Nâng cấp Nhà máy điện Hiệp Phước bằng công nghệ của Siemens
07:38 | 13/11/2019
Từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần 130 tỷ USD cho phát triển điện
Lễ ký kết.
Theo đó, Nhà máy điện Hiệp Phước sau khi cải tạo, nâng cấp sẽ được đốt bằng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) thay vì dầu FO thường được sử dụng từ trước tới nay.
Bằng cách chuyển đổi nhiên liệu, triển khai các tua bin khí thế hệ F hiện đại từ Siemens và sử dụng nhiệt thải từ các tua bin khí để sản xuất điện, lượng khí thải CO2 có thể được cắt giảm gần một nửa cho mỗi kW điện được sản xuất.
Với dự án này, Công ty TNHH Điện lực Hiệp Phước sẽ đảm bảo đồng thời cung cấp điện vừa tin cậy, an toàn vừa thân thiện với môi trường cho TP. Hồ Chí Minh và Việt Nam.
Phạm vi cung cấp của Siemens bao gồm 3 tua bin khí SGT5-4000F, 3 máy phát điện SGen5-1000A, 3 lò hơi thu hồi nhiệt, thiết bị điện và hệ thống điều khiển SPPA-T3000 liên quan.
Sau khi nhà máy điện đã được cải tạo nâng cấp, nhiệt thải từ các tua bin khí sẽ được sử dụng để sản xuất hơi nước. Hơi nước thu được sẽ được sử dụng để chạy tua bin hơi và máy phát điện hiện có để sản xuất điện.
Nhà máy điện được cải tạo nâng cấp dự kiến sẽ vận hành thử vào giữa năm 2022. Để đáp ứng nhu cầu điện hiện tại ở Việt Nam, Công ty Điện lực Hiệp Phước sẽ có thể cung cấp khoảng 520 MW cho lưới điện vào giữa năm 2021 thông qua vận hành tua bin khí theo chu trình hở.
“Chúng tôi tự hào có thể hỗ trợ Công ty Điện lực Hiệp Phước cải thiện đáng kể tình hình cung cấp điện bằng giải pháp thân thiện với môi trường. Đồng thời, việc sử dụng công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp một cách hiệu quả sẽ giúp đa dạng hóa chức năng vận hành của nhà máy và do đó làm tăng độ linh hoạt cho khách hàng” - Ông Andreas Pistauer, Giám đốc Ban Khí và Điện của Siemens ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát biểu.
Siemens là nhà cung cấp hàng đầu về nhà máy điện chu trình hỗn hợp trên thị trường Việt Nam với các dự án tiêu biểu như: Phú Mỹ 2.1 (mở rộng), Phú Mỹ 3, Cà Mau 1 và 2, Nhơn Trạch 2.
Nhà máy điện Hiệp Phước hiện hữu có công suất 375 MW, đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 1993. Nhà máy có tổng vốn đầu tư khoảng 280 triệu USD và sử dụng nhiên liệu dầu FO.
Nhà máy vận hành đến tháng 8/2011 thì ngừng hoạt động thương mại và không phát điện lên hệ thống lưới điện quốc gia.
Sau gần 10 năm ngừng hoạt động thương mại, UBND TP. Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch nâng cấp Nhà máy điện Hiệp Phước thành nhà máy điện dùng tua bin khí hiện đại.
Theo phương án dự kiến, trong giai đoạn 1, Nhà máy đạt công suất 1.200 MW và được đấu nối vào lưới điện cấp điện áp 110 kV và 220 kV. Giai đoạn 2, Nhà máy sẽ đạt công suất 2.700 MW và hòa lưới điện áp 550 kV. Các trạm biến áp 220 kV và 550 kV cùng đường dây đấu nối đồng bộ sẽ được chủ đầu tư xây bên trong khuôn viên Nhà máy.
Công ty Điện lực Hiệp Phước cho biết do toàn bộ nhà máy mới được xây trên diện tích trước đó của nhà máy nhiệt điện cũ nên có thể tận dụng được cơ sở hạ tầng sẵn có. Ngoài ra, nhà máy điện tua bin khí nằm sát sông Soài Rạp nên tận dụng được cảng hiện hữu cho việc tiếp nhận nhiên liệu và vật tư./.
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM