Phát triển công nghệ lõi năng lượng: Nhà nước cần là “bà đỡ”
10:44 | 31/03/2016
Công nghệ đốt than trộn: Giải pháp cho nhiệt điện đốt than
Ông Lê Đức Chung - Chuyên gia dự án CIGG, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi với Tạp chí Năng lượng Việt Nam xung quanh vấn đề phát triển công nghệ lõi năng lượng của nước ta trong bối cảnh áp lực từ biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính đang gia tăng.
Ông Lê Đức Chung nói công nghệ lõi năng lượng của nước ta hầu như không đáng kể. Ảnh: Hải Vân
Ông đánh giá thế nào về thực trạng phát triển công nghệ lõi năng lượng của nước ta hiện nay?
Công nghệ lõi năng lượng của nước ta hầu như không đáng kể. Đến nay, vẫn chưa có doanh nghiệp nào công bố rằng đã có một sáng chế hay phát minh về công nghệ lõi ở Việt Nam. Điều đó là rất đáng tiếc.
Nước ta có nhiều tiềm năng phát triển công nghệ lõi năng lượng, bởi các dạng năng lượng tái tạo ở nước ta rất phong phú, quy mô các loại hình cũng rất đa dạng và đấy là cơ hội tốt để phát triển loại hình công nghệ này.
Có ý kiến cho rằng, công nghệ lõi năng lượng không phát triển được là do không có nhu cầu. Ông nói gì về điều này?
Chắc chắn có nhu cầu nhưng do thị trường trong nước không có nên nước ta vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Nhà nước đặt hàng rất nhiều nhà sáng chế, doanh nghiệp để cung cấp công nghệ lõi năng lượng nhưng chúng ta mới chỉ là nghiên cứu ứng dụng, dựa trên các công nghệ nhập khẩu của nước ngoài, không phải nghiên cứu mới.
Các công nghệ, thiết bị trong lĩnh vực năng lượng nước ta đang sử dụng đều nhập khẩu của nước ngoài, mà nhiệt điện than là ví dụ. Mỗi loại lò đốt được thiết kế sử dụng một loại than nhất định. Ảnh: Moit
Nước ta có nguồn sinh khối rất tốt nhưng cũng thiếu công nghệ lõi để cho các nguồn năng lượng này phát triển thành các dạng năng lượng tiêu chuẩn phục vụ cho các cộng đồng vùng sâu, vùng xa.
Tiềm năng mới là điều kiện cần, theo ông, nước ta cần có những yếu tố nào mới đủ để phát triển công nghệ lõi năng lượng?
Thực tế, nhiều khi doanh nghiệp có ý tưởng nhưng không “biến” được ý tưởng thành sản phẩm công nghệ lõi năng lượng. Các quỹ đầu tư rủi ro hiện nay cũng chưa hướng vào kinh doanh mảng công việc này.
Nhà nước cần có những chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Và chỉ khi đó mới có thể kêu gọi các nhà đầu tư, thương mại hóa và nhân rộng.
Thực ra trong các công cụ tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp có rất nhiều bộ công cụ. Chẳng hạn, các quỹ đầu tư mạo hiểm là hình thức tốt.
Sự kết hợp giữa các nhà đầu tư, các nhà sáng chế và các doanh nghiệp sẽ thúc đẩy loại hình kinh doanh này phát triển.
Người có ý tưởng và người có tiềm năng về tài chính cũng như thị trường có thể kết hợp, tạo ra sức mạnh phát triển công nghệ lõi năng lượng.
Trên thực tế, phát triển công nghệ lõi năng lượng có vẻ như quá khó đối với các doanh nghiệp nước ta?
Tôi không nghĩ là quá khó. Có rất nhiều công nghệ mà doanh nghiệp bằng sự chuyên cần đã phát hiện ra, nhưng không thể thương mại hóa được, bởi không có nguồn vốn, không có nhà đầu tư, trong khi thị trường lại không chuyên nghiệp.
Trong bối cảnh ấy, người có ý tưởng quan ngại nhiều hơn về an toàn phát minh, sáng chế của mình, cũng như việc mất bản quyền.
Ở đây, Nhà nước mang tính chất định hướng chính sách, có những hỗ trợ ban đầu về hạ tầng, giới thiệu đối tác và các nguồn tài chính. Sau đấy, khi doanh nghiệp đã đầu tư thì doanh nghiệp đóng vai trò chính.
Nếu chờ Nhà nước bao cấp thì chắc chắn chúng ta không đủ nguồn lực để làm, mà như vậy, nền kinh tế vẫn mãi là nền kinh tế bao cấp, mà một nền khoa học, công nghệ bao cấp thì không phát triển được.
Nhưng những bước đi nào được cho là thích hợp để công nghệ lõi năng lượng có thể phát triển?
Khai thác lợi thế của năng lượng tái tạo, các quốc gia có lợi thế đi trước như Trung Quốc, đã phát triển những tổ hợp về các dạng pin năng lượng mặt trời.
Việt Nam là nước đi sau, nên có thể học hỏi kinh nghiệm, thành quả của các nước đã phát triển lĩnh vực này, như của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản trong lĩnh vực này.
Hàn Quốc có đến 27 công nghệ lõi năng lượng, như pin nhiên liệu, tổ hợp phát điện năng lượng mặt trời (ở các địa bàn khác nhau), năng lượng đại dương (sóng biển), các dạng tích trữ năng lượng…
Hàn Quốc rất quan tâm đến lĩnh vực này và trong thời gian ngắn họ đã đạt được kết quả vượt bậc.
Phát triển công nghệ lõi năng lượng, nước ta đi sau, nên tập chung vào các bộ chuyển đổi để có thể hòa lưới điện.
Hiện nay, khó khăn lớn nhất là các dòng năng lượng tái tạo khó hòa lưới điện, cạnh đó là “biến” các hộ gia đình không chỉ là các hộ tiêu thụ mà còn là các hộ sản xuất điện.
Một điểm nữa cần quan tâm, với các vùng sâu vùng xa, nơi mà việc lắp đặt hệ thống trạm biến áp, cột, đường dây tốn kém và không hiệu quả, nên ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo.
Một điểm nữa cũng cần lưu ý, doanh nghiệp tư nhân sẽ không đầu tư vào các lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu, xây đê, xây cống đập… nhưng với những lĩnh vực đầu tư hiệu quả, chỉ cần tỷ lệ 1/15 thì khối tư nhân vẫn có thể đổ xô vào, vì đó là lợi nhuận.
Trong lĩnh vực năng lượng hay năng lượng tái tạo, giảm thiểu khí nhà kính, Nhà nước cần đóng vai trò huy động các nguồn quỹ hay đề ra các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tham gia. Những cái đó chúng ta hoàn toàn có thể làm được.
Nhà nước cần đóng vai trò “bà đỡ”, tạo ra chính sách, hành lang pháp lý để hỗ trợ công nghệ lõi phát triển, phần còn lại, doanh nghiệp sẽ chủ động hợp tác với các viện nghiên cứu, nhà sáng chế, quỹ đầu tư/nhà đầu tư mạo hiểm.
Nước ta phải xây dựng và làm chủ được các mảng công nghệ lõi thì ngành năng lượng mới có thể phát triển bền vững.
Những điều này rất quan trọng trong việc nâng cao được giá trị và tạo điều kiện phổ cập nhanh chóng. Và nếu đẩy nhanh được quá trình này, nước ta sẽ có những kết quả ngoạn mục.
Cảm ơn ông!
HẢI VÂN (Thực hiện)