Quản lý tri thức ngành năng lượng nguyên tử và hướng tiếp cận mới
07:17 | 08/03/2018
Điện hạt nhân đạt công suất cao nhất trong lịch sử
Trong chương trình phát triển nguồn nhân lực của bất cứ cơ quan, tổ chức hạt nhân nào đều bao gồm: giáo dục và đào tạo, lập kế hoạch nhân lực và quản lý tri thức (Knowledge Management - KM).
Cơ quan R&D và TSO là nơi tạo ra, sử dụng và sở hữu rất nhiều tri thức, vì vậy chính cơ quan này cần phải thực hiện công tác quản lý tri thức, bao gồm tri thức "hiện", tri thức "ẩn" và đặc biệt là tri thức "ngầm".
Tri thức hiện (Explicit knowledge) là các tri thức đã được công bố, tri thức này thường được viết trong sách. Điều quan trọng nhất của việc quản lý tri thức hiện là việc xây dựng và sử dụng một bản đồ tri thức - Knowledge Mapping (ví dụ như xây dựng cổng thông tin, hoặc thư viện điện tử).
Tri thức ẩn (Implicit knowledge) là những tri thức chưa được ghi lại thành tài liệu. Tri thức ẩn tuy khó phát hiện nhưng vẫn có thể được ghi lại khi cần. Nói chung, có thể chuyển tri thức ẩn thành tri thức hiện thông qua việc chuyển nó thành tài liệu.
Tri thức ngầm (Tacit Knowledge) là tri thức khó nhất để có thể nhớ và vì thế khó có thể chuyển tải. Tri thức ngầm không thể được giải thích một cách hoàn chỉnh, vì nó hoàn toàn được biểu hiện ở cá nhân, được sinh ra từ thực tế và kinh nghiệm, được thể hiện thông qua việc thực hiện một cách thành thạo và được truyền tải bằng cách học việc và đào tạo thông qua các hình thức học, xem và làm. Tri thức ngầm có thể được quan sát, tuy nhiên khó có thể được chuyển thể sang tri thức hiện.
Trong những năm gần đây, quản lý tri thức hạt nhân nổi lên như một thách thức gia tăng trong các tổ chức hạt nhân. Nhu cầu gìn giữ và chuyển giao tri thức hạt nhân được pha trộn bởi những xu hướng gần đây như tình trạng già đi của lực lượng nhân lực hạt nhân, giảm số lượng sinh viên trong các lĩnh vực liên quan đến hạt nhân và mối đe dọa mất tri thức hạt nhân đã được tích lũy ngày càng hiện hữu trong cộng đồng hạt nhân. Nhận thức được những thách thức này, IAEA đã đẩy mạnh chương trình "văn hóa quản lý tri thức" thông qua các hoạt động sau đây:
1/ Đưa ra hướng dẫn đối với việc xây dựng chính sách và thực hiện việc quản lý tri thức trong các loại hình tổ chức hạt nhân (cơ quan vận hành, cơ quan pháp quy, cơ quan nghiên cứu triển khai và hỗ trợ kỹ thuật (R&D vàd TSO).
2/ Tăng cường việc đóng góp tri thức hạt nhân trong việc giải quyết các vấn đề cụ thể, dựa trên nhu cầu và ưu tiên của các nước thành viên.
3/ Tổng hợp, phân tích và chia sẻ thông tin để tạo điều kiện tạo lập và ứng dụng tri thức.
4/ Thực hiện các hệ thống quản lý tri thức hiệu quả.
5/ Gìn giữ và duy trì tri thức hạt nhân.
6/ Bảo đảm an ninh nguồn nhân lực bền vững cho lĩnh vực hạt nhân.
7/ Nâng cao việc giáo dục và đào tạo hạt nhân.
Xây dựng năng lực (Capacity building) là một bước quan trọng đầu tiên trong quá trình đảm bảo cung cấp bền vững nguồn nhân lực có trình độ và sẵn sàng để đảm nhận trách nhiệm sử dụng bền vững, hiệu quả và an toàn các công nghệ, thiết bị hạt nhân. Xây dựng năng lực trong IAEA, bao gồm bốn yếu tố thiết yếu sau đây:
1/ Phát triển nguồn nhân lực (HRD).
2/ Giáo dục và đào tạo (E&T).
3/ Quản lý tri thức hạt nhân (NKM).
4/ Xây dựng mạng lưới quản lý tri thức ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế (NKM Networks).
Chương trình xây dựng năng lực của IAEA bao gồm tất cả các lĩnh vực để đảm bảo an toàn hạt nhân (bao gồm cả hoạt động an toàn, chuẩn bị và ứng phó sự cố bức xạ/hạt nhân) và tăng cường hiệu quả quản lý (xây dựng năng lực dựa trên cơ sở hạ tầng hiện có). Tầm quan trọng của công tác xây dựng năng lực đã được nhấn mạnh trong nhiều tài liệu của IAEA. Trong nhiều năm qua, IAEA đã tích cực hướng dẫn, giúp đỡ các quốc gia thành viên phát triển ứng dụng NLNT vì hòa bình và phát triển điện hạt nhân, đồng thời phát triển, duy trì và thực hiện chương trình xây dựng năng lực của chính mình.
Là một tổ chức quốc tế lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực NLNT trong nhiều thập kỷ qua, IAEA đã nghiên cứu, xây dựng và xuất bản nhiều ấn phẩm hướng dẫn về mọi lĩnh vực trong việc khuyến khích, trợ giúp các quốc gia thành viên trong phát triển NLNT vì hòa bình và đảm bảo an toàn, an ninh cho các hoạt động phát triển ứng dụng NLNT, chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Đặc biệt, IAEA đã chú trọng trong việc nâng cao nhận thức về sự cần thiết của việc xây dựng năng lực hạt nhân cho các quốc gia. Trong nhiều năm qua, IAEA đã có nhiều hoạt động hiệu quả để trợ giúp các quốc gia thành viên xây dựng và phát triển phương pháp luận về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực hạt nhân, xuất bản nhiều ấn phẩm, tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến chủ đề phát triển nguồn nhân lực hạt nhân, quản lý tri thức hạt nhân.
Cụ thể:
Thứ nhất: Tổ chức hội nghị, hội thảo về đào tạo về phát triển nguồn nhân lực hạt nhân, quản lý tri thức hạt nhân, xây dựng văn hóa an toàn hạt nhân, vv... Trong đó, các hội nghị quốc tế gần đây do IAEA tổ chức về chủ đề này (International Conference on HRD các năm 2010, 2012, 2014, 2016) đã tập trung vào những thách thức toàn cầu về xây dựng năng lực, HRD, giáo dục và đào tạo, quản lý tri thức hạt nhân và thiết lập mạng lưới tri thức, bao gồm các chủ đề phản ánh trong các kế hoạch hành động của IAEA về an toàn hạt nhân.
Thứ hai: Xây dựng và phổ biến phương pháp luận về các chủ đề liên quan đến đào tạo và phát triển nguồn nhân lực như: phương pháp đào tạo theo tiếp cận hệ thống (Systematic Approach Training -SAT).
Thứ ba: Phát triển các chương trình hỗ trợ quản lý tri thức như: chương trình hoạt động chính xác (CAP), các hệ thống đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin như các cổng thông tin điện tử về E-learning, hệ thống quản lý thông tin về khoa học và công nghệ hạt nhân (INIS).
Thứ tư: Xây dựng và hỗ trợ các mạng lưới về đào tạo hạt nhân ở các khu vực như ANENT (châu Á), ENEN (châu Âu), AFRANENT (châu Phi) và nhiều hoạt động khác.
Thứ năm: Cử các đoàn chuyên gia (IAEA’s NKM Assistance Mission) giúp các quốc gia thành viên xây dựng và thực hiện chương trình, chiến lược về đào tạo và phát triển nhân lực, quản lý tri thức hạt nhân.
Việc cử các đoàn chuyên gia hỗ trợ quản lý tri thức là một phần trong những nỗ lực của IAEA nhằm hỗ trợ các nước thành viên, đã được thực hiện từ năm 2005 và được đề cập trong tài liệu về "Lập kế hoạch và cử các đoàn chuyên gia hỗ trợ quản lý tri thức đối với các cơ sở hạt nhân" - TECDOC 1586, Planning and Execution of Knowledge Management Assist Missions for Nuclear Organizations, được xuất bản vào tháng 5 năm 2008, đã cung cấp thông tin về các mục tiêu, phạm vi và hướng dẫn cách thức để yêu cầu đoàn chuyên gia hỗ trợ quản lý tri thức của IAEA tới nước mình.
Lợi ích của quản lý tri thức đối với tổ chức R&D và TSO hạt nhân
Thứ nhất: Giảm sự phụ thuộc vào cá nhân độc tôn
Các tổ chức R&D hạt nhân chủ yếu dựa vào các nhân viên có năng lực, những chuyên gia trong lĩnh vực hạt nhân. Có nhiều nhân viên được đánh giá là các chuyên gia kỹ thuật, và nhiều người trong số họ không có nhiều người kế nhiệm ngay lập tức hoặc nhân viên dự phòng, họ được xem là cá nhân độc tôn (singletons).
Đây là vấn đề nổi bật trong tất cả loại hình tổ chức R&D hạt nhân. Tình hình trở nên trầm trọng bởi quá trình già hóa của nhân viên, thiếu hụt kinh phí và do những chiến lược cắt giảm chi phí thường gây ra áp lực lên quá trình tuyển dụng và bàn giao nhiệm vụ. Mặc dù trong nhiều cơ quan R&D và TSO đã có các quy trình quy hoạch cán bộ kế cận nhưng việc triển khai áp dụng rộng rãi kỹ thuật quản lý tri thức để giải quyết vấn đề cá nhân độc tôn vẫn chưa được vận dụng rộng rãi. Đây là điểm then chốt mà quản lý tri thức có thể đem lại lợi ích cho các tổ chức R&D và TSO hạt nhân. Tất cả những loại hình cơ quan R&D đều có thể triển khai KM để giảm lệ thuộc vào cá nhân độc tôn.
Thứ hai: Tăng cường sức sáng tạo
Khả năng sáng tạo là yếu tố chung liên quan tới tất cả loại hình tổ chức R&D và là điểm mấu chốt để phân biệt các tổ chức R&D với các tổ chức hạt nhân khác. Việc sáng tạo (Innovation) có thể gồm 3 thành phần chính: sử dụng theo cách mới (Newly-use) tri thức hiện có, tạo ra những ý tưởng mới, và khai thác những ý tưởng này để mang lại giá trị cho cơ quan. Sự đổi mới này đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện để giải quyết các vấn đề và khả năng liên kết những khái niệm riêng biệt với nhau để tạo ra kết quả mới. Các cá nhân có thể thực hiện quá trình này, nhưng sẽ nhanh hơn và hiệu quả hơn khi có sự phối hợp nhóm. Do đó, tương tác xã hội là nhân tố thành công chính để đổi mới, đồng thời việc sử dụng các công cụ và kỹ thuật KM đóng vai trò quan trọng để cải thiện khả năng đổi mới. Tất cả những loại hình cơ quan R&D và TSO đều có thể triển khai KM để tăng cường sáng tạo.
Thứ ba: Phát triển mối quan hệ cộng tác và đối tác
Các tổ chức R&D hạt nhân đang tích cực tham gia vào sự phát triển của các liên minh chiến lược quốc tế trong đó yêu cầu chia sẻ nhân viên nghiên cứu và tri thức của họ trong các mạng lưới uy tín thế giới.
Lợi ích này có thể mang lại cho tất cả những loại hình của tổ chức R&D và phổ biến hơn ở những tổ chức được nhà nước hoặc chính phủ tài trợ. Sự hợp tác giữa các học viện R&D, chính phủ, trường đại học và ngành công nghiệp đặt ra yêu cầu về cách tiếp cận linh hoạt và quá trình này có thể được thúc đẩy thông qua các công cụ và kỹ thuật KM khác. Có thể nhận thấy lợi ích tổng thể của cách tiếp cận này trong hiệu suất công tác, tiết kiệm (chi phí) và uy tín khi áp dụng những giải pháp mới và tiên tiến như đã đề cập trong phần trên - tăng cường sức sáng tạo.
Thứ tư: Sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn sẵn có
Hầu hết các cơ quan R&D đều trải qua việc cắt giảm kinh phí, hoặc được yêu cầu cắt giảm chi tiêu. Việc áp dụng những kinh nghiệm thực tiễn tốt về KM có thể không những không làm tăng dự trù kinh phí từ các nhà tài trợ (cả nhà nước và các nguồn khác) mà còn có thể nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Quản lý tri thức góp phần đảm bảo rằng tất cả nguồn vốn được phân bổ đúng đắn và thu được lợi ích tối đa từ nguồn kinh phí có giới hạn.
Thứ năm: Duy trì và phát triển năng lực cán bộ
Sử dụng tri thức ẩn và tri thức hiện là phần việc cơ bản của cơ quan R&D và TSO hạt nhân, tuy nhiên việc tuyển dụng và sử dụng nhân viên theo đúng năng lực sẽ là nhân tố quan trọng hơn đóng góp vào sự thành công. Chẳng hạn người quản lý phòng thí nghiệm, chuyên gia tư vấn (SME) và cán bộ lâu năm trong phòng thí nghiệm có thể có tri thức phong phú nhưng đó có phải là tri thức cần thiết không? Ngoài ra, phải chăng họ có thái độ và kỹ năng phù hợp? Việc duy trì và phát triển năng lực nhân viên là vấn đề rất quan trọng trong tất cả các cơ quan R&D và TSO. Có thể sử dụng một số công cụ và kỹ thuật hữu ích để duy trì và phát triển năng lực nhân viên. Ví dụ như xây dựng khung năng lực, các công cụ cơ sở dữ liệu quản lý kỹ năng/năng lực, vv...
Thứ sáu: Bảo vệ tài sản trí tuệ
Tài sản trí tuệ (IP) là tài sản vô hình có giá trị thương mại. Trong các tổ chức R&D và TSO hạt nhân việc phát triển IP là chìa khóa quan trọng của tổ chức và cần được bảo vệ. Cũng như những tài sản vật chất như các thiết kế, sáng chế, phần mềm,... tri thức của nhân viên cũng được xem là IP. Thực tế giá trị tri thức của nhân viên trong nhiều tổ chức R&D vượt xa giá trị của tài sản vật chất. Việc bảo vệ tất cả loại hình IP sẽ gồm:
1/ Nắm vững lượng IP đang có.
2/ Đánh giá giá trị của IP.
3/ Kiểm soát những hạng mục có giá trị cao và tích hợp việc kiểm soát đó vào hệ thống quản lý.
Nắm được lượng "bí quyết tay nghề (know-how) của nhân viên" cũng là việc làm cần thiết như nhiệm vụ phân định tri thức chủ chốt của tổ chức, do đó thực tế có mối liên kết rõ ràng với các công cụ và kỹ thuật KM.
Tất cả những loại hình cơ quan R&D đều có thể triển khai KM để bảo vệ tài sản trí tuệ, nhưng đặc biệt phù hợp cho cơ quan R&D có chức năng nghiên cứu ứng dụng, chức năng R&D về thiết kế, chức năng dịch vụ và hỗ trợ kỹ thuật (ví dụ như Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam).
Những kỹ thuật/công cụ liên quan đến KM cần thiết cho việc tăng cường bảo vệ tài sản trí tuệ là:
1/ Định rõ tri thức chủ chốt.
2/ Đánh giá rủi ro mất mát tri thức.
3/ Lấp kế hoạch kế nhiệm.
4/ Nắm bắt tri thức ngầm.
5/ Nghiên cứu/phát hiện tri thức hiện.
6/ Và những công cụ IT thúc đẩy các kỹ thuật nêu trên.
7. Đào tạo hạt nhân:
Đào tạo hạt nhân là vấn đề rất quan trọng trong các tổ chức R&D có chức năng chủ yếu liên quan tới giảng dạy và đào tạo những sinh viên chất lượng cho ngành công nghiệp hạt nhân mà gần đây đang có nhu cầu ngày một nhiều. Việc thực thi thành công chương trình đào tạo và huấn luyện đòi hỏi phải chuyển giao được tri thức. Đưa ra cách tiếp cận đa thành phần (Multi-strand) là điều cần thiết và những công cụ được dùng tạo thuận lợi cho công tác đào tạo và huấn luyện gắn kết chặt chẽ với những công cụ để thực thi KM hiệu quả. Mối quan hệ này đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn trong những phát triển gần đây để tiến hành các khóa đào tạo hạt nhân "trực tuyến" trong môi trường lớp học ảo. IAEA đã tham gia vào quá trình này và đã đóng góp thông qua các chương trình chẳng hạn Trường đại học hạt nhân thế giới (WNU) và Mạng lưới đào tạo công nghệ hạt nhân châu Á (ANENT). Một số kỹ thuật dùng trong KM liên quan là: Nghiên cứu/phát hiện tri thức hiện; và những công cụ IT như các cổng thông tin và những công cụ hỗ trợ.
8/ Tuân thủ những quy định pháp lý hạt nhân:
Những tổ chức R&D đang vận hành lò phản ứng nghiên cứu và các cơ sở liên quan cần tuân thủ quy định pháp lý hạt nhân, tương tự như đối với cho các nhà máy điện hạt nhân.
Chi tiết những quy định pháp lý khác nhau tùy theo từng nước, tuy nhiên có một số khía cạnh chung đều được đề cập. Những khía cạnh này đều liên quan tới KM và gồm:
- Duy trì/kiểm tra năng lực cán bộ.
- Tổ chức đào tạo và huấn luyện.
- Đặt ra và quản lý về mặt tổ chức đối với những thay đổi (Change considerations).
- Quản lý tài liệu và hồ sơ.
Các tổ chức có thiết bị R&D hạt nhân đang hoạt động cần áp dụng những công cụ/kỹ thuật KM như sau:
- Xây dựng khung năng lực cán bộ.
- Công cụ cơ sở dữ liệu quản lý kỹ năng/năng lực.
- Định rõ tri thức chủ chốt.
- Đánh giá rủi ro mất mát tri thức.
- Lập kế hoạch kế nhiệm.
- Nghiên cứu/phát hiện tri thức hiện.
- Những công cụ IT chẳng hạn như hệ thống quản lý tài liệu/nội dung, các cổng thông tin và công cụ hỗ trợ.
Lộ trình để tiến hành thành công KM
Như bất cứ sáng kiến nào trong một tổ chức, để thực hiện thành công dự án quản lý tri thức cần có sự quản lý chủ động thông qua nhiều giai đoạn phát triển. Đối với các dự án quản lý tri thức, quy trình 5 giai đoạn là quy trình phù hợp được mô tả trong từng đoạn sau đây.
Giai đoạn 1: Định hướng
Định hướng là những hiểu biết về các khái niệm cơ bản về quản lý tri thức và những hiểu biết về cách thức quản lý tri thức có thể tạo ra những thay đổi và thúc đẩy hoạt động của tổ chức. IAEA đã tiến hành nhiều hoạt động để hỗ trợ lĩnh vực này và đã đưa ra công cụ tham khảo để đào tạo các nhà quản lý và cán bộ chuyên môn ở tất cả các cấp. IAEA đã đưa ra các sáng kiến giúp người đọc nhận thức sâu sắc hơn về các nội dung quản lý tri thức và ứng dụng tối đa các nội dung này. Những sáng kiến này bao gồm: Trường Quản lý tri thức hạt nhân (khai giảng hàng năm ở Trieste, Ý); và các chuyến công tác hỗ trợ quản lý tri thức của IAEA .
Vấn đề rất quan trọng là các nhà quản lý và các nhà tài trợ hiểu biết quản lý tri thức là gì, làm cách nào để thu lợi từ quản lý tri thức và nhận thức cơ bản về phương pháp kỹ thuật để quản lý tri thức hiệu quả.
Có thể mất vài tháng để tổ chức và triển khai phần định hướng. Hoạt động thiết thực ở giai đoạn này là đánh giá sự tiến bộ về quản lý tri thức của tổ chức. IAEA đã cung cấp những công cụ trong các tài liệu tham khảo để đạt được điều đó.
Giai đoạn 2: Xác lập chiến lược
Trong giai đoạn này, tổ chức bắt đầu lên kế hoạch ứng dụng các phương pháp tiếp cận quản lý tri thức để hỗ trợ chuyển giao những cải tiến (Innovations) hoặc thay đổi (Changes) trong quá trình triển khai hoạt động nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ kỹ thuật của mình. Điểm khởi đầu tốt là kết hợp một chiến lược quản lý tri thức, hoặc chuỗi các chiến lược sẽ góp phần củng cố, làm cơ sở cho các hoạt động trong tương lai. Điều này tương tự như cách tiếp cận các tổ chức thường áp dụng để tăng cường các hệ thống quản lý chất lượng thông thường. Thực tế, một số tổ chức gia hạn các tiêu chuẩn bảo đảm tiêu chuẩn (QA) hiện hành, hoặc các chính sách nguồn nhân lực (HR) để giải quyết các vấn đề về quản lý tri thức. Ngoài ra, có thể hoạch định chính sách quản lý tri thức độc lập, riêng biệt.
Các cách tiếp cận này đều mang lại giá trị như nhau và mỗi cách lại có ưu điểm riêng. Mục tiêu của giai đoạn chính sách này bao gồm:
1/ Củng cố các ý tưởng ban đầu.
2/ Kết nối những ý tưởng này với những ý tưởng khác trong tổ chức.
3/ Thu nhận cam kết từ những người quản lý cấp cao.
4/ Chuẩn bị cho giai đoạn 3 và các giai đoạn khác trong tương lai.
Các văn bản chính sách chứa đựng những ý tưởng cấp cao và những niềm tin tổ chức (Organizational beliefs), tuy nhiên chiến lược tổng thể cần cụ thể hơn và cách tiếp cận sẽ được sử dụng. Điều này được mô tả tốt nhất bằng cách tạo ra tài liệu chiến lược riêng, hoặc kế hoạch kinh doanh có thể sử dụng làm phương tiện để hướng dẫn các dự án cụ thể hoặc chuỗi các sáng kiến trong tương lai.
Giai đoạn 3: Thiết kế và triển khai
Để thúc đẩy sáng kiến quản lý tri thức yêu cầu nhiều điều kiện tiên quyết vào thời điểm khởi động dự án quản lý tri thức trong các tổ chức R&D và TSO. Những điều kiện tiên quyết bao gồm:
1/ Dự án có liên quan đến nhu cầu của tổ chức không?
2/ Mục tiêu dự án có được xác định rõ ràng không?
3/ Những lợi ích từ sáng kiến này có được nhận thức và truyền đạt tốt không?
4/ Có cam kết/hỗ trợ từ quản lý cấp cao không?
5/ Có được người đứng đầu, hoặc quản lý cấp cao bảo lãnh không?
6/ Quản lý dự án đã được bổ nhiệm chưa?
7/ Những nguồn lực nào đang hiện hữu?
8/ Nhóm dự án đã biết quy trình, bí quyết công việc chưa?
9/ Văn hóa chia sẻ tri thức ở tổ chức đã được nhận thức và tiếp thu?
Giai đoạn 4: Mở rộng và hỗ trợ
Giai đoạn 4, "mở rộng và hỗ trợ" dựa trên quá trình triển khai giai ở đoạn 3 và tiếp tục thúc đẩy thực hiện quản lý tri thức trong tổ chức. Nếu dự án thí điểm được thông qua trong giai đoạn 3, về sau những bài học thu được từ dự án này sẽ là đầu vào quan trọng cho giai đoạn này.
Có thể tăng cường năng lực quản lý tri thức của tổ chức theo nhiều cách, ví dụ: Chuyển những công cụ và phương pháp được sử dụng ở giai đoạn 3 sang giai đoạn khác, sang các lĩnh vực bổ sung hoặc các đơn vị của tổ chức nghiên cứu và phát triển; Mở rộng các công cụ và phương pháp quản lý tri thức; Thúc đẩy áp dụng các công cụ và phương pháp quản lý tri thức mới hoặc bổ sung.
Mở rộng chức năng sẽ tất yếu dẫn đến yêu cầu bổ sung ngân sách và nguồn lực. Hỗ trợ bổ sung từ quản lý cấp cao là điều cần thiết để bảo đảm sáng kiến đang được thực hiện đúng hướng.
Nếu thực hiện song song nhiều sáng kiến quản lý tri thức, cần cân nhắc áp dụng cách tiếp cận quản lý chương trình. Để làm được điều này, cần cân nhắc các mối liên kết dự án giữa các sáng kiến và giải quyết các vấn đề như sự phụ thuộc lẫn nhau và các mức độ ưu tiên. Quản lý chương trình là chủ đề riêng biệt và không nằm trong phạm vi của ấn phẩm này.
Giai đoạn 5: Quản lý tri thức tập thể
Giai đoạn này được thực hiện khi các dự án quản lý tri thức đã được công nhận sau nhiều năm nỗ lực triển khai. Kỹ thuật và các phương pháp tiếp cận quản lý tri thức trở thành một phần bình thường trong các hoạt động của tổ chức và chúng ta có thể thấy những hoạt động này, ví dụ, tích hợp trong hệ thống QA. Các vấn đề về văn hóa có thể xuất hiện sau phần giới thiệu về các dự án quản lý tri thức sẽ được giải quyết và tổ chức sẽ đưa ra quan điểm tích cực về quản lý tri thức và lợi ích của quản lý tri thức. Giai đoạn này không phải là giai đoạn kết thúc của quản lý tri thức trong tổ chức mà hơn thế nữa, đây là giai đoạn bắt đầu như bất cứ quy trình nào khác. Quản lý tri thức trở thành một phần của hệ thống quản lý tích hợp và cần được duy trì trong chu trình cải thiện liên tục.
NGUYỄN THỊ THU HÀ