RSS Feed for Ông Lê Ngọc Sơn được giới thiệu làm Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 18/12/2024 17:11
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Ông Lê Ngọc Sơn được giới thiệu làm Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

 - Sáng ngày 23/2/2024, với thành phần khách mời (gồm đại diện Văn phòng Ban cán sự Đảng Chính phủ, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Bộ Nội vụ), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã hoàn tất quy trình 5 bước giới thiệu nhân sự Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên HĐTV/Tổng giám đốc Tập đoàn. Các hội nghị đã diễn ra theo nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng quy trình, thủ tục và thẩm quyền theo các quy định hiện hành. Kết quả cuối cùng, ông Lê Ngọc Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn là người được lựa chọn.
Chuỗi khí, điện Lô B - Ô Môn: Các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất của Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chuỗi khí, điện Lô B - Ô Môn: Các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất của Tạp chí Năng lượng Việt Nam

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền và quy định trong triển khai Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn theo đề xuất của Tạp chí Năng lượng Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ. (Báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền).

Thông tin về ông Lê Ngọc Sơn:

- Ông Lê Ngọc Sơn: Sinh ngày 16/2/1972.

- Quê quán: Thanh Hóa.

- Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ công nghệ mỏ (đang hoàn tất luận án tiến sĩ).

- Lý luận chính trị: Cao cấp.

- Tình trạng hôn nhân: Đã có gia đình.

Ông Lê Ngọc Sơn được giới thiệu làm Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Phó Tổng giám đốc PVN Lê Ngọc Sơn. Nguồn: PVN.

Một số bình luận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam:

Trước khi làm Phó tổng giám PVN (từ 5/4/2021), ông Lê Ngọc Sơn từng làm Trưởng ban Khai thác Dầu khí PVN, sau đó gần 5 năm làm Tổng giám đốc Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (PQPOC).

Qua một nửa nhiệm kỳ Phó tổng Giám đốc Tập đoàn (lĩnh vực thượng nguồn/khâu đầu - E&P) do ông phụ trách đã có những chuyển biến tích cực về cả kế hoạch gia tăng sản lượng và phát triển mỏ mới.

Hai năm qua, PVN cùng các đối tác đã triển khai một loạt đề án phát triển mỏ mới, mỏ tận thu ngoài khơi gồm: Sư Tử Trắng (giai đoạn 2), Kình Ngư Trắng - Kình Ngư Trắng Nam, Lạc Đà Vàng, Đại Hùng (giai đoạn 3). Cạnh đó, cụm mỏ Nam Du - U Minh cũng đang được cập nhật, điều chỉnh lại FDP để trình Thủ tướng phê duyệt.

Đối với Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn, năm qua, PVN đã có điều chỉnh, bổ sung trong đàm phán thương mại với các đối tác nước ngoài để trao thầu hạn chế EPCI cho các tổng thầu, làm cơ sở triển khai các dự án thành phần (gồm hệ thống đường ống vận chuyển khí ở trung nguồn và các nhà máy nhiệt điện khí ở hạ nguồn).

Công tác tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng đạt tỷ lệ bù đắp sản lượng cao hơn 1/1 (năm 2023 đạt 13 triệu tấn quy dầu). Trong đó, có 2 phát hiện dầu khí mới quan trọng gồm: Hà Mã Vàng (Lô dầu khí 16-2 bể Cửu Long) và Bunga Lavatera (dự án PM3 CAA ở khu vực chồng lấn Việt Nam - Malaysia).

Các chỉ tiêu về gia tăng trữ lượng, khai thác dầu khí hai năm qua luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch, làm nền cho các kỷ lục về doanh thu và nộp ngân sách nhà nước của PVN hai năm qua:

- Năm 2022: Doanh thu hợp nhất của PVN đạt hơn 931 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách gần 336 nghìn tỷ đồng (kỷ lục của PVN tính đến năm 2022).

- Năm 2023: Doanh thu hợp nhất của PVN đạt 942,8 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách gần 152 nghìn tỷ đồng (PVN thiết lập kỷ lục mới).

- Năm 2024: Dự báo các chỉ tiêu doanh thu, nộp ngân sách sẽ giảm nhẹ so với năm 2023 (do giá dầu có thể giảm nhẹ và PVN phải tái phân bổ tài chính và tái đầu tư).

Công tác đào tạo, công tác cán bộ 2 năm qua cũng được triển khai chuyên nghiệp ở các đơn vị (Vietsovpetro, BDPOC, PQPOC và PVEP). Các phương án điều động, bổ nhiệm phó tổng giám đốc, giám đốc các đơn vị, đúng người, đúng việc rất đáng ghi nhận. Sau một số thiếu hụt nguồn lực do hệ lụy của quá khứ, công tác đào tạo trung, cao cấp chính trị, bồi dưỡng chuyên môn và quy hoạch trẻ hóa cán bộ khâu thượng nguồn vừa qua đã có nhiều khởi sắc.

Dù mới đi qua một nửa nhiệm kỳ, ông Lê Ngọc Sơn đã có nhiều nỗ lực vượt bậc để từng bước chuyên nghiệp hóa lĩnh vực E&P. Đây là điểm quan trọng, vì nhu cầu mở rộng thị trường, cũng như chuyển dịch năng lượng, công tác cán bộ nguồn kế cận đối với hai lĩnh vực cốt lõi (khâu đầu và khâu sau) cần được trang bị đủ những phẩm chất cần thiết và đa năng để bắt kịp xu hướng phát triển trong tình hình mới.

Đối với các dự án ở Nam Mỹ, năm qua, PVN đã chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan (Ban Nội chính Trung ương, Thường trực Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp và PVEP) rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tìm kiếm giải pháp tối ưu. Qua tình hình thực tế, quan điểm của Ban Nội chính Trung ương cũng rất rõ ràng là: Cần xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ (gồm Junin 2 ở Venezuela và Lô 39/67 ở Peru) và mất vốn, nhưng không nên hình sự hóa các quan hệ hợp tác kinh tế.

Các dự án này, hiện chi phí đầu tư cộng dồn đã lên đến gần 1,4 tỷ USD. Mặc dù PVEP đã gần hoàn tất nghĩa vụ phân bổ tài chính, nhưng nếu để kéo dài, sẽ tiếp tục phải chi trả các khoản chi phí phát sinh (chưa hoàn tất) và rủi ro khiếu kiện từ các đối tác nước ngoài do các liên doanh (Petromacareo đối với Junin 2 và Perenco ở Lô 39/67) đã ngừng hoạt động.

Năm 2023, mặc dù sản lượng dầu khí sụt giảm tự nhiên đối với các mỏ hiện hữu (một phần sản lượng khí giảm do nhu cầu huy động giảm từ các nhà máy điện), việc duy trì, bảo đảm các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí xuyên suốt, ổn định, là nỗ lực không nhỏ của ông Lê Ngọc Sơn.

Với giá dầu trung bình 88 USD/thùng như năm qua (trên mức chi phí hòa vốn dưới 50 USD/thùng), việc duy trì sản lượng khai thác dầu đối với các cụm mỏ trong nước chỉ cần duy trì khai thác bình ổn là gia tăng lợi nhuận ròng cho toàn Tập đoàn.

Năm 2023, sản lượng dầu đạt mức 8,63 triệu tấn (tương ứng gần 61 triệu thùng dầu, tương ứng hơn 5 tỷ USD), là một trong những nền tảng tạo ra kỷ lục doanh thu của PVN 2 năm vừa qua.

Đặc biệt là các cụm mỏ hiện hữu đã hết khấu hao (như Bạch Hổ) và khu vực lân cận (trên 60.000 thùng dầu/ngày) và cụm mỏ Sư Tử (hiện sản lượng đạt khoảng 42.000 thùng/ngày) là rất quan trọng.

Trong bối cảnh thuận lợi như hiện nay: Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực, cũng như giá dầu duy trì ở mức cao (chưa có dấu hiệu sụt giảm trong vòng 2, hoặc 3 năm nữa), ngoài mục tiêu phát triển các chuỗi dự án trọng điểm quốc gia, việc sớm triển khai các mỏ nhỏ, mỏ cận biên cũng rất phù hợp. Theo đó, PVN sẽ đáp ứng nhu cầu bù đắp sản lượng dầu khí đang sụt giảm tự nhiên, nhưng lại không mất nhiều thời gian phát triển, cũng như không gặp khó khăn đối với việc thu xếp vốn đối ứng và vốn vay.

Với việc Luật Dầu khí (sửa đổi) đã có hiệu lực từ 1/7/2023 và các đề án phát triển mỏ mới, mỏ tận thu đã lập (61 dự án/cơ hội đầu tư), PVN sẽ thúc đẩy các dự án ngoài khơi trong năm nay và những năm sắp tới, làm nền cho phát triển toàn Tập đoàn trên cả 5 lĩnh vực.

Với các thống kê về chỉ tiêu tăng trưởng, doanh thu và đóng góp gần 10% tổng nộp ngân sách của PVN gần đây cho thấy tiềm lực phát triển dài hạn (ít nhất từ nay đến năm 2045) theo tinh thần Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị.

Thường trực Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, cũng như tập thể lãnh đạo Tập đoàn kỳ vọng ông Lê Ngọc Sơn sẽ tiếp nối những thành tựu của người tiền nhiệm để PVN không chỉ làm tốt vai trò như hiện tại mà còn vươn mình thành một tập đoàn kinh tế/công nghiệp năng lượng hàng đầu của đất nước, để gánh vác sứ mệnh mở rộng thị trường và đầu tư sâu hơn vào lĩnh vực điện, năng lượng tái tạo trong bối cảnh EVN đang gặp nhiều khó khăn.

Đối với lĩnh vực truyền thống, khi giá dầu đang ở mức cao, PVN không chỉ cần phải thúc đẩy các đề án khai thác tận thu các mỏ ở ngoài khơi để gia tăng lợi nhuận và GDP, mà còn là công cụ để Chính phủ giữ nhịp và điều tiết kinh tế vĩ mô, để kích cầu tăng trưởng cho các huyết mạch kinh tế, cũng như góp phần bảo đảm an ninh trên biển và hải đảo.

Hiển nhiên, với tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới và trong nước tiếp tục còn nhiều biến động sẽ phát sinh nhiều rủi ro về hợp tác, về cân đối cung - cầu, cũng như các dòng sản phẩm, về các ứng dụng công nghệ, về chiến lược phát triển và phân bổ nguồn lực không chỉ riêng lĩnh vực thượng nguồn.

Nhìn rộng ra toàn ngành, từ các lĩnh vực thượng nguồn đến hạ nguồn (bao gồm công nghiệp khí, lọc hóa dầu, phân bón, hóa chất và lĩnh vực điện, dịch vụ), với thành tựu mà PVN đã tạo dựng những năm qua được Đảng và Nhà nước đánh giá cao, ông Lê Ngọc Sơn được kỳ vọng sẽ cùng với tập thể lãnh đạo Tập đoàn tiếp tục duy trì, phát huy vai trò trụ cột của PVN đối với cả nền kinh tế. Với mục tiêu tối thượng là bảo đảm an ninh năng lượng để phát triển bền vững kinh tế đất nước, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng trong khu vực ASEAN và trên trường quốc tế.

Được biết, với thành phần khách mời (đại diện Ban cán sự Đảng Chính phủ, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Bộ Nội vụ và một số cơ quan hữu quan), hội nghị đã diễn ra theo nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng quy trình, thủ tục và thẩm quyền theo các quy định hiện hành.

Dự kiến, từ kết quả hôm nay, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV PVN sẽ gửi tờ trình lên Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương phê chuẩn kết quả để sớm trao các quyết định bổ nhiệm cho ông Lê Ngọc Sơn./.

HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động