Nhiệt điện Thái Bình 2: Những rủi ro khi thiết bị chính ‘hết hạn bảo hành’
06:52 | 19/10/2020
Báo cáo Thủ tướng về chính sách phát triển ‘nguồn điện độc lập’ ở Việt Nam
Theo báo cáo cập nhật của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về công tác thanh toán, giải ngân và giá trị khối lượng công việc còn lại tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 cho biết: Tính đến giữa tháng 10/2020, dự án nguồn điện này đã giải ngân 1,1 tỷ USD và xấp xỉ 12.000 tỷ VNĐ. Còn giá trị khối lượng chưa thực hiện theo điều chỉnh (lần 2) là trên 67 triệu USD và khoảng 4.500 tỷ VNĐ.
Về chất lượng thiết bị của Nhà máy, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra; các chuyên gia của Toshiba (Nhật Bản) cũng đã kiểm tra tua bin, kết quả đánh giá đảm bảo chất lượng, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên, do thời hạn bảo hành thiết bị chính đã hết hạn; khả năng bảo quản, bảo dưỡng của PVC hạn chế sẽ là thách thức về duy trì chất lượng thiết bị. Để bảo đảm chất lượng thiết bị, các hệ thống, thiết bị trong dự án đã được chủ đầu tư, nhà thầu phân chia thành các mức rủi ro để quản lý. Nhưng theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, điều quan trọng nhất hiện nay vẫn là “thúc đẩy tiến độ, sớm đưa các hệ thống thiết bị vào vận hành”.
Cũng theo đánh giá chuyên gia, vướng mắc chính ở dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là về “chủ trương” và “cơ chế”.
Cụ thể, cơ chế của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định 2414/QĐ-TTg, nhưng lại không có hướng dẫn cho dự án chuyển tiếp. Đặc biệt là hệ thống văn bản pháp lý liên quan có nhiều thay đổi, chưa đồng bộ, thống nhất. Mặt khác, cách hiểu và áp dụng cơ chế khác nhau, dẫn đến khó vận dụng và nhiều rủi ro trong tham mưu, đề xuất, quyết định.
Nhận diện về những rủi ro tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực cho biết: Tổng mức đầu tư điều chỉnh (lần 2) và điều chỉnh giá, hình thức Hợp đồng EPC được Tập đoàng Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện sau khi đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương chấp thuận, tuy nhiên, theo kết luận Thanh tra Chính phủ kết luận là “chưa đúng quy định” nên cần phải “tiếp tục làm rõ”.
Đặc biệt, cơ cấu giá của Hợp đồng EPC đã được ký với giá tạm tính và PVN kiến nghị từ năm 2017 đến nay, tuy nhiên, chưa được cấp có thẩm quyền hướng dẫn để các bên có cơ sở ký kết giá chính thức Hợp đồng EPC.
Ngoài ra, các vướng mắc khác như: Áp dụng định mức, đơn giá của một số hạng mục hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về phương pháp lập dự toán chi tiết. Chưa kể các khó khăn, tranh chấp với các nhà thầu nước ngoài như: Liên danh nhà thầu Sojitz-Daelim (SDC), Công ty FLSmidth và WorleyParsons; Hợp đồng chạy thử; về thời hạn bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh bảo hành thiết bị, cũng như các khoản thanh toán đến hạn.
Để tháo gỡ những bế tắc tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Cơ quan Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực cho rằng: Thủ tướng Chính phủ cần sớm có chỉ đạo rõ ràng về cơ chế, chính sách. Còn với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cần có hướng dẫn cụ thể PVN để đưa dự án này vào hoạt động trong thời gian sớm nhất./.
PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM