Nghệ An ưu tiên phát triển điện tái tạo ở vùng núi cao
14:24 | 18/08/2017
- Thông tin từ Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Nghệ An cho biết: Dự án "Cấp điện nông thôn từ nguồn năng lượng tái tạo" với số vốn đầu tư 67 tỷ đồng, được xây dựng tại 20 thôn bản thuộc 11 xã của các huyện miền núi cao, bao gồm: Kỳ Sơn, Quế Phong, Con Cuông, Quỳ Hợp. Tại các địa phương được lựa chọn, dự án đã xây dựng 5 trạm điện năng lượng mặt trời (dung lượng 5 kVA), 700 bộ phát điện năng lượng mặt trời (dung lượng 3-500 VA), 265 bộ thủy điện nhỏ gia đình (dung lượng 3-600 VA). Ngoài ra, đầu tư thiết bị điện gồm dây dẫn và các phụ kiện, mạng điện trong nhà cho 970 hộ dân.
Với dự án này, Nghệ An đã ưu tiên cấp điện cho các xã chưa có điện, những địa phương có tỷ lệ số hộ dân nông thôn sử dụng điện lưới quốc gia thấp hơn mức bình quân chung toàn tỉnh, những địa bàn trọng yếu về an ninh, quốc phòng.
Từ cuối năm 2012, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 8217/QĐ-BCT phê duyệt "Quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo vùng đồng bằng, trung du Bắc bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020". Thực hiện chương trình này, Sở Công Thương được UBND tỉnh Nghệ An giao nhiệm vụ lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án "Cấp điện nông thôn từ nguồn năng lượng tái tạo" để cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện. Từ đó thu hút mọi nguồn lực đầu tư phát triển lưới điện để cung cấp điện với chất lượng bảo đảm tại khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo nhằm tạo điều kiện cho người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được sử dụng điện để sản xuất và phục vụ đời sống.
Theo khảo sát, đánh giá của Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Nghệ An, địa phương này có tiềm năng dồi dào và khá đa dạng về năng lượng tái tạo, nhưng cho đến nay việc đầu tư vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có. Nguyên nhân chủ yếu là tính kinh tế của nguồn năng lượng tái tạo chưa thực sự hấp dẫn, cùng với đó là các rào cản liên quan tới các chính sách và tổ chức hỗ trợ cho phát triển năng lượng tái tạo; thiếu thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quy hoạch và hoạch định chính sách; công nghệ và dịch vụ phụ trợ cho năng lượng tái tạo chưa phát triển; khó tiếp cận nguồn vốn... đã hạn chế việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo.