RSS Feed for PVN thông tin về việc quản lý than tại Nhiệt điện Vũng Áng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 06:15
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

PVN thông tin về việc quản lý than tại Nhiệt điện Vũng Áng

 - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết: Công tác quản lý, sử dụng than của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã được thực hiện theo các quy định của Nhà nước, quy định của Tập đoàn và quy trình nội bộ của Nhà máy. Bên cạnh việc tập trung ưu tiên tối đa nhận than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), việc bổ sung thêm nguồn than từ Công ty Hoành Sơn đã làm giảm giá nhiên liệu bình quân đầu vào, góp phần giảm giá thành sản xuất điện, tăng hiệu quả của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1.

Nhu cầu than cho sản xuất điện và giải pháp thực hiện (Tạm kết)
Một số vấn đề về cung cầu than cho nền kinh tế Việt Nam
Thị trường than ASEAN và những rủi ro của Việt Nam

Theo PVN, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 có công suất 1.200 MW (2x600 MW) đã đưa vào vận hành thương mại tổ máy số 1 từ ngày 31/12/2014 và tổ máy số 2 từ ngày 12/5/2015 và được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng từ ngày 2/7/2015.

Nhiệt điện Vũng Áng 1 là dự án nhiệt điện than có công suất tổ máy lớn, sử dụng công nghệ đốt than phun trực tiếp tiên tiến, hiệu suất cao, đáp ứng tốt yêu cầu về bảo vệ môi trường. Mỗi năm, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 có khả năng cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 7,2 tỷ kWh/năm.

Ngay trong quá trình chuẩn bị cho việc triển khai dự án, đặc biệt trong việc đảm bảo cung cấp nguyên liệu than cho Nhà máy khi chạy thử và vận hành, từ năm 2010, PVN và TKV đã ký hợp đồng nguyên tắc mua bán than dài hạn phục vụ sản xuất điện của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1.

Theo đó, TKV có trách nhiệm cung cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 với khối lượng và chất lượng như sau: Trong giai đoạn chạy thử và bảo hành NMNĐ Vũng Áng 1 là 1.600.000 tấn than cám 5a Hòn Gai, đảm bảo các thông số thiết kế của nhà máy. Trong giai đoạn vận hành thương mại là 3.400.000 đến 3.600.000 triệu tấn/năm, với chủng loại là 80% than cám 5 Hòn Gai và 20% than cám 5 Vàng Danh - Uông Bí.

Trên cơ sở các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công Thương và căn cứ vào hợp đồng nguyên tắc mua bán than dài hạn đã ký giữa PVN và TKV, trong giai đoạn chạy thử Nhiệt điện Vũng Áng 1, PVN đã ủy quyền cho Ban QLDA Điện lực Dầu khí Vũng Áng - Quảng Trạch (VQPP) đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán than với TKV phục vụ chạy thử Nhà máy.

Trong giai đoạn chạy thử nghiệm Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Ban VQPP đã ký hai hợp đồng mua bán than chạy thử với TKV vào tháng 10 năm 2013 và tháng 5 năm 2014. Do thời gian chạy thử Nhà máy kéo dài hơn so với kế hoạch nên Ban VQPP và TKV đã ký phụ lục gia hạn hiệu lực của hợp đồng mua than chạy thử năm 2014 đến hết ngày 31/5/2015.

Để phù hợp với mô hình hoạt động của PVN, trong giai đoạn Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 hoàn thành chạy thử nghiệm thu tổ máy số 2 và vận hành thương mại tổ máy số 1, năm 2015, PVN đã ký hợp đồng với Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) quản lý và vận hành Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1.

Tuy nhiên, do một số tồn tại về việc tiếp nhận, bốc dỡ than tại cảng Vũng Áng, cộng với ảnh hưởng của yếu tố thời tiết trong khu vực không thuận lợi nên việc cung cấp than từ TKV cho Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 trong năm 2015 thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Đặc biệt vào giai đoạn mưa lũ xảy ra ở tỉnh Quảng Ninh đã ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp than của TKV cho Nhà máy.

PVN cho biết, việc cả 2 tổ máy của Nhiệt điện Vũng Áng 1 cùng vận hành thương mại trong năm 2015 yêu cầu TKV cần cung cấp một khối lượng than khá lớn so với năm 2014. Trong khi đó, khối lượng than giao nhận của TKV cho Nhiệt điện Vũng Áng 1 trong năm 2015 thường xuyên không đáp ứng đủ so với nhu cầu than nhà máy đã đăng ký. Đồng thời, khối lượng than trong kho vào nhiều thời điểm của Nhà máy luôn ở mức rất thấp (có những thời điểm trong kho chỉ có vài chục nghìn tấn than chỉ đủ để vận hành nhà máy trong 3-5 ngày). Vì vậy, khi cả hai tổ máy đều vận hành thì nguy cơ thiếu than cho cả chạy thử và vận hành thương mại của Nhà máy rất cao và có khả năng phải dừng sản xuất, ảnh hưởng lớn đến hoạt động và hiệu quả của NMNĐ Vũng Áng 1.

Trong tình hình cấp bách về cung cấp than cho Nhiệt điện Vũng Áng 1, PVN đã gửi văn bản báo cáo Bộ Công Thương và nhiều lần trao đổi với TKV để sớm có các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu than cho Nhà máy. Tuy nhiên, PVN không nhận được sự hỗ trợ từ TKV vì đối tác cũng đang gặp khó khăn trong khắc phục và giải quyết các vấn đề trong hoạt động sản xuất kinh doanh sau giai đoạn lũ lụt tại Quảng Ninh (tháng 7 và 8/2015).

Để giải quyết tình trạng cấp bách cũng như đảm bảo an toàn, liên tục cho hoạt động sản xuất của Nhiệt điện Vũng Áng 1, PVN đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đàm phán, ký các Hợp đồng (Phụ lục Hợp đồng) mua bán than với TKV, đồng thời đàm phán, ký hợp đồng mua bán than với Công ty Hoàng Sơn như một giải pháp dự phòng để bù đắp lượng than thiếu hụt của NMNĐ Vũng Áng 1.

Hợp đồng mua than với Công ty Hoàng Sơn quy định chất lượng than tương đương than cám 5aHG (than của TKV cung cấp) với giá mua thấp hơn từ 3-5% so với giá than của TKV.

Do tình hình TKV cung cấp thiếu than so với nhu cầu trong từng thời điểm nhất định và không cam kết cung cấp than có chất lượng tương đương yêu cầu kỹ thuật của Nhà máy nên PVN đã thực hiện mua than từ đơn vị cung cấp khác ngoài TKV cho giai đoạn cấp bách, nhằm bổ sung cho khối lượng than trong nước cung cấp thiếu so với nhu cầu vận hành của nhà máy, vì PVN phải chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và đảm bảo phát điện theo kế hoạch vận hành của Hệ thống điều độ lưới điện quốc gia.

Theo đánh giá của PVN, trong thời gian từ khi Nhiệt điện Vũng Áng 1 bắt đầu nhận than để chạy thử nghiệm thu từ tháng 11/2013 và chuyển sang vận hành thương mại tổ máy 1 từ 1/1/2015 đến nay, công tác cung cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã trải qua rất nhiều khó khăn đối với cả chủ đầu tư nhà máy và các nhà cung cấp than.

Mặc dù vậy, PVN đã bám sát tình hình vận hành của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 để có các chỉ đạo kịp thời liên quan đến việc đảm bảo cung cấp than cho nhà máy vận hành ổn định, an toàn, liên tục, tránh phải dừng vận hành. Kể cả trong những giai đoạn bất khả kháng khi nhà cung cấp chính là TKV tạm thời không cung cấp được than do ảnh hưởng của đợt lũ lụt tại Quảng Ninh (tháng 7 và 8/2015), hoặc giai đoạn giao nhận than bằng đường biển gặp nhiều khó khăn khi thời tiết xấu, biển động tại Vũng Áng (từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm).

PVN khẳng định, trong quá trình chỉ đạo, điều hành cung cấp than cho nhà máy, Tập đoàn luôn phối hợp chặt chẽ với TKV, chia sẻ khó khăn với đối tác trong những giai đoạn thiếu than do tình hình sản xuất, vận chuyển than bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi lũ lụt, bất khả kháng. Công tác đàm phán, ký kết các hợp đồng mua bán than được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý nhà nước.

Công tác quản lý, sử dụng than của Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã được thực hiện theo các quy định của Nhà nước và quy định của tập đoàn và quy trình nội bộ của Nhà máy.

Bên cạnh việc tập trung ưu tiên tối đa nhận than của TKV, việc bổ sung thêm nguồn than từ Công ty Hoành Sơn đã làm giảm giá nhiên liệu bình quân đầu vào, góp phần giảm giá thành sản xuất điện, tăng hiệu quả của Nhiệt điện Vũng Áng 1.

Vì dụ như: chất lượng than của Công ty Hoành Sơn có nhiệt trị trung bình cao hơn so với than cám 5a.1 (5.800 kcal/kg so với than cám 5a.1 là 5.600 kcal/ kg). Ngoài ra, độ tro trung bình của than Hoành Sơn thấp (22% so với 29% theo tiêu chuẩn than 5a.1) đã giúp nhà máy giảm lượng tro xỉ, cũng như chi phí xử lý tro xỉ. Đồng thời, chất lượng than này đáp ứng yêu cầu của vận hành nhà máy và tổng thầu EPC, đảm bảo tránh các tranh chấp phát sinh trong giai đoạn bảo hành do nguyên nhân chất lượng than.

Bên cạnh đó, giá bán so cùng thời điểm, giá than của Hoành Sơn thấp hơn từ 2% - 5,7% so với giá của TKV, nhờ đó tiết kiệm được khoảng 44,46 tỷ đồng tiền nhiên liệu trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2016…

Theo PVN, có thể trong một số thời điểm nhất định, để đảm bảo Nhiệt điện Vũng Áng 1 luôn được vận hành ổn định, hiệu quả và liên tục, PVN chưa kịp thời báo cáo Bộ Công Thương về tình hình vận hành Nhà máy, cũng như công tác phối hợp thực hiện hợp đồng mua bán than với TKV. Do vậy, PVN đã và đang tích cực hoàn thiện các quy định, quy chế để công tác quản lý, điều hành vừa tuân thủ các quy định, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền nhưng vẫn đảm bảo xử lý kịp thời các phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Về một số kiến nghị được Thanh tra Bộ Công Thương chỉ ra và các chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã và đang được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nghiêm túc tiếp thu, xử lý và chỉ đạo PVPower (đơn vị đang sở hữu, quản lý, vận hành Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1) và các đơn vị khác liên quan cùng thực hiện để báo cáo lên Bộ Công Thương.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động