RSS Feed for Nhận thức sai lầm về nhận chìm chất nạo vét cảng biển Vĩnh Tân? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 02:36
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhận thức sai lầm về nhận chìm chất nạo vét cảng biển Vĩnh Tân?

 - Sau loạt bài báo phản biện khoa học về việc nhận chìm chất nạo vét ở cảng biển Vĩnh Tân phục vụ vận chuyển than cho các dự án thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) được đăng tải, Tạp chí Năng lượng Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc, đặc biệt là nhận định của GS, TS. Trần Đức Thạnh về "thủy thạch động lực", "điều không thể có về sinh vật bị chôn vùi", và vấn đề "bùn cát lắng đọng nhanh", vv... Trước hết, thay mặt nhóm tác giả, chúng tôi xin chân thành cảm ơn bạn đọc và GS,TS. Trần Đức Thạnh đã quan tâm tới các bài báo, trong đó có một số nhận xét, tạo điều kiện cho chúng tôi được giải trình và làm rõ hơn các kết quả với công luận. Dưới đây, chúng tôi xin trả lời các câu hỏi bạn đọc quan tâm.

Nhận chìm chất nạo vét cảng biển: Luật cho phép, nhưng thực tế thế nào?
"Nhận chìm" chất nạo vét cảng biển Vĩnh Tân là phương án hợp lý
Nhiệt điện Vĩnh Tân: "Nhấn chìm" chất nạo vét là giải pháp tối ưu
Nhiệt điện Vĩnh Tân: "Cái khó ló cái khôn"
Tham khảo quốc tế cho dự án nạo vét cảng biển ở Vĩnh Tân
Đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn để nhận chìm chất nạo vét ở Vĩnh Tân

 

1. Bài báo cho rằng, hầu hết sinh vật bị chôn vùi dưới lớp bùn đổ thải dày trên 3m, mà vẫn có thể di chuyển lên mặt đáy tiếp tục sinh sống. Đó là điều không thể có.

Như kết quả khảo sát của Viện Hải dương học đã chỉ ra, đáy biển khu vực nhận chìm là đáy cát, nghèo nàn về sinh thái, có một ít con móng tay loại nhỏ. Ngoài ra, tại đáy biển có nhiều lỗ, có thể là của lươn, hoặc nhệch biển. Ngoài ra, chắc chắn có rất nhiều giun.

Ta biết rằng, nhận chìm được thực hiện trong rất nhiều ngày (ước tính là 150 ngày) với tổng độ dày khoảng 3,3m cát trên đáy biển. Như vậy, nếu chia cho toàn bộ thời gian nhận chìm thì mỗi ngày lượng cát phủ lên đáy biển không quá 10cm.

Tất nhiên, do cát không chia đều cho toàn bộ diện tích. Điều đó có nghĩa là mỗi ngày lượng cát nhận chìm ở mỗi vị trí chỉ khoảng vài ba chục cm. Lươn, nhệch, giun biển có thể dễ dàng xuyên qua lớp cát này để lên mặt. Thậm chí con móng tay, nếu lớp cát nhận chìm hàng ngày nhỏ hơn 10cm nó vẫn có thể xuyên qua và ngày qua ngày, rất có khả năng nó sẽ thoát chết.

2. Vấn đề nạo vét và đổ thải bùn cát ở đây không liên quan gì đến quá trình ngưng keo, kết bông. Do không hiểu bản chất của hiện tượng, bài báo đã đưa vấn đề này vào để chứng minh bùn cát đổ thải xuống được lắng đọng nhanh.

Bạn đọc cần chú ý đọc kỹ hơn bài viết:

"Khi nhận chìm, bùn, sét và các chất độc (nếu có) trong chất nạo vét có thể hòa tan vào nước và được dòng chảy biển mang đi, ảnh hưởng tới các khu vực xung quanh. Theo kết quả phân tích đối với dự án nhận chìm chất nạo vét tại Vĩnh Tân do Trung tâm công nghệ xử lý môi trường (Bộ Tư lệnh Hóa học) thực hiện một cách độc lập, trong thành phần của chất nạo vét không thấy có chất độc hại như: kim loại nặng, hoặc các chất độc hại khác vượt quá mức cho phép. Như vậy, vấn đề cần quan tâm khi nhận chìm chất nạo vét chỉ là nước đục chứ không phải là hàm lượng của các chất độc hại".

Như vậy, vấn đề cần quan tâm ở đây là nước đục do bùn gây ra. Bùn sét lẫn với cát tại khu vực nạo vét đã được nén chặt qua nhiều năm nên khá chắc và dẻo. Khi mở đáy xà lan, bùn này sẽ rơi xuống biển và một phần bùn sẽ bị hòa vào nước thàng nước đục. Phần còn lại là cát lẫn bùn lắng đọng nhanh xuống đáy biển và cho dù có dòng chảy biển rất mạnh, lượng bùn cát bị nhận chìm cũng không "đi lạc" khỏi khu vực nhận chìm vài chục mét.

Vấn đề còn lại, mà rất nhiều người dân và nhà khoa học quan tâm là nước đục sẽ bị vận chuyển và lắng đọng tại khu bảo tồn biển Hòn Cau, bãi cạn Breda, khu lấy nước nuôi tôm giống, làm muối. Thậm chí có nhà khoa học và Hội nghề cá còn lo lắng nước đục sẽ trôi nổi trong nước biển để sau này bị vận chuyển vào và lắng đọng tại khu bảo tồn biển Hòn Cau. Bài báo đưa ra hiện tượng kết bông của bùn trong nước biển để giải thích cơ chế lắng đọng của bùn và đảm bảo khu vực bị ảnh hưởng của bùn không quá xa.

Bạn đọc có thể tham khảo kinh nghiệm của các nước Tây Âu và Bắc Âu (thuộc Công ước OSPAR) về tác động của nước đục tại trang: https://www.ospar.org/work-areas/eiha/dredging-dumping

Theo kết quả nghiên cứu này, tác động của nước đục tới hệ sinh thái là không đáng kể (negligible) và  ảnh hưởng của nhận chìm tới hệ sinh thái không vượt quá giới hạn 5km từ khu vực nhận chìm.

3. Ở phần kết luận, bài báo cho rằng bùn cát đổ thải sẽ được sóng dài đưa vào bồi đắp bờ. Đây là một nhận thức sai lầm về thủy thạch động lực. Bản chất sóng biển là sóng ngang, vật liệu bùn cát không thể di chuyển theo phương truyền sóng để vào bờ. Chỉ trong phạm vi đới sóng vỡ, vật liệu cát mới có thể di chuyển vào và góp phần bồi tụ bờ. Trong vùng biển này, độ cao sóng cực đại có thể đạt khoảng 7m, vì vậy chỉ những vật liệu cát mặt đáy từ khoảng độ sâu trên dưới 10m mới có khả năng di chuyển vào bờ. Vùng đỏ bùn nạo vét sâu trên 30m, bùn cát sao có thể di chuyển vào bồi đắp bờ được?

Tất cả những người nghiên cứu về sóng biển đều biết rõ là sóng biển có thể tác động tới đáy biển nếu độ sâu đáy biển không vượt quá ½ bước sóng. Với sóng có chu kỳ 8s, độ sâu đáy biển mà sóng có thể tác động tới khoảng 50m. Với các sóng có chu kỳ dài hơn, độ sâu này còn lớn hơn nhiều. Khi tác động tới đáy, do tính chất phi tuyến của nó, sóng có thể làm cho cát vận chuyển rất chậm theo hướng truyền sóng. Vì vào bờ, sóng thường có xu hướng vỗ bờ nên chính chuyển động này của sóng đã vận chuyển cát từ độ sâu khá lớn vào bờ.

Với các vùng bờ biển, luôn có hai mùa. Mùa xói lở bờ thường xảy ra vào mùa đông, khi các sóng lớn có chu kỳ khá ngắn vỡ gần bờ, khuấy động bùn cát để dòng sát đáy (undertow) mang ra xa, gây xói lở bờ. Vào mùa hè, sóng dài từ biển khơi xa truyền vào có chy kỳ dài và độ lớn nhỏ sẽ tác động tới đáy và vận chuyển cát vào bờ.

Kết quả nghiên cứu của các tác giả Gao, Chen và Luo trong bài báo dưới đây có sử dụng mô hình vật lý cho thấy sóng có độ cao 0,5m và chu kỳ 12s có thể làm bùn cát tại độ sâu 7,5m chuyển động.

https://books.google.com.vn/books?id=JLBIriuvQOwC&pg=PA117&lpg=PA117&dq=longwave+and+harbour+siltation&source=bl&ots=KLAKr2pC-u&sig=SZyrfhBT-0k4r7-z-GqxgULgvXs&hl=vi&sa=X&ved=0ahUKEwjJoZjA8MfVAhUGq48KHX87ARkQ6AEIVzAG#v=onepage&q=longwave%20and%20harbour%20siltation&f=false

Rõ ràng là sóng có độ cao 0,5m sẽ chỉ vỡ ở độ sâu lớn nhất là 1m. Như vậy, điều kiện để sóng gây ra vận chuyển bùn cát không nhất thiết là sóng vỡ. Trên cơ sở các kết quả thí nghiệm vật lý, các tác giả của bài báo kết luận rằng nguyên nhân chính gây ra bồi lấp cảng ở Indonesia là tác động của sóng dài.

Thật ra, tác dụng của sóng dài tới vận chuyển bùn cát và bồi lấp cảng đã được nghiên cứu từ lâu trên thế giới và các cảng hiện đại đã được thiết kế bằng cách tính toán để giảm thiểu lượng bùn cát do sóng dài đưa vào cảng.

Trong bài báo “Numerical Modeling of Coastal Dredged Material Placement Study at Noyo Harbor, CA” các tác giả Lin, Li, Brown, Andes và Wu đã nghiên cứu quá trình vận chuyển cát nạo vét cảng được nhận chìm gần bờ ở Mỹ cho thấy sóng có độ cao cực đại từ 2,1m tới 4,7m có thể vận chuyển cát nạo vét cảng được nhận chìm ở độ sâu nằm trong khoảng từ 12m tới 18m vào bờ.

Ngoài hai bài báo nêu trên, còn nhiều công trình nghiên cứu khác trên thế giới về tác dụng của sóng dài tới vận chuyển bùn, cát ở độ sâu lớn.

Sau khi được sóng vận chuyển ra biển, dưới tác dụng đồng thời của sóng và dòng chảy biển, cát sẽ trải qua một quá trình "lựa chọn". Trong quá trình này, bùn được mang ra lắng đọng ở nơi xa nhất; tiếp đó là cát mịn, và gần bờ, trên bãi là cát thô.

Các kết quả khảo sát của Viện Hải dương học cho thấy đáy biển ở khu vực nhận chìm là cát mịn, chọn lọc tốt. Đây chính là sản phẩm của quá trình vận chuyển bùn cát do sóng và dòng chảy nêu trên.

Các kết quả đo đạc sóng do các nhà khoa học Nhật Bản thực hiện bằng máy tự ghi tại cửa vịnh Đà Nẵng và ngoài khơi khu vưc cảng Kỳ Hà cho thấy gần bờ biển Viêt Nam có các sóng dài với chu kỳ tới tận 12s tới 15s. Chính những sóng có chu kỳ dài hơn 8s vào mùa hè là nguyên nhân đã vận chuyển cát vào bờ, tạo ra mùa bồi ở các vùng bờ biển miền Trung. Các sóng dài này có thể tác động tới đáy biển ở độ sâu 36m để vận chuyển dần cát vào bờ, và qua một thời gian dài, khôi phục dần đáy biển lại vị trí giống như trước khi nhận chìm.

THAY MẶT NHÓM TÁC GIẢ: PGS, TS. VŨ THANH CA - THÀNH VIÊN NHÓM CHUYÊN GIA VỀ MÔI TRƯỜNG BIỂN (LIÊN HỢP QUỐC)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động