhau phối hợp thực hiện.
Tài liệu tham khảo
1. QHĐ VII, 7-2011.
2. QH phát triển ngành than VN, 1-2012.
3. Báo cáo thẩm định QHĐVII, 12-2010.
4. Model for Analysis of Energy Demand-MAED, IAEA, Vien-1986.
5. Methodological Guide-EFOM-ENV, United Nations, 1992.
6. Model for Energy Supply Strategy Alternatives and their General Environmental Impacts-MESSAGE, IAEA, 2003.
7. Bùi Huy Phùng và cs.Nghiên cứu phương án tổng thể khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng VN,BCĐT thuộc CTKH&CN trọng điểm. Bộ CN, GĐ 2001-2005-Viện KH&CN VN, 8-2005.
8. Bùi Huy Phùng, Phương pháp tính toán TƯ phát triển bền vững HTNL, NXB KH&KT, Hà nội 2011.
9. Bùi Huy Phùng, QHNLTTQG là cơ sỏ khoa học và pháp lí của các QH phân ngành năng lượng, TCNLVN,Số(8,9) 2012.
10. Tae Yong Jung, Chính sách Năng lượng bền vững ở VN, DA Chính sách công,VN-HQ , HT Hà nội, 3-2014.
NangluongVietnam.vn