Phê duyệt chủ trương đầu tư, nhà đầu tư đường dây 500kV Nam Định - Thanh Hoá
07:01 | 26/10/2023
Đề xuất mô hình, lộ trình đầu tư tư nhân vào lưới điện truyền tải ở Việt Nam Trong bài báo dưới đây, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam cập nhật, đánh giá 4 mô hình (kèm theo một số biến thể) của các mô hình đầu tư tư nhân khác nhau vào lưới điện truyền tải đã được triển khai trên thế giới và đề xuất lựa chọn mô hình, lộ trình phát triển cho Việt Nam. |
Giải pháp cho dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Phố Nối vận hành trước tháng 6/2024 Theo Quy hoạch điện VIII, cụm các dự án đường dây 500 kV cung đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa - Nam Định 1 - Phố Nối dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2025 - 2026. Tuy nhiên, mới đây, Chính phủ đã yêu cầu khẩn trương xây dựng đường dây này để đưa vào vận hành trước tháng 6/2024. Câu hỏi đặt ra là: Vì sao phải gấp rút xây dựng và bằng cách nào để hoàn thành nhiệm vụ này? Phân tích và đề xuất giải pháp của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam. |
Chồng chéo, bất cập của chính sách đang trói buộc kế hoạch phát triển truyền tải điện quốc gia Qua quá trình thực hiện đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đã cho thấy những trở ngại (từ bước quy hoạch, đến chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành). Các trở ngại bao gồm cả cơ chế, chính sách, trình tự thủ tục và nội tại chủ đầu tư, nhà thầu dự án... Dưới đây, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam đánh giá một số nội dung về chính sách đã, đang gây ảnh hưởng đến tiến độ phát triển truyền tải điện ở nước ta và giải pháp khắc phục. |
Quyết định 1241/QĐ-TTg ngày 24/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường dây 500 kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 - Thanh Hóa (gọi tắt là đường dây 500 kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định - Thanh Hóa) có nội dung như sau:
1/ Xây dựng mới đường dây 500 kV (mạch kép), chiều dài khoảng 74,4 km từ sản phân phối 500 kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 đến Trạm biến áp 500 kV Thanh Hóa. Toàn bộ tuyến đường dây sẽ đi qua địa bàn 3 tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa.
2/ Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 3.086,827 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu 925,830 tỷ đồng, chiếm 30% giá trị tổng mức đầu tư được phân bổ theo kế hoạch. Vốn vay ngân hàng thương mại là 2.160,997 tỷ đồng, chiếm 70% giá trị tổng mức đầu tư (bao gồm thuế giá trị gia tăng).
3/ Tiến độ thực hiện dự án từ 2023 - 2025, phấn đấu hoàn thành vào tháng 6 năm 2024.
4/ Mục đích của dự án:
- Giảm tải và tránh quá tải cho các đường dây 500 kV hiện hữu đảm bảo tiêu chí N-1, đặc biệt là khi công suất truyền tải cao theo giao diện Bắc - Trung ở thời điểm các nhà máy thủy điện miền Bắc phát thấp.
- Nâng cao độ dự trữ ổn định truyền thị trên giao diện Bắc - Trung, kết hợp với các cung đoạn đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa - Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 - Phố Nối, góp phần bổ sung công suất từ các nguồn điện khu vực Bắc Trung bộ về trung tâm phụ tải khu vực miền Bắc.
- Truyền tải công suất từ Nhiệt điện Nam Định 1 sau khi nhà máy đi vào vận hành và các nhà máy nhiệt điện khu vực Bắc Trung bộ, cũng như các nhà máy điện năng lượng tái tạo khu vực miền Trung vào hệ thống điện quốc gia, tạo mối liên kết lưới điện các khu vực.
Trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, địa phương liên quan:
1/ Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư.
2/ Các bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định tại Điểm đ Khoản 3 Điều 69 Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.
3/ Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với dự án theo ngành, lĩnh vực phụ trách theo quy định pháp luật. Chỉ đạo và hướng dẫn EVNNPT trong việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự án, cũng như việc lựa chọn công nghệ trong bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, bảo đảm an toàn, phát huy tối đa vai trò, hiệu quả đầu tư và phù hợp với mục đích truyền tải trong hệ thống điện quốc gia. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành đối với dự án trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư và quản lý khai thác theo quy định của pháp luật.
4/ Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của dự án trong quá trình thực hiện. Hỗ trợ, hướng dẫn UBND các tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa trong việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai.
5/ Bộ Xây dựng, theo chức năng nhiệm vụ hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và EVNNPT thực hiện các thủ tục đầu tư của dự án. Giám sát, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai và pháp luật liên quan.
6/ Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp tại Doanh nghiệp chịu trách nhiệm giám sát, đánh giá đầu tư dự án theo quy định của pháp luật, thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ đối với quá trình đầu tư theo quy định. Chỉ đạo EVN và EVNNPT tổ chức thực hiện quản lý đầu tư dự án bảo đảm hiệu quả, tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
7/ Ủy ban nhân dân các tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa:
- Thực hiện đầy đủ thủ tục trong việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu EVNNPT thực hiện quy trình thủ tục đánh giá tác động môi trường điều chỉnh của dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Chủ trì, phối hợp với EVNNPT triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án đảm bảo tiến độ, đúng quy định pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.
- Tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện dự án bảo đảm tiến độ và đúng quy trình của pháp luật, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của các bộ, ngành liên quan.
- UBND tỉnh Thanh Hóa, phối hợp với EVN, EVNNPT xác định diện tích rừng cần chuyển mục đích thực hiện dự án, chịu trách nhiệm về số liệu báo cáo và việc chuyển mục đích sử dụng rừng theo đúng quy định của pháp luật về lâm nghiệp và pháp luật khác có liên quan.
8/ Đối với EVN và EVNNPT:
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác các thông tin, số liệu, nội dung trong hồ sơ dự án.
- Chịu trách nhiệm huy động góp đủ số vốn đã đăng ký theo tiến độ đảm bảo tính khả thi của dự án.
- Chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư dự án, hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước theo quy định của pháp luật.
- Nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan trong quá trình đầu tư, thực hiện dự án. Khẩn trương hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường điều chỉnh, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt theo quy định. (Chỉ được triển khai thực hiện dự án sau khi Báo cáo đánh giá tác động môi trường điều chỉnh được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt).
- Phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa tổ chức triển khai thực hiện và quản lý dự án theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai và pháp luật liên quan.
- Phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa rà soát và xác định chính xác diện tích cần chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án. Trường hợp việc phát sinh về diện tích sử dụng rừng làm thay đổi các nội dung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu EVN và EVNNPT thực hiện chế độ báo cáo về dự án đầu tư theo quy định pháp luật.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM