RSS Feed for Quốc hội tham khảo ý kiến chuyên gia về điện hạt nhân | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 16/09/2024 09:20
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Quốc hội tham khảo ý kiến chuyên gia về điện hạt nhân

 - Kinh nghiệm của các nhà khoa học, các nhà quản lý đến từ các quốc gia phát triển sẽ là cơ sở khoa học để Việt Nam xây dựng chính sách pháp luật trong quản lý và phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình trong thời gian tới... là mong muốn được đưa ra tại hội thảo khoa học lấy ý kiến chuyên gia trong nước, quốc tế về chính sách phát triển năng lượng nguyên tử, do UB Khoa học Công nghệ và Môi trường (Quốc hội) phối hợp với Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam (VUSTA) và Quỹ Friedrich-Ebert-Stiftung (Cộng hòa Liên Bang Đức) tổ chức ngày 5/10 tại Hà Nội.

Tại sao Việt Nam cần điện hạt nhân?
Khởi đầu mới của nền công nghiệp điện hạt nhân
Thành tựu của Việt Nam về ngành công nghiệp hạt nhân

"Chính sách nhất quán của Việt Nam là coi đảm bảo an ninh, an toàn là ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Việt Nam đã, đang ứng dụng rộng rãi kỹ thuật bức xạ và hạt nhân, đồng thời bắt đầu triển khai chương trình điện hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội", Phó Chủ nhiệm UBKH&CN của Quốc hội Lê Hồng Tịnh cho biết.

Ông Tịnh cho rằng, việc tăng cường hợp tác, học tập, chia sẻ kinh nghiệm với các nước có nền công nghệ hạt nhân tiên tiến, nhiều kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành, bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với Việt Nam. Do vậy, Việt Nam mong muốn được nghe những chia sẻ của các nhà khoa học của các quốc gia phát triển đã có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình (bao gồm cả phát triển, xây dựng, vận hành, bảo trì, tháo dỡ, quản lý an toàn các nhà máy điện hạt nhân). 

Các tham luận tại hội thảo đã đề cập đến những kinh nghiệm về cấu trúc quản lý, giám sát công trong năng lượng nguyên tử tại Đức, vấn đề an ninh, ứng phó khẩn cấp, rủi ro bài học từ trường hợp Fukushima Nhật Bản; vấn đề quản lý rác thải hạt nhân ở Nam Phi; các tác động môi trường, xã hội trong quá trình lên kế hoạch nghiên cứu ở Ninh Thuận, đặc biệt là tiềm năng về các nguồn năng lượng thay thế ở Việt Nam trong tương lai tới.

Các chuyên gia đến từ quốc tế cho rằng, năng lượng hạt nhân là một nguồn năng lượng bền vững, làm giảm phát thải các bon và gia tăng an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào các nguyên liệu hóa thạch.

Một số ý kiến khác cho rằng các rủi ro về lưu giữ chất thải phóng xạ là rất nhỏ và có thể giảm trong tương lai gần khi sử dụng công nghệ mới trong các lò phản ứng.

Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến bày tỏ lo ngại năng lực hạt nhân chứa đựng nhiều rủi ro, hậu quả vô cùng nặng nề nếu có sự cố xảy ra.

Phát biểu tham luận tại hội thảo, Thị trưởng vùng Elbtaue (nguyên Chủ tịch Ủy ban Môi trường Đức), ông Klaus - PeterDehde cho biết, để phát triển năng lượng tái tạo, từ năm 1991 Đức đã ban hành luật đầu tiên tạo tiền đề cho việc soạn thảo Luật năng lượng tái tạo là Luật quy định hòa điện tái tạo vào mạng lưới điện quốc gia, soạn thảo khung pháp luật để từ bỏ năng lượng hạt nhân thương mại và ban hành Luật phát triển các nguồn năng lượng tái tạo năm 2000, sửa đổi bổ sung các năm 2004, 2009, 2012, 2014 và 2016.

Luật phát triển năng lượng tái tạo của Đức quy định việc thúc đẩy phát triển năng lượng mặt trời, sản xuất năng lượng sinh học, điện gió trên bờ và ngoài khơi, quy định về chi trả hòa điện vào mạng lưới điện quốc gia, kế hoạch phát triển năng lượng gió, thúc đẩy điện nhiệt kết hợp, thích ứng các mạng lưới điện trong Liên bang.

Thực tế tại Đức, lượng điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo, năng suất và doanh thu đều tăng nhanh qua các năm. Đặc biệt, tính đến năm 2016, năng lượng tái tạo đã tạo việc làm cho số lao động gấp 10 lần số lao động trong toàn bộ nền công nghiệp hạt nhân ở Đức.

Theo một công bố mới đây trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam, mặc dù nước Đức đưa ra kế hoạch từ bỏ ĐHN, tuy nhiên chỉ đóng cửa các lò cũ đã hết hạn vận hành. Tiếp tục duy trì 8 lò phản ứng còn lại (đứng thứ 12/33 nước phát triển ĐHN, tỷ lệ ĐHN chiếm 14,09 % năm 2015), chấp thuận kéo dài thời gian hoạt động của các lò phản ứng này và vẫn tiếp tục vận hành khai thác cho đến hết tuổi thọ được quy định. Để bù đắp thiếu hụt năng lượng hiện tại và trong tương lai, Đức đã, đang và sẽ phải tăng cường nhập khẩu điện năng từ Pháp (chủ yếu được sản xuất từ nhà máy ĐHN).

Đối với dự án điện hạt nhân Việt Nam, theo khảo sát của VUSTA thì cảm nhận của người dân địa phương về các tác động đến môi trường, xã hội trong quá trình triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) là hai địa phương dự kiến đặt nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 cho thấy người dân tương đối lạc quan, tin tưởng vào chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân sẽ đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, do công tác tuyên truyền của chính quyền và chủ đầu tư được thực hiện thường xuyên.

Theo các chuyên gia, quyết định triển khai điện hạt nhân, Việt Nam cần quan tâm đẩy mạnh các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, tái cơ cấu mô hình phát triển kinh tế, ưu tiên vào những ngành sử dụng ít năng lượng, đồng thời tăng tỉ lệ sử dụng năng lượng tái tạo.

NangluongVietnam Online

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động