RSS Feed for Ngành hạt nhân Việt Nam trước thách thức nhân lực | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 14:31
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Ngành hạt nhân Việt Nam trước thách thức nhân lực

 - Nhiệm vụ chuẩn bị nguồn và tăng cường nhân lực đối với Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM) từ nay đến năm 2020 không chỉ để duy trì cho hoạt động của Viện đến năm 2020, hay 2025, mà quan trọng hơn là chuẩn bị nguồn nhân lực cho Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân.

Tại sao Việt Nam cần điện hạt nhân?
Nhân lực điện hạt nhân: Việt Nam có tiềm năng lớn
Nơi đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân chất lượng cao

Liên bang Nga giúp Bolivia khởi công xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân tại El Alto vào ngày 31/7/2016. Theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Liên bang Nga - ROSATOM, Trung tâm Năng lượng hạt nhân của Bolivia sẽ là Trung tâm hạt nhân quan trọng, lớn nhất, hiện đại nhất ở châu Mỹ Latinh.

Một Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân cũng sẽ được xây dựng tại Việt Nam, theo bản thỏa thuận giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã ký ngày 22/11/2011. Dự án sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nga dành cho Việt Nam khoảng 500 triệu USD, gồm hai hợp phần dự án tại Đà Lạt và Hà Nội. Trọng tâm dự án là lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu, có công suất dự kiến khoảng 15MWt, gấp 30 lần so với lò phản ứng hạt nhân hiện tại ở Đà Lạt. Việc xây dựng Trung tâm nghiên cứu mới sẽ giúp Việt Nam có điều kiện triển khai thực hiện các nghiên cứu hiện đại, thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và từng bước nâng cao tiềm lực khoa học, công nghệ hạt nhân quốc gia.

Cạnh đó, việc xây dựng Trung tâm sẽ nâng cao năng lực khoa học công nghệ lâu dài để tiếp thu công nghệ được chuyển giao, tiến tới sự tự chủ trong vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa nhà máy điện hạt nhân, đảm bảo cho các nhà máy này vận hành an toàn, đạt hiệu quả kinh tế.

Nhiều giải pháp đào tạo được đưa ra và ứng dụng, song vấn đề năng lực cho ngành hạt nhân nói chung, cho Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân nói riêng vẫn đứng trước nhiều thách thức.

Cuối năm 2013, VINATOM, khi đó có 190 người, đã có kế hoạch nhân sự cụ thể, dự kiến đến 2015 có 210 người và đến 2020 sẽ có 250 người và duy trì ổn định ở mức này đến 2025, trước khi chuyển các hoạt động nghiên cứu và dịch vụ chính (khai thác các kênh ngang, sản xuất đồng vị phóng xạ, phân tích kích hoạt…) từ Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt sang Lò phản ứng nghiên cứu mới của Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân. Theo kế hoạch này, mỗi năm Viện cần tuyển 15 người, trong đó 10 người mới và 5 người để bù vào số nghỉ hưu chế độ hàng năm.

Tuy nhiên, từ nay đến năm 2020, khi Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân dự kiến đi vào hoạt động, cần huy động 80-100 người của VINATOM tham gia dự án này. Các vị trí quản lý dự án, tham gia thiết kế các hạng mục, giám sát kỹ thuật trong quá trình thi công… và đảm nhận các lĩnh vực hoạt động chính của Trung tâm đòi hỏi những người có kinh nghiệm, trình độ, sức khỏe và tâm huyết với ngành năng lượng nguyên tử, đã có ít nhất 10-15 năm công tác tại Viện. 

Như vậy, nếu tính tổng hợp cả nhu cầu nhân lực để duy trì ổn định hoạt động của VINATOM như dự kiến, là 250 người vào năm 2020 và nhu cầu bổ sung 10 người/năm cho Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân, thì nhu cầu tuyển dụng nhân lực trẻ vào VINATOM sẽ cần tối thiểu 25 người/năm, liên tục từ 2014 đến 2020.

Trên thực tế, nhân lực của VINATOM có thể không bị ảnh hưởng quá lớn ngay cả khi không được bổ sung nhân lực, nhưng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân sẽ không thể vận hành nếu thiếu những nhân lực này. Các cán bộ trẻ chưa qua đào tạo chuyên sâu tại các cơ quan và các viện nghiên cứu chuyên ngành sẽ không đảm bảo được việc vận hành Trung tâm cũng như triển khai các nghiên cứu mới.

Thực ra, những vướng mắc mà công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chương trình điện hạt nhân đang gặp phải đã được mổ xẻ tại Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực cho chương trình phát triển điện hạt nhân” hồi tháng 7/2015.

Đầu tiên là do Việt Nam chưa có một cái nhìn tổng thể về chương trình này cũng như chưa tạo mối gắn kết với các chương trình ở tầm quốc gia khác và các ngành nghề khác, cho nên việc đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân không được nhận diện đúng, dẫn đến đào tạo dàn trải, gây lãng phí nguồn lực về con người và kinh phí đầu tư.

Cạnh đó, việc chưa có nền tảng công nghệ trong lĩnh vực điện hạt nhân cũng khiến Việt Nam phải phụ thuộc nhiều vào việc cử sinh viên đi nước ngoài đào tạo, dù vẫn tiến hành tuyển sinh trong nước. Trong khi đó, ở nhiều quốc gia chỉ tiếp nhận đào tạo học viên Việt Nam ở bậc thạc sĩ, không nhận đào tạo từ bậc tiến sĩ do có độ chênh về nền tảng công nghệ cơ bản giữa Việt Nam và nước ngoài trên hai phương diện lý thuyết và thực nghiệm.

Một điểm nữa, nghiên cứu và đào tạo lâu nay chưa có sự gắn kết, thậm chí còn tách bạch, nên công tác đào tạo nhân lực chưa được hỗ trợ thông qua quá trình nghiên cứu đề tài, dự án khoa học và việc nghiên cứu đề tài, dự án không đặt nặng vấn đề nâng cao năng lực cho các thành viên trẻ. Với đội ngũ kỹ sư công nghệ, kỹ thuật viên chuyên giải quyết các vấn đề kỹ thuật vận hành lò phản ứng; cán bộ nghiên cứu thực hiện công tác R&D với yêu cầu cao về công bố quốc tế; cán bộ hành chính đảm trách các vấn đề hoàn thiện văn bản pháp quy, lập kế hoạch...

TS. Hồ Mạnh Dũng - Phó giám đốc Trung tâm phân tích - Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cho rằng, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu công nghệ điện hạt nhân, vì vậy vận hành công nghệ an toàn là quan trọng. Theo ông, Việt Nam cần tập trung đào tạo nhân lực cho chương trình điện hạt nhân vào bốn hướng: An toàn điện hạt nhân; Thiết kế và xây dựng nhà máy; Vận hành và bảo dưỡng nhà máy; Nhiên liệu hạt nhân và chu trình nhiên liệu. Muốn vậy, Việt Nam phải chuẩn bị nhân lực cho những ngành hạt nhân.

Trở lại vấn đề nguồn nhân lực Dự án Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân, một trong những giải pháp được VINATOM đưa ra để nâng cao trình độ nhân lực hạt nhân là kết hợp đào tạo tại chỗ với đào tạo nước ngoài.

Theo đó, sau tuyển dụng, các cán bộ trẻ được phân về các phòng thí nghiệm làm việc theo phương thức “vừa học, vừa làm” với sự kèm cặp của các cán bộ giàu kinh nghiệm. Các cán bộ trẻ được tạo điều kiện tham gia các nhóm nghiên cứu và bắt buộc phải học tiếng Nga và tiếng Anh.

Chưa hết, sau 3-5 năm thực tế, những cán bộ trẻ xuất sắc sẽ được lần lượt lựa chọn để đưa ra nước ngoài đào tạo qua các kênh hợp tác song phương, đa phương, học bổng của Chính phủ hoặc học bổng của các viện, trường quốc tế… cạnh đó, trong đàm phán Dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân với Liên bang Nga, cần đặt vấn đề đào tạo đội ngũ tối thiểu, khoảng 50 người, để tham gia vận hành và đảm nhận các hướng nghiên cứu chính với thời gian đào tạo 6-12 tháng.

Muốn vậy, cần chọn các cán bộ đã có thời gian làm việc từ 5-10 năm tại các viện, trung tâm nghiên cứu của VINATOM, với cam kết sau đào tạo sẽ trở lại làm việc cho Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân.

TS. Hồ Mạnh Dũng - Phó giám đốc Trung tâm phân tích NRI khẳng định: để phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân, Việt Nam cần có ba giải pháp chính:

Một là, tập hợp lại đội ngũ nghiên cứu về vật lý hạt nhân còn tản mát do đảm trách quá nhiều công việc.

Hai là, tách nhóm nghiên cứu vật lý lò phản ứng ra khỏi công việc vận hành lò thường xuyên như theo cách làm của nhiều quốc gia tiên tiến, bởi việc đảm nhiệm song song dễ dẫn đến tình trạng chủ quan trong vận hành và dễ sai về mặt quy phạm an toàn, đồng thời ít có thời gian tập trung nghiên cứu.

Ba là, lập nhóm nghiên cứu neutron để tìm hiểu và chuẩn bị cho các kỹ thuật neutron mới.

HẢI VÂN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động