Lọc dầu Dung Quất có thể phá sản do chính sách thuế
09:33 | 25/02/2016
Chênh lệch thuế: Lọc dầu Dung Quất gặp khó trong tiêu thụ
Kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Nhìn vào diễn biến của nền kinh tế, có thể thấy ngành Dầu khí Việt Nam đang ở trong một giai đoạn chật vật. Chuyện giá dầu giảm cũng đang là thách thức lớn đối với các công ty sản xuất hàng hóa nguyên liệu mà Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là một ví dụ.
Nút thắt thuế, phí
Bộ Tài chính, ngày 16/12/2015, đã ban hành biểu thuế ưu đãi để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc.
Theo đó, các sản phẩm xăng của Dung Quất hiện áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi là 20% sẽ cao hơn mức nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với sản phẩm xăng nhập từ Hàn Quốc hiện đang áp dụng là 10% (tương đương 4,87 USD/thùng).
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, doanh nghiệp đang không biết bầu víu vào đâu, “chết” là điều không khó hình dung.
PVN khẳng định, việc chênh lệch thuế đối với các mặt hàng dầu đã gây khó khăn cho BSR trong việc tiêu thụ sản phẩm thì việc tiếp tục chênh lệch thuế nhập khẩu với xăng sẽ gây thêm áp lực tiêu thụ và làm xáo trộn tình hình sản xuất của nhà máy.
Các sản phẩm của Lọc dầu Dung Quất dù đã giảm mức phụ phí cũng không thể cạnh tranh được. Tình hình này không chỉ làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của riêng BSR mà lợi ích tổng thể phía Việt Nam.
Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, thời gian qua, dù giá bán giảm 1,3 USD/thùng so với 6 tháng cuối năm 2015, nhưng khách hàng chỉ đồng ý áp dụng với thời hạn 2 - 3 tháng đầu năm 2016 và giảm khối lượng đăng ký mua.
Trong đó, khách hàng lớn nhất là Petrolimex chỉ đồng ý áp dụng mức phụ phí trên cho 2 tháng đầu năm với khối lượng giảm từ 120.000m3/tháng xuống còn 80.000m3/tháng.
PVN đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị vận hành Lọc dầu Dung Quất tiếp tục đàm phán với khách hàng.
Tuy nhiên, do chưa có sự điều chỉnh về thuế nhập khẩu ưu đãi áp dụng đối với sản phẩm của BSR nên tất cả các khách hàng đã đề nghị BSR tiếp tục giảm giá. Điều đó dẫn tới kế hoạch sản xuất - kinh doanh của BSR năm 2016 gặp nhiều rủi ro.
Hơn một lần PVN có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Công Thương về những khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất năm 2016 do có sự chênh lệch giữa thuế suất nhập khẩu ưu đãi của nhà máy với thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam áp dụng với các mặc hàng xăng dầu song đến nay vẫn chưa có phản hồi.
Đầu năm 2016, với việc thuế nhập khẩu xăng từ các nước trong khu vực ASEAN giảm từ 20% về 10% và thuế nhập khẩu diesel giảm về 0%, PVN tuyên bố phải cắt giảm sản lượng, thậm chí tạm đóng cửa Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nếu như không được hạ mức thuế.
Vấn đề ở cơ chế, chính sách
Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được chính thức khởi công ngày 28/11/2005, với tổng mức đầu tư là hơn 3 tỷ đô la Mỹ (khoảng 40.000 tỷ đồng). Nhà máy chiếm diện tích khoảng 810 héc ta, trong đó 345 héc ta mặt đất và 471 ha mặt biển.
Nhà máy sản xuất khí hóa lỏng LPG, propylene, polypropylene, xăng A92 và A95, dầu hỏa, nhiên liệu phản lực, diesel và dầu nhiên liệu. Nhà máy gồm 14 phân xưởng chế biến công nghệ, 10 phân xưởng năng lượng phụ trợ và 8 hạng mục ngoại vi.
Khi xây dựng, người ta dự kiến, với công suất tối đa của nhà máy là 6,5 triệu tấn dầu thô/năm tương đương 148.000 thùng/ngày sẽ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ở Việt Nam.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất do BSR quản lý, ngày 23/2/2009 đã chính thức đón dòng sản phẩm đầu tiên song hiệu quả kinh tế của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đến nay vẫn còn nhiều bàn cãi.
Theo tính toán của PVN, nếu giá dầu ở mức 60 đô-la/thùng thì chỉ riêng năm 2015, Nhà nước phải bỏ ra 1.065,7 tỉ đồng và giai đoạn 2016-2018, mỗi năm phải bỏ ra 3.011 tỉ đồng để bù cho nhà máy này.
Tuy nhiên, Việt Nam là nước nhập siêu sản phẩm xăng dầu, theo các chuyên gia, sự tụt giảm giá dầu quốc tế có tác dụng cắt giảm chi phí đầu vào cho toàn bộ nền kinh tế, kích hoạt tiêu dùng và sản xuất, góp phần bảo đảm nguồn thu ngân sách những năm qua.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2015 xuống mức thấp nhất trong 14 năm qua, chỉ tăng 6% so với cùng kỳ mà nguyên nhân được Tổng cục Thống kê xác định là “nhờ giá xăng dầu giảm”.
Dưới góc độ của một chuyên gia dầu khí, từng có thời gian là Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ông Nguyễn Hiệp nói “hiểu được câu chuyện này” khi trao đổi với Tạp chí Năng lượng Việt Nam.
“Câu chuyện này không liên quan đến vấn đề công nghệ, mà nằm ở cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với các sản phẩm nhiên liệu trong nước và nhập khẩu ở nước ngoài.
Chính sách thuế của nước ta chưa linh hoạt, chưa bình đẳng giữa các thành phần doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu”. Ông Nguyễn Hiệp khẳng định.
Với vấn đề của Dung Quất, doanh nghiệp đang không biết bầu víu vào đâu, “chết” là điều không khó hình dung.
Nói chung chung về các đề nghị hỗ trợ chính sách không giải quyết được vấn đề của Dung Quất.
Ông Hiệp tham vấn: “PVN cần đề xuất với Nhà nước điều chỉnh những vấn đề cụ thể, từng sắc thuế các sản phẩm lọc dầu và thời hạn thi hành”.
HẢI VÂN