Một số vướng mắc trong thực hiện điều chỉnh giá điện
08:22 | 24/07/2017
Giá điện Việt Nam sẽ được điều chỉnh như thế nào?
Chỉ số độ tin cậy cung cấp điện tiếp tục được cải thiện
Theo Kiểm toán Nhà nước, định nghĩa về giá bán lẻ điện bình quân và giá bán điện bình quân cơ sở chưa rõ ràng, quy định về tần suất, mức điều chỉnh giá bán điện bình quân giữa 2 lần liên tiếp cũng chưa sát với thực tiễn biến động. Quy định về việc giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với giá điện chưa kịp thời.
Do vậy, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, quy định về thẩm quyền điều chỉnh và trách nhiệm trả lời cần xác định lại cho thích hợp. Bởi quy định về trách nhiệm thẩm định giá chưa rõ ràng sẽ tạo nên những cách hiểu khác nhau - gây khó khăn trong tổ chức thực hiện.
Cụ thể, với quy định về giá bán, Kiểm toán Nhà nước đề nghị nghiên cứu áp dụng chính sách giá bán đối với các đối tượng cụ thể theo công suất, theo thời gian, hoặc có cơ chế điều tiết với nhóm đối tượng sử dụng điện.
Theo Kiểm toán Nhà nước, trên thực tế, hoạt động quản lý, điều hành, cũng như thực hiện cơ chế điều chỉnh giá bán điện đang chịu tác động, ảnh hưởng của một số yếu tố khách quan, tạo nên những khó khăn cho việc đạt mục tiêu, nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện.
Kiểm toán Nhà nước cho rằng, hiện vẫn còn một số khoản chi phí của EVN chưa được phản ánh đầy đủ trong phương án giá điện, đó là: chênh lệch tỷ giá, khấu hao, chênh lệch cước phí vận chuyển khí, vv...
Mặt khác, quyết định mức điều chỉnh giá điện còn lệ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của việc tăng giá đến tình hình kinh tế - xã hội, điều hành vĩ mô, an sinh xã hội. Do đó, có thời điểm tăng giá chưa sát với thực tiễn biến động của các yếu tố chi phí, giá thành.
Đặc biệt là việc ngành điện phải chịu ảnh hưởng rất lớn từ yếu tố thủy văn, thủy lợi cũng như đặc thù vận hành hệ thống điện. Tình trạng khách hàng gian lận kê khai đối tượng sử dụng để được áp dụng mức giá thấp hơn biểu giá, nhưng chưa có chế tài đủ mạnh cũng gây khó khăn cho EVN trong quản lý bán điện.
NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM