PVN bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc
14:50 | 24/05/2022
Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn: Những tín hiệu khởi sắc Vừa qua, ngay sau khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bổ nhiệm Tổng giám đốc Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (PQPOC), Bộ Công Thương đã chủ trì họp cùng PVN và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để kiểm điểm tình hình triển khai chuỗi dự án Khí - Điện Lô B - Ô Môn. Với tinh thần trách nhiệm cao, đại diện lãnh đạo EVN, PVN đã cập nhật hiện trạng khâu thượng, trung và hạ nguồn để có các giải pháp kịp thời. Với mục tiêu, dự án Lô B (khâu thượng nguồn) sẽ có quyết định đầu tư vào tháng 6/2022. |
Phú Quốc POC là nhà điều hành dự án Lô B (khâu thượng nguồn) trong chuỗi dự án Lô B - Ô Môn. Đây là dự án trọng điểm quốc gia liên quan cả thượng, trung và hạ nguồn, có tổng mức đầu tư gần 10 tỷ USD. Trong đó, khâu thượng nguồn do Phú Quốc POC làm nhà điều hành, tổng mức đầu tư chiếm khoảng 6,7 tỷ USD (gồm PVN và các đối tác PTTEP và MOECO), trung nguồn (đường ống và trạm phân phối khí) chiếm 1,3 tỷ USD. Khâu hạ nguồn, nơi có 3 nhà máy điện (1.050 MW/nhà máy) chiếm khoảng 1,2 tỷ USD/nhà máy. Được biết, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đang gấp rút làm việc với các bộ, ngành, EVN và PVN về phương án đầu tư cho Nhà máy điện Ô Môn 3, mấu chốt của chuỗi dự án.
Về phía thượng nguồn, sau hai năm trì trệ bởi dịch bệnh Covid-19 và giá dầu giảm sâu, gần đây đã có những chuyển biến tích cực đối với các đàm phán thương mại và cam kết bảo lãnh của Chính phủ. Có thể nói, gần như cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để khai thông những bế tắc.
Theo đó, PVN cùng các đối tác cả khâu thượng, trung và hạ nguồn và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, bộ, ngành đang hoàn tất các đàm phán thương mại, phương án thu xếp vốn đối ứng (liên quan phần vốn nhà nước) và cam kết bảo lãnh Chính phủ với mục tiêu dự án sẽ sớm có quyết định đầu tư (FID) vào quý 3 năm nay để đưa dự án đi vào triển khai đồng bộ cả chuỗi dự án vào cuối năm nay.
Đối với các gói thầu (EPCI) quốc tế và trong nước (EPCI), sau khi Hội đồng Thành viên PVN ban hành Nghị quyết 179 (ngày 12/4/2022) Phú Quốc POC đã mở thầu và đánh giá thương mại, theo hướng gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trên cơ sở đảm bảo tốt nhất lợi ích hợp pháp cho đất nước và tuân thủ quy định pháp luật hiện hành.
Những gói thầu khác gồm thuê kho chứa nổi (FSO), dịch vụ khoan, đăng kiểm, bảo hiểm công trình, Phú Quốc POC đã hoàn tất hồ sơ mời thầu và sẽ phát hành sau khi có FID.
Được biết, khâu trung nguồn (phần đường ống dẫn khí), Công ty Điều hành Đường ống Tây Nam (SWPOC) cũng đang triển khai song song các hoạt động đánh giá thẩm định thương mại các gói thầu EPCI (đường ống ngoài khơi về đến trạm tiếp bờ) và EPC (đường ống từ trạm tiếp bờ về đến Ô Môn). Với mục tiêu, ngay sau khi có FID, SWPOC cũng sẽ trao các hợp đồng.
Vừa qua, không thể phủ nhận rằng sau khi chấp nhiệm vị trí Tổng giám đốc, ông Bùi Vạn Thuận đã có một số điều chỉnh kịp thời về cơ cấu nhân sự, sắp xếp lại phòng, ban ở Phú Quốc POC để phù hợp với tình hình hiện nay.
Cụ thể, Phú Quốc POC đã sáp nhập một số phòng, ban chức năng theo hướng gọn nhẹ, gia tăng hàm lượng chuyên môn. Đối với Ban Tổng giám đốc, Phú Quốc POC cũng đã triển khai lại phân công nhiệm vụ theo hướng phân cấp, phân quyền các phạm vi phụ trách để giảm thiểu rủi ro kỹ thuật và thương mại do khối lượng công việc và phạm vi sẽ gia tăng khi đi vào triển khai các gói EPCI và quản lý giao diện.
Lô B là mỏ có cấu tạo địa chất phức tạp, do đó, sau khi được PVN chấp thuận, Phú Quốc POC đã bổ sung thêm một chuyên gia hàng đầu là ông Nguyễn Quốc Quân (nguyên Tổng giám đốc Vietgazprom) về làm cố vấn cho Ban Tổng giám đốc, Phòng phát triển mỏ về địa chất, phát triển mỏ.
Phú Quốc POC là một trong những đơn vị quan trọng, nơi PVN (và PVEP) nắm khoảng 70% cổ phần trên tổng mức đầu tư 6,7 tỷ USD trong suốt vòng đời dự án trên 20 năm, có tầm ảnh hưởng toàn ngành.
Về hợp tác quốc tế, với sự tham gia của các đối tác PTTEP (Thái Lan) và MOECO (Nhật Bản), việc kiện toàn nhân sự chủ chốt có kinh nghiệm quản lý dự án sẽ giúp công tác điều hành sát sao hơn.
Có thể thấy, Ban Tổng giám đốc Phú Quốc POC hiện nay là sự pha trộn giữa mới và cũ, giữa kinh nghiệm tại chỗ kết hợp từ ngoài về, gồm Tổng giám đốc Bùi Vạn Thuận và Phó Tổng giám đốc Phạm Xuân Phúc, để hợp thành một tập thể vững mạnh, duy trì các hoạt động tại đơn vị theo đúng chủ trương và định hướng của Tập đoàn.
Trong tương lai gần, khi dự án đi vào triển khai, với việc bổ sung hàng trăm nhân sự dự án, cũng như quản lý các nhà thầu, có thể PVN cần nâng cấp công tác công đoàn cơ sở ở Phú Quốc POC, chức danh Chủ tịch công đoàn cơ sở nên tham gia Ban chấp hành và có hàm tương đương chức danh Phó Tổng giám đốc Phú Quốc POC. Để qua đó, công đoàn cơ sở sẽ hỗ trợ cho Ban Tổng giám đốc Phú Quốc POC, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động để có những điều chỉnh kịp thời, giúp cho các hoạt động quản lý điều hành dự án xuyên suốt, theo đúng tiến độ của cả chuỗi dự án.
Ông Phạm Xuân Phúc còn khá trẻ nhưng đã kịp thu nạp nhiều kinh nghiệm khi phụ trách dự án Cá Rồng Đỏ và Lô B hiện nay (Ủy ban quản lý) ở cấp Tập đoàn. Về mặt quản lý, ủy ban quản lý (MC) những nơi ông tham gia, đã làm rất tốt vai trò quản lý hợp đồng dầu khí và phát triển mỏ.
Đối với Lô B, là đầu mối của PVN thông qua MC, các phê duyệt Kế hoạch phát triển mỏ đại cương (ODP), Kế hoạch phát triển mỏ (FDP) đã triển khai chuyên nghiệp và xuyên suốt những năm qua.
Hai năm qua, với vai trò trợ lý Tổng giám đốc PVN, công tác tham mưu, tư vấn quản lý, điều hành về thăm dò và khai thác dầu khí do ông lập - trình cũng khá sát sao tình hình, giúp tháo gỡ được những khó khăn tại các đơn vị.
Dự án Lô B có vai trò quan trọng, không chỉ đóng góp cho ngân sách quốc gia khoảng 1 tỷ đô la/năm trong vòng đời hơn 20 năm khai thác, mà còn góp phần làm đòn bẩy tăng trưởng cho chuỗi các tổng công ty dịch vụ kỹ thuật, gồm: PTSC, PV Drilling, PV Trans, PV Chem, PVMR và Petrosetco. Trong đó, vai trò của nhà thầu PTSC cần được gia tăng vì mục tiêu nội địa hóa phạm vi công việc tổng thầu EPCI, tạo công ăn việc làm cho gần 3.000 người lao động.
Vì vậy, nhìn theo hướng trẻ hóa đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm quản lý, ông Phạm Xuân Phúc là sự bổ sung kịp thời cho Phú Quốc POC.
Được biết, ở Phú Quốc POC, ông Phúc sẽ được giao phụ trách lĩnh vực mua sắm, thương mại. Với sự hỗ trợ của các lãnh đạo các ban chuyên môn PVN, ông được kỳ vọng sẽ cùng tập thể lãnh đạo Phú Quốc POC triển khai dự án Lô B nói riêng và chuỗi dự án Lô B - Ô Môn nói chung thành công. Nhìn xa hơn, nếu triển khai dự án thành công, Lô B chính là một điểm tựa để PVN cùng các đối tác trong và ngoài nước thúc đẩy hơn nữa các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí xa bờ gần khu vực chồng lấn Việt Nam - Malaysia, vì nhu cầu phát triển bền vững và vẹn toàn lãnh hải của quốc gia Việt Nam./.
NGUYỄN LÊ MINH