Chia sẻ của Chủ tịch HĐTV EVNNPC trước thềm năm mới - Xuân Ất Tỵ
18:25 | 18/01/2025
Lực lượng xung kích EVNNPC tham gia thi công đường dây 500kV (Quảng Trạch - Phố Nối) Trước yêu cầu cấp bách thực hiện dồn sức, phấn đấu đúng tiến độ đã cam kết trước Chính phủ của EVN là hoàn thành dự án 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) vào ngày 30/6/2024, hàng trăm cán bộ, công nhân viên thuộc đội xung kích - lực lượng tinh nhuệ của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã lên đường tham gia dự án. |
Điện thương phẩm năm 2024 của EVNNPC lớn nhất trong 5 Tổng công ty phân phối Năm 2024, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã chủ động lập phương án các kịch bản cung ứng điện ngay từ những ngày đầu năm nên đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của phụ tải, phục vụ sản xuất, kinh doanh của khách hàng, nhân dân trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố phía Bắc. Kết thúc năm 2024, sản lượng điện thương phẩm của EVNNPC lớn nhất trong 5 Tổng công ty phân phối. |
Bà Đỗ Nguyệt Ánh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Bắc. |
Nhân dịp xuân Ất Tỵ (2025) xin bà đánh giá, nhận xét ngắn gọn những thành tựu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng, công tác dịch vụ khách hàng của EVNNPC trong năm 2024?
Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Năm 2024, EVNNPC thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh (SXKD) trong bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực, GDP cả nước tăng 6,82%, trong đó khu vực miền Bắc đạt mức tăng trưởng trên 7%. Hoạt động trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố phía Bắc, nhiệm vụ của EVNNPC theo đó cũng khó khăn hơn, khi phải đáp ứng kịp thời nhu cầu của phụ tải, cùng yêu cầu về chất lượng điện năng ngày càng cao của khách hàng. Chưa kể, năm 2024, EVNNPC còn gánh chịu hậu quả nặng nề do siêu bão Yagi gây ra.
Nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong gian khó, bản lĩnh, trí tuệ của đơn vị được ví là anh cả của ngành điện Việt Nam đã được phát huy. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sự hỗ trợ của các đơn vị bạn, tập thể lãnh đạo, cùng cán bộ công nhân viên (CBCNV) EVNNPC đã chung sức, đồng lòng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết khắc phục kịp thời hậu quả do bão lũ gây ra; đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố phía Bắc.
Mặc dù thiên tai đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động SXKD, song với sự chủ động, linh hoạt trong điều hành; với phương châm “điện đi trước một bước”, EVNNPC đã triển khai quyết liệt các giải pháp kỹ thuật, vận hành, kinh doanh, dịch vụ khách hàng; đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng; chuyển đổi số… nhờ đó, hoạt động SXKD tiếp tục đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Khẳng định vị thế là Tổng công ty phân phối điện lớn nhất EVN.
Tính đến cuối năm 2024, EVNNPC đã cung cấp điện đến 100% xã và 99,52% số hộ dân nông thôn trên địa bàn quản lý. Năm 2024, thời tiết nắng nóng khiến công suất và sản lượng tăng trưởng cao so với năm 2023, sản lượng điện thương phẩm toàn Tổng công ty đạt trên 99,14 tỷ kWh, tăng 9,46% so với thực hiện năm 2023 và là đơn vị có sản lượng điện thương phẩm lớn nhất trong 5 tổng công ty phân phối của EVN.
Tổng công ty đã hoàn thành 100% các chỉ tiêu kinh doanh, dịch vụ khách hàng đạt và vượt kế hoạch EVN giao. Tổng sản lượng tiết kiệm điện đạt hơn 2,5 tỷ kWh, đạt 2,25% so với thương phẩm vượt kế hoạch EVN giao.
Năm 2024, EVNNPC tiếp tục ghi dấu ấn là đơn vị có những bước chuyển đổi số mạnh mẽ đã mang đến sự thuận tiện, công khai, minh bạch cho khách hàng sử dụng điện. Hiện nay, EVNNPC đã cung cấp 100% dịch vụ điện theo phương thức điện tử, 100% dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4 và kết nối 100% dịch vụ điện lên cổng dịch vụ công quốc gia.
Đặc biệt, năm 2024, với những cách làm mới, tư duy mới, công tác đầu tư xây dựng của EVNNPC tiếp tục là điểm sáng. Tổng công ty đã khởi công 69 dự án, đóng điện 76 dự án lưới điện 110 kV và 100% các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư. Cùng với đó, các dự án lưới điện trung hạ áp, các chương trình/dự án mục tiêu năm 2024 đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện.
Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tư xây dựng lưới điện trên địa bàn quản lý, năm 2024, trước yêu cầu cấp bách hoàn thành dự án đường dây 500 kV mạch 3 (Quảng Trạch - Phố Nối), thực hiện lời hiệu triệu của lãnh đạo EVN, 41 đội xung kích với hơn 465 cán bộ, công nhân, kỹ sư - lực lượng tinh nhuệ đến từ 27 CTĐL và Công ty Dịch vụ Điện lực miền Bắc đã tình nguyện tham gia hỗ trợ thi công trên công trường đường dây 500 kV mạch 3 đi qua trên địa bàn 8 tỉnh, thành phố. Dù tham gia một nhiệm vụ hoàn toàn mới (xây dựng công trình lưới điện 500 kV), nhưng lực lượng xung kích của EVNNPC đã làm việc với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, 3 ca, 4 kíp, làm việc xuyên ngày nghỉ” để cùng chung sức đưa dự án hoàn thành đúng tiến độ.
Còn về hoạt động dịch vụ điện trong năm qua của EVNNPC cũng đạt những tín hiệu tích cực. Doanh thu và lợi nhuận SXKD dịch vụ điện lực khối 27 CTĐL và khối các đơn vị phụ trợ đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, riêng lợi nhuận của các đơn vị phụ trợ đạt 131% kế hoạch năm 2024 và bằng 126% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, hoạt động hợp tác quốc tế trong năm 2024 của EVNNPC đạt được nhiều thành tích ấn tượng. Điển hình là Tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín thế giới Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm cho EVNNPC lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”. Hồ sơ tín dụng độc lập của EVNNPC được đánh giá ở mức 'BB+', ngang với hồ sơ tín dụng của EVN và hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam (BB+/Ổn định).
Năm 2024 là năm miền Bắc phải đối mặt với sức tàn phá của cơn bão Yagi gây thiệt hại lớn cho hệ thống điện. Trong điều kiện như vậy, Tổng công ty cùng các công ty điện cấp tỉnh như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương… đã khôi phục hệ thống điện sau cơn bão như thế nào?
Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Bão số 3 với cường độ và phạm vi ảnh hưởng trên diện rộng, gây thiệt hại rất lớn đến lưới điện các khu vực, trong đó tại các khu vực tâm bão đi qua (như Quảng Ninh, Hải Phòng). Bão Yagi đã làm mất điện toàn bộ 8 tỉnh, thành phố, gây thiệt hại lớn đến lưới điện từ cao áp đến trung, hạ áp.
Cụ thể, lưới điện 110 kV gẫy đổ, nghiêng 30 cột, nhiều km đường dây các loại, đổ tường bao các trạm 110 kV; lưới điện trung áp hư hỏng 68 máy biến áp, gẫy đổ 1.895 cột và nhiều tài sản khác; lưới điện hạ áp gẫy đổ 11.498 cột, nghiêng sạt lở, rạn nứt 3.286 và nhiều tài sản khác.
Xác định đây là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm gần đây, khi bão hình thành trên biển Đông, Tổng công ty đã tổ chức 2 đoàn công tác kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó tại các đơn vị và trực tiếp chỉ huy tại vùng tâm bão, trước, trong và sau bão. Ngay sau bão, đã có 8 đoàn công tác do lãnh đạo Tổng công ty làm trưởng đoàn chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại.
Tại tâm điểm Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Chủ tịch và Tổng giám đốc EVN, Tổng giám đốc Tổng công ty thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường, động viên người lao động. Riêng tại Quảng Ninh có 2 lãnh đạo Tổng công ty cùng các Trưởng ban An toàn, Kỹ thuật, Đầu tư, thường trực để chỉ huy, điều hành công tác khắc phục (chia thành 8 đoàn phụ trách công tác khắc phục tại 8 khu vực bị thiệt hại).
Ngoài ra, Tổng công ty chỉ đạo các đơn vị huy động mọi nguồn lực, phương tiện trong Tổng công ty, nhà thầu, các Ban Quản lý dự án, các đơn vị phụ trợ thành lập các đội xung kích để điều động, chi viện cho Quảng Ninh: 68 đơn vị và nhà thầu với tổng 2.565 người, Hải Dương - 26 đơn vị (tổng 502 người), Hải Phòng - 7 đơn vị nhà thầu (tổng 70 người).
Bên cạnh đó, Tổng công ty còn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đơn vị là Tổng công ty Điện lực miền Trung (273 người), Hà Nội (231 người), các đơn vị trong Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh và địa phương (466 người)... chi viện cho tâm bão Quảng Ninh.
Với nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các đơn vị trong, ngoài ngành, đến 9/9 (2 ngày sau bão) tại các khu vực như Hải Phòng đã khôi phục cấp điện trở lại cho 100% các quận, huyện, đảm bảo cấp điện cho các địa điểm trạm bơm cấp thoát nước, cơ sở y tế… Tại Quảng Ninh đã khôi phục 17/30 TBA 110 kV, cấp điện cho phụ tải quan trọng (Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bệnh viện tỉnh Quảng Ninh, Công ty cổ phần Nước sạch Quảng Ninh...), đảm bảo cung cấp điện cho địa phương tổ chức khắc phục thiệt hại do bão gây ra. Lưới điện TP Hải Phòng (ngày 15/9) và các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương (ngày 21/9) đã được khôi phục, cấp lại điện cho khách hàng.
Được biết, với những khó khăn lớn như vậy, nhưng trong năm 2024 Tổng công ty vẫn đạt sản lượng điện thương phẩm so kế hoạch được giao. Ngoài ra, các chỉ tiêu khác về giá bán bình quân, độ tin cậy cấp điện (SAIDI, SAIFI), suất sự cố lưới điện phân phối, tổn thất điện năng, chỉ số tiếp cận điện năng, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt… đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Vậy, xin bà cho biết các giải pháp cơ bản mà Tổng công ty đã thực hiện trong năm qua để đạt được kết quả này?
Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Năm 2024, Tổng công ty phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong công tác vận hành, cung ứng điện khi lưới điện chịu thiệt hại nặng nề bởi thiên tai, công suất sử dụng điện của phụ tải tăng cao, liên tục lập kỷ lục... Song với chỉ đạo sát sao của EVN; sự chủ động, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành, EVNNPC đã đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu của nhân dân. Để khắc phục các khó khăn trong năm 2024, Tổng công ty đã thực hiện đồng bộ các giải pháp:
Thứ nhất: Tổ chức đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục cho các khách hàng, đặc biệt là khách hàng lớn trong các khu công nghiệp; đáp ứng tiến độ cấp điện cho các phụ tải mới (khu vực Nghệ An, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh…).
Thứ hai: Thực hiện nghiêm túc việc áp giá bán điện, giao chỉ tiêu công tác kiểm tra áp giá cụ thể cho các đơn vị. Triển khai thực hiện tốt công tác thay đổi giá bán điện.
Thứ ba: Tiếp tục rút ngắn thời gian cấp điện cho khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Giao các chỉ tiêu kinh doanh, kiểm tra giám sát mua bán điện cụ thể đến từng đơn vị ở mức cao để phấn đấu hoàn thành kế hoạch EVN giao.
Thứ tư: Tiếp tục mở rộng việc hợp tác với đối tác thu hộ để mở rộng kênh thanh toán nhằm nâng cao hiệu quả việc đa dạng hóa các hình thức thu tiền điện; kiểm soát chặt chẽ đảm bảo các đối tác thu hộ tiền điện tuân thủ đúng hợp đồng đã ký kết.
Bên cạnh đó, EVNNPC đã rà soát kế hoạch, các chương trình/đề án triển khai giai đoạn 2021-2025 để tổ chức thực hiện ngay từ những ngày đầu năm, phù hợp với thực tế, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp:
Giải pháp quản trị: Tổng công ty đã tổ chức giao, thực hiện kế hoạch SXKD, tài chính, đầu tư xây dựng rất sớm. Thành lập các Ban chỉ đạo giảm sự cố, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng trên lưới điện từ Tổng công ty đến các đơn vị. Tổ chức đào tạo để nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngủ quản lý kỹ thuật tại các đơn vị. Tổ chức lại bộ máy làm công tác thí nghiệm, kiểm định. Nâng cấp Đội quản lý vận hành lưới điện 110 kV thành Xí nghiệp cao thế. Xây dựng Đề án sắp xếp các điện lực cấp huyện thuộc các CTĐL tỉnh. Cùng với đó, Tổng công ty xây dựng và triển khai các đề án quản trị như:
1. Đề án phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2025 đến 2030, tầm nhìn 2045.
2. Đề án nâng cao năng lực các đơn vị tư vấn trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
3. Đề án xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về giải pháp trong đầu tư xây dựng, Tổng công ty phân công các Hội đồng Thành viên, các Phó Tổng Giám đốc theo từng tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm lãnh đạo chỉ đạo công tác đầu tư xây dựng và tổ chức triển khai cụ thể như sau:
1. Các dự án thuộc danh mục công trình trọng điểm năm 2024.
2. Các dự án nâng cao độ tin cậy cung cấp điện: Đa chia đa nối, tự động hoá lưới điện, mạch vòng…
3. Các dự án nâng cao khả năng vận hành tại trạm biến áp 110 kV: Thay thế thiết bị vận hành lâu năm, suy giảm chất lượng, cải tạo hệ thống nhị thứ tại các trạm biến áp 110 kV...
4. Các dự án giảm sự cố do sét trên đường dây khu vực có mật độ sét cao như Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai…
Còn với quản lý kỹ thuật, vận hành, EVNNPC thực hiện các giải pháp như sau:
1. Thực hiện tốt công tác dự báo nhu cầu phụ tải; công tác khai thác dữ liệu đo đếm để phân tích đánh giá và điều hành công tác quản lý vận hành lưới điện, đảm bảo cung cấp điện liên tục phát triển kinh tế, xã hội.
2. Rà soát, hiệu chỉnh, ban hành lại các tiêu chuẩn kỹ thuật cơ sở thiết bị để bổ sung phù hợp với thực tế và ban hành Quy trình vận hành, định hướng thiết kế đường dây, trạm biến áp để triển khai thống nhất trên các đơn vị.
3. Xây dựng Quy chế phối hợp trong vận hành giữa các CTĐL và khách hàng, Quy chế phối hợp ngăn ngừa vi phạm hành lang lưới điện... để thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm sự cố, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
4. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ như: Flycam, camera nhiệt, số hoá các quy trình…
Trong năm qua, EVNNPC đã hoàn thành thực hiện “thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ về những ngày cuối tháng” cho những tỉnh và thành phố nào? Việc thay đổi lịch GCS được thực hiện trên cơ sở sau khi EVNNPC triển khai lộ trình hiện đại hóa hệ thống công tơ đo đếm điện năng (thay thế công tơ cơ bằng công tơ điện tử có đo xa). Phản ứng của khách hàng ra sao với việc thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ về những ngày cuối tháng, thưa bà?
Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Thực hiện lộ trình hiện đại hóa công tác ghi chỉ số (GCS) công tơ đến năm 2025 của EVN, trong năm 2024, Tổng công ty tiếp tục thực hiện thay đổi lịch GCS về những ngày cuối tháng với 20/27 CTĐL. Trong đó đã có 5 CTĐL là Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Cao Bằng, Sơn La, Lai Châu đã hoàn thành việc thay đổi lịch GCS về những ngày cuối tháng.
Khi triển khai thay đổi lịch GCS, Tổng công ty đã chỉ đạo các đơn vị:
Thứ nhất: Chủ động gặp gỡ, báo cáo UBND các tỉnh, thành phố, Sở Công Thương và các cơ quan quản lý trên địa bàn; cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí và thông báo đến khách hàng biết việc thay đổi lịch GCS theo các hình thức đã thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện trước khi thực hiện.
Thứ hai: Chủ động kiểm tra, rà soát số liệu chỉ số công tơ và giải đáp, xử lý kịp thời các phản ánh của khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện tăng cao.
Vì vậy, công tác thay đổi lịch GCS của Tổng công ty nhận được sự ủng hộ của các tỉnh, thành, các cơ quan tai các địa phương. Đặc biệt là khách hàng cũng đồng thuận, ủng hộ công tác thay đổi lịch GCS của Tổng công ty, không có ý kiến khiếu nại.
Thưa bà, năm 2024, nền kinh tế đã quay trở lại đà phát triển, nhưng giá nhiên liệu vẫn ở mức cao, biến động tỷ giá, gây khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp. Tổng công ty gặp những khó khăn nào và đã khắc phục vượt qua ra sao?
Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Năm 2024 nền kinh tế trở lại đà phát triển, tuy nhiên EVNNPC vẫn gặp một số khó khăn. Cụ thể là giá nhiên liệu vẫn ở mức cao và biến động gây khó khăn trong việc dự báo, ước tính chi phí mua điện trên thị trường điện; tỷ giá ngoại tệ tăng, lỗ chênh lệch tỷ giá năm 2024 của EVNNPC khoảng 300 tỷ đồng. Ngoài ra, năm 2024 miền Bắc chịu thiệt hại nặng nề bởi ảnh hưởng của bão Yagi, chi phí khắc phục thiệt hại do bão và hoàn lưu sau bão phát sinh lớn khoảng 560 tỷ đồng.
Trong khó khăn đó, Tổng công ty đã có các biện pháp khắc phục để cân bằng tài chính, với mục tiêu tăng sản lượng điện thương phẩm và giá bán bình quân nhằm tăng doanh thu, đồng thời có các giải pháp giảm tổn thất, giảm chi phí mua điện. Bên cạnh đó, Tổng công ty tăng cường các giải pháp quản trị, nỗ lực tiết kiệm các khoản chi phí nhằm cân bằng tài chính, phấn đấu hoạt động SXKD có lãi.
Cụ thể là trong năm 2024, chi phí sửa chữa lớn thực hiện theo kế hoạch EVN giao (chỉ bằng 50% định mức). Còn với chi phí biến động, Tổng công ty thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết kiệm các chi phí liên quan như: Chuyển một số nội dung hội họp, đào tạo sang hình thức tổ chức trực tuyến; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản trị, giúp giảm chi phí quản lý…
Năm 2025 nhu cầu điện miền Bắc sẽ tiếp tục tăng mạnh trong khi nguồn điện có thể không tăng kịp. Trong trường hợp các nhà máy điện mới ở miền Bắc không kịp đưa vào vận hành trước mùa hè, Tổng công ty có những kế hoạch nào để chuẩn bị đảm bảo cung cấp điện cho thời gian cao điểm tiêu thụ điện ở miền Bắc, thưa bà?
Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Trong giai đoạn từ năm 2020-2024, công tác cấp điện miền Bắc gặp rất nhiều khó khăn vào các thời điểm nắng nóng mùa hè, đặc biệt vào các năm có điều kiện thủy văn gặp bất lợi, dẫn tới khả dụng nguồn miền Bắc xuống thấp.
Dù đã đóng điện đường dây 500 kV mạch 3 giúp tăng cường liên kết Bắc - Trung, tuy nhiên với dự kiến phụ tải miền Bắc tiếp tục tăng cao, nhiều khu vực phát triển nóng (Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Ninh…), khả năng đảm bảo cấp điện cho miền Bắc dự kiến vẫn gặp nhiều khó khăn trong mùa hè 2025 và có thể cả các năm trong giai đoạn 2026-2030.
Để chuẩn bị cho công tác cung ứng điện, EVNNPC đã và đang triển khai nhiều biện pháp:
Thứ nhất: Triển khai các biện pháp quản lý nhu cầu phụ tải, EVNNPC đã chỉ đạo các CTĐL thực hiện tốt công tác dự báo phụ tải, điều chỉnh phụ tải, đặc biệt trong các tháng nắng nóng năm 2025. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền tiết kiệm điện (theo Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ), làm việc và ký các thỏa thuận điều chỉnh phụ tải, dịch chuyển phụ tải để hạn chế sử dụng công suất lớn vào các khung giờ cao điểm mùa hè. Điều này, giúp làm phẳng biểu đồ phụ tải, giảm công suất vào cao điểm.
Thứ hai: Thực hiện các chỉ đạo của EVN trong công tác đàm phán nhập khẩu điện Trung Quốc để tăng khả dụng nguồn điện cho miền Bắc.
Thứ ba: Tập trung thực hiện lắp đặt bổ sung các tụ bù ngang trên lưới điện để đảm bảo chất lượng điện áp, nâng cao khả năng truyền tải trên đường dây 500 kV Bắc - Trung giúp tăng khả dụng nguồn cấp điện cho miền Bắc.
Thứ tư: Tập trung chỉ đạo điều hành các dự án trọng điểm chống quá tải lưới điện, tăng cường khả năng giải tỏa nguồn điện (đặc biệt là các dự án giải tỏa thủy điện nhỏ khu vực Tây Bắc).
Thứ năm: Tập trung thực hiện các công tác thí nghiệm CBM, sửa chữa lớn, xử lý khiếm khuyết giúp tăng cường độ tin cậy thiết bị trên lưới điện, hạn chế các sự cố gây gián đoạn cung cấp điện, thực hiện trong quý 1/2025 để chuẩn bị cho cấp điện mùa hè.
Ngoài ra, các CTĐL thành viên đang thực hiện lập các phương thức vận hành và xây dựng cả phương án xấu nhất cần thiết phải điều tiết phụ tải khi khả dụng nguồn điện xuống thấp (trong đó ưu tiên cấp điện cho các phụ tải quan trọng) trình UBND tỉnh phê duyệt theo đúng quy định…
Xin cảm ơn bà. Nhân dịp đón xuân mới, xin chúc bà và tập thể Người lao động Tổng công ty Điện lực miền Bắc luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và đạt được nhiều thắng lợi mới trong thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2025!
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM (THỰC HIỆN)