RSS Feed for Phát triển hệ thống điện theo hướng chất lượng và minh bạch hơn | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 15:10
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phát triển hệ thống điện theo hướng chất lượng và minh bạch hơn

 - Tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết 15 năm điện khí hóa nông thôn do Bộ Công Thương tổ chức sáng ngày 26/4, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Với kết quả chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiện nay, nhu cầu sử dụng điện của người dân nông thôn ngày càng cao, kéo theo nhu cầu cải tạo nâng cấp hệ thống điện nông thôn hiện có cũng sẽ rất lớn. Do vậy, Bộ, ngành, các cấp địa phương cần tập trung nguồn lực để phát triển hệ thống điện hiện có theo hướng chất lượng và minh bạch hơn.

 

>> PC Sơn La đưa công tác dịch vụ khách hàng đi vào chiều sâu
>> Hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành điện
>> Tiến tới công khai giá điện để người dân giám sát

NGUYỄN TÂM

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải trao bằng khen cho các tập thể đóng góp tích cực cho chương trình điện khí hóa nông thôn

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, giai đoạn 1998-2003 tăng trưởng điện khí hóa nông thôn Việt Nam bắt đầu đi vào chiều sâu theo hướng tăng cường quản lý. Mặc dù tốc độ tăng trưởng số hộ có điện đã bị chậm lại, nhưng đã diễn ra một loạt các thay đổi cơ bản trong ngành, mở đường cho sự thành công những năm sau. Để người dân bước đầu được sử dụng giá điện với mức hợp lý, Chính phủ đã thiết lập mua buôn điện nông thôn với giá 360 đồng/kWh và mức giá trần bán lẻ điện nông thôn là 720 đồng/kWh cho các hộ sử điện ở nông thôn.

Nhờ đa dạng hóa các hình thức đầu tư thu hút trong nhiều thành phần kinh tế trong nước, với việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chịu trách nhiệm thực hiện đầu tư lưới điện trung áp, UBND các tỉnh đầu tư lưới điện hạ áp và các hộ dân chịu chi phí nhánh rẽ đấu nối vào hộ dân, do đó, cuối năm 2000, tỷ lệ đưa điện về nông thôn trong cả nước đã đạt và vượt mục tiêu đề ra: 100% số huyện có lưới điện và điện tại chỗ, 7.314/8.930 xã có điện, đạt tỷ lệ 81,9%, vượt chỉ tiêu 1,9%; 9.414.735/12.817.743 hộ nông dân nông thôn có điện, đạt tỷ lệ 73,45%, vượt chỉ tiêu 13,45%.

Trong giai đoạn 1998-2007, cứ sau một ngày nước ta có thêm một xã được cấp điện với khoảng 1.700 hộ dân nông thôn được sử dụng điện. Đây là con số ấn tượng, khẳng định sự thành công của sự nghiệp điện khí hóa nông thôn.

Việc chuyển đổi mô hình quản lý bán điện nông thôn đã bước đầu mang lại hiệu quả. Cuối năm 2001, mô hình điện lực quản lý trực tiếp bán điện đến hộ dân nông thôn chiếm khoảng 25%, còn các mô hình do các tổ chức, cá nhân thuộc địa phương quản lý chiếm tỷ lệ khoảng 75%. Đến nay, EVN đã bán điện trực tiếp đến 7.613/9.002 xã chiếm tỷ lệ 84,57% số xã có điện trên cả nước, với 13.40/16.23 triệu hộ nông thôn chiếm tỷ lệ 82,59% trong tổng số 20,899 triệu khách hàng sử điện.

Thống kê chưa đầy đủ từ các địa phương, tổng số vốn các tỉnh, thành phố đã đầu tư cho phát triển lưới điện nông thôn trong15 năm qua là 49.468 tỷ đồng. Trong đó, các tỉnh Miền núi phía Bắc đầu tư 11.613 tỷ đồng, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ (không tính Hà Nội) đầu tư 18.346 tỷ đồng, các tỉnh Đông Nam Bộ đầu tư 4.138 tỷ đồng. Riêng thành phố Hà Nội đã đầu tư 1.084 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong giai đoạn này, điện khí hóa nông thôn tại Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Ngân hàng Thế giới (WB), với 12 dự án tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với 4 dự án, tổng số vốn hơn 250 triệu USD, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) với số tiền tài trợ 152 triệu USD. Chưa kể đến một số đối tác khác như: Ngân hàng Tái thiết Đức, Thụy Điển, Phần Lan…

Đây cũng là cơ sở để đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đi đầu trên thế giới trong công tác điện khí hóa nông thôn, với những kết quả quan trọng như: tỷ lệ hộ dân có điện đạt 98,2%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt trên 97%, tương đương 15,2 triệu hộ dân nông thôn được sử dụng điện vào cuối năm 2013. Những con số này đã chứng minh sự thành công trong công tác điện khí hóa nông thôn của Việt Nam, cùng phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, Trung ương và địa phương cùng làm”.

Tuy vậy, Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện vẫn còn khoảng 12.000 thôn, bản chưa có điện và các thôn, bản có chất lượng điện quá kém tại 48 tỉnh, thành phố trong cả nước. Để đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định cho khoảng 7 triệu hộ dân nông thôn thì tổng nhu cầu vốn đầu tư là khoảng 80.000 tỷ đồng. Trong khi đó, việc đưa điện đến với khoảng 3% hộ dân nông thôn còn lại cũng đang đặt ra nhiều thách thức do khó khăn về nguồn lực, cơ sở hạ tầng nhiều địa phương vẫn mang tính chắp vá, tổn thất điện năng tại một số nơi khá cao, doanh thu bán điện tại nông thôn thấp, trong khi chi phí đầu tư quá lớn, một số xã đảo, vùng núi cao bị cô lập về địa hình...

Định hướng nhiệm vụ Điện khí hóa nông thôn giai đoạn 2014-2020, Bộ Công Thương xác định hai nhiệm vụ cơ bản: Cấp điện nông thôn cho các thôn, bản chưa có điện và các thôn bản khu vực vùng sâu, vùng xa đã có điện nhưng chất lượng điện quá kém, không đảm bảo điều kiện cấp điện cho nhu cầu của nhân dân; Cải tạo, nâng cấp, mở rộng lưới điện cho khu vực nông thôn đã có điện để đảm bảo nhu cầu dùng điện phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

Tại hội nghị, lãnh đạo một số địa phương đã khẳng định những thành công trong phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân một phần nhờ công cuộc điện khí hóa nông thôn. Về việc tiếp tục triển khai chương trình Điện khí hóa nông thôn trong thời gian tới, ngoài việc cam kết huy động mọi nguồn lực tại địa phương kể cả huy động trong dân, lãnh đạo các địa phương cũng mong muốn Chính phủ, Bộ, ngành tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ nguồn sách, đặc biệt là ưu tiên nguồn lực cho một số khu vực vùng sâu, vùng xa khó khăn, tạo cơ chế chính sách thuận lợi để các địa phương sớm hoàn thành chương trình. Cùng với đó, lãnh đạo các địa phương cũng đề nghị các tổ chức quốc tế tiếp tục tài trợ, bố trí, ưu đãi các nguồn vốn nhằm cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn, để lưới điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và an toàn, phục vụ tốt nhu cầu điện năng cho sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương, EVN, các địa phương và các nhà tài trợ quốc tế trong sự nghiệp Điện khí hóa nông thôn suốt 15 năm qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Thành công của chương trình Điện khí hóa nông thôn Việt Nam chính là nhờ phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và có cả sự hăng hái của mọi người dân trên cả nước. Chúng ta đã chuyển được khao khát, mong muốn của một đất nước thiếu điện trở thành mục tiêu phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sử dụng đa dạng hình thức để có thể đưa điện về vùng nông thôn.

Để sự nghiệp Điện khí hóa nông thôn Việt Nam đạt thành tích cao hơn nữa trong thời gian tới, Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, EVN tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong 15 năm qua, tập trung năng lực để nâng cao công tác vận hành của hệ thống điện hiện có. Với kết quả chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiện nay thì nhu cầu sử dụng điện của người dân vùng nông thôn sẽ ngày càng cao. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu cải tạo nâng cấp hệ thống điện ngày càng lớn. Do vậy, Bộ, ngành, các cấp địa phương phát huy kinh nghiệm đã có, tập trung nguồn lực để phát triển hệ thống điện theo hướng chất lượng và minh bạch hơn.

Bộ Công Thương và EVN cần tiếp tục phối hợp với người dân thực hiện chương trình, cùng đó đa dạng nguồn vốn đầu tư, kêu gọi xã hội hóa. Mặc nhiệm vụ trước mắt sẽ con nhiều khó khăn thách thức, nhưng chắc chắn chương trình sẽ được triển khai nhanh chóng hơn và thành công hơn khi có cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đề nghị các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ cho chương trình trong giai đoạn tiếp theo, không những đóng góp về nguồn vốn mà còn chuyển giao các công nghệ, mô hình vận hành, quản lý hệ thống điện cũng như thể chế cho Việt Nam.

Nhân dịp này, một số cá nhân, đơn vị tổ chức đã vinh dự nhận Huân chương hữu nghị, Huân chương lao động, bằng khen, giấy khen của Nhà nước, Chính phủ và Bộ Công Thương, vì những đóng góp trong công cuộc Điện khí hóa nông thôn Việt Nam trong 15 năm qua.

NangluongVietnam.vn

 SỰ KIỆN BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Nước cờ tàn của Hoa Kỳ ở Ukraine
Ông Trần Xuân Giá và phiên tòa lịch sử
"Bầu" Kiên thực sự có bao nhiêu tiền?
Ukraine: Lối rẽ nội chiến, hay Nhà nước Liên bang?
Đâu là sự khác biệt giữa Crimea và Kosovo?
Campuchia trước chính sách nước đôi của Trung Quốc
Chủ tịch Kim Jong-Un qua lời kể của ngư

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động