RSS Feed for Nên xem lại khu vực nhận chìm chất nạo vét cảng biển Vĩnh Tân | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 10/12/2024 09:08
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nên xem lại khu vực nhận chìm chất nạo vét cảng biển Vĩnh Tân

 - Tạp chí Năng lượng Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều ý kiến, bình luận, phản biện tâm huyết của độc giả về việc nhận chìm chất nạo vét ở cảng biển Vĩnh Tân phục vụ vận chuyển than cho các dự án thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Trong đó, có ý kiến của độc giả, chuyên gia Nguyễn Trung Thành cho rằng, với một vùng biển mở, thì khối lượng bùn (chưa đến 1 triệu m3 chất nạo vét khu nước trước bến và vũng quay tàu xuống khu vực biển đã được chọn ở vùng biển Bình Thuận - BBT) là không đáng kể (so với tải trọng trầm tích Sông Mekong đổ ra biển vào mùa lũ vào khoảng 80 triệu tấn/năm - số liệu của Milliman và Syvitski công bố). Tuy nhiên, việc tiến hành quan trắc giám sát cần được thực hiện. Việc điều tra của Viện Hải Dương học Nha Trang không nên dừng lại trong 30 ha nhận chìm, mà nên trên diện tích rộng hơn. Các bản đồ trầm tích khu vực nên xem lại, vì đáy biển nền cát có thể có diện tích rộng hơn nhiều so với khu vực được cấp phép nhận chìm.

Nhận thức sai lầm về nhận chìm chất nạo vét cảng biển Vĩnh Tân?
Nhận chìm chất nạo vét cảng biển: Luật cho phép, nhưng thực tế thế nào?
"Nhận chìm" chất nạo vét cảng biển Vĩnh Tân là phương án hợp lý
Nhiệt điện Vĩnh Tân: "Nhấn chìm" chất nạo vét là giải pháp tối ưu
Nhiệt điện Vĩnh Tân: "Cái khó ló cái khôn"
Tham khảo quốc tế cho dự án nạo vét cảng biển ở Vĩnh Tân
Đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn để nhận chìm chất nạo vét ở Vĩnh Tân

Dưới đây là lập luận của chuyên gia Nguyễn Trung Thành và ý kiến phản hồi PGS, TS. Vũ Thanh Ca (Thành viên Nhóm chuyên gia về Môi trường biển của Liên Hợp quốc)

1/ Thực ra việc nhận chìm chất nạo vét mà chủ yếu là cát và thô hơn cát với tỷ lệ lớn hơn 80%, tức phần bùn nhỏ hơn 20% (không có chất ô nhiễm), thì phần bùn sẽ chiếm khoảng 200.000 m3. Thông thường thể tích nước chiếm trong bùn sẽ vào khoảng 40%, thì thể tích bùn khô sẽ còn khoảng 120.000 m3.

2/ Giả sử khối lượng riêng của bùn tương ứng với khối lượng riêng gần với khối lượng riêng của thạch anh là 2,55 g/cm3, có nghĩa là 2500 kg/m3 = 2,5 tấn/m3.

3/ Khối lượng bùn đổ thải sẽ vào khoảng: 120.000 m3 x 2,55 tấn/m3 = 306000 tấn = 0,306 triệu tấn bùn.

Như vậy, vùng biển này sẽ nhận được 0,306 triệu tấn bùn sau khi công việc đồ thải hoàn thành dự kiến trong vòng 6 tháng. Chúng ta đem khối lượng vật liệu này so với tải trọng trầm tích Sông Mekong đổ ra biển vào mùa lũ vào khoảng 80 triệu tấn/năm (lấy thấp hơn số liệu công bố ~130-160 triệu tấn/năm của Milliman và Syvitski, năm 1992 ) - tức lượng bùn ở đây chỉ ≤ 0,0038 % tải trọng phù sa của Sông Mekong đưa ra biển vào mùa lũ trong một năm.

Với một vùng biển mở, thì khối lượng bùn này là không đáng kể. Tuy nhiên, việc tiến hành quan trắc giám sát cần được thực hiện. Việc điều tra của Viện Hải Dương học Nha Trang không nên dừng lại trong 30 ha nhận chìm, mà nên trên diện tích rộng hơn. Các bản đồ trầm tích khu vực nên xem lại, vì đáy biển nền cát có thể có diện tích rộng hơn nhiều so với khu vực được cấp phép nhận chìm. Điều này liên quan đến vấn đề phục hồi hệ sinh thái đáy. Tại đáy biển khu vực nhận chìm, có thể một số sinh vật có thể chết, một số có thể tồn tại.

Tuy nhiên, sau khi dừng việc nhận chìm này, các sinh vật đáy như vậy ở khu vực lân cận có thể di chuyển trở lại. Bởi, khi độ hạt đáy biển phong phú hơn, thì hệ sinh thái đáy biển cũng sẽ phong phú hơn.

Chúng tôi đồng ý với các đánh giá trên chuyên gia Nguyễn Trung Thành. Vì bùn, sét lẫn cát trong một số lớp trầm tích bị nén chặt khá lâu nên khá rắn chắc và với kỹ thuật nạo vét cùng kỹ thuật nhận chìm bằng xà lan mở đáy, sẽ chỉ có một phần bùn sét bị hòa tan ra thành nước đục và bị vận chuyển đi xa. Như chúng tôi đã trả lời trong ý kiến phản hồi ý kiến của GS, TS. Trần Đức Thạnh, các nghiên cứu, đánh giá của Ủy ban Công ước OSPAR tại trang: https://www.ospar.org/work-areas/eiha/dredging-dumping cho thấy tác động của nước đục tới hệ sinh thái là không đáng kể (negligible) và  ảnh hưởng của nhận chìm tới hệ sinh thái không vượt quá giới hạn 5km từ khu vực  nhận chìm.

Tuy vậy, để đảm bảo loại trừ mọi khả năng tác động của sự cố do hoạt động nhận chìm gây ra tại khu bảo tồn biển Hòn Cau, bãi cạn Breda và khu lấy nước nuôi tôm giống ven bờ biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra giải pháp quan trắc trong Giấy phép nhận chìm.

Theo đó, nếu như có sự cố xảy ra ngoài những dự liệu thì sẽ dừng ngay hoạt động nhận chìm, xác định nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục. Chỉ sau khi đã thực hiện giải pháp khắc phục thì mới tiếp tục hoạt động nhận chìm.

Chuyên gia Nguyễn Trung Thành cũng cho rằng, về lý giải cát lại vận chuyển ngược vào bờ từ độ sâu (36-40m) do sóng dài là chưa thuyết phục! Về nội dung này Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã trả lời trong phản hồi ý kiến của GS, TS. Trần Đức Thạnh. Chúng tôi xin nhắc lại như dưới đây.

Tất cả những người nghiên cứu về sóng biển đều biết rõ là sóng biển có thể tác động tới đáy biển nếu độ sâu đáy biển không vượt quá ½ bước sóng. Với sóng có chu kỳ 8s, độ sâu đáy biển mà sóng có thể tác động tới khoảng 50m. Với các sóng có chu kỳ dài hơn, độ sâu này còn lớn hơn nhiều. Khi tác động tới đáy, do tính chất phi tuyến của nó, sóng có thể làm cho cát vận chuyển rất chậm theo hướng truyền sóng. Vì vào bờ, sóng thường có xu hướng vỗ bờ nên chính chuyển động này của sóng đã vận chuyển cát từ độ sâu khá lớn vào bờ.

Các nhà nghiên cứu về thủy thạch động lực biển đều biết sóng vỡ có tác động lớn nhất tới tốc độ vận chuyển bùn, cát. Với các vùng bờ biển, luôn có hai mùa. Mùa xói lở bờ thường xảy ra vào mùa đông, khi các sóng lớn có chu kỳ khá ngắn vỡ gần bờ, khuấy động bùn cát để dòng sát đáy (undertow) mang ra xa, gây xói lở bờ. Vào mùa hè, sóng dài từ biển khơi xa truyền vào có chu kỳ dài và độ lớn nhỏ sẽ tác động tới đáy và vận chuyển cát vào bờ.

Kết quả nghiên cứu của các tác giả Gao, Chen và Luo trong bài báo dưới đây có sử dụng mô hình vật lý cho thấy sóng có độ cao 0,5m và chu kỳ 12s có thể làm bùn cát tại độ sâu 7,5m chuyển động.

https://books.google.com.vn/books?id=JLBIriuvQOwC&pg=PA117&lpg=PA117&dq=longwave+and+harbour+siltation&source=bl&ots=KLAKr2pC-u&sig=SZyrfhBT-0k4r7-z-GqxgULgvXs&hl=vi&sa=X&ved=0ahUKEwjJoZjA8MfVAhUGq48KHX87ARkQ6AEIVzAG#v=onepage&q=longwave%20and%20harbour%20siltation&f=false

Rõ ràng là sóng có độ cao 0,5m sẽ chỉ vỡ ở độ sâu lớn nhất là 1m. Như vậy, điều kiện để sóng gây ra vận chuyển bùn cát không nhất thiết là sóng vỡ. Trên cơ sở các kết quả thí nghiệm vật lý, các tác giả của bài báo kết luận rằng nguyên nhân chính gây ra bồi lấp cảng ở Indonesia là tác động của sóng dài.

Thật ra, tác dụng của sóng dài tới vận chuyển bùn cát và bồi lấp cảng đã được nghiên cứu từ lâu trên thế giới và các cảng hiện đại đã được thiết kế bằng cách tính toán để giảm thiểu lượng bùn cát do sóng dài đưa vào cảng.

Trong bài báo "Numerical Modeling of Coastal Dredged Material Placement Study at Noyo Harbor, CA" các tác giả Lin, Li, Brown, Andes và Wu đã nghiên cứu quá trình vận chuyển cát nạo vét cảng được nhận chìm gần bờ ở Mỹ cho thấy sóng có độ cao cực đại từ 2,1m tới 4,7m có thể vận chuyển cát nạo vét cảng được nhận chìm ở độ sâu nằm trong khoảng từ 12m tới 18m vào bờ.

Sau khi được sông vận chuyển ra biển, dưới tác dụng đồng thời của sóng và dòng chảy biển, cát sẽ trải qua một quá trình "lựa chọn". Trong quá trình này, bùn được mang ra lắng đọng ở nơi xa nhất; tiếp đó là cát mịn, và gần bờ, trên bãi là cát thô.

Các kết quả khảo sát của Viện Hải dương học cho thấy đáy biển ở khu vực nhận chìm là cát mịn, chọn lọc tốt. Đây chính là sản phẩm của quá trình vận chuyển bùn cát do sóng và dòng chảy nêu trên.

Các kết quả đo đạc sóng do các nhà khoa học Nhật Bản thực hiện bằng máy tự ghi tại cửa vịnh Đà Nẵng và ngoài khơi khu vưc cảng Kỳ Hà cho thấy gần bờ biển Việt Nam có các sóng dài với chu kỳ tới tận 12s tới 15s. Chính những sóng có chu kỳ dài hơn 8s vào mùa hè là nguyên nhân đã vận chuyển cát vào bờ, tạo ra mùa bồi ở các vùng bờ biển miền Trung. Các sóng dài này có thể tác động tới đáy biển ở độ sâu 36m để vận chuyển dần cát vào bờ, và qua một thời gian dài, khôi phục dần đáy biển lại vị trí giống như trước khi nhận chìm.

Vấn đề lớn đối với khu vực này, theo chuyên gia Nguyễn Trung Thành là tro xỉ than, sau khi đốt để sản xuất điện và nước thải của nhà máy mới là vấn đề lớn cần quan tâm, theo dõi và tìm giải pháp hợp lý cho khu vực. Về nội dung này chúng tôi hoàn toàn đồng ý với độc giả.

Chuyên gia Nguyễn Trung Thành cho biết thêm: Về quy luật chính tích tụ trầm tích ở thềm lục địa miền Trung là hẹp và dốc. Hàng năm các con sông miền Trung cũng tải ra biển một lượng trầm tích lớn vào mùa lũ. Các trầm tích cát tích tụ chủ yếu ở dải ven bờ biển và vùng thềm trong với độ sâu thường nông hơn 20-30m. Trầm tích mịn bùn sét có thể tích tụ trong môi trường lagoon có đê chắn phía ngoài, phần đưa ra biển chủ yếu tích tụ ở khu vực thềm chuyển tiếp nơi có độ sâu khoảng 30-80m nước, tùy theo đặc điểm từng vùng cụ thể trên thềm này.

Như vậy, quy luật phân bố trầm tích chung này cho thấy, phần cát tích tụ gần bờ ở độ sâu nông, phần bùn sét mịn sẽ có xu hướng tích tụ thềm ra xa bờ biển độ sâu lớn hơn, trên vùng thềm chuyển tiếp. 

Theo quy luật phân bố trầm tích đáy biển này, thì phần bùn sét trong chất nạo vét nếu được nhận chìm xuống khu vực sẽ di chuyển ra vùng biển sâu hơn và tích tụ ở đó.

BAN BIÊN TẬP

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động