RSS Feed for Phỏng vấn bà Đỗ Nguyệt Ánh trước ngày thực thi nhiệm vụ Chủ tịch EVNNPC | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 12/10/2024 11:01
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phỏng vấn bà Đỗ Nguyệt Ánh trước ngày thực thi nhiệm vụ Chủ tịch EVNNPC

 - Bà Đỗ Nguyệt Ánh - Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc, vừa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Nhân dịp này, Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi (trực tuyến) với bà Đỗ Nguyệt Ánh xung quanh chủ đề: Người lao động ngành điện đã, đang vượt và thích nghi với đại dịch Covid-19 thế nào? Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:


Công bố quyết định bổ nhiệm và bàn giao chức năng nhiệm vụ Chủ tịch HĐTV EVNNPC


Từ cuối năm 2019, ngay sau khi Bà được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), đại dịch Covid-19 đã xảy ra và kéo dài cho đến nay. Bạn đọc của Tạp chí Năng lượng Việt Nam rất muốn biết áp lực lớn nhất đối với Bà khi đó là gì?

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Ngay từ đầu, áp lực lớn nhất, hay lo ngại nhất của tôi là phải duy trì được sự an toàn cung cấp điện, giữ gìn tín nhiệm của khách hàng, từ đó đảm bảo mức độ tăng trưởng trong sản xuất, kinh doanh. Trong lĩnh vực cung ứng điện, đối với người điều hành (Tổng giám đốc), chỉ tiêu điện thương phẩm (sản lượng bán ra) là quan trọng số một, cùng với đó là đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy cho người dân và khách hàng.

Chỉ tiêu này đã “nóng” đến mức độ nào khi Bà vừa ngồi vào “ghế nóng”?

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Như các bạn đã biết, trước năm 2019 sản lượng điện thương phẩm của EVNNPC liên tục tăng trên 12%/năm. Từ 51 tỷ kWh năm 2016 lên 57,3 tỷ kWh vào năm 2017, rồi lên 64,2 tỷ kWh năm 2018 và đạt 70,1 tỷ kWh năm 2019 (tôi lấy số chẵn). Tiếp tục duy trì mức tăng trưởng này trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 là một thách thức rất lớn, nếu tính đến khả năng các hộ tiêu dùng điện sẽ phải giảm mức độ sản xuất - đồng nghĩa với giảm mua điện. Vì vậy, trong năm 2020, Tổng công ty đã phải liên tục phấn đấu rất cao từ đầu năm để sản lượng điện thương phẩm cả năm đạt trên 74,8 tỷ kWh, tăng 6,8% so với năm 2019 và hoàn thành kế hoạch EVN giao.

Có lẽ 2019 là năm rất đáng nhớ đối với Bà?

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Đúng vậy. Để đạt “sản lượng thương phẩm lớn nhất”, như tôi nói, cũng đồng nghĩa với việc phải đối phó với “công suất tiêu thụ lớn nhất” (P max). Giải bài toán này đối với chúng tôi rất khó, vì EVNNPC có địa bàn hoạt động trên phạm vi 27 tỉnh thành phía Bắc. Trong đợt nóng cao điểm mùa hè 2019, các tỉnh Nam Định, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Thái Bình, Yên Bái, Sơn La đều có nhu cầu tiêu dùng điện trong ngày tăng vọt 15% so với đầu mùa. Trong khi đó, có tới gần 2.000 MW công suất phát của các nhà máy điện than không huy động được, đồng thời đường dây 500 kV đoạn Đà Nẵng - Hà Tĩnh lại bị sự cố do cháy rừng ở khu vực Thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, dẫn tới nguy cơ tách đôi hệ thống điện Bắc - Trung - Nam. Để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện (trong tình trạng hệ thống điện vận hành cung không đủ cầu), Tổng công ty đã phối hợp điều tiết giảm chủ động phía trung áp khoảng 900 MW Pmax (trong tổng số khoảng 12.300 MW).

Năm 2020 EVNNPC đã đạt được mức tăng trưởng cao nhất trong số các tổng công ty phân phối điện, khi Covid-19 đã có ảnh hưởng đáng kể đến Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Tổng công ty đã có những nỗ lực như thế nào?

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Trong năm 2020, EVNNPC đã có nhiều biện pháp quản lý điều hành hiệu quả, tập thể các kỹ sư, công nhân và CBNV của Tổng công ty đã thể hiện trách nhiệm của những người đảm bảo thông suốt dòng điện - dòng máu của nền kinh tế, đáp ứng đủ nhu cầu điện năng phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt, đảm bảo cấp điện ổn định trong các dịp lễ, tết, các sự kiện chính trị và tham gia tích cực vào sự nghiệp phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Đồng thời, chúng tôi đã triển khai đồng bộ các giải pháp có hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý kỹ thuật, vận hành, đặc biệt trong quản trị doanh nghiệp.

Kết quả cụ thể năm 2020 đã đạt được như thế nào? Đặc biệt là chỉ tiêu khó nhất - điện thương phẩm?

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Sản lượng điện thương phẩm năm 2020 của EVNNPC đạt 74,86 tỷ kWh, với sản lượng điện cấp cho công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ lệ 64,17%, cho quản lý và tiêu dùng chiếm tỷ lệ 29,44%, cho thương mại - dịch vụ chiếm 2,55%. Trong đó, do ảnh hưởng của Covid-19, sản lượng điện cấp cho lĩnh vực dịch vụ đã giảm 6,45% so với năm 2019, còn cho các lĩnh vực khác đều tăng từ 6,6 ÷ 8,1% so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong năm 2020, nhiều đơn vị thành viên của Tổng công ty đã đạt được mức tăng trưởng rất ấn tượng, như các Công ty Điện lực: Thanh Hóa (19,66%), Bắc Giang (16,01%), Bắc Ninh (8,54%), Hưng Yên (10,44%), Nghệ An (9,99%), Hà Nam (7,39%) v.v...

Thành tích đáng kể nhất của EVNNPC trong giai đoạn 5 năm (2016 - 2020) để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 là gì thưa Bà?

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Tổng cộng trong giai đoạn 2016 - 2020, EVNNPC đã góp phần cung cấp cho nền kinh tế hơn 317,7 tỷ kWh điện năng, bình quân 63,6 tỷ kWh/năm. Trong thành tích chung của EVN dâng lên Đại hội 13 của Đảng CSVN có một phần đóng góp của EVNNPC. Sản lượng điện thương phẩm trong giai đoạn này đã tăng với tốc độ bình quân trên 10,8%/năm, tương đương với mức tăng bình quân hàng năm 6 tỷ kWh/năm. Ngoài ra, một chỉ tiêu có ý nghĩa nữa là kết quả triển khai điện khí hóa nông thôn, góp phần thiết thực vào thành tích xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam.

Tính đến hết năm 2020, trên địa bàn miền Bắc đã có 4.498 xã có lưới điện quốc gia, đạt tỷ lệ 100%. Số hộ nông thôn được sử dụng điện lưới đạt tỷ lệ 98,8% (7,796 triệu hộ trên tổng số 7,892 triệu hộ).

Trong đại dịch Covid-19, EVNNPC đã phải thích nghi như thế nào?

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Có thể nói, ngành Điện lực Việt Nam nói chung, EVNNPC nói riêng đã có điều kiện tiệm cận sớm với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư trong lĩnh vực năng lượng như kết nối vạn vật, tự động hóa, đo lường, điều khiển từ xa v.v... Vì vậy, EVNNPC cũng đã nhanh chóng chuyển trạng thái  thích nghi với đại dịch Covid-19, cố gắng giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của đại dịch đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể:

Trên lưới của EVNNPC hiện có hơn 10,68 triệu công tơ điện các loại, trong đó có hơn 10,63 triệu công tơ bán điện. Tính đến hết năm 2020, số công tơ điện tử bán điện có thể đọc từ xa là hơn 4,54 triệu chiếc (chiếm 42,4%).

Cùng với đó, công tác chăm sóc khách hàng từ xa cũng ngày càng được hoàn thiện: Trong năm 2020, chúng tôi đã gửi 193,5 triệu lượt tin nhắn SMS và 80,8 triệu tin nhắn Zalo cho khách hàng. Chỉ tính riêng lượng tin nhắn đến khách hàng qua Zalo năm 2020, EVNNPC đã tiết kiệm được 24,2 tỷ đồng chi phí phải trả cho nhà cung cấp dịch vụ SMS.

Năm 2020, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt đạt 55,7%; doanh thu bán điện không dùng tiền mặt đạt xấp xỉ 88%. EVNNPC đã tiếp nhận gián tiếp qua hệ thống hơn 2,1 triệu (trong tổng số gần 2,2 triệu) yêu cầu của khách hàng về dịch vụ điện (chiếm 95,6%) và, ở chiều ngược lại, tỷ lệ dịch vụ điện được Tổng công ty cung cấp cho khách hàng theo phương thức điện tử đạt 82,9%.

Đúng là những con số rất ấn tượng trong đại dịch Covid-19 và trước ngưỡng cửa của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư. Nhưng, thưa Bà, bạn đọc của Năng lượng Việt Nam luôn quan tâm đến 2 chỉ tiêu khác về mặt kỹ thuật là tổn thất điện năng” và về mặt kinh tế là doanh thu, lợi nhuận?

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Vâng, đó cũng là những chỉ tiêu pháp lệnh của EVNNPC được EVN giao hàng năm. Tính đến hết 2020, chỉ tiêu tổn thất điện năng của EVNNPC đạt dưới 5% (chính xác là 4,836%), thấp hơn chỉ tiêu được EVN giao trong kế hoạch 5 năm là 4,85%. Chỉ tiêu doanh thu đạt 129.338 tỷ đồng (bằng 100,4% so với kế hoạch), lợi nhuận đạt 632 tỷ đồng (vượt 62,4% so với kế hoạch), giá bán điện bình quân đạt 1.720 đ/kWh.

Bà có thể tóm tắt về những kết quả mà EVNNPC đã đạt được của nửa năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13?  

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Trong 6 tháng đầu năm 2021, các đơn vị của EVNNPC đã nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và sinh hoạt của nhân dân, cấp điện tuyệt đối an toàn phục vụ các sự kiện chính trị, xã hội lớn, đặc biệt là đảm bảo cấp điện an toàn trong giai đoạn dịch bệnh do Covid-19, điều tiết công suất và điều tiết phụ tải linh hoạt, đảm bảo lưới điện vận hành ổn định trong giai đoạn nắng nóng vừa qua.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, các đơn vị thành viên của EVNNPC đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sản lượng điện thương phẩm 6 tháng 2021 tăng 11,32% so với cùng kỳ năm 2020 (cao nhất trong 5 tổng công ty phân phối điện). Tỷ lệ tổn thất điện năng đạt 4,49%, giảm 0,42% so cùng kỳ 2020. Chỉ số tiếp cận điện năng đạt 4,13 ngày giảm 0,87 ngày so với kế hoạch, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của quốc gia. Các chỉ tiêu kỹ thuật vận hành (như suất sự cố lưới điện) đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Cùng với đó là 14 chỉ tiêu kinh doanh, dịch vụ khách hàng đều đạt và vượt kế hoạch. Còn về công tác đầu tư xây dựng, Tổng công ty đã đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của phụ tải.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới vẫn còn nhiều chỉ tiêu cần phấn đấu thực hiện liên quan đến: Giá bán điện bình quân, tổn thất điện năng, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt, tỷ lệ đăng ký dịch vụ của khách hàng qua cổng dịch vụ công, đo xa, lắp đặt tụ bù, đầu tư xây dựng, khắc phục sự cố lưới điện, kiểm toán, phòng cháy chữa cháy v.v... Đặc biệt, không được để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng.

Vậy, theo Bà, EVNNPC cần đạt được những mốc như thế nào trong năm 2021?

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Hội đồng Thành viên của Tổng công ty đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể cần phấn đấu để đạt được trong năm 2021, gồm: Điện thương phẩm (81,2 tỷ kWh), tổn thất điện (4,55%), tỷ lệ thu tiền điện (trên 99,7%), chỉ số tiếp cận điện năng (còn 4,16 ngày), tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt (trên 87,99%), tỷ lệ công tơ điện tử (đạt trên 71,5%), tỷ lệ công tơ điện tử bán điện có thu thập dữ liệu từ xa (đạt 95), tỷ lệ cung cấp dịch vụ theo phương thức điện tử (đạt 96,5%), tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4 (đạt trên 80%), tỷ lệ đăng ký dịch vụ điện qua cổng dịch vụ công quốc gia (đạt 65%) và thực hiện chuyển đổi số 100% hợp đồng mua bán điện.

Đồng thời, cần quản lý chặt chẽ việc thực hiện các nội dung công việc trên lưới điện, bám sát kế hoạch đơn vị đã lập và thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn trong thi công các công trình. Đặc biệt, không để xảy ra các vụ sự cố cháy, nổ do lỗi chủ quan, cũng như không để xảy ra tai nạn lao động điện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, cần hoàn thành công tác thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp theo kế hoạch được duyệt, tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, đảm bảo có đủ việc làm, tiền lương và thu nhập bình quân của người lao động tăng cao hơn so với năm trước.

Nhiều người cho rằng, “ghế” Chủ tịch thường “mát” hơn ghế Tổng giám đốc. Bà có chia sẻ gì về điều này?

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Tôi nghĩ, điều đó có thể đúng trong cơ chế Hội đồng Quản trị, khi Tổng giám đốc là người được thuê, hai “ghế” được đặt ở hai nơi khác nhau. Còn trong Hội đồng Thành viên, cả hai “ghế” đều được “kê cùng một nơi”, vì vậy, “nóng” hay “mát” chỉ phụ thuộc vào cách nhìn.

Dù “nóng” hay “mát”, thay mặt bạn đọc của Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin chúc Bà tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trên cương vị mới và qua Bà, xin chúc toàn thể Người lao động của EVNNPC vượt qua mọi khó khăn, dịch bệnh để thực hiện thành công Kế hoạch năm 2021.

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Nhân dịp này, tôi cũng xin cảm ơn Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã luôn đồng hành cùng EVNNPC trong thực hiện các nhiệm vụ được EVN giao, cám ơn bạn đọc của Tạp chí đã luôn quan tâm, ủng hộ chúng tôi trong quá trình xây dựng và phát triển./.

NGUYỄN THÀNH SƠN (THỰC HIỆN)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động