RSS Feed for Nhật ký Năng lượng: Lọc dầu Dung Quất - vạn sự khởi đầu nan | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 20:57
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhật ký Năng lượng: Lọc dầu Dung Quất - vạn sự khởi đầu nan

 - Cách đây hơn 4 năm, ngày 22/2/2009, cả nước đón chào mẻ dầu đầu tiên xuất xưởng từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất mang nhãn hiệu “Made in Việt Nam”. Để có đứa con đầu lòng cho nền công nghiệp lọc-hóa dầu quốc gia, Việt Nam đã phải "thai nghén" suốt 15 năm trời và phải vượt qua biết bao thử thách. Để rồi giờ đây, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước cực kỳ khó khăn thì những tin vui đã đến từ Dung Quất: Trong 6 tháng đầu năm 2013, Nhà máy lọc dầu Dung Quất vận hành an toàn, ổn định ở công suất thiết kế, thực hiện vượt mức nhiều chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra như: Sản xuất và xuất bán ra thị trường ước đạt hơn 3,1 triệu tấn sản phẩm các loại, đạt 55% kế hoạch năm; tổng doanh thu ước đạt trên 70 ngàn tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch năm; nộp ngân sách nhà nước ước đạt trên 11,8 ngàn tỷ đồng, đạt 89% kế hoạch năm... Thế nhưng, mọi con đường đi đến vinh quang bao giờ cũng gian nan.

>> Nhật ký Năng lượng: 'An toàn hệ thống điện' và 'ý tưởng siêu dự án'
>> Nhật ký Năng lượng: Năng lượng tái tạo và tiếng gọi của lương tri
>> Nhật ký Năng lượng: Nguy hiểm điện hạt nhân chỉ là tưởng tượng
>> Nhật ký Năng lượng: "Quyền lực thượng nguồn"
>> Nhật ký Năng lượng: 'Khi cơn đói dầu hoành hành'
>> Nhật ký Năng lượng: Thông điệp toàn cầu về điện hạt nhân

>> Nhật ký Năng lượng: Kỳ tích 'chinh phục lòng đất'

 

Bình luận tuần thứ 8:

Lần theo dấu thời gian...

Sau nhiều năm khảo sát, đánh giá và thẩm định, ngày 11/4/1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 207/TTg, về việc “Phê duyệt quy hoạch chung khu công nghiệp Dung Quất”. Quyết định nêu rõ KCN Dung Quất là KCN lọc và hoá dầu đầu tiên của cả nước, tập trung nhiều ngành công nghiệp có quy mô lớn, gắn liền với cảng biển nước sâu Dung Quất và sân bay quốc tế Chu Lai, là trung tâm kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng.

Để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng và phát triển KCN Dung Quất theo đúng kế hoạch, tiến độ đã định, ngày 16/8/1996, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 553/TTg, thành lập Ban quản lý KCN Dung Quất.

Ngày 5/12/1997, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá 10 đã thông qua Nghi quyết số 07/1997/QH10, về dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất là công trình trọng điểm Quốc gia.

Ngày 10/7/1997, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 514/TTg, về việc đầu tư Dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất.

10 giờ ngày 8/1/1998, động thổ - khởi công xây dựng Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất.

Tháng 11/2005, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được khởi công trở lại, mốc quan trọng đưa KKT Dung Quất bước vào một giai đoạn mới, đó là giai đoạn tăng tốc và phát triển

Ngày 11/3/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 50/2005/QĐ-TTg, về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Dung Quất, cùng với việc gói thầu số 1 và số 4 của Nhà máy lọc dầu Dung Quất được ký kết, khẳng định sự nghiệp Dung Quất phải thực hiện thành công mục tiêu đã đặt ra ngay từ đầu. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, quyết định thúc đẩy tiến trình phát triển của Khu kinh tế Dung Quất; thể hiện sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi; sự quan tâm đúng mức và quyết tâm của Nhà nước ta đối với công cuộc phát triển kinh tế của Khu vực trọng điểm miền Trung.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định thành lập KKT Dung Quất, tình hình thu hút đầu tư vào Dung Quất có những chuyển biến mạnh mẽ, nhiều dự án có quy mô lớn đã đăng ký đầu tư vào KKT Dung Quất, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như các dự án công nghiệp nặng, công nghiệp chế biến, dịch vụ...

Tháng 11/2005, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã khởi công trở lại, tất cả các yếu tố trên đã đưa KKT Dung Quất bước vào một giai đoạn mới, đó là giai đoạn tăng tốc và phát triển.

Ngày 16/8/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1056/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020.

Hiện nay, KKT Dung Quất đã hoàn thiện cơ bản hệ thống hạ tầng thiết yếu; đang tiếp tục phát triển hạ tầng, tiện ích nhằm đáp ứng đồng bộ và tốt hơn yêu cầu của các dự án đầu tư.

Ngày 22/2/2009, cả nước đón chào mẻ dầu đầu tiên xuất xưởng từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất mang nhãn hiệu “Made in Việt Nam”.

Ngày 6/1, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - Nhà máy lọc dầu đầu tiên có công nghệ hiện đại do Việt Nam tự đầu tư, quản lý và vận hành đã được khánh thành.

...Và những con số đầy ấn tượng

Wikipedia đã từng thông tin cho toàn thế giới biết rằng, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, thuộc Khu kinh tế Dung Quất, là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam xây dựng thuộc địa phận xã Bình Thuận và Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một trong những dự án kinh tế lớn, trọng điểm quốc gia của Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ 21.

Nhà máy chiếm diện tích khoảng 810 ha, trong đó 345 ha mặt đất và 471 ha mặt biển. Công suất tối đa của nhà máy là 6,5 triệu tấn dầu thô/năm tương đương 148.000 thùng/ngày, dự kiến đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ở Việt Nam.

Nhà máy sản xuất khí hóa lỏng LPG, propylene, polypropylene, xăng A92 và A95, dầu hỏa, nhiên liệu phản lực, diesel và dầu nhiên liệu. Nhà máy gồm 14 phân xưởng chế biến công nghệ, 10 phân xưởng năng lượng phụ trợ và 8 hạng mục ngoại vi. Các hạng mục chính của nhà máy bao gồm: Cảng nhập dầu thô; Khu bể chứa dầu thô; Các phân xưởng phụ trợ; Các phân xưởng công nghệ; Khu bể chứa trung gian; Đường ống dẫn và khu bể chứa sản phẩm; Cảng xuất sản phẩm bằng đường biển và trạm xuất bằng đường bộ; Đê chắn sóng; Khu nhà hành chính; Nhà máy sản xuất polypropylene.

Dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất được chính thức khởi công ngày 28/11/2005.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được xây dựng với tổng mức đầu tư là hơn 3 tỷ USD (khoảng 40.000 tỷ đồng) với tên dự án là Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất của chủ đầu tư là Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PetroVietnam.

Hợp đồng chính xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ký với Tổ hợp nhà thầu Technip gồm các Nhà thầu: Technip (Pháp), Technip (Malaysia), JGC (Nhật Bản) và Tecnicas Reunidas (Tây Ban Nha).

Để mô tả khối lượng công việc lớn của dự án tổng thầu của Technip đã so sánh: "Tổng số tài liệu thiết kế và sổ tay vận hành chất đầy khoảng 100 xe tải; diện tích các gói thầu chính xấp xỉ 600 hecta, tương đương với 1.200 sân bóng đá; hơn 150.000 tấn vật tư, thiết bị, tương đương với một triệu xe máy; trên 5 triệu mét dây cáp điện, đủ để căng 2 lần từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh; gần 17.000 tấn thép các loại, đủ để xây dựng hai tháp Eiffel; và một nhà máy điện công suất trên 100 megawatt đủ dùng cho cả thành phố Quảng Ngãi". Technip cũng thông báo: việc thiết kế thực hiện với tiêu chí sử dụng tối đa các nguồn lực và phương tiện kỹ thuật của Việt Nam, cho nên 75% công việc của nhà máy sẽ do người Việt đảm nhận. Đã có 1.046 kỹ sư và nhân viên nhà máy được đưa đi đào tạo ở nước ngoài để đảm đương việc vận hành nhà máy Dung Quất.

Những thách thức lòng tin và ý chí

Không phải tự nhiên mà việc triển khai một dự án trọng điểm quốc gia lại bị chậm tận 9 năm so với dự kiến. Và cũng là hiếm hoi khi một dự án được thực hiện lại tốn nhiều cuộc họp và thảo luận của các đại biểu Quốc hội đến như vậy.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, từ khi quy hoạch tới khi hoàn thành nhà máy đã chậm tiến độ 9 năm với nhiều lý do khách quan và chủ quan, tuy nhiên, trong một cuộc thảo luận, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, ĐB Ngô Thị Doãn Thanh đặt câu hỏi: Chậm phải chăng do cơ chế?

Nữ ĐB này tỏ vẻ không hài lòng khi nói, nếu chỉ nêu nguyên nhân chậm tiến độ như báo cáo của Chính phủ thì “áp dụng vào công trình nào cũng đúng". Cụ thể như ngay tại Hà Nội, cũng nguyên nhân từ chủ đầu tư, giải phóng mặt bằng, việc lập dự toán... Đó liệu có là bài học nhãn tiền cho các công trình trọng điểm khác quy mô lớn hơn nhiều như nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh)…

Việc chậm tiến độ đã kéo theo tăng gấp đôi chi phí dự kiến, từ 1,5 lên 3 tỷ USD, nhiều ĐB cho rằng liệu tăng thời gian và chi phí như vậy thì hiệu quả kinh tế tới đâu? ĐB Lê Thanh Bình (Bắc Ninh) cho rằng, nhà máy lọc dầu này sản xuất ra xăng dầu nhưng giá thành có khi lại cao hơn giá chúng ta nhập về. Cùng nội dung phát biểu này, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP Hồ Chí Minh) cũng băn khoăn: Chúng ta bỏ ra 3 tỷ đô la, trong vòng bao lâu chúng ta thu hồi được vốn đầu tư này. Hiệu suất thu hồi trên vốn đầu tư như thế nào...?

Những thách thức lòng tin và ý chí còn từ bên ngoài biên giới. Các nguồn thông tin cho hay, ngay từ khi còn thai nghén, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã chịu nhiều chỉ trích quốc tế về địa điểm và giá trị của nó. Những người chỉ trích cho rằng, chính trị đã xen vào quyết định kinh tế. Năm 1995, tập đoàn Total SA của Pháp đã chấm dứt thương lượng đầu tư với lý do rằng Chính phủ đòi phải đặt nhà máy tại miền Trung, cách xa những cơ sở hạ tầng dầu mỏ trong nước. Năm 1997, Ngân hàng Thế giới nói dự án này sẽ "không làm gì cho nền kinh tế", và năm sau, Quỹ Tiền tệ Quốc tế nói rằng giá trị của dự án này "đáng ngờ". Năm 1998, mặc dù đã ký hợp đồng tham gia, tập đoàn Zarubezhneft cho rằng vịnh Dung Quất là "một địa điểm rất xấu", và đến năm 2002 đã rời bỏ dự án. Năm 2003, Liên Hiệp Quốc đã nhắc đến dự án này khi nói rằng Việt Nam nên tránh xa những "đầu tư có thu nhập thấp"...

Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang vận hành an toàn, ổn định, với 100% công suất

Tất cả còn đang ở phía trước

Cho đến giờ này, nhiều người đã bớt nỗi lo âu về đứa con đầu lòng cho nền công nghiệp lọc - hóa dầu Việt Nam. Những nỗ lực của PVN cũng như của Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã chấm những dấu son đáng ghi nhận trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn của đất nươc. Để đạt được những thành tựu ấy quả không dễ dàng.

Hẳn nhiều người còn nhớ, để bảo đảm nguồn nhiên liệu cung ứng cho các nhu cầu, từ đầu năm 2013, Nhà máy lọc dầu Dung Quất liên tục hoạt động với 100% công suất ngay trong những ngày Tết đến, xuân về. Hàng trăm công nhân, kỹ sư đã tổ chức ăn Tết ngay tại nhà máy và thực hiện 3 ca, 4 kíp, bảo đảm giữ vững ổn định sản xuất với mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu của quý I-2013 trước thời hạn.

Chủ động đảm bảo nguồn dầu thô cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vận hành liên tục, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) chủ trương tiếp tục đẩy mạnh việc nhập khẩu các lô dầu nước ngoài, tăng dần và tiến đến thay thế nguồn dầu thô Bạch Hổ, chủ động đảm bảo nguồn dầu thô cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vận hành liên tục, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, tiếp tục mở rộng nghiên cứu các nguồn dầu thô phục vụ cho việc nâng cấp, mở rộng nhà máy theo chỉ đạo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Theo BSR, để bảo đảm nguồn dầu thô cho sản xuất, kết hợp đa dạng hóa nguồn cung cấp dầu thô đầu vào cho Nhà máy, tăng hiệu quả kinh tế, BSR đã nghiên cứu tìm kiếm và nhập các nguồn dầu thô thay thế từ nước ngoài, đưa về phối trộn với dầu thô mỏ Bạch Hổ, tỷ lệ phối trộn trung bình hiện nay đạt khoảng 15% trên tổng lượng dầu thô, bao gồm dầu mua từ các nước Libya, Ạzerbaijan, Brunei, Malaysia.

Tính từ ngày kết thúc kỳ bảo dưỡng cuối cùng (tháng 8/2012) đến nay, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã vận hành liên tục, an toàn và hiệu quả, ổn định theo công suất thiết kế. BSR đã đưa vào vận hành sản xuất trên 305 chuyến dầu thô, với tổng khối lượng 24,3 triệu tấn.

Cùng với đó là nhiều công việc phải làm và làm quyết liệt. Ngoài việc quyết tâm vận hành tuyệt đối an toàn, ổn định và tối ưu hóa quá trình sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, công tác an ninh, an toàn, môi trường và phòng chống cháy nổ luôn được nhà máy đặc biệt chú trọng.

Đến nay, BSR đã thiết lập và triển khai nhiều giải pháp an ninh đồng bộ, đặc biệt là chương trình thẻ SAO (thẻ quan sát hành vi an toàn) trong toàn bộ cán bộ, công nhân viên của công ty nhằm thực hiện mục tiêu “Năm an toàn, kỷ cương và hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh.”

Để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2013, trong 6 tháng cuối năm, BSR tập trung vào các nhiệm vụ chính như: Tổ chức quản lý, quyết tâm vận hành nhà máy tuyệt đối an toàn, ổn định và tối ưu hoá quá trình sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; Tiếp tục triển khai chế biến các nguồn dầu thô thay thế dầu thô Bạch Hổ để tăng hiệu quả hoạt động của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; Tối ưu hóa chi phí sản xuất, hoàn thiện, áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Đưa Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất vào vận hành sản xuất ổn định, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh...

Tất cả còn đang ở phía trước. Những kết quả hoạt động của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất từ đầu năm đến nay khiến chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng rằng, đứa con đầu lòng của ngành công nghiệp lọc-hóa dầu Việt Nam sẽ không phụ lòng tin của dân tộc trên bước đường "sánh vai với cường quốc năm châu".

NGUYỄN HOÀNG LINH (tổng hợp)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động