Nhiệt điện Phả Lại sản xuất xanh cho tương lai bền vững
21:04 | 08/03/2017
Giải pháp kiểm soát tác động nhiệt điện than đến môi trường
Kiểm soát toàn diện môi trường tại các nhà máy điện
PV: Là nhà máy nhiệt điện than lớn, trong những năm qua, Nhiệt điện Phả Lại đã góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ cho nhu cầu phát triển triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh, xin ông cho biết tình hình sản xuất, kinh doanh, vận hành của Nhà máy những năm gần đây?
Ông Nguyễn Văn Thủy: NM Nhiệt điện Phả Lại ra đời từ những năm 80, việc quản lý, vận hành nhà máy nhiệt điện đốt than có bề dày lịch sử, nhiều thế hệ là Lãnh đạo, công nhân vận hành nhiều kinh nghiệm, nhiệt huyết đã đưa nhà máy ngày càng phát triển đáp ứng tốt các yêu cầu của xã hội hiện nay. Hằng năm, Công ty đã sản xuất ra sản lượng điện khoảng trên 5 tỷ kWh, góp phần đáng kể và cung cấp cho hệ thống điện quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng kinh tế đất nước, đặc biệt là trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.
Tuy nhiên, Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể, Nhiệt điện Phả Lại đã tham gia thị trường phát điện cạnh tranh từ năm 2011, khi đã tham gia thị trường thì đầu ra sản phẩm là điện phải đáp ứng yêu cầu của thị trường, như: giá phải rẻ, chất lượng điện phải đảm bảo (tính sẵn sàng của tổ máy khi được hệ thống huy động công suất). Chính vì vậy, việc quản lý vận hành các tổ máy đòi hỏi phải đáp ứng đúng theo yêu cầu của thì trường thì mới tồn tại và phát triển bền vững.
PV: Các dự án nhiệt điện than của Việt Nam nói chung và Nhiệt điện Phả Lại nói riêng được đầu tư trước đây hầu hết đều có công nghệ, thiết bị lạc hậu, dẫn tới việc phát thải các loại khí độc hại như: CO2, SO2,, Nox… còn cao, để giảm thiểu vấn đề về ô nhiễm môi trường, Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại đã triển khai những giải pháp gì, thành tựu đạt được?
Ông Nguyễn Văn Thủy: Trước yêu cầu về công tác bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cao, với các nhà máy nhiệt điện của Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, trong những năm gần đây, Lãnh đạo Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất. Chính vì vậy, từ năm 2013, Công ty đã có chủ trương lập kế hoạch nâng cấp, cải tạo dây chuyền 1 và dây truyền 2 của Nhà máy, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là đầu tư thiết kế để cải thiện môi trường, khử khí thải được đưa lên nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch nâng cấp này.
Theo đó, Công ty đã đầu tư thay thế nâng cấp hệ thống khử khí thải như lọc bụi tĩnh điện, cải tạo nâng cấp hệ thống khử NOx và SOx. Ngoài ra nước thải, chất thải nguy hại, chất thải rắn cũng rất được chú trọng, đáp ứng và đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như: thuê các đơn vị đủ chức năng để quan trắc nước thải, khí thải định kỳ hằng tháng, hằng quý. Các chất thải nguy hại hằng năm ký kết với các đơn vị đủ điều kiện về vận chuyển, xử lý, tái chế theo đúng quy định của pháp luật.
Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại.
PV: Xử lý tro xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện than đang là vấn đề “nóng”, tuy nhiên Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại đã có những thành công trong xử lý tro xỉ, đảm bảo môi trường từ nhiều năm qua. Xin ông cho biết một số kết quả đạt được, đồng thời chia sẻ một số kinh nghiệm thực tiễn triển khai?
Ông Nguyễn Văn Thủy: Việc xử lý tro xỉ tại Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại đã được thực hiện theo quy định, tro xỉ được pha trộn với nước và được hệ thống bơm thải xỉ đưa lên hồ Khe Lăng, Bình Giang.
Bên cạnh đó, hồ thải xỉ của Công ty theo thiết kế trên hồ với dung tích dự trữ xỉ lớn nhưng trong những năm gần đây lượng tro, xỉ trong hồ còn lại rất ít do đã được các đơn vị địa phương khai thác để sản xuất làm vật liệu xây dựng, một phần tro xỉ được được thu hồi trong nhà máy và bán cho các đơn vị khai thác. Đồng thời, hằng năm, Công ty tổ chức đấu giá để bán cho khách hàng.
Tro, xỉ khi bơm lên hồ thải xỉ đều được lắng đọng lại tại các hồ, toàn bộ lượng tro xỉ trên các hồ được đảm bảo ngập trong nước với độ sâu thấp nhất là 2m để đảm bảo vệ sinh môi trường.
NMNĐ Phả Lại sử dụng nhiên liệu đốt là than cám 5. Trong thành phần của than cám 5, tỷ lệ tro và các thành phần khác chiếm từ 28-33%. Chất lượng than thấp thì hàm lượng tro cao. Khi than cháy hết, lượng tro thu về từ 25 -30%. Mỗi năm, NM Nhiệt điện Phả Lại sử dụng 3 triệu tấn than nhiên liệu, điều này đồng nghĩa là nhà máy thải ra khoảng 1 triệu tấn tro xỉ.
Tuy nhiên, với NM Nhiệt điện Phả Lại, tro xỉ không phải chất thải mà là “sản phẩm phụ”. Tro xỉ gồm 2 thành phần là tro bay (chiếm 85%) và xỉ (chiếm 15%). Thời kỳ sơ khai, tro xỉ NM Nhiệt điện Phả Lại được đổ xả bãi thải, các hộ nhỏ lẻ lấy về làm gạch xỉ (gạch ba banh) hoặc trộn với đất sét làm gạch nung. Những năm gần đây, tro xỉ của NM Nhiệt điện Phả Lại được các hộ tiêu thụ lớn xử lý thành tro bay và sử dụng làm nguyên liệu sản xuất VLXD. Tro xỉ trở thành mặt hàng tương đối đắt khách, Cty đem bán đấu giá…
Theo tính toán về vòng đời của NM Nhiệt điện Phả Lại, bãi chứa của nhà máy đã phải đầy từ lâu. Tuy nhiên, trên thực tế, bãi chứa của nhà máy không những không đầy mà vơi dần, gần như không còn gì. Hiện nay, tro xỉ của nhà máy sản xuất đều được tiêu thụ hết 100%.
Trong việc xử lý tro xỉ, quan tâm hàng đầu là bài toán môi trường chứ không phải lợi nhuận. Chủ đầu tư NMNĐ cần phải có chính sách thu hút các nhà đầu tư xử lý tro xỉ vào cuộc.
Tại nhà máy dây chuyền 1, Công ty CP Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại đã mời nhà thầu Hàn Quốc đầu tư hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ISP), cho phép thu hồi trên 99,8 lượng tro bay phát sinh trong quá trình nhà máy đốt than sản xuất điện. Tro bay được thu từ hệ thống lọc bụi tĩnh điện được đưa vào các silo chứa trước khi Công ty Hàn Quốc sử dụng làm vật liệu xây dựng. Đổi lại, Công ty Hàn Quốc được ký hợp đồng dài hạn mua toàn bộ tro xỉ phát thải của dây chuyền 1.
Còn tại nhà máy dây chuyền 2, Công ty CP Cao Cường Sông Đà (SCL) là 1 trong những đơn vị tiêu thu chính và xử lý tro xỉ theo công nghệ tuyển ướt, sấy khô. Theo đó, tro phát thải được hòa với nước theo tỷ lệ 1/9, rồi bơm ra bể chứa khu vực NMNĐ. Từ bể chứa, theo tuyến đường ống dẫn dài hơn 2km, tro lỏng được được dẫn về nhà máy của SCL. Tại đây, tro xỉ được xử lý, phân tách các thành phần carbon và các thành phần khác còn dư. Sản phẩm chính của quá trình tuyển ướt sây khô này là tro bay đã qua xử lý, được sử dụng trong sản xuất bê tông đầm lăn đập thủy điện và gạch bê tông khí chưng áp AAC…
Với việc thực hiện tốt công tác môi trường trong năm 2013, Công ty đã được trao Cúp và Bằng khen trong chương trình “Kinh tế xanh cho phát triển bền vững” do Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức.
PV: Để công tác bảo vệ môi trường ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn, trong thời gian tới, Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại đã đề ra những mục tiêu nào, giải pháp thực hiện?
Ông Nguyễn Văn Thủy: Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại sẽ tăng cường công tác tuyên truyền cho cán bộ công nhân viên, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường nơi làm việc. Đồng thời, phát động toàn thể CBCNV trong Công ty thực hiện tốt công tác môi trường, để Công ty phát triển ngày càng bền vững và cải thiện môi trường sống của chính bản thân mình và mọi người xung quanh.
Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại đã ban hành Quy định quản lý và Bảo vệ môi trường để cho mọi cán bộ công nhân viên trong Công ty biết và thực hiện. Hàng tháng vào ngày 13 và 25 tổ chức cử các đoàn kiểm tra chéo giữa các đơn vị về công tác vệ sinh môi trường, có kết luận thông báo kịp thời tới các đơn vị để đôn đốc việc chấp hành công tác quản lý bảo vệ môi trường. Hàng tháng có đưa tiêu chuẩn xét thưởng về môi trường của các đơn vị và cá nhân để khen thưởng và xử phạt. Hằng năm tổ chức các cuộc thi an toàn vệ sinh lao động có lồng ghép các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ môi trường.
PV: Xin cảm ơn Ông!
Nhà máy 1 được khởi công xây dựng ngày 17-5-1980 và hoàn thành năm 1986, có công suất thiết kế 440MW gồm 4 tổ Tuốc bin-máy phát và 8 lò hơi theo khối 2 lò-1 máy, mỗi tổ máy có công suất 110 MW. Nhà máy 2 (mở rộng) được khởi công xây dựng ngày 8-6-1998, công suất thiết kế 600MW gồm 2 tổ hợp lò hơi-tuốc bin-máy phát, công suất mỗi tổ máy 300MW, gọi là tổ máy số 5 và tổ máy số 6. Tổ máy số 5 được bàn giao ngày 28/12/2002 và tổ máy số 6 được bàn giao ngày 14/3/2003. Kể từ đó, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại có tổng công suất là 1040 MW, là nhà máy nhiệt điện chạy than lớn của Việt Nam và Đông Nam Á.
PHAN THANH DŨNG (Thực hiện)