Đánh giá mô hình quản lý chất lượng và an toàn trong bảo dưỡng sửa chữa các công trình năng lượng tại Việt Nam
14:56 | 12/05/2025
![]() Với các yêu cầu ngày càng cao về sản xuất và kinh doanh, các đơn vị sản xuất điện ngày càng chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác bảo dưởng sửa chữa (BDSC). Các giải pháp thường là tăng cường chất lượng BDSC thường xuyên và BDSC định kỳ. Hiệu quả công tác BDSC sẽ được nâng cao hơn nữa nếu thực hiện lựa chọn mục tiêu và kết hợp các phương pháp BDSC phù hợp. Ngoài ra, cần thiết áp dụng các giải pháp là khai thác ứng dụng hệ thống CMMS, trang bị các ứng dụng chuyển đối số và áp dụng quy trình phân tích nguy cơ sự cố hoặc các thử nghiệm, thí nghiệm và kiểm định thiết bị nhằm nâng cao độ sẵn sàng và độ tin cậy của hệ thống thiết bị. |
![]() |
Hình 1: Làm việc và kiểm tra tại nhà máy điện. (Tác giả năm 2017, GrokXAI chế tác năm 2025). |
Đặt vấn đề:
Các nhà máy công nghiệp năng lượng là các công trình sản xuất, truyền tải điện và các công trình dầu khí [1] được phân cấp từ cấp 1 đến cấp 4 và cấp đặc biệt. Khác với các công trình công nghiệp khác, các công trình công nghiệp năng lượng sử dụng các dây chuyền công nghệ và hệ thống thiết bị phức tạp để chuyển đổi, hoặc phân phối các dạng năng lượng sơ cấp thành các dạng năng lượng để sử dụng trực tiếp như nhiên liệu, điện, khí…
Do tính chất phức tạp của nhiều loại hệ thống thiết bị, chất lượng vận hành và bảo trì công trình quyết định đến năng suất, sản lượng, lợi nhuận và hiệu quả của hệ thống quản lý. Bảo trì công trình là tập hợp các công việc nhằm bảo đảm và duy trì sự làm việc bình thường, an toàn của công trình theo quy định của thiết kế trong suốt quá trình khai thác sử dụng [2]. Tuy nhiên, thực tế thuật ngữ bảo dưỡng sửa chữa hiện nay được dùng chủ yếu trong ngành công nghiệp năng lượng. Bảo dưỡng sửa chữa (BDSC) trong công nghiệp là các hoạt động kiểm tra, theo dõi, vệ sinh, tra dầu/nhớt/mỡ, khắc phục, phục hồi, hoặc thay thế các vật tư bị hỏng, mòn, lão hóa… được tiến hành thường xuyên, định kỳ để duy trì trạng thái khai thác, sử dụng bình thường và hạn chế phát sinh các hư hỏng, hoặc phục hồi khả năng vận hành, kéo dài tuổi thọ thiết bị.
Công tác BDSC trong các nhà máy công nghiệp trước đây chủ yếu thực hiện theo mô hình tự lực. Các nhà máy thành lập các phân xưởng, xưởng, xí nghiệp, hoặc sau này là trung tâm để theo dõi, lập kế hoạch và thực hiện. Tuy nhiên, BDSC cũng chỉ áp dụng cho các hệ thống phụ trợ, các công tác đối với hệ thống công nghệ chính đều phải ký hợp đồng với các nhà sản xuất gốc (OEM), hoặc dịch vụ uy tín quốc tế. Thông thường là các hợp đồng BDSC dài hạn, hay gọi là Long Term Maintenance Agreement (LTMA), hay Long Term Service Agreement (LTSA).
Trong các hợp đồng này, các bên đều thỏa thuận thực hiện các công tác quản lý chất lượng và quản lý an toàn có hệ thống và tuân thủ các quy định pháp luật. Chất lượng dịch vụ BDSC thể hiện bằng sự chuyên nghiệp của nhân sự/chuyên gia, công tác chuẩn bị/lập kế hoạch, thực hiện các lịch kiểm tra, báo cáo đánh giá, khuyến cáo vận hành, các chứng chỉ, chứng nhận, kiểm định vật tư/thiết bị, các điều khoản bảo hành trên cơ sở độ tin cậy của thiết bị, công tác sửa chữa, thay thế vật tư… Công tác quản lý an toàn - sức khỏe - môi trường (ATSKMT) được thể hiện bằng các yêu cầu về lập kế hoạch, đánh giá rủi ro, lập và thực hiện các biện pháp thi công - biện pháp an toàn, đảm bảo môi trường, kiểm tra giám sát trên công trường và các kế hoạch ứng cứu khẩn cấp.
Thời gian gần đây, nhiều công tác BDSC được thuê ngoài. Các đơn vị dịch vụ kỹ thuật cũng đã đầu tư vào hệ thống quản lý để đạt được hiệu quả cao hơn. Qua đó các hình thức hợp đồng cũng đa dạng và phù hợp hơn với nhu cầu của các chủ đầu tư. Hình thức hợp đồng BDSC thường bao gồm các dạng sau:
Bảng 1: Các hình thức hợp đồng BDSC phổ biến: | |||
STT | Hình thức | Đặc điểm | Tiếng Anh |
1 | BDSC thường xuyên | Phạm vi là kiểm tra thường kỳ, tra dầu/nhớt/mỡ, khắc phục bất thường nhỏ/lẻ, thay thế vật tư vận hành. | Routine, Predictive Maintenance Contract |
2 | Sửa chữa khắc phục bất thường và sự cố | Các sự cố và bất thường cần được khắc phục nhanh và hiệu quả nhất, hạn chế tối đa xuống máy, giảm công suất. | Emergency and Corrective Maintenance or On-call Service |
3 | Thuê nhân công BDSC | Áp dụng với các đơn vị quản lý tài sản có năng lực quản lý tốt | Manday-labor service Contract |
4 | BDSC định kỳ | các hệ thống thiết bị công nghệ chính đòi hỏi phải xuống máy để thực hiện | Overhaul or shutdown and Turnaround Contract |
5 | BDSC theo KPI | gắn liền với các chỉ số sản xuất như độ tin cậy, độ sẵn sàng, MTBF, MTTR, hiệu suất, sản lượng … | Performance-Based Maintenance Contract |
6 | BDSC toàn diện | loại hình này đòi hỏi một hệ thống BDSC chuyên nghiệp và phạm vi rộng (MRO) | Comprehensive Maintenance Contract |
(*) Hợp đồng LTMA or LTSA có đặc điểm dạng 6 và thời hạn khoảng 10 năm.
Trên cơ sở khảo sát công tác BDSC tại các nhà máy công nghiệp năng lượng tại Việt Nam trong thời gian 10 năm gần đây, đối chiếu với các các tài liệu, báo cáo của một số các nhà máy công nghiệp năng lượng và nhà thầu dịch vụ BDSC, có thể ghi nhận một số đặc điểm sau:
- Các yêu cầu về an toàn lao động, các quy định về môi trường và phòng chống cháy nổ cơ bản được đảm bảo. Các nhà máy đều đưa ra các yêu cầu trong hệ thống quy trình quy định về quản lý an toàn tương tự và tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế. (Ví dụ: Lập kế hoạch, đánh giá rủi ro, lập biện pháp thi công - biện pháp an toàn, thực hiện phiếu công tác, lệnh thao tác, kiểm tra và giám sát).
- Hầu hết công tác quản lý chất lượng được thực hiện đồng bộ với các công tác trong dịch vụ BDSC. Chẳng hạn: Quản lý hồ sơ thiết bị (lý lịch, calib, kiểm định, thử nghiệm, thí nghiệm, giấy phép, chứng nhận, đăng kiểm...); biện pháp thi công lập đồng bộ với checklists thử nghiệm và nghiệm thu công việc (Inspection &Test Plan-ITP).
Kinh tế một quốc gia càng phát triển, thì ngành công nghiệp năng lượng sẽ càng mở rộng và phát triển. Nhiều nhà máy hơn, quy mô lớn hơn, độ phức tạp về công nghệ cao hơn và yêu cầu về BDSC sẽ càng cao hơn. Theo đó, cạnh tranh về chất lượng dịch vụ và tuân thủ các yêu cầu an toàn là bản chất tự nhiên của sự phát triển.
Nếu các yêu cầu trong hệ thống quản lý chất lượng và an toàn được chỉ rõ và thống nhất giữa chủ nhà máy và đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ tối ưu hóa được nguồn lực, thời gian và chi phí. Hạn chế các yêu cầu hồ sơ chồng chéo, nội dung trong các hồ sơ lặp đi lặp lại, các thủ tục yêu cầu không hợp lý, thông tin không rõ ràng… làm tăng số lượng nhân công, thời gian chờ đợi nhiều… trong khi công tác vẫn bị vướng mắc, chậm tiến độ, phải xử lý tình huống nhiều, chưa nói là vi phạm về an toàn đến con người và thiết bị trong BDSC vẫn xảy ra, khó kiểm soát.
Ngoài ra, trong hoạt động BDSC các nhà máy công nghiệp năng lượng không thể thiếu các đối tác nước ngoài cung cấp chuyên gia, dịch vụ, cải tiến, nâng cấp… yêu cầu về quản lý chất lượng và an toàn phải phù hợp với các thông lệ quốc tế để hạn chế tối đa các vướng mắc trong quá trình thực hiện và phối hợp.
Mô hình quản lý chất lượng và an toàn BDSC:
Quản lý chất lượng và quản lý an toàn là nội dung không thể thiếu trong các giao dịch quốc tế trong hoạt động BDSC các công trình công nghiệp. Trong hướng dẫn của Hiệp hội các kỹ sư Tư vấn Quốc tế-FIDIC [5] đã đề cập đến các yêu cầu quản lý này. Đồng thời Đạo luật trên lãnh thổ Úc [6] quy định đây là 2 nội dung yêu cầu cần thiết và được đề cập cụ thể trong các điều khoản hợp đồng mẫu.
Trong Bộ Luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2015 quy định về Hợp đồng Dịch vụ trong Mục 9, các điều từ 513 đến 521, quy định các điều kiện của hợp đồng dựa trên thỏa thuận giữa các bên. Trong các quy định pháp luật về quản lý chất lượng và hợp đồng, quy định về quản lý chất lượng và an toàn được thể hiện khá chi tiết và thường được viện dẫn.
Cụ thể, tại văn bản hợp nhất Nghị định 06/2021/NĐ-CP và Nghị định 35/2023/NĐ-CP, số 05/VBHN-BXD ngày 12/7/2023, Điều 10 quy định 6 yêu cầu chính là quản lý chất lượng, tiến độ, khối lượng, an toàn lao động và môi trường, quản lý chi phí và các điều kiện khác của hợp đồng. Văn bản hợp nhất Nghị định 37/2015/NĐ-CP, Nghị định 50/2021/NĐ-CP và Nghị định 35/2023/NĐ-CP, số 07/VBHN-BXD ngày 16/8/2023, điều 7 quy định 4 nội dung quản lý hợp đồng gồm: Quản lý tiến độ, chất lượng, khối lượng và giá, an toàn lao động, môi trường và phòng chống cháy nổ và các yêu cầu cụ thể khác. Đồng thời trong Nghị định 06/2021/NĐ-CP, quy định cụ thể về các yêu cầu đối với công tác quản lý chất lượng, lập kế hoạch, và quy trình bảo trì công trình.
Trên cơ sở các quy định, hồ sơ BDSC, hợp đồng BDSC với một số các đơn vị cung cấp dịch vụ BDSC trong nước và nước ngoài, đồng thời tham khảo các báo cáo do tư vấn nước ngoài lập tại Việt Nam, có thể đưa ra các công tác chính trong mô hình quản lý chất lượng và an toàn trong BDSC công trình công nghiệp năng lượng (như Hình 2).
![]() |
Hình 2: Mô hình quản lý chất lượng và an toàn trong BDSC. |
Chi tiết mô hình quản lý chất lượng và an toàn BDSC:
Trên hình 2 thể hiện mô hình quản lý chất lượng và an toàn trong BDSC tại các nhà máy công nghiệp năng lượng. Các hình thức BDSC được quy định trong các hợp đồng tương ứng và mô hình quản lý cần thể hiện bằng một kế hoạch tổng thể chuẩn bị cho các công tác liên quan. Đó là một kế hoạch quản lý chất lượng dịch vụ công tác BDSC, an toàn lao động, đảm bảo môi trường và phòng chống cháy nổ (ATLĐ-MT-PCCN). Trong đó cần tóm lược các mục tiêu, phạm vi công việc, tiến độ, các yêu cầu kỹ thuật - an toàn chính. Kế hoạch này, trong một số công việc ít phức tạp (số lượng công tác không lớn, số người tham gia không nhiều như mục 2 và 3, Bảng 1) có thể chỉ là sự phổ biến trực tiếp tại hiện trường, hoặc một cuộc họp mà không cần văn bản.
Tuy nhiên, đối với các hợp đồng BDSC có quy mô lớn hơn (mục 1, 4, 5, 6, Bảng 1), cần thiết phải đưa vào kế hoạch các nội dung như các đề xuất cải tiến, đổi mới và kiểm soát sự thay đổi, kế hoạch quản lý rủi ro; kế hoạch quản lý ATLĐ-MT-PCCN; quản lý hồ sơ vật tư/thiết bị sửa chữa, chế độ kiểm tra, giám sát, nghiệm thu và báo cáo. Kế hoạch này chủ yếu lập riêng cho đơn vị quản lý tài sản nhà máy (do đặc thù nhà máy phải quản lý nhiều hệ thống thiết bị/công nghệ phức tạp, luôn tồn tại nguy cơ về an toàn tác động đến con người và tài sản).
Bước thứ 2 là đánh giá và phân tích rủi ro/mối nguy, là bước không thể thiếu trong BDSC công nghiệp và phải được ghi nhận bằng các biên bản hiện trường, báo cáo đánh giá. Thông thường các báo cáo này tạo thành một bộ hồ sơ lớn, nhiều nội dung gần giống nhau, lặp đi lặp lại… (Ví dụ là các rủi ro, mối nguy về không gian hạn chế, nhiệt độ cao, áp suất, hóa chất, khu vực nhiên liệu…). Tuy nhiên, việc đánh giá rủi ro lại là cơ sở để lựa chọn biện pháp an toàn và ứng cứu khẩn cấp. Do đó, việc tổ chức phối hợp thực hiện và hướng dẫn cụ thể, biểu mẫu thống nhất sẽ giúp tăng hiệu suất công tác quản lý.
Lập hồ sơ an toàn - sức khỏe - môi trường là yêu cầu bắt buộc theo yêu cầu của Luật an toàn vệ sinh lao động, đặc biệt trong các hình thức BDSC (4, 5 và 6, Bảng 1). Trong đó, cần thiết bao gồm các loại như sau: Hồ sơ quản lý về kỹ thuật an toàn (tiêu chuẩn, quy chuẩn, biện pháp kỹ thuật an toàn áp dụng); hồ sơ quản lý các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; hồ sơ quản lý công tác phòng chống cháy nổ; hồ sơ quản lý môi trường; hồ sơ quản lý về nhân lực, sức khỏe nghề nghiệp người lao động, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp (các phương án sự cố tràn dầu, hóa chất, PCCC và sự cố môi trường), các quy trình phối hợp công tác, báo cáo, cam kết an toàn… Tương tự như hồ sơ quản lý rủi ro, hồ sơ này không chỉ bao gồm các nội dung của các nhà thầu dịch vụ BDSC và nhiều nội dung của đơn vị quản lý tài sản nên quy định thành phần thế nào, sắp xếp ra sao phải có hướng dẫn cụ thể nhằm thống nhất được nội dung và hạn chế sự chồng chéo, lặp lại nhiều lần làm phức tạp việc quản lý hồ sơ.
Bước 4, quy trình BDSC và biện pháp thi công là các nội dung quan trọng, ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác nhiều nhất, nhưng thường thiếu đồng bộ và đôi khi bị lẫn lộn về khái niệm và nội dung.
Bảng 2 sẽ giúp phân biệt rõ hơn các yêu cầu giữa quy trình BDSC, biện pháp thi công và hướng dẫn BDSC. Các khái niệm và yêu cầu về quy trình BDSC và biện pháp thi công đều được đề cập trong các quy định về quản lý chất lượng, cũng như bảo trì công trình và phù hợp với các thông lệ quốc tế.
Bảng 2: Phân biệt hướng dẫn, quy trình BDSC và biện pháp thi công: | |||
---|---|---|---|
Biện pháp thi công | Quy trình BDSC | Hướng dẫn BDSC | |
Mục tiêu | Thực hiện công tác và đảm bảo an toàn | BDSC thường xuyên và định kỳ | Khuyến cáo |
Tác nghiệp | Công tác cụ thể | Chuẩn hóa cho thiết bị | Nguyên tắc chung |
Ràng buộc | Bắt buộc chấp hành | Các yêu cầu bắt buộc | Linh hoạt |
Quy định | Pháp lý hoặc hợp đồng
| Yêu cầu của hệ thống quản lý chất lượng nội bộ | Không ràng buộc |
Từ bảng trên ta thấy: Nếu chỉ cần Quy trình, hoặc Hướng dẫn thực hiện cho tất cả các công tác BDSC thì các công tác trên các thiết bị quan trọng, hệ thống phức tạp, hoặc các khu vực có độ rủi ro cao sẽ không thể xem xét đầy đủ các biện pháp an toàn thích hợp. Đó là do quy trình và hướng dẫn BDSC được chuẩn hóa cho các thiết bị mà không xem xét đến địa điểm, tính chất cụ thể khu vực thi công.
Vậy khu vực có độ rủi ro cao, hệ thống thiết bị quan trọng, phức tạp được xác định bằng tiêu chí gì? Tiêu chí phải được thực hiện trong bước 1 và bước 2 và do lãnh đạo quản lý chất lượng và an toàn quyết định. Biện pháp thi công cần thiết được lập, xem xét, thông qua, chấp thuận và phê duyệt với các hệ thống, hoặc thiết bị có rủi ro thi công như: Không gian hạn chế, nhiệt độ cao, áp suất, hóa chất, khu vực nhiên liệu… và các hệ thống thiết bị công nghệ chính. Lập biện pháp thi công cần có nội dung công tác, bố trí nhân sự công tác, công cụ dụng cụ và máy/thiết bị liên quan, các bước thi công - thực hiện công tác, tiến độ thực hiện, các biện pháp đảm bảo ATLĐ-MT-PCCN, hoàn trả mặt bằng - thiết bị và kết thúc công tác. Biện pháp thi công và quy trình BDSC cần gắn với nhóm các công tác trên hệ thống thiết bị, hoặc Work Order trong các hệ thống phần mềm quản lý BDSC (nếu có). Hạn chế chia tách, phân ngành nội dung công tác, làm phức tạp trong công tác kiểm tra, giám sát cả trên công trường lẫn trong hồ sơ.
Quy trình kiểm soát chất lượng là yêu cầu không thể thiếu trong hợp đồng dịch vụ BDSC. Các nội dung chủ yếu bao gồm: Nội dung công tác; quy chuẩn - tiêu chuẩn áp dụng; sơ đồ tổ chức và trách nhiệm các bên; yêu cầu về thử nghiệm và nghiệm thu; xử lý các tồn tại và bảo hành; lập hồ sơ chất lượng và các biểu mẫu. Với yêu cầu thử nghiệm và nghiệm thu, quy định của Việt Nam là lập riêng. Công tác nghiệm thu có thể đồng bộ với các yêu cầu lập biện pháp thi công và giám sát. Trong thông lệ quốc tế, công tác này được lập chung là Inspection and Test Plan - ITP. ITP là bắt buộc trong hệ thống quản lý chất lượng và áp dụng tương ứng với biện pháp thi công với mỗi công việc trong BDSC. Như vậy, có thể thấy bước 1 có vai trò quan trọng xác định xem yêu cầu thử nghiệm và nghiệm thu đối với các công tác trên hệ thống thiết bị phức tạp, có nhiều rủi ro được kiểm soát có tốt không, xử lý các sai khác, tồn tại và phát sinh thế nào?
Bước 6 trong mô hình quản lý kết hợp là công tác kiểm tra và giám sát. Yêu cầu kiểm tra và giám sát bao gồm: Tổ chức giám sát tại hiện trường đảm bảo tuân thủ các quy định của hợp đồng như các biện pháp thi công, quy trình BDSC, an toàn lao động, môi trường, PCCN, vật tư, công cụ dụng cụ... Một số các nội dung trong công tác giám sát cần đảm bảo các yêu cầu báo cáo phục vụ công tác kiểm tra của cơ quan quản lý quy định trong Luật Điện lực (điều 69, 70, 71 và nghị định, thông tư liên quan).
Trong nhiều các đợt BDSC lớn (Đại tu - Major Overhaul, Turnaround...) số lượng nhà thầu tham gia BDSC có thể lên đến 30-40 đơn vị, số lượng nhân công có thể lên đến hơn 2.000 người. Việc khen thưởng và vinh danh cá nhân/nhà thầu về chất lượng và an toàn sẽ giúp cho uy tín của chủ đầu tư tăng lên. Cùng với đó là trách nhiệm trong các công tác tiếp sau sẽ được tự ý thức nâng cao. Do đó bước 7 này nên được bổ sung trong mô hình quản lý kết hợp chất lượng và an toàn trong BDSC tại các nhà máy công nghiệp năng lượng.
Đánh giá mô hình quản lý chất lượng và an toàn trong BDSC:
Có thể thấy mô hình kết hợp quản lý chất lượng và an toàn (trên Hình 2) sẽ khắc phục được khó khăn trong việc kiểm soát quá trình quản lý. Mục 1 là cần thiết, giúp hạn chế được sự rời rạc giữa mục thứ 2 và mục thứ 4. Mục thứ 3 sẽ được đồng bộ trên một đầu mối tránh lan man, phức tạp hóa khâu lập và kiểm soát hồ sơ. Mục 4 sau khi kết nối với mục 1 và mục 2 sẽ có thể giảm được đến 50% khối lượng hồ sơ và tác nghiệp lập - trình - xem xét - hiệu chỉnh - chấp thuận - thông qua - phê duyệt của cả đơn vị quản lý lẫn nhà thầu BDSC, đặc biệt với các nhà thầu nước ngoài bắt buộc phải tuân thủ theo quy định của Việt Nam.
Khi các yêu cầu trong hệ thống quản lý rõ ràng, các nút thắt sẽ được giải phóng. Lưu đồ công việc chi tiết sẽ giúp thông thoáng quá trình quản lý, giảm được các bước cần nhiều nhân công chuyên gia. Từ đó tập trung xem xét tiêu chuẩn hóa và số hóa quá trình. Chẳng hạn trong lưu đồ công việc (Flow of Work) của đơn vị BDSC có thể định thời gian và đánh giá các công tác thực hiện từ khi nhận được các yêu cầu công tác; khảo sát và phối hợp đánh giá kỹ thuật; chuẩn bị CCDC-thiết bị, vật tư tiêu hao, thay thế phù hợp với công tác (WO); cấp và thực hiện các phiếu công tác, lệnh thao tác đúng quy định đảm bảo an toàn; lập và thực hiện biện pháp thi công phù hợp; thử nghiệm và nghiệm thu công tác; xử lý các tồn tại và bảo hành đúng quy định.
Đối với đơn vị quản lý tài sản, có thể kiểm soát một cách hiệu quả trên cơ sở kết hợp quản lý chất lượng và an toàn với một kế hoạch thực hiện thống nhất ngay từ đầu, trước khi thực hiện mời thầu các dịch vụ BDSC. Các yêu cầu chính trong kế hoạch chung này cần thiết được đưa vào yêu cầu kỹ thuật của hợp đồng để các bên cùng nắm rõ và tuân thủ. Quy trình này nếu được thống nhất và đồng bộ như các quy định quản lý chất lượng và an toàn thi công công trình xây dựng sẽ giúp cho công tác BDSC trong các nhà máy công nghiệp năng lượng nâng cao tính pháp lý, đảm bảo hiệu quả, chất lượng và an toàn./.
TS. VĂN XUÂN ANH
Hà Nội, tháng 5 năm 2025
Tài liệu tham khảo:
1. Thông tư 06/2021/TT-BXD và Thông tư số 02/2025/TT-BXD, quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng
2. Nghị định Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng. Văn bản hợp nhất Nghị định 06/2021/NĐ-CP và Nghị định 35/2023/NĐ-CP, số 05/VBHN-BXD ngày 12/7/2023.
3. Nghị định Quy định chi tiết hợp đồng xây dựng. Văn bản hợp nhất Nghị định 37/2015/NĐ-CP, Nghị định 50/2021/NĐ-CP và Nghị định 35/2023/NĐ-CP, số 07/VBHN-BXD ngày 16/8/2023.
4. Bộ Công thương, Thông tư quy định về bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực số 02/2025/TT-BCT ngày 01/02/2025.
5. International Federation of Consulting Engineers-FIDIC, Guide Conditions of Contract for Operations, Maintenance and Training (OMT).
6. Australian Capital Teritoty Act. Maintenance Services Agreement Template, June 2024
7. Bình Sơn Refinery and Petrochemical Company, Project Execution Plan by Amec Foster Wheeler, March 2017.
8. LILAMA-GEDI-AEE, Quality Asurance and Control Procedure Manual, Vung Ang 1 Thermal Power Plant, October 2010
9. Ca Mau CCGT, Risk Assement and Method Statement-Turbine, Generator by Siemens, May 2018
10. GooilTech, Biện pháp thi công Kiểm định lò hơi bằng phương pháp thủy lực, S2-Vũng Áng 1, tháng 6 năm 2024
11. LILAMA, Inspection and Testing Plan-ITP for Rotor and Accesssories for Generator, Vung Ang 1 Thermal Power Plant, October 2016
12. Văn Xuân Anh. Giải pháp và ứng dụng trong chuyển đổi số các nhà máy điện. Phát triển công nghiệp công nghệ cao. https://congnghiepcongnghecao.com.vn/. Tháng 12 năm 2021.
13. Văn Xuân Anh. Các giải pháp cần thiết nâng cao hiệu quả bảo dưỡng sửa chữa nhà máy điện. Năng lượng Việt Nam: https://nangluongvietnam.vn/. Tháng 9 năm 2022.